Tiêm Vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi: Đảm bảo an toàn tối đa
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 12-17 tuổi đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo. Tuy nhiên, đến nay, cơ quan này chưa có bất kỳ khuyến cáo chính thống nào về việc tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi. Bộ Y tế phải làm việc rất thận trọng, khoa học và khách quan trên cơ sở tham khảo tất cả chương trình tiêm chủng của các nước.
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng thường xuyên trao đổi với WHO về vấn đề khoa học trong tiêm vaccine cho trẻ ở độ tuổi này để vừa bảo vệ cho trẻ và quan trọng nhất là đảm bảo tính an toàn, khả năng chấp nhận của cộng đồng.
Vì vậy, Thủ tướng đã giao Bộ Y tế đánh giá, điều tra xã hội học trong tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế có trách nhiệm truyền thông nâng cao nhận thức của người dân khi tiêm vaccine cho trẻ em.
Về đảm bảo nguồn vaccine tiêm cho trẻ em, Bộ Y tế đã làm việc với các hãng sản xuất, cung ứng và hướng đến việc sử dụng vaccine Pfizer liều tiêm cho trẻ em. Việc tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi không thể nóng vội, mà phải đi từng bước chắc chắn, đảm bảo an toàn. Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em 5-11 tuổi, báo cáo Chính phủ chờ phê duyệt.
Trước đó, Chính phủ yêu cầu hai Bộ Y tế, Giáo dục và Đào tạo tổ chức thăm dò, khảo sát việc tiêm vaccine cho trẻ từ 5 tuổi, tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Đến nay, khoảng trên 20 nước tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi, trong đó có Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Italy, Cuba, Chile, Israel, Oman, Saudi Arabia, Bahrain, UAE... Singapore đã bắt đầu triển khai tiêm từ cuối tháng 12/2021 đối với các học sinh từ lớp 3 đến lớp 5.
Việt Nam đã triển khai tiêm chủng cho đối tượng từ 12 đến 17 tuổi từ tháng 11/2021. Đến nay, các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm 14.131.455 liều, trong đó có 8.021.461 mũi 1 và 6.109.994 mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vaccine là 89,9% và tỷ lệ bao phủ đủ liều cơ bản là 68,5% dân số 12-17 tuổi.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy mạnh hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine, tổ chức tiêm an toàn, nhanh nhất. Khẩn trương hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; không để sót, đặc biệt người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi trong tháng 1/2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I năm 2022, đặc biệt lưu ý các đối tượng thường xuyên di chuyển (18 đến 50 tuổi) và các nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh.
Đối với vấn đề này, mới đây Hải Phòng đã tiến hành rà soát trẻ từ 5 - 11 tuổi để xây dựng kế hoạch tiêm phòng vaccine trong thời gian tới.
Còn tại Hà Nội trong những ngày qua, nhiều trường học đã triển khai cho phụ huynh đăng ký tiêm vaccine cho con. Nhiều trường có tỷ lệ phụ huynh đăng ký rất cao. Cô giáo Lưu Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Công B (quận Ba Đình) cho biết, có trên 88% phụ huynh của trường đã đăng ký tiêm vaccine đợt 1. Tại Trường Tiểu học Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai,) theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thúy Hường, số phụ huynh nhất trí tiêm vaccine là hơn 90%. “Sớm trở lại trường là động lực cho phụ huynh và học sinh khi đăng ký tiêm vaccine”, cô Lưu Thị Hồng Hạnh chia sẻ.
Tiêm vaccine để phòng dịch và con được đến trường là mong mỏi chung của phần lớn phụ huynh. Thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình cho thấy có gần 14.000 phụ huynh đăng ký tiêm vaccine cho con trên tổng số hơn 19.500 học sinh ở bậc tiểu học, đạt tỷ lệ trên 70%. Tỷ lệ này ở khối trẻ mầm non 5 tuổi còn cao hơn, lên đến trên 87%.
Là hiệu trưởng một trong những trường tiểu học có sỹ số cao nhất của quận Ba Đình, cô Lưu Thị Hồng Hạnh cho rằng, mặc dù tỷ lệ phụ huynh đăng ký cho con tiêm rất cao, song những lo lắng của phụ huynh là dễ hiểu và nhà trường cũng đã giao nhiệm vụ cho các giáo viên trao đổi, động viên.
