Nâng cao kiến thức về an toàn vệ sinh tại nơi làm việc trong phòng, chống COVID-19'
Cuộc thi nhằm nâng cao kiến về an toàn vệ sinh trong phòng, chống COVID-19 tại nơi làm việc giảm thiểu rủi ro ảnh hưởng tới sức khỏe của nhân viên y tế.
Hưởng ứng Tháng Công nhân- An toàn vệ sinh lao động năm 2022, ngày 14/4/2022, Công đoàn Y tế Việt Nam, Cục Quản lý Môi trường Y tế vừa chính thức phát động cuộc thi "Nâng cao kiến thức về an toàn vệ sinh trong phòng, chống COVID-19 tại nơi làm việc" lần thứ hai và triển khai chương trình đăng ký 1 triệu sáng kiến của Tổng LĐLĐ cho đoàn viên ngành y tế.
Chương trình có sự tham gia của hơn 200 điểm cầu là các công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Y tế Việt Nam.
Việc đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động ngành y tế, một ngành đặc thù, với cường độ cao, rủi ro mắc bệnh nghề nghiệp lớn khi làm nhiệm vụ là rất quan trọng, đặc biệt trong phòng, chống dịch COVID-19.
Cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức để giảm thiểu rủi ro ảnh hưởng tới sức khỏe của nhân viên y tế, ngoài ra còn có ý nghĩa động viên, khích lệ đoàn viên tuân thủ đúng quy trình, quy định tại nơi làm việc để bảo vệ sức khỏe cho người bệnh, người nhà bệnh nhân.
Cục Quản lý Môi trường y tế đã xây dựng bộ câu hỏi dựa trên các văn bản còn hiệu lực. Nội dung câu hỏi tập trung vào kiến thức chung về ATVSLĐ, chế độ, chính sách về ATVSLĐ, an toàn phòng, chống dịch COVID-19 cho nhân viên y tế tại nơi làm việc.
Địa chỉ tham dự cuộc thi: https://laodongcongdoan.vn/cuoc-thi-tim-hieu-atvsld-pcd-covid-19?gidzl=R1gKKg2KiYLZ1P9IeeEw8MCEcbQuXkaaAmtFK-Q0vt0cN9TIvj6q9N9Vn02oWh1tTW-GK37rln51g9Mo9m
(suckhoedoisong.vn)
Bắt đầu cấp hộ chiếu vaccine cho người đã khai báo chính xác thông tin tiêm chủng
Theo kế hoạch, từ ngày 15/4, Bộ Y tế sẽ thực hiện ký tập trung để cấp hộ chiếu vaccine cho người dân. Hộ chiếu vaccine bản chất là chứng nhận tiêm vaccine COVID-19 điện tử.
Trước đó, để kịp thời triển khai kế hoạch cấp hộ chiếu vaccine, từ ngày 8/4, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương thực hiện xác nhận thông tin tiêm chủng bằng chữ ký số. Cơ sở nào nhập dữ liệu mũi tiêm thì chịu trách nhiệm ký duyệt thông tin tiêm chủng.
Biểu mẫu hộ chiếu vaccine đã được Bộ Y tế ban hành từ tháng 12/2021 gồm 11 trường thông tin, gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, bệnh dịch, số mũi tiêm, ngày tiêm, liều số, sản phẩm vaccine... Thông tin được hiện thị bằng mã QR Code để bảo mật, tránh sai sót lộ, lọt thông tin cá nhân.
Hộ chiếu vaccine được hiển thị trên ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử, PC-Covid hoặc tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế bằng cách nhập 4 thông tin: họ tên, ngày sinh, giới tính, căn cước công dân, ngày tiêm gần nhất, sau đó khai báo email cá nhân để nhận hộ chiếu.
Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành biểu mẫu, quy trình và thực hiện cấp hộ chiếu vaccine. Tuy nhiên, để biết hộ chiếu vaccine được công nhận và sử dụng ở những quốc gia nào, người dân cần theo dõi thông tin từ Bộ Ngoại giao.
Tính đến nay, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau với 19 nước. Các nước công nhận hộ chiếu vaccine Việt Nam gồm: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Úc, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore, Saint Lucia, Hàn Quốc, Iran và Malaysia.
