Từ 0 giờ ngày 15/5 không phải xét nghiệm SARS-CoV-2 khi nhập cảnh vào Việt Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Công điện số 416/CĐ-TTg ngày 13/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm dừng yêu cầu phải xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Công điện nêu rõ: Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay dịch Covid-19 bắt đầu có xu hướng giảm cả số ca mắc và tử vong trên phạm vi toàn cầu; vaccine phòng bệnh cơ bản vẫn có hiệu quả với các biến thể của virus SARS-CoV-2. Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã từng bước nới lỏng các biện pháp chống dịch, trong đó có yêu cầu về xét nghiệm Covid-19 đối với người nhập cảnh.
Tại Việt Nam, sau thời gian triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, công tác phòng chống dịch đã đem lại những kết quả tích cực. Số ca mắc mới ở trong nước giảm liên tục kể từ ngày 15/3/2022 đến nay, số ca chuyển bệnh nặng, số ca tử vong liên quan đến Covid-19 giảm thấp, tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 cao. Trong bối cảnh đó, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo việc dừng thực hiện khai báo y tế đối với người nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 27/4/2022.
Để bảo đảm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các hoạt động phục hồi phát triển kinh tế - xã hội theo đúng tinh thần của các Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo:
Tạm dừng yêu cầu phải xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh vào Việt Nam từ 00 giờ ngày 15/5/2022. Bộ Y tế theo dõi sát tình hình dịch bệnh, kịp thời hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan của Việt Nam ở nước ngoài thông báo đến người có nhu cầu nhập cảnh vào Việt Nam thực hiện các yêu cầu về phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các hãng hàng không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên các phương tiện vận chuyển theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm các biện pháp về phòng, chống dịch trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan.
Yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; thường xuyên kiểm tra, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
(Báo Kinh tế đô thị)
Thực phẩm chức năng Xuân Dược Vương quảng cáo gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh
Ngày 13/5, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế thông tin cảnh báo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Xuân Dược Vương đang quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo.
Trong thời gian vừa qua trên một số website tại đường link: https://www.youtube.com/watch?v=0RNV8rm4YWg; https://www.youtube.com/watch?v=otB5VvBPleo&t=1s; https://bacsieva.com/xuan-duoc-vuong đang quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Xuân Dược Vương với nội dung quảng cáo gây hiểu nhầm sản phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Xuân Dược Vương do Công ty Cổ Phần Dược Phẩm Minh Lương địa chỉ: Số nhà 33, Ngách 40/79, Ngõ 79, Đường Cầu Giấy, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.
Sản phẩm được sản xuất tại Công ty TNHH Dược Phẩm Smard địa chỉ: Thôn Song Khê, Xã Tam Hưng, Huyện Thanh Oai, Hà Nội, Việt Nam.
Cục ATTP đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành. Kết quả xử lý, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên website của Cục tại địa chỉ: https://vfa.gov.vn/ và cổng công khai y tế tại địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn.
Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục ATTP đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên các đường link nêu trên để quyết định mua và sử dụng sản phẩm.
(Báo Kinh tế đô thị)
Tăng cường giám sát ở cửa khẩu nhằm phát hiện sớm các trường hợp viêm gan cấp tính
Ngày 13-5, Bộ Y tế đã gửi Công văn số 2480/BYT-DP đến các viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc giám sát các trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em.
Theo thông tin cập nhật từ Tổ chức Y tế thế giới, tính đến ngày 7-5, trên thế giới đã ghi nhận hơn 300 trường hợp trẻ bị viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân tại 23 quốc gia thuộc khu vực châu Âu, châu Mỹ, Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương, trong đó đã có 9 trường hợp tử vong.
Bệnh xảy ra ở trẻ từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi, hầu hết bệnh nhi hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, có một số trường hợp chuyển nặng, gần 10% các trường hợp phải ghép gan.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ca bệnh có thể (ca bệnh giám sát) là những trẻ dưới 16 tuổi có biểu hiện viêm gan cấp tính (không do vi rút viêm gan A, B, C, D, E) với men gan tăng trên 500 IU/l (SGOT hoặc SGPT) và thời gian xuất hiện triệu chứng bắt đầu từ ngày 1-10-2021 đến nay.
Hiện tại, nguyên nhân chính xác gây ra viêm gan cấp tính ở trẻ em nêu trên vẫn chưa được xác định, các cuộc điều tra và nghiên cứu về bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân đang được tiến hành.
