F0 mới "hạ nhiệt": Hà Nội đã qua đỉnh dịch Covid-19?
Sau nhiều ngày "F0 bùng nổ" và đạt đỉnh 32.650 ca/ngày (8/3), số ca mắc mới của Hà Nội đã có xu hướng giảm. Đáng chú ý, từ ngày 13/3 đến nay, Thủ đô chỉ ghi nhận dưới 30.000 F0 mỗi ngày.
"Hà Nội đã qua đỉnh dịch và bắt đầu hạ nhiệt dần?" là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm ở thời điểm hiện tại.
Trao đổi với Dân trí về vấn đề này, một lãnh đạo ngành y tế Hà Nội cho hay, tình hình dịch tại Thủ đô đã hạ nhiệt trong khoảng 10 ngày vừa qua.
"Chúng tôi dự đoán có thể vào cuối tháng 3, tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội sẽ hạ nhiệt về mức như trước Tết Nguyên Đán", vị lãnh đạo này cho hay.
Trước câu hỏi việc Omicron lây lan rộng và thay thế dần biến thể Delta liệu có tạo ra một làn sóng dịch mới, vị này phân tích, trên thực tế biến thể Omicron đã chiếm đa số tại Hà Nội một thời gian. Việc số F0 tăng vọt và duy trì ở mức cao trong thời gian vừa qua cũng đã phản ánh việc này.
Trong báo cáo gần đây nhất, Hà Nội đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng chiếm tỷ lệ 80% (93/109 mẫu) mẫu bệnh phẩm của các ca dương tính được giải trình tự gen ngẫu nhiên, trong đó, chiếm ưu thế là biến thể phụ BA.2 (86/93 mẫu). Như vậy, bước đầu đã có những bằng chứng kết luận, chủng Omicron đã là chủng lưu hành chính tại Hà Nội.
Biến thể phụ BA.2 (chủng Omicron) chiếm ưu thế trong các ca F0 tại Hà Nội, với tốc độ lây lan nhanh. Tuy nhiên, bệnh nhân ở tầng 2, tầng 3 có chiều hướng giảm, nên những ngày qua, tỷ lệ F0 nhập viện chỉ chiếm 1-1,5%.
Theo số liệu từ Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cập nhật đến 15/3, Hà Nội có 492.124 bệnh nhân điều trị tại nhà, 299 bệnh nhân đang điều trị tại khu cách ly, 3.823 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị, có 2.656 F0 ở mức độ trung bình, 697 ca nặng, nguy kịch. Trong số các ca nặng nguy kịch có 614 ca phải thở oxy mask, gọng kính; 10 ca phải thở oxy dòng cao HFNC; 32 ca thở máy không xâm lấn; 34 ca phải thở máy xâm lấn; 6 ca lọc máu, một ca can thiệp ECMO.
Ghi nhận thực tế tại các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Hà Nội, mặc dù số bệnh nhân trong giai đoạn vừa qua gia tăng. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng và tử vong so với thời kỳ trước đã giảm rõ rệt.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn (cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 tầng 3 của Hà Nội) hiện đang điều trị cho khoảng 200 F0, trong đó có 150 bệnh nhân cần can thiệp oxy trở lên. Hầu hết các trường hợp diễn biến nặng, tử vong đều là người cao tuổi, người có bệnh nền, chưa tiêm đủ mũi vaccine Covid-19.
