Bộ Y tế: Cân nhắc, bổ sung quy định mở lại karaoke, vũ trường
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân, Bộ Y tế đề nghị Bộ VHTT&DL cân nhắc hoạt động trở lại các hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường cần căn cứ trên kết quả đánh giá cấp độ dịch bệnh tại mỗi địa phương.
Ngày 14/2, Bộ Y tế đã có Công văn 628/BYT-DP trả lời Bộ VHTT&DL cho ý kiến về dự thảo Công văn tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường (theo công văn số 353/BVHTTDL-VHCS ngày 28/1).
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe người dân, Bộ Y tế đề nghị Bộ VHTT&DL cân nhắc bổ sung vào nội dung dự thảo công văn một số nội dung.
Theo Bộ Y tế, việc hoạt động trở lại các hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường cần căn cứ trên kết quả đánh giá cấp độ dịch bệnh tại mỗi địa phương, khu vực có hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường.
Ngoài ra, nơi thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường thường là nơi có không gian kín nên dễ xảy ra lây nhiễm Covid-19. Do vậy, theo góp ý của Bộ Y tế, khi hoạt động trở lại cần tăng cường các biện pháp vệ sinh, phòng chống lây nhiễm tại khu vực cung cấp dịch vụ karaoke, vũ trường (khử khuẩn, thông khí, …).
Bộ Y tế lưu ý, với người tham dự cần thực hiện nghiêm 5K, tiêm phòng vaccine đủ liều, không cung cấp dịch vụ cho người đang có các triệu chứng mắc Covid-19 (ho, sốt…).
Cùng đó, địa phương, nơi cung cấp dịch vụ karaoke, vũ trường cần có kế dự phòng, đáp ứng với các tình huống dịch bệnh có thể xẩy ra trong khu vực cung cấp dịch vụ để khoanh vùng gọn, không để lây lan rộng ra cộng đồng (nếu ghi nhận ổ dịch).
Trước đó, Bộ VHTT&DL có dự thảo công văn gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường sau thời gian tạm đóng cửa phòng dịch Covid-19.
Theo đó, cơ quan này đề nghị UBND các tỉnh, TP tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Xây dựng phương án cho phép các doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường được hoạt động trở lại khi đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, an ninh trật tự và phòng, chống cháy nổ.
Bộ VHTT&DL cũng đề nghị các tỉnh, thành tổ chức triển khai phương án kiểm tra, rà soát, thẩm định và chỉ cho phép hoạt động đối với cơ sở kinh doanh đáp ứng đủ điều kiện và kịp thời điều chỉnh hoạt động của các đơn vị phù hợp với cấp độ dịch ở địa phương... Đặc biệt, các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, quản lý, chấn chỉnh, xử lý các doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường không chấp hành các quy định phòng, chống dịch.
(Báo Kinh tế & đô thị)
Lưu ý khi F0 dùng thuốc hạ sốt điều trị tại nhà
Bộ Y tế cho biết, F0 điều trị tại nhà thực hiện tự theo dõi sức khỏe 2 lần/ngày vào buổi sáng, chiều. Nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt 2 lần không đỡ, F0 cần thông báo ngay cho Cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà để được xử trí...
Theo "Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà" có 3 tiêu chí lâm sàng đối với F0 được điều trị tại nhà.
Tiêu chứ thứ nhất, người mắc COVID-19 (được khẳng định nhiễm SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm realtime RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên theo quy định hiện hành) không có triệu chứng lâm sàng; hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ: như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi; tiêu chảy, chảy mũi, mất mùi, mất vị;
Tiêu chí thứ hai, người mắc COVID-19 không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ô xy; nhịp thở < 20 lần/phút; SpO2 > 96% khi thở khí trời; không có thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít ở thì hít vào. Người mắc COVID-19 không mắc bệnh nền, hoặc có bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định.
Tiêu chí thứ ba, người mắc COVID-19 điều trị tại nhà có thể tự chăm sóc bản thân như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh và có thể tự theo dõi tình trạng sức khỏe theo hướng dẫn của nhân viên y tế; Có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu: Có khả năng giao tiếp và sẵn có phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính…
Bộ Y tế lưu ý trong trường hợp người mắc COVID-19 không có khả năng tự chăm sóc, gia đình phải có người chăm sóc đáp ứng các yêu cầu trên.
