Bảo vệ sức khỏe khi thời tiết mưa, rét
Sau Tết, thời tiết bước vào giai đoạn nồm ẩm, mưa phùn và rét, khiến mọi người dễ nhiễm bệnh, nhất là với người già, trẻ nhỏ có sức đề kháng kém. Ngoài một số bệnh truyền nhiễm, như: Covid-19, sốt xuất huyết, sởi, cúm…, thời điểm này, người dân cần chủ động phòng tránh một số bệnh không lây nhiễm, như: Đột quỵ, tim mạch, tăng huyết áp, xương khớp…
Bệnh nhân nhập viện gia tăng
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, trong ngày 11-2, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba (quận Hoàn Kiếm), lượng bệnh nhân đến khám tăng so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Chỉ tính đến đầu giờ chiều, bệnh viện đã khám cho gần 300 lượt người, trong đó lượng bệnh nhân đông nhất là tại Phòng khám Nội - Mãn, Phòng khám Tai - Mũi - Họng và Phòng khám Nhi. Các bác sĩ cho hay, với thời tiết rét đậm, mưa phùn như hiện nay, trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp; đối với người cao tuổi, khi nhiệt độ xuống thấp, cơ thể chưa kịp thích nghi hoặc thích nghi kém có thể làm nặng thêm các bệnh mãn tính (tim mạch, huyết áp, xương khớp, hen phế quản…).
Còn tại Bệnh viện E (quận Cầu Giấy), trung bình mỗi ngày, Khoa Cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận từ 80 đến 100 bệnh nhân, trong đó bệnh nhân đột quỵ não và tim mạch chiếm tỷ lệ cao. Đặc biệt, những ngày gần đây, khi thời tiết rét đậm, độ ẩm cao, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ tăng từ 10% đến 15% ở người lớn tuổi. Ngoài ra, tỷ lệ bệnh nhân đến khám các bệnh liên quan đến đường hô hấp, đau nhức xương khớp cũng tăng từ 10% đến 20%…
Khi nhiệt độ giảm sâu, không chỉ đột quỵ, mà tỷ lệ bệnh nhồi máu cơ tim cũng tăng lên. Có ngày, cùng lúc Khoa Nội tim mạch người lớn, Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện E) tiếp nhận tới 8 bệnh nhân nhồi máu cơ tim và hầu hết là người cao tuổi. Bác sĩ Lý Đức Ngọc, Phó Trưởng khoa Nội tim mạch người lớn chia sẻ, có những người dấu hiệu khởi phát từ 5 đến 7 ngày, nhưng ngại đi khám. Khi đến bệnh viện, bệnh nhân đã ngưng tim và phải cấp cứu, đặt ống nội khí quản, thở máy… Có trường hợp không kịp chờ kết quả xét nghiệm, chẩn đoán đã phải tiến hành phẫu thuật ngay lập tức. Bởi, nếu để qua “thời gian vàng”, bệnh nhân có thể tử vong.
Bên cạnh đó, hình thái thời tiết giao mùa đông - xuân với nhiều thay đổi về nhiệt độ, độ ẩm như hiện nay còn làm tăng nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội), từ ngày 1-1 đến 10-2, trên địa bàn thành phố ghi nhận 10 ca mắc sốt xuất huyết.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, ngoài số ca mắc Covid-19 gia tăng, hiện những bệnh truyền nhiễm lưu hành trong mùa đông - xuân đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, song không vì thế mà người dân chủ quan. Bởi vì với nhiệt độ lạnh, mưa nhiều, thời tiết nồm ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút phát triển nhanh, làm tăng nguy cơ gây bệnh.
Người cao tuổi, trẻ nhỏ cần hết sức lưu ý
Để đề phòng đột quỵ, nhồi máu cơ tim đối với người cao tuổi, bác sĩ Phạm Xuân Hiếu, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện E) khuyến cáo, các bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính, như: Huyết áp, tim mạch, hen phế quản… cần tuân thủ uống thuốc định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Khi có các dấu hiệu đau ngực, khó thở, bệnh nhân cần đến bệnh viện thăm khám. Đặc biệt, cần tăng cường chế độ dinh dưỡng, đủ chất; thực phẩm cho người cao tuổi cần nấu nhừ, dễ tiêu, phù hợp với từng tình trạng bệnh lý…
Thời điểm này, trẻ em bắt đầu trở lại trường học sau thời gian dài phải ở nhà học trực tuyến vì dịch Covid-19. Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) lưu ý, thời tiết như hiện nay, trẻ em rất dễ mắc các bệnh lý hô hấp, trong đó có Covid-19. Chính vì vậy, vai trò của cha mẹ, thầy, cô giáo rất quan trọng trong việc hướng dẫn trẻ những biện pháp phòng, chống nhiễm bệnh, nhất là sau khoảng thời gian dài trẻ sinh hoạt trong nhà, ít tiếp xúc với môi trường xung quanh.