Thành phố Hà Nội đã chủ động kiểm soát được dịch bệnh ở ngưỡng an toàn, song, ngành y tế vẫn tiếp tục giải trình tự gen để có các giải pháp ứng phó phù hợp với tình hình chung. Để phát huy hiệu quả công tác phòng, chống dịch, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường ứng dụng phần mềm trong quản lý F0 điều trị tại nhà; đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng mũi 3 khi được phân bổ; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn F0 điều trị tại nhà; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường, y tế tại địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát việc bán thuốc Molnupiravir tránh việc găm hàng, tăng giá…
(Báo Dân trí)
Hàng nghìn F0 được hỗ trợ kịp thời qua Tổng đài 1022
Trước số ca mắc Covid-19 liên tục tăng cao trong những ngày gần đây, thành phố Hà Nội đã có điều chỉnh kịp thời nhằm giảm tải áp lực cho hệ thống y tế cơ sở, đồng thời đảm bảo hỗ trợ, giải quyết nhanh chóng vướng mắc của người dân thông qua Tổng đài 1022, đặc biệt đối với những F0 đang điều trị tại nhà.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố, tuần từ 7/3 đến 13/3, Tổng đài 1022 đã tiếp nhận 2.823 cuộc gọi đến, trong đó cuộc đáp ứng là 2.487 cuộc, đạt 88,1%. Đáng chú ý, tổng số cuộc gọi đi chăm sóc sức khỏe chủ động (đối với nhánh 2) là 4.726 cuộc; số các F0 điều trị tại nhà được hướng dẫn, tư vấn, chăm sóc là 3.159 người.
Lũy kế từ ngày 20/8/2021 đến nay, Tổng đài 1022 Hà Nội đã tiếp nhận 90.099 cuộc gọi đến, trong đó cuộc đáp ứng là 70.743 cuộc, đạt 78.52 %. Tổng số cuộc gọi đi chăm sóc sức khỏe chủ động (đối với nhánh 2) là 264.553 cuộc, trong đó số F0 được tư vấn, chăm sóc là 174.004 người.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 những ngày vừa qua, khi số ca mắc mới liên tục tăng nhanh, Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố tiếp tục giao Sở Thông tin và Truyền thông vận hành hiệu quả Tổng dài 1022, đồng thời phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã đảm bảo tiếp nhận mọi thông tin, phản ảnh của người dân liên quan đến phòng, chống dịch, an sinh xã hội, hỗ trợ, giúp đỡ, phát thuốc kịp thời cho các trường hợp F0 điều trị tại nhà.
Để phục vụ tốt hơn công tác hướng dẫn, chăm sóc cho các F0 tại nhà, mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã kịp thời tham mưu cho Thành phố điều chỉnh các nhánh 1, 2 và 3 của Tổng đài 1022. Cụ thể, khi người dân gọi Tổng đài 1022, nhấn phím 1 sẽ được kết nối tới đường dây nóng Sở Y tế Hà Nội để hỗ trợ thông tin F0; bấm phím 2 sẽ kết nối đến Mạng lưới thầy thuốc đồng hành để được tư vấn, chăm sóc F0 tại nhà…
Riêng đối với Tổng đài 1022 nhánh số 4, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, từ 7/3 đến 11/3, bộ phận trực Tổng đài đã tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân với 597 cuộc gọi, tin nhắn. Trong đó đã xử lý 592 phản ánh, chuyển các quận, huyện, thị xã 5 phản ánh. Lũy kế từ 22/7/2021 đến 11/3 đã tiếp nhận 251.480 cuộc gọi, tin nhắn. Trong đó, xử lý 244.068 phản ánh, chuyển quận, huyện, thị xã 7.412 phản ánh.
Chia sẻ về việc tiếp nhận phản ánh của người dân thông qua Tổng đài 1022, Tổng đài viên Đ.V.H cho biết: Trước số ca mắc tăng nhanh những ngày vừa qua, bộ phận trực Tổng đài 1022 chúng tôi nhận được khá nhiều cuộc gọi của người dân đề nghị được hỗ trợ y tế điều trị F0 tại nhà; hướng dẫn giải quyết các thủ tục hành chính; quy trình cách ly khi phát hiện dương tính với Covid-19; phản ánh việc găm hàng, tăng giá của một số quầy thuốc… Sau khi được hướng dẫn, tư vấn, đa số người dân đã biết cách xử lý linh hoạt trong các tình huống, nhất là khi có người nhà mắc Covid-19.