Người mang hộ chiếu vaccine được Việt Nam và các nước công nhận được áp dụng các biện pháp y tế như người đã tiêm vaccine ở sở tại. Việc công nhận này bao gồm việc miễn thủ tục chứng nhận lãnh sự/hợp pháp hóa lãnh sự khi sử dụng giấy tờ này tại nước tiếp nhận.
Theo Bộ Y tế, người dân đã tiêm chủng, khai báo chính xác thông tin và đã được các cơ sở tiêm chủng nhập dữ liệu lên hệ thống tiêm chủng, xác thực đúng thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được cấp hộ chiếu vaccine mà không phải thực hiện thủ tục gì thêm.
Người dân sẽ không được cấp hộ chiếu vaccine nếu các thông tin tiêm chủng sai sót, thiếu mũi tiêm. Với người dân chưa được cấp hộ chiếu vaccine do thiếu, sai thông tin cần liên hệ với cơ sở tiêm chủng để được bổ sung, cập nhật. Ngoài ra, người dân có thể phản ánh trên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 https://tiemchungcovid19.gov.vn để được bổ sung, cập nhật.
Thời hạn của hộ chiếu vaccine điện tử là 12 tháng kể từ ngày cấp, đây là giải pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin. Khi hết hạn, hệ thống sẽ tự động tạo mã QR mới.
Hộ chiếu vaccine được sử dụng để chứng minh lịch sử tiêm chủng, khỏi bệnh của cá nhân, không thay thế cho các giấy tờ có giá trị xuất, nhập cảnh khác như: hộ chiếu, thị thực, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, giấy thông hành, thẻ tạm trú, thẻ thường trú, giấy miễn thị thực…
(congthuong.vn)
Nguy cơ mắc COVID-19 đột phá liên quan tới vấn đề tâm thần
Những người từ 65 tuổi trở lên có lạm dụng chất gây nghiện, chứng rối loạn thần kinh, rối loạn lưỡng cực, lo lắng có nguy cơ mắc COVID-19 đột phá cao hơn 24% so với người bình thường.
Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ đăng tải trên tạp chí JAMA Network Open số ra ngày 14/4, những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần có nguy cơ cao mắc COVID-19 đột phá hơn những người không gặp vấn đề này.
COVID-19 đột phá là tình trạng nhiễm virus SARS CoV-2 ở những người đã tiêm phòng vaccine đầy đủ.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học tại bang California đã theo dõi hơn 1/4 trong tổng số 1 triệu người (hầu hết là nam giới) đã tiêm chủng đầy đủ theo hệ thống y tế của Cựu chiến binh Mỹ.
Một nửa trong số này đã bị chẩn đoán ít nhất 1 lần có vấn đề về tâm thần trong 5 năm qua.
Kết quả cho thấy, nhìn chung 14,8% trong số này mắc COVID-19 đột phá dù đã tiêm phòng đầy đủ. Những người từ 65 tuổi trở lên có lạm dụng chất (như rượu, ma túy...), chứng rối loạn thần kinh, rối loạn lưỡng cực, rối loạn điều chỉnh hoặc lo lắng có nguy cơ mắc COVID-19 đột phá cao hơn 24% so với những người không có chẩn đoán mắc bệnh tâm thần.
Còn đối với những người dưới 65 tuổi , nguy cơ này cao tới hơn 11% so với những người không có tiền sử bệnh tâm thần.
Theo người đứng đầu nghiên cứu, Aiofe O'Donovan thuộc Hệ thống y tế cựu chiến binh Mỹ thành phố San Francisco, nghiên cứu này cho thấy số người mắc COVID-19 đột phá gia tăng ở những người bị rối loạn tâm thần không thể được lý giải hoàn toàn bằng yếu tố nhân khẩu học hoặc các điều kiện có sẵn.
Ông nhận định: "Có thể khả năng miễn dịch được sản sinh ra sau khi tiêm vaccine đã giảm nhanh và mạnh hơn ở những người bị rối loạn tâm thần, do vậy, họ ít được bảo vệ hơn trước các biến thể mới xuất hiện".