“Chúng tôi ở lĩnh vực giáo dục và đa số phụ huynh cũng không phải làm việc ở ngành Y. Vì thế, rất mong cơ quan chức năng chuyên môn đưa ra các biện pháp, yêu cầu cụ thể để nhà trường thông báo và phối hợp với cha mẹ học sinh thực hiện nhằm đảm bảo an toàn nhất cho các con”, cô Hạnh nói. Cũng theo cô Hạnh, với cơ sở vật chất hiện nay, nhà trường có thể đáp ứng được yêu cầu và sẵn sàng làm địa điểm tiêm chủng cho học sinh.
Còn tại TP HCM, mới đây, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Lê Thị Anh Thư kiến nghị sớm tiêm vaccine để trẻ 5-11 tuổi trở lại trường.
Theo bà Lê Thị Anh Thư, tỉ lệ phụ huynh muốn con đi học trực tiếp rất cao, chỉ có khối 6 là 55%, còn những khối còn lại từ mầm non đến tiểu học đều ở mức cao, nhất là bậc tiểu học. “Phụ huynh có mong muốn để con đi học trực tiếp trở lại. Mong TP sớm có triển khai tiêm vaccine cho trẻ 5 - 11 tuổi để trẻ sớm đi học trở lại. Vì học trực tiếp thì sự tiếp thu vẫn nhanh hơn học trực tuyến”, bà Thư nêu rõ.
baophapluat.vn
Dịch 'nóng', Bộ Y tế hỗ trợ tối đa cho Hà Nội
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Y tế, ngành y tế Hà Nội đề xuất Bộ giao các bệnh viện của trung ương chỉ đạo, hỗ trợ các bệnh viện tuyến thành phố và tuyến dưới của thủ đô về tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch, lẫn đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn về hồi sức tích cực, lọc máu, kiểm soát nhiễm khuẩn…
Ngày 14/1, lần đầu tiên kể từ khi đại dịch xuất hiện, Hà Nội ghi nhận số ca mắc mới trong ngày vượt qua mốc 3.000 trường hợp. Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho thấy tính đến hết ngày 13/1, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có 135 bệnh nhân nặng, nguy kịch, con số này tại Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19 (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) là 218 trường hợp. Các F0 theo dõi cách li tại nhà là 44.625 ca. Số ca tử vong trong ngày là 13 trường hợp, tổng số người tử vong do COVID-19 từ ngày 29/4 đến nay là 307 người. Đa số bệnh nhân tử vong là cao tuổi trên 80, có bệnh nền, chưa tiêm vắc xin.
Hiện hầu hết các bệnh viện của Hà Nội đều hoạt động theo mô hình bệnh viện chia đôi, hiện vẫn kiểm soát được dịch COVID-19 và đảm bảo công tác khám chữa bệnh thông thường cho người dân. Các Trung tâm Y tế của Hà Nội đã cấp phát 17.795 liều Molnupiravir cho F0 điều trị tại nhà. Thành phố cũng đã cấp phát hơn 51.000 gói thuốc A đến tận nhà các F0. Túi thuốc B hiện đã chuẩn bị đủ cơ số theo quy định tại tủ thuốc của các trạm y tế. Sở Y tế đã cấp 39.245 liều túi thuốc C, hiện đã sử dụng 26.795 liều.
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác của Bộ Y tế đều nhấn mạnh, công tác điều trị ngày càng “nóng” do số ca bệnh tăng, số ca nặng tăng. Số ca F0 điều trị tại nhà cũng tăng. Thời gian qua, ngoài Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 hỗ trợ tiếp nhận bệnh nhân nặng của Hà Nội. Một số đơn vị như Bệnh viện Bạch Mai đã đào tạo hơn 1000 cán bộ y tế của Hà Nội, hỗ trợ Quận Đống Đa triển khai thiết lập và vận hành các trạm y tế lưu động; Bệnh viện Việt Đức cử 18 bác sĩ xuống hỗ trợ quận Hoàn Kiếm điều trị COVID-19...
Các chuyên gia của Bộ Y tế đề nghị Hà Nội cần thành lập Sở chỉ huy chống dịch, đồng thời kết nối giao ban điều trị giữa Hà Nội và các bệnh viện tuyến trung ương được Bộ Y tế giao hỗ trợ, đồng hành để trao đổi về chuyên môn điều trị, phục vụ việc chuyển tuyến bệnh nhân phù hợp. Cùng với đó, đoàn công tác của Bộ Y tế đề xuất Hà Nội nghiên cứu thiết lập khu vực chăm sóc giảm nhẹ dành cho các đối tượng quá cao tuổi, bệnh nền rất nặng, phục vụ các gia đình có nguyện vọng chăm sóc giảm nhẹ cho người thân.
