Từng bước 'bình thường hóa' với dịch Covid-19
Đến nay, sau hai năm đương đầu với dịch Covid-19, không chỉ Việt Nam mà hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã lần lượt từ bỏ mục tiêu 'không Covid-19'.
Điểm lại quá trình chống dịch có thể thấy, chúng ta đã đi từ áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt như: Truy vết triệt để, phong tỏa chặt, cách ly tập trung… đến việc thích ứng dịch bệnh một cách an toàn, linh hoạt và hiệu quả. Thay đổi có tính bước ngoặt là sự ra đời của Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ về việc ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Cơ sở quan trọng để bước vào cuộc sống “bình thường mới” chính là toàn dân thực hiện đồng bộ, hiệu quả nguyên tắc “5K + vắc xin thuốc điều trị và ý thức”, trong đó vắc xin phòng Covid-19 được coi là “vũ khí” chủ lực và đến nay đã thực hiện thành công. Hiện, Việt Nam cơ bản hoàn thành việc tiêm mũi 1 với các đối tượng từ 18 tuổi, mũi 2 là 98,4% và mũi 3 là 37,4%. Với đối tượng 12-17 tuổi, tỷ lệ mũi 1, mũi 2 lần lượt là 98,8% và 93,5%. Đặc biệt, chúng ta đang tập trung hoàn thành thủ tục mua 22 triệu liều vắc xin Pfizer để tiêm cho trẻ em 5-11 tuổi.
Cùng với tỷ lệ bao phủ vắc xin cao là việc kết hợp hài hòa, hợp lý, linh hoạt giữa điều trị Covid-19 tại cơ sở y tế và tại nhà. Đây là cách hiệu quả kiểm soát chặt chẽ các đối tượng có nguy cơ cao, không để tăng số ca bệnh chuyển nặng, đồng thời tạo nên sự chủ động thích ứng từ việc phòng bệnh đến điều trị Covid-19 ngay từ mỗi gia đình. Những kinh nghiệm quý khác là luôn đề cao ý thức người dân trong chấp hành nghiêm nguyên tắc “5K”; tăng cường lực lượng y tế cơ sở; thực hiện hiệu quả "4 tại chỗ"...
Có thể thấy, kết quả lớn nhất đạt được khi cả nước chuyển sang trạng thái quản lý rủi ro dịch bệnh theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP là mặc dù số ca mắc tăng nhưng đều giảm ở 3 tiêu chí quan trọng trong đánh giá tình hình dịch bệnh là: Tỷ lệ ca nhập viện, ca nặng và tử vong. Hệ thống y tế vẫn đang trụ vững, tăng cường năng lực hồi sức và điều trị các ca nặng. Hầu hết người dân, doanh nghiệp đều hài lòng, tin tưởng vào các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương.
Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp đã có nhiều kinh nghiệm, chủ động, bình tĩnh, kiên trì và nhất quán trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Nhờ vậy, việc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội cũng tiếp tục đạt kết quả tích cực với nhiều triển vọng tốt đẹp đang ở phía trước.
Dù vậy, trong thời gian tới, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng với dự báo diễn biến dịch bệnh tiếp tục phức tạp, khó lường, khó dự báo với biến chủng Omicron. Phải xác định rõ tinh thần khó khăn, thách thức sẽ còn nhiều bên cạnh thời cơ và thuận lợi. Vì thế, tại phiên họp lần thứ 13 Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra vào ngày 5-3 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, cũng không hoang mang, bám sát tình hình để có giải pháp phù hợp trong phòng, chống dịch; tiếp tục thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, từng bước “bình thường hóa” với dịch Covid-19”.
Để “bình thường hóa”, rõ ràng nhiệm vụ quan trọng là phải tiếp tục lấy người dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực trong phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm an sinh xã hội; luôn đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết. Yêu cầu đối với các cấp, ngành, địa phương là phải thực hiện đồng bộ công tác phòng, chống dịch gắn với chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tập trung kiểm soát rủi ro do dịch bệnh, giảm số ca chuyển nặng và ca tử vong, không để quá tải hệ thống y tế. Thực hiện nghiêm và linh hoạt, hiệu quả công thức “5K + vắc xin thuốc điều trị công nghệ đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác”.
Song song đó, cơ quan chức năng cũng cần khẩn trương nghiên cứu, điều chỉnh các hướng dẫn chuyên môn về phòng, chống dịch như đánh giá cấp độ dịch; cách ly y tế; cấp phát thuốc điều trị… Xa hơn là tiếp tục theo dõi, đánh giá tình hình thực tế trong nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả tiến tới “bình thường hóa” với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu - bệnh lưu hành vào thời điểm thích hợp.