“Cùng với biện pháp tiêm phòng, trẻ em cần được bổ sung dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đề kháng, tập luyện nhằm tránh thừa cân béo phì, kiểm soát tốt các bệnh mãn tính, tránh nhiễm lạnh, bảo đảm thông khí tốt trong môi trường sống, học tập, vệ sinh bàn tay thường xuyên, sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc với người khác… Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ: Sốt, viêm đường hô hấp, tiếp xúc yếu tố nguy cơ... cần kiểm tra ngay và tránh tiếp xúc với người khác, khi chưa có kết quả xét nghiệm”, bác sĩ Nguyễn Thành Nam hướng dẫn.
Trước nguy cơ số ca mắc Covid-19 tiếp tục gia tăng mạnh sau Tết, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà yêu cầu, giám đốc trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cần tăng cường quản lý, theo dõi người nhiễm Covid-19 mức độ nhẹ tại nhà; cấp phát thuốc đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ chuyển tầng, chuyển viện, nhằm giảm áp lực cho tuyến trên. Đối với những trường hợp chuyển nặng cần phải được theo dõi sát sao, kịp thời, nhằm giảm tối đa tỷ lệ tử vong.
(Báo Hà nội mới)
Khẩn trương ban hành hướng dẫn phác đồ điều trị Covid-19 đối với người dưới 18 tuổi
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 37/TB-VPCP (ngày 10-2- 2022) thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về công tác điều trị cho trẻ em nhiễm Covid-19, diễn ra ngày 8-2.
Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan xây dựng kịch bản với các tình huống có thể xảy ra khi học sinh đến trường học tập trung trở lại; không để bị động, lúng túng, bất ngờ. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện, ban hành văn bản hướng dẫn về chuyên môn và phác đồ điều trị Covid-19 đối với người dưới 18 tuổi, nhất là trẻ em dưới 12 tuổi. Bên cạnh đó, chỉ đạo, tổ chức tập huấn ngay cho các bệnh viện trên toàn quốc về công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhi mắc Covid-19, chỉ đạo và hướng dẫn các biện pháp phù hợp để hạn chế tối đa khả năng xảy ra việc khoa nhi trong bệnh viện bị lây nhiễm Covid-19, hoặc quá tải.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ Y tế chủ động, hướng dẫn các địa phương lên kế hoạch huy động tình nguyện viên tham gia thực hiện công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhi nhiễm Covid-19 tại các cơ sở y tế...
(Báo Hà nội mới)
Sáng 14/2: Có 366 ca COVID-19 nặng thở máy, ECMO; Hơn 1 triệu học sinh từ nầm non đến lớp 6 tại TP HCM đi học
Bộ Y tế cho biết đến nay có hơn 2,22 triệu người mắc COVID-19 ở Việt Nam đã khỏi bệnh; Trong số các ca đang điều trị hiện có 366 ca nặng phải thở máy, can thiệp ECMO; Hơn 1 triệu học sinh từ nầm non đến lớp 6 tại TP HCM đi học từ sáng ngày 14/2...
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.510.860 ca mắc COVID-19, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 25.427 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.503.698 ca, trong đó có 2.223.937 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (515.851), Bình Dương (293.300), Hà Nội (168.514), Đồng Nai (100.063), Tây Ninh (88.749).
Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.226.754 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.610 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 1.943 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 301 ca;Thở máy không xâm lấn: 81 ca; Thở máy xâm lấn: 269 ca; ECMO: 16 ca
Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 89 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 38.946 ca, chiếm tỷ lệ 1,6% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN
Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 32.713.695 mẫu tương đương 77.773.547 lượt người, tăng 55.724 mẫu so với ngày trước đó.
Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 185.731.134 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.212.013 liều, tiêm mũi 2 là 74.723.923 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 31.795.198 liều.