Liên quan đến công tác thanh toán chi phí khám chữa bệnh tại bệnh viện và các cơ sở thu dung điều trị COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế giao các đơn vị liên quan của Bộ Y tế báo cáo lãnh đạo Bộ cụ thể để Bộ trao đổi với BHXH Việt Nam và báo cáo lên Chính phủ.
Tránh quá tải ở tầng điều trị 2 và 3 không hợp lí
Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh Bộ sẽ có những chỉ đạo sát sao, cụ thể các bệnh viện trực thuộc, cùng trao đổi với đề xuất các bộ ngành giao các bệnh viện bộ, ngành trên địa bàn dành giường bệnh phù hợp để điều trị bệnh nhân COVID-19 nhưng vẫn đảm bảo công tác khám chữa bệnh thông thường. Bộ Y tế cho rằng việc tổ chức hệ thống 3 tầng điều trị đã có nhiều kết quả tốt trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng các bệnh viện trung ương và bệnh viện tầng 3 của Hà Nội được giao nhiệm vụ hỗ trợ tuyến dưới cần thực hiện theo mô hình “bệnh viện chị-em”, không chỉ hỗ trợ bệnh viện tầng 2 mà còn cả tầng 1 và trạm y tế lưu động theo hình mạng lưới để có thể chủ động trong hỗ trợ. “Tránh để quá tải ở tầng điều trị 2 và 3 không hợp lí”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Về đề xuất của Hà Nội liên quan đến việc tập huấn chuyên môn điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Với Hà Nội trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung nhân lực y tế phòng chống dịch cho các trạm y tế lưu động, điều trị bệnh nhân, những việc hành chính cần huy động các lực lượng khác đảm nhiệm, đồng hành cùng y tế”.
Tienphong.vn
Bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc Covid-19
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 với số ca mắc ngày càng tăng, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo tăng cường bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc Covid-19. Hiện, ngành Y tế cùng các địa phương của thành phố đang triển khai các giải pháp quản lý nhóm nguy cơ cao, thực hiện tiêm vắc xin tại nhà, hướng dẫn chăm sóc và điều trị người mắc Covid-19 có bệnh nền..., qua đó nỗ lực giảm thấp nhất tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng.
Đội hỗ trợ điều trị F0 tại nhà phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình) thăm khám một bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn.
Tư vấn, tiêm chủng, điều trị tại nhà
Tính đến nay, bà Nguyễn Thị Hinh (phố Phó Đức Chính, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) đã tiêm phòng vắc xin Covid-19 được 5 ngày. Bà Hinh (sinh năm 1932) do tuổi cao, đi lại khó khăn nên qua các đợt tiêm chủng đại trà tại địa phương đều chưa đăng ký tiêm. Bà Hinh chia sẻ: "Bản thân tôi già yếu, lại ở nhà thường xuyên nên trước đây chưa tiêm vắc xin. Nay phường rà soát, tuyên truyền hiệu quả của việc tiêm phòng cũng như được tổ tiêm chủng đến tận nhà thăm khám rồi tiêm vắc xin, nên tôi thấy rất thuận lợi và yên tâm".
Hiện phường Trúc Bạch đang vận hành các tổ tiêm chủng tại nhà, với thành phần mỗi tổ có 5-6 thành viên gồm bác sĩ, điều dưỡng và lực lượng hỗ trợ như công an, cán bộ phường... "Chúng tôi đến tận nhà để tư vấn và tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng người có nguy cơ cao mà không thể đến điểm tiêm chủng. Quy trình được thực hiện như tiêm vắc xin tại điểm cộng đồng gồm khám sàng lọc, tiêm, theo dõi sau tiêm 30 phút và hướng dẫn cách chăm sóc người sau tiêm...", điều dưỡng Trần Thanh Hương (Trạm Y tế phường Trúc Bạch) cho biết.
Là người có bệnh nền viêm phế quản mạn tính, bà Trần Thị Kim Oanh (phường Thổ Quan, quận Đống Đa) nhận kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 trong tâm trạng hoang mang, lo lắng. Ngay lập tức, bà Oanh liên hệ tới Trạm Y tế phường Thổ Quan, đề đạt nguyện vọng được điều trị ở điểm tập trung để được theo dõi sức khỏe kịp thời, đề phòng diễn biến xấu. Tuy nhiên, khi được nhân viên y tế trao đổi, giải thích tình trạng sức khỏe của bà vẫn ở mức cho phép điều trị tại nhà và động viên bà yên tâm tự chăm sóc, bà Oanh đã vững tâm thực hiện theo đúng chỉ dẫn. "Qua gần 10 ngày thực hiện theo các hướng dẫn của nhân viên y tế, hiện tôi đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Tôi đang tiếp tục thực hiện cách ly thêm 7 ngày nhằm bảo đảm sức khỏe bản thân và cộng đồng", bà Oanh cho biết.