Tiến tới “bình thường hóa” với dịch Covid-19 hiện là niềm mong mỏi của toàn dân. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, mỗi người dân cần tăng cường hơn nữa ý thức để tự bảo vệ sức khỏe của chính mình, gia đình và cộng đồng. Đó mới là cách để chúng ta sớm có thể “bình thường hóa” với dịch bệnh một cách bền vững và an toàn nhất.
(Báo Hà nội mới)
Nhiều biện pháp giảm tải cho hệ thống y tế
Thời gian qua, để giảm tải cho hệ thống y tế cơ sở, các ngành chức năng của Hà Nội chỉ rõ phải phân bổ lực lượng cán bộ y tế phù hợp kịp thời chăm sóc F0, vận động sự vào cuộc của các lực lượng tình nguyện, thanh niên, mặt trận đoàn thể hỗ trợ.
Nhiều xã, phường ở Hà Nội đã ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ để kịp thời tư vấn, hỗ trợ người bệnh điều trị hiệu quả tại nhà, giảm tải cho các tuyến trên.
Tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, thời gian qua trung bình có 150 - 200 ca mắc mới mỗi ngày. Tuy nhiên phường đã chủ động chia đầu việc xuống từng tổ dân phố với nhiều đầu mối tiếp nhận thông tin. Phường đã thành lập 8 tổ hỗ trợ F0 điều trị tại nhà với 35 thành viên cùng trạm y tế (TYT) hỗ trợ từng bệnh nhân khai báo y tế, mua nhu yếu phẩm, cấp phát thuốc qua các nhóm Zalo từng khu dân cư, tổ dân phố...
Các thông tin được cập nhật ngay vào phần mềm quản lý F0. Hàng ngày, qua phần mềm quản lý F0, TYT sẽ phê duyệt khỏi bệnh cho bệnh nhân; bệnh nhân tự test âm tính, chỉ cần gửi ảnh hoặc quay video qua nhóm Zalo…
Hay như phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, là một trong các phường triển khai linh hoạt, khoa học, hợp lý quy trình tiếp nhận hồ sơ, xác nhận, trả kết quả cho các ca F0, F1 cũng như công tác quản lý, theo dõi, cấp phát thuốc cho các ca mắc Covid-19 điều trị tại nhà. Sau khi tiếp nhận thông tin về trường hợp F0, TYT phường sẽ tổng hợp danh sách và làm tờ trình lên UBND phường làm Quyết định cách ly y tế theo dõi tại nhà. Tổ trưởng tổ dân phố sẽ quản lý nhóm Zalo gồm các hộ gia đình có bệnh nhân F0, nhằm nắm bắt thông tin, gửi thông báo kịp thời, chính xác…
Với số lượng người nhiễm Covid-19 tăng nhanh, việc cho phép theo dõi, quản lý, điều trị F0 tại nhà thông qua các kênh Zalo được đánh giá đã giúp giảm tải số lượng người bệnh tại BV, các điểm thu dung. Mặt khác, đối với người nhiễm Covid-19 có triệu chứng lâm sàng nhẹ, việc điều trị tại nhà cũng đảm bảo hơn, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.
Theo TTYT quận Hà Đông, thông thường, người mắc Covid-19 khi khai báo với các TYT sẽ được hướng dẫn khai báo trên phần mềm quản lý F0 điều trị tại nhà. F0 cập nhật thông tin sức khỏe trên phần mềm 2 ngày/lần để trạm y tế nắm được thông tin. Ngay khi F0 có diễn tiến bất thường, cần cập nhật vào phần mềm, nhân viên y tế sẽ nắm bắt được và phát “báo động đỏ” để liên hệ chuyển viện.
Nếu đã khai báo rồi nhưng chưa thấy lực lượng y tế liên hệ ngay tức thì, bệnh nhân có thể kiên nhẫn chờ đợi một chút. Vì nếu thấy báo động đỏ trên phần mềm, chắc chắn nhân viên y tế sẽ liên hệ lại xác nhận sớm nhất. Trường hợp F0 chưa khai báo với TYT, nếu không may trở nặng nhưng vẫn không thể liên hệ y tế địa phương, bệnh nhân có thể tới thẳng các BV trên địa bàn để cấp cứu. Đơn cử như tại quận Hà Đông, BV Đa khoa Hà Đông tiếp nhận điều trị F0 thuộc tầng 2 và tầng 3.
Tại BV Đa khoa Đống Đa, đơn vị tiếp nhận điều trị F0 cả ở tầng 2, tầng 3 và tầng 1 (cơ sở thu dung Đền Lừ do BV quản lý), TS Phạm Bá Hiền - Giám đốc BV cho biết, việc đầu tiên F0 cần làm ngay khi phát hiện dương tính là khai báo ngay cho y tế xã, phường để được quản lý, phân tuyến. Đa số F0 sẽ diễn tiến từ không triệu chứng tới nhẹ, có thể điều trị tại nhà, do y tế cơ sở chịu trách nhiệm theo dõi, chăm sóc cũng như cấp thuốc. Trường hợp “có cần thiết phải đi viện hay không, tới BV thuộc tầng mấy” cũng do y tế cơ sở phân loại, quyết định dựa vào điều kiện cách ly, tiền sử bệnh nền, triệu chứng lâm sàng.