Để chủ động giám sát các ca bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân tại Việt Nam và kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống, hạn chế tối đa số mắc và tử vong; Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tập trung chỉ các cơ sở y tế trên địa bàn phụ trách khi phát hiện các trường hợp viêm gan cấp tính, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 16 tuổi, phải khám, xác định để phát hiện các trường hợp không rõ nguyên nhân (theo định nghĩa ca bệnh của WHO). Đối với các tỉnh có cửa khẩu biên giới, tăng cường công tác giám sát tại các cửa khẩu nhằm phát hiện sớm những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ để có hướng dẫn, quản lý phù hợp. Trong trường hợp phát hiện các ca nghi ngờ, đề nghị Sở Y tế báo cáo ngay cho các viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur trên địa bàn phụ trách để thống nhất việc lấy mẫu xét nghiệm, xác định tác nhân khi cần thiết.
Tổ chức truyền thông cho người dân biết về tình hình bệnh viêm gan cấp không rõ nguyên nhân và các biện pháp phòng, chống tạm thời, trước mắt tập trung vào các biện pháp sau: Đảm bảo vệ sinh phòng bệnh cá nhân; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường, che miệng khi hắt hơi để phòng bệnh viêm gan chưa rõ nguyên nhân và một số bệnh truyền nhiễm phổ biến khác.
Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương theo dõi, giám sát, xử lý các trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân; tổng hợp, đánh giá tình hình, đề xuất các biện pháp phòng, chống và báo cáo về Cục Y tế dự phòng để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ theo quy định.
(Báo Hà Nội mới)
Những bệnh nguy hiểm có thể phòng ngừa bằng vaccine
Hiện có khoảng 30 bệnh truyền nhiễm đã có vaccine phòng bệnh, cùng với đó là hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đưa vaccine vào sử dụng phổ cập cho người dân.
Theo BSCKI. Nguyễn Khôi - Khoa Nhi, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh cơ sở 2, vaccine và tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm hiệu quả nhất, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong. Bản chất của tiêm chủng là sử dụng vaccine kích thích cơ thể sinh kháng thể đặc hiệu chống lại bệnh truyền nhiễm nào đó.
Khoảng 85 - 95% trẻ được tiêm chủng sẽ có miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh đó nữa. Ước tính, vaccine đã cứu sống khoảng 2,5 triệu trẻ em không bị tử vong do các bệnh truyền nhiễm hàng năm trên thế giới.
Khi không bị mắc bệnh, người được tiêm chủng, nhất là trẻ em sẽ khỏe mạnh, không bị di chứng, dị tật, tạo điều kiện phát triển thể chất và trí não bình thường.
Một số bệnh có thể ngừa bằng vaccine bao gồm:
Bệnh dại
Dại là loại bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dại lây qua niêm mạc hoặc vết thương do động vật bệnh dại cắn gây ra. Bệnh nhân mắc bệnh thường biểu hiện sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, hay kích động, lên cơn co giật rồi nhanh chóng tử vong.
Tiêm phòng vaccine dại là cách tốt nhất tránh bệnh dại khi nghi bị con vật dại cắn. Những đối tượng có nguy cơ cao do tính chất công việc cũng có thể tiêm ngừa dại chủ động.
Bệnh uốn ván
Uốn ván là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lây qua các vết thương ngoài da gây ra. Bệnh nhân có biểu hiện nuốt khó, cứng hàm, sặc, cứng cơ lưng, cơ gáy, co giật. Uốn ván có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thời gian điều trị dài, chi phí cao và nguy cơ tử vong lớn. Phòng bệnh bằng tiêm ngừa vaccine uốn ván là hiệu quả nhất.
Viêm gan siêu vi B
Viêm gan siêu vi B là bệnh do siêu vi trùng gây ra. Siêu vi trùng làm tổn thương gan âm thầm, biểu hiện rất ít với sốt, vàng da, vàng mắt. Bệnh nhân nếu có sức đề kháng tốt, cơ thể sẽ tự chống lại virus và vượt qua, nhưng nếu không, bệnh dần tiến triển đến xơ gan, ung thư gan. Cách phòng viêm gan B hiệu quả nhất là tiêm ngừa vaccine viêm gan B.
Bệnh sởi
Sởi là bệnh do siêu vi trùng gây ra, với các triệu chứng như: Sốt, phát ban toàn thân, ho, sổ mũi nước và mắt đỏ. Dấu hiệu phân biệt sởi với các ban khác là khởi đầu ở sau tai, rồi lên mặt, xuống cổ, bụng, lưng và tay, chân. Ban lặn sẽ để lại vết thâm trên da.
Sởi là bệnh rất phổ biến ở nước ta, nên được khuyến cáo tiêm vaccine sởi phòng bệnh từ khi trẻ 9 tháng tuổi, nhắc lại một mũi nữa khi trẻ 18 tháng. Ngoài ra, vaccine sởi còn được kết hợp trong vaccine 3 trong 1 (sởi - quai bị - rubella) được tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi.
Bệnh quai bị
Quai bị là bệnh do virus gây ra, lây nhiễm qua đường hô hấp. Quai bị gây các triệu chứng như: sốt, mệt mỏi, tuyến nước bọt, tuyến mang tai, tuyến dưới hàm sưng to. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm là viêm não, viêm cơ tim và vô sinh ở bé trai.
Bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu. Hiện nay, có thể phòng ngừa quai bị bằng cách tiêm phòng, vaccine được sử dụng là vaccine 3 trong 1 (sởi - quai bị - rubella) được tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi.
Bệnh Rubella
Rubella gây các triệu chứng như sốt và phát ban toàn thân, thường bệnh không gây nguy hiểm và biến chứng nặng. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai mắc bệnh thì có thể để lại những di chứng nặng nề cho trẻ.
Hiện nay, có thể phòng ngừa rubella bằng cách tiêm phòng, vaccine được sử dụng là vaccine 3 trong 1 (sởi - quai bị - rubella) được tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi. Phụ nữ tránh mang thai trong vòng 3 tháng sau tiêm.
Bệnh viêm não Nhật Bản
Bệnh viêm não Nhật Bản do virus gây ra với vật truyền trung gian là muỗi. Trẻ mắc bệnh khởi phát là sốt đột ngột, mệt mỏi, nhức đầu, buồn nôn và nôn. Sau 3 - 4 ngày, người bệnh có thể co giật, lơ mơ, hôn mê và tử vong. Tỷ lệ tử vong là khoảng 20% số trường hợp.
Tiêm chủng vẫn là cách phòng viêm não Nhật Bản quan trọng nhất. Vaccine phòng viêm não Nhật Bản được bắt đầu tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên.
Viêm màng não do não mô cầu
Viêm màng não cũng là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn não mô cầu các tuýp A, B, C, Y và W135 gây ra. Vi khuẩn này lây truyền từ người sang người qua dịch cơ thể tiếp xúc khi ho, hắt hơi. Bệnh gây sốt li bì, mê sảng, hôn mê và co giật, tỉ lệ tử vong ở trẻ khoảng 50%.
Hiện nay, đã có vaccine phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu chủng B và C (VA-Mengoc BC, sản xuất tại Cuba) có thể tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên.
Bệnh thủy đậu
Thủy đậu (trái rạ) là bệnh do siêu vi trùng Varicella zoster gây ra, thường gặp ở trẻ em, gây sốt phát ban và có bóng nước toàn thân. Thủy đậu rất dễ lây lan, nhất là ở môi trường đông đúc như mẫu giáo, nhà trẻ, trường học. Bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng da, viêm não, viêm tủy cắt ngang.
Hiện nay, chúng ta có thể tiêm phòng vaccine phòng thủy đậu cho trẻ từ 12 tháng trở lên.
Bệnh cúm
Cúm là bệnh do virus Influenza gây ra, gặp ở tất cả các đối tượng. Bệnh lây qua đường hô hấp, gây tình trạng sốt, ho, đau đầu, đau họng, đau cơ. Hiện nay đã có thể ngừa cúm bằng cách tiêm vaccine hàng năm và có thể bắt đầu tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi.
Bệnh thương hàn
Thương hàn là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Samonella lây qua đường tiêu hóa do thực phẩm, nước uống mang mầm bệnh. Bệnh có triệu chứng sốt cao, li bì, tiêu lỏng, bụng chướng. Xuất huyết tiêu hóa và thủng ruột là hai biến chứng thường gặp có thể gây tử vong ở những trường hợp điều trị muộn hoặc không được điều trị.
Phương pháp phòng bệnh thương hàn đặc hiệu, chủ động và hiệu quả nhất là tiêm vaccine cho trẻ từ 2 tuổi.
Bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Trực khuẩn bạch hầu tiết ra độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan trong cơ thể. Bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp. Gây nhiễm trùng mũi họng và dẫn đến tử vong.
Bệnh biểu hiện với các triệu chứng sớm là viêm họng, chán ăn, sốt nhẹ. Trong vòng 2 - 3 ngày sẽ xuất hiện giả mạc trắng ở họng và lưỡi (tính chất dai, dính, dễ chảy máu khi bóc). Có thể tử vong trong vòng 6 - 20 ngày. Cách hiệu quả nhất để phòng bệnh bạch hầu là tiêm vaccine bạch hầu.
Hiện nay, vaccine bạch hầu thường phối hợp trong vaccine 6 trong 1, 5 trong 1, phòng ngừa bạch hầu và các bệnh lý khác gồm ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, Hib có thể tiêm ngừa cho trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên.
Bệnh ho gà
Bệnh ho gà là bệnh lây truyền qua đường hô hấp do vi khuẩn co trong miệng, mũi và họng gây ra. Trẻ mắc bệnh này thường ho kéo dài 4 đến 8 tuần. Viêm phổi là biến chứng thường gặp nhất và dễ gây tử vong.
Vaccine phòng bệnh ho gà, thường là dạng kết hợp với vaccine bạch hầu, uốn ván (DPT). Hiện nay, trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên có thể sử dụng vaccine phối hợp bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib và có thể có thêm bại liệt.