Công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại cơ sở ở các huyện như Thường Tín, Quốc Oai… cũng đặc biệt chú trọng đến nhóm đối tượng nguy cơ cao, người có bệnh nền, người già yếu, khuyết tật… trên tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”. Những nỗ lực này vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa giảm tải cho hệ thống y tế.
Vì sức khỏe nhân dân
Hiện các địa phương trên địa bàn thành phố đang thực hiện kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều bổ sung và liều nhắc lại nhằm củng cố, tăng cường miễn dịch cho người dân, trong đó ưu tiên tiêm cho người suy giảm khả năng miễn dịch, có bệnh nền, người cao tuổi…
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm, UBND quận đã chỉ đạo 14 phường trực thuộc huy động các lực lượng tham gia công tác rà soát, lập danh sách những đối tượng cần tiêm theo thứ tự ưu tiên tại cộng đồng. Ngoài ra, quận còn phối hợp, huy động đội ngũ y, bác sĩ của 5 bệnh viện đóng trên địa bàn cùng đồng hành với lực lượng y tế địa phương trong việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe sau tiêm chủng và hướng dẫn người bệnh Covid-19 điều trị tại nhà.
Trong khi đó, thống kê từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận Đống Đa cho thấy, hiện 21 phường trên địa bàn đã triển khai các đội tiêm chủng lưu động tại nhà cho nhóm nguy cơ cao với mong muốn sớm bao phủ vắc xin phòng Covid-19 tới toàn bộ người dân trên địa bàn. Cùng với đó, tăng cường triển khai công tác tuyên truyền, vận động, giám sát thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; chú trọng tổ chức phân loại, quản lý, chăm sóc và điều trị người mắc Covid-19 từ cơ sở, nhằm giảm tới mức thấp nhất tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng và tử vong.
Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, ba giải pháp chính để phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay tại Hà Nội là tăng cường tiêm vắc xin; cung cấp thuốc đầy đủ, kịp thời cho người bệnh và quản lý chặt chẽ bệnh nhân điều trị tại nhà, hạn chế tối đa bệnh nhân chuyển tầng. Hiện ngành Y tế Thủ đô cùng các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn thành phố đang khẩn trương triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại nhà để hỗ trợ người cao tuổi, người có bệnh nền.
Sở Y tế Hà Nội đề nghị các địa phương chủ động phối hợp bảo đảm phân luồng, phân tầng hợp lý để tập trung điều trị các bệnh nhân ở tầng 1, hạn chế tối đa người bệnh phải chuyển lên tầng trên. Thành phố cũng tập trung nhân lực, vật lực điều trị tích cực với bệnh nhân tầng 2, tầng 3 nhằm hạn chế thấp nhất số ca tử vong vì Covid-19.
Hanoimoi.com.vn
Hà Nội vượt 85.000 ca Covid-19 trong đợt dịch thứ 4
Ngày 14/1, Hà Nội thêm 2.993 ca Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm trong đợt dịch thứ 4 lên 85.577 trường hợp.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật CDC Hà Nội thông tin, hôm nay, TP ghi nhận 2.993 ca Covid-19 tại 475 xã phường thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Cũng theo CDC Hà Nội, một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày là Gia Lâm (197); Bắc Từ Liêm (194); Long Biên (189); Đống Đa (184); Hoàng Mai (180); Nam Từ Liêm (178).
Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) là 85.577 ca. Trước tình hình dịch tại Thủ đô diễn biến phức tạp, chiều ngày 13/1, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã làm việc với UBND TP Hà Nội về phối hợp phòng chống dịch và điều trị người bệnh Covid-19.
Các thành viên đoàn công tác của Bộ Y tế đều nhấn mạnh, công tác điều trị ngày càng "nóng" do số ca bệnh tăng, số ca nặng tăng, F0 điều trị tại nhà cũng tăng
Ngành y tế Hà Nội đề xuất Bộ Y tế giao các bệnh viện của Trung ương chỉ đạo, hỗ trợ các bệnh viện tuyến TP và tuyến dưới của Thủ đô cả về tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 (nặng, nguy kịch), lẫn đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn về hồi sức tích cực, lọc máu, kiểm soát nhiễm khuẩn… Đồng thời, Bộ sớm có hướng dẫn thanh toán chi phí khám chữa bệnh tại bệnh viện và các cơ sở thu dung điều trị Covid-19.