Hướng dẫn F0 điều trị tại nhà dùng thuốc hạ sốt, theo Bộ Y tế, nếu là người lớn > 38,5 độ hoặc đau đầu, đau người nhiều: uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0,5 g, có thể lặp lại mỗi 4-6h, ngày không quá 4 viên, uống oresol nếu ăn kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước.
Nếu là trẻ em sốt > 38,5 độ, uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6h, ngày không quá 4 lần.
Bộ Y tế lưu ý thêm nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt 2 lần không đỡ, người mắc COVID-19 thông báo ngay cho Cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà để được xử trí.
(Báo Pháp luật)
Tranh luận xung quanh việc có nên xem Covid-19 như một loại bệnh chuyên khoa
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đã đến lúc xem Covid-19 là bệnh chuyên khoa chứ không phải bệnh dịch nguy hiểm nhóm A, tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến không đồng tình với quan điểm này…
Trao đổi với báo chí cuối tuần qua, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu phân tích, hiện tỷ lệ tiêm bao phủ vaccine Covid-19 ở nước ta đã đạt mức cao, sự xuất hiện của Omicron không gây bệnh tăng nặng như chủng Delta và đặc biệt là hệ thống y tế đã bắt đầu thích ứng với dịch bệnh...
Vì thế, có thể xếp Covid-19 là bệnh lý chuyên khoa khác và cần xử lý như các bệnh lý chuyên khoa khác. Việc này tương tự khi người dân bị bệnh nào thì sẽ tìm đến chuyên khoa đó để khám và điều trị. Việc thanh toán, chi trả tiền khám chữa bệnh Covid-19 cũng cần ứng xử như với các bệnh lý khác, nghĩa là có thể do bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội cũng cho rằng, đến thời điểm này Covid-19 không nên xem là đại dịch nữa mà xem như một bệnh chuyên khoa. Người dân không nên hoang mang vì những người đã tiêm vaccine rồi nếu mắc bệnh sẽ bị nhẹ hơn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tuân thủ 5K, không hoang mang nhưng cũng đừng chủ quan…
Về các ý kiến trên, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nêu quan điểm khác. Ông cho rằng ở thời điểm hiện tại vẫn chưa nên đưa Covid-19 ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A, và coi nó như một bệnh truyền nhiễm thông thường.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phân tích, thông thường với các bệnh truyền nhiễm, để có thể đưa ra khỏi nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm A, cần căn cứ vào nhiều yếu tố như: Khả năng miễn dịch cộng đồng, tỷ lệ ca tử vong, khả năng đáp ứng y tế và đặc biệt vấn đề tác động nghiêm trọng và nguy hiểm tới sức khỏe và đời sống xã hội…
Trên thực tế hiện nay nếu đưa Covid-19 trở về bệnh truyền nhiễm thông thường, dịch bệnh vẫn sẽ tiếp tục lây nhiễm, vẫn có ca chuyển biến nặng, ca tử vong và trực tiếp gây áp lực lên hệ thống y tế. Đặc biệt hiệu quả phòng bệnh của vaccine phòng Covid-19 ở mức nhất định chưa bao phủ đồng đều trên thế giới, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu…Tổ chức Y tế thế giới vẫn chưa công bố Covid-19 là bệnh đặc hữu.
"Ở thời điểm hiện tại, Covid-19 vẫn có nguy cơ gây quá tải hệ thống y tế. Do đó, theo tôi vẫn chưa thể xem đây là bệnh truyền nhiễm thông thường" - PGS Phu nêu quan điểm.
(Báo An ninh thủ đô)
Nên xem Covid -19 là bệnh thông thường, tiếp tục thực hiện nghiêm 5K
Nhiều bạn đọc ủng hộ việc đến lúc nên xem Covid -19 là bệnh chuyên khoa thông thường, nhưng cũng lưu ý: Vẫn phải tiếp tục thực hiện 5K chặt chẽ và không chủ quan, lơ là với dịch bệnh này.
Như Thanh Niên đã đưa tin, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nhìn nhận: “Phòng chống dịch tại Việt Nam đang đi con đường đúng đắn là chuyển hướng từ zero Covid sang thích ứng an toàn. Hiện nay, với tốc độ lây lan nhanh của chủng Omicron càng cho thấy, chúng ta không có hy vọng zero Covid được nữa".