Trong những trường hợp liên hệ y tế cơ sở không được do quá tải, quá đông thì người dân có thể đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu. Tất cả các BV đều tham gia công tác phòng chống dịch. Ngay cả BV tuyến quận, huyện cũng có các khu thu dung điều trị bệnh nhân ở mức độ vừa, ngoài ra còn có những BV tầng 3 chuyên tiếp nhận bệnh nhân nặng.
“Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, F0 cần thông báo với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn, điều trị và tiếp cận thông tin y tế một cách chính thống. Đồng thời, người dân cần tuân thủ triệt để chỉ dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế; sử dụng thuốc theo chỉ định, đặc biệt là các thuốc chống viêm, chống đông máu, kháng sinh, kháng virus...; vệ sinh đường hô hấp đúng cách, vận động, thể dục đúng mức, chế độ ăn uống nghỉ ngơi, bổ sung dinh dưỡng hợp lý”, TS. Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo.
(Báo Kinh tế đô thị)
Chính phủ yêu cầu đánh giá lại quy định quản lý người mắc Covid-19
Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế rà soát, đánh giá lại các tiêu chí cấp độ dịch, các quy định về quản lý người mắc Covid-19, người tiếp xúc gần với người nhiễm để kịp thời điều chỉnh phù hợp, sát thực tế.
Chính phủ giao Bộ Y tế cùng các bộ ngành khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Nghị quyết 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, trình Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 3 năm 2022.
Bộ Y tế được yêu cầu khẩn trương tiếp nhận vaccine và chỉ đạo thực hiện tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; tập trung nghiên cứu, tham mưu việc tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi thứ 4, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.
Rà soát, đánh giá lại các tiêu chí cấp độ dịch, các quy định về quản lý người mắc Covid-19, người tiếp xúc gần với người nhiễm để kịp thời điều chỉnh phù hợp, sát thực tế; đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, từ đó có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.
Theo yêu cầu của Chính phủ, trong trường hợp cần tiếp tục thực hiện thống kê ca nhiễm thì Bộ Y tế phải rà soát trình tự, thủ tục để bảo đảm đơn giản, dễ thực hiện, hạn chế tiếp xúc trực tiếp và tính chính xác của số liệu. Tiếp tục cập nhật, hoàn thiện hơn nữa quy trình chăm sóc F0 tại nhà.
Thúc đẩy việc cấp phép lưu hành, hướng dẫn sử dụng các loại thuốc điều trị, thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm chủ động về thuốc điều trị; nâng cao năng lực tư vấn, hỗ trợ điều trị Covid-19; kịp thời tháo gỡ ngay các vướng mắc, bất cập trong quy định về thủ tục kê đơn, bán thuốc điều trị Covid-19 để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận thuốc.
Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế kiểm soát chặt chẽ giá xét nghiệm, giá kit xét nghiệm, giá các loại thuốc điều trị, thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19 theo đúng quy định, không để xảy ra tình trạng tăng giá, đầu cơ, trục lợi, mất kiểm soát, tiêu cực. Đồng thời, Bộ Y tế phải xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, tàng trữ, buôn bán thuốc điều trị, kit xét nghiệm Covid-19 giả, thuốc nhập lậu, vi phạm về nguồn gốc xuất xứ...
Khẩn trương xây dựng kịch bản ứng phó dịch bệnh; rà soát, kịp thời hỗ trợ, chi viện cho các địa phương có số ca nặng tăng nhanh; cập nhật, hoàn chỉnh các biện pháp về y tế đối với người bệnh sau điều trị Covid-19.
Hướng dẫn việc xét nghiệm, cách ly, theo dõi sức khỏe trẻ em, học sinh (chú ý các em có bệnh nền, có vấn đề về sức khỏe khi nhiễm bệnh); rà soát quy định về thời gian cách ly tại nhà đối với trẻ em, học sinh tiếp xúc gần với người nhiễm SARS-CoV-2, bảo đảm phù hợp, khoa học.
Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế xử lý bất cập liên quan đến chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, quản lý giá về khám chữa bệnh, thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế, tạo môi trường thuận lợi để khám và điều trị bệnh cho nhân dân. Sửa đổi ngay các quy định, yêu cầu đối với khách du lịch nhập cảnh cho phù hợp với tình hình mới theo đúng các nội dung đã thống nhất.