(vietnamplus.vn)
Tại sao 3 ngày sau tiêm vắc xin Covid-19, trẻ không nên bơi lội, đá bóng?
Khuyến cáo về tiêm vắc xin Covid-19 trẻ 5-11 tuổi, các chuyên gia cho rằng, 2-3 ngày sau khi tiêm trẻ không nên bơi lội, đá bóng
Ths.BSCKII Ngô Thị Hiếu Minh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, chia sẻ, tất cả các đối tượng từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi đều có thể mắc Covid-19 vì vậy tiêm phòng vắc xin luôn là giải pháp hàng đầu trong phòng chống dịch.
Cũng theo Ths.BSCKII Ngô Thị Hiếu Minh, các nước trên thế giới đều đánh giá vắc xin phòng Covid-19 hiệu quả trong phòng bệnh, phòng tái nhiễm, phòng diễn biến nặng.
Ths.BS Hiếu Minh khuyến cáo, trẻ từ 5 đến dưới 11 tuổi thường có tâm lý sợ tiêm. Vì vậy trước khi đưa trẻ đi tiêm vắc xin, phụ huynh cần làm công tác tư tưởng cho con. Sự phân tích, động viên kịp thời sẻ giúp trẻ không bị streess về tâm lý. Ngoài ra, người giám hộ cần giữ sức khỏe ổn định cho trẻ trước, trong và sau khi tiêm.
Sau tiêm, trẻ thường có các phản ứng thông thường như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi… Cha mẹ hãy ở lại ít nhất 30 phút sau khi bé được tiêm và báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con trước khi ra về.
Sau tiêm về nhà, phụ huynh cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu của trẻ. Nếu trẻ sốt cao trên 38.5 cho uống hạ sốt, uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, vitamin, vi chất… để hệ miễn dịch hoạt động đáp ứng tốt nhất. Với trường hợp bé xuất hiện sưng, đau tại vết tiêm, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không nên đắp bất cứ vật gì lên vết tiêm tránh ảnh hưởng đến tác dụng vắc xin.
Trường hợp bé sốt quá 24h, không đáp ứng thuốc hạ sốt, bứt rứt, khó thở, li bì… cần được đưa đến cơ sở y tế để xử trí, cấp cứu.
“Tốt nhất sau tiêm 2 -3 ngày đầu sau tiêm, trẻ không nên vận động mạnh, chơi các trò chơi mất sức như đá bóng, chạy nhảy, bơi lội… Bởi vận động mạnh, bé sẽ có phản ứng quá mức gây khó thở, tim đập nhanh, mệt mỏi… Các triệu chứng này khiến chúng ta bị “nhiễu” khó phân biệt là do trẻ vận động mạnh hay do phản ứng với vắc xin”, Ths.BS Minh nói.
Đồng quan điểm, BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho rằng, người nhà nên theo dõi sát, không cho trẻ vận động mạnh sau tiêm vắc xin Covid.
Theo BS Ngãi, hoạt động thể lực cũng có thể kích thích các phản ứng bất lợi sau tiêm vắc xin Covid-19 ở trẻ. Có 4 mốc thời gian quan trọng để theo dõi trẻ sau tiêm chủng gồm 30 phút, 24 giờ, 3 ngày và 28 ngày. 4 mốc thời gian theo dõi này nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ sau khi tiêm vắc xin.
Phó giáo sư Dương Thị Hồng, Viện phó Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cũng khuyến cáo, gia đình chủ động theo dõi con vì các trẻ ở lứa tuổi nhỏ có thể bỏ qua hoặc không chú ý để kể lại cho cha mẹ những triệu chứng bất thường đang gặp.
Trong ba ngày đầu sau tiêm chủng, gia đình cần theo dõi trẻ 24/24 nhằm phát hiện sớm các triệu chứng bất thường như sốt cao, phát ban, khó thở, tím tái hoặc mệt mỏi, li bì. Thông thường phản ứng xảy ra khoảng 4-8 tiếng sau tiêm vắc xin, xu hướng giảm dần sau ngày đầu. Cha mẹ cũng cần liên hệ ngay với các cơ sở y tế nếu trẻ có phản ứng bất thường khác nằm ngoài khuyến cáo.