PGS Hiếu phân tích thêm: “Hiện trong nước đã tiêm bao phủ rộng vắc xin Covid-19; sự xuất hiện của Omicron đã không còn gây bệnh tăng nặng như chủng Delta và đặc biệt là hệ thống y tế đã bắt đầu thích ứng với dịch bệnh... Đó là các yếu tố, điều kiện để chúng ta xếp Covid-19 là bệnh lý chuyên khoa khác”.
Với góc nhìn là người làm công tác về y tế dự phòng, nguyên là Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), PGS-TS Nguyễn Huy Nga cho rằng đại dịch Covid-19 hiện vẫn còn khó đánh giá, quy luật của vi rút này lại khá đặc biệt và vẫn có các biến thể mới. Tuy nhiên, với tiến độ phủ vắc xin như hiện nay của Việt Nam, vi rút gây dịch Covid-19 có thể sẽ không hoàn toàn bị xóa sổ mà trở thành mầm bệnh đặc hữu như cúm mùa - là bệnh đặc hữu thông thường, như một bệnh chuyên khoa truyền nhiễm khác, khi đủ điều kiện “chuyển dịch” sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), muốn xem Covid-19 như bệnh cúm thông thường thì TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung nên triển khai tiêm vắc xin bao phủ cho những người chưa tiêm. Theo bác sĩ Khanh, nơi nào đã tiêm ngừa đầy đủ thì xem bệnh này như cúm mùa, còn ngược lại, chưa tiêm đầy đủ thì không nên xem như cúm mùa.
“Mọi chuyện có thể coi là bình thường rồi !”
Nhiều bạn đọc (BĐ) ủng hộ ý kiến của các chuyên gia y tế cho rằng đã đến lúc nên xem Covid-19 là bệnh chuyên khoa thông thường. BĐ Tiến Thành chia sẻ: “Các chuyên gia y tế đã nói như thế, chúng ta cũng đã có kinh nghiệm qua các đợt dịch vừa qua, và cách ứng phó của nhiều nước trên thế giới, tất cả cho thấy đã đến lúc chúng ta nên xem Covid-19 là bệnh thông thường hay là cúm mùa. Cách đếm số ca nhiễm, truy vết F0, F1, F2 giờ không còn phù hợp nữa. Giờ chúng ta cần tập trung kéo giảm các ca nặng, ca tử vong, tiếp tục phủ vắc xin ở những nơi còn tỷ lệ tiêm mũi 3 chưa cao. Mọi chuyện có thể coi là bình thường rồi!”.
Cùng quan điểm, BĐ Tuan Tran Minh cũng cho rằng: “Thực tế nên xem là bệnh thông thường được rồi. Chúng ta đã tiêm 2, 3 mũi vắc xin. Các bệnh thông thường với người thông thường cũng gây chết người chứ đâu phải có mỗi Covid-19 mới gây chết người đâu?”. BĐ Nguyễn Song Giang cho biết thêm: “Chúng ta đã tiêm vắc xin Covid-19 gần như bao phủ toàn dân. Hiện nay đa số người bệnh có triệu chứng nhẹ, tỷ lệ người tử vong thấp, có thể ngành y tế nên xem đây là một bệnh loại B, giảm áp lực đối phó. Tuy nhiên, bà con ta vẫn phải cảnh giác, chấp hành nghiêm 5K”.
Không chủ quan, tiếp tục thực hiện nghiêm 5K
Một số BĐ cũng chỉ ra có hiện tượng chủ quan, lơ là ở nhiều người. BĐ khanhhoatrinhxxxx@yahoo.com bày tỏ lo lắng: “Quan trọng là phải thực hiện 5K và khuyến khích người dân thực hiện chặt chẽ chứ không chủ quan. Nhiều người dân chỉ thực hiện khi bị bắt buộc… Từ trước tết khoảng 1 tuần cho đến nay, trên đường phố, trong khu chung cư, khu thương mại... đã thấy nhiều người bỏ đeo khẩu trang hoặc chỉ đeo đối phó. Còn khoảng cách thì cứ nhìn vào những quán ăn, quán cà phê, quán nhậu và bãi biển thì biết ngay”.
BĐ Anh Kiệt cũng đề nghị: “Đã thấy nhiều người ra đường “quên” đeo khẩu trang, hoặc đeo mà không kéo lên che miệng, mũi. Vấn đề là ai cũng thấy, mà sao không thấy ai phạt cả? Cần coi Covid-19 là bệnh thông thường, nhưng vẫn phải phạt nặng những người không đeo khẩu trang chứ?”