Đánh giá về việc thực hiện tiếp nhận phản ánh của người dân về công tác phòng, chống dịch Covid-19 thông qua Tổng đài 1022, Trưởng phòng Y tế quận Long Biên Lương Thị Minh Nguyệt cho biết: Tình hình người mắc bệnh Covid-19 gần đây tăng đột biến, dẫn đến việc liên hệ của người bệnh và người nghi nhiễm với Trạm y tế các phường gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ có sự điều chỉnh kịp thời của Tổng đài 1022 cũng như sự vào cuộc, hỗ trợ nhanh chóng của đội ngũ y tế cơ sở, ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ, đến nay những thắc mắc của người dân cơ bản đã được giải quyết.
Mới đây, tại Hội nghị giao ban trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị các địa phương tiếp tục đặt nhiệm vụ phòng, chống dịch lên hàng đầu; tuyệt đối không được chủ quan lơ là trong bất cứ tình huống nào.
Để thực hiện tốt công tác quản lý bệnh nhân F0 tại nhà, Phó Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý thủ tục hành chính quản lý F0 tại nhà. Giao Sở Y tế chủ trì phối hợp với Bảo hiểm Xã hội và Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương giải quyết về vấn đề hạ tầng, cần thiết huy động sự hỗ trợ của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn...
(Báo Lao động thủ đô)
Y tế cơ sở trước áp lực F0
Ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 128/NQ-CP về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Những ngày này đội ngũ y tế cơ sở cấp phường, xã tại Hà Nội đang phải gồng mình chăm lo sức khỏe của người dân.
Đến nay, sau hơn 2 năm chống dịch, khi đã tiêm phủ vaccine tương đối lớn Việt Nam đã thay đổi quan điểm ứng phó với dịch, đó là từ cố gắng dập tắt dứt điểm dịch sang chung sống an toàn với dịch. Khi mỗi ngày Hà Nội có thêm trên 30.000 F0 thì đội ngũ nhân viên y tế cơ sở thực sự đã và đang quá tải.
Khai báo y tế
Những ngày đầu tháng 3/2022, y tế phường của tất cả các quận nội thành Hà Nội đều thực sự quá tải khi tiến hành công tác khai báo y tế, người bệnh F0. Đến giờ quy định 5K “khẩu trang, khử khuẩn, không tụ tập, khai báo y tế, khoảng cách” vẫn là những quy định mang tính bắt buộc. Theo đó, nếu không khai báo y tế người mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch có thể bị xử phạt vi phạm hành chính đến 20 triệu đồng. Nhưng để làm đúng quy định, không hề đơn giản chút nào, cả về phía người dân lẫn nhân viên y tế.
Ngoài ra, nếu không khai báo y yế thì khi bị bệnh nặng không thể chuyển viện lên tuyến trên, không được cấp đơn thuốc, không được hướng dẫn điều trị. Người lao động không được hưởng chế độ BHXH, trẻ em không thể cắp sách đến trường. Nên khi lượng F0, F1 tăng thì chỉ nội việc “khai báo y tế” không thôi, tuyến y tế cơ sở quá tải là điều khó tránh khỏi.
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết: “Một là thời điểm này số lượng F0 tăng cao đột biến trên địa bàn mà lực lượng y tế quá mỏng. Hai là bởi một số quy định của Bộ Y tế còn phức tạp và bất cập, nhân viên y tế phải tuân thủ không muốn làm sai”. Với 90.000 người dân, nhưng Trạm Y tế phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai) chỉ có 11 nhân viên. Đỉnh điểm ngày 3/3, có 1.721 người đến trạm y tế khai báo y tế thì có làm “thông đêm, suốt sáng” cũng không hết việc.
Chủ tịch UBND phường Mai Động (quận Hoàng Mai) Trần Văn Vịnh than thở: “Y tế phường có 8 người thì 7 F0, 1 F1 mà tính từ đầu năm đến nay phường 62.000 nhân khẩu đã có 6.120 F0, có 3.980 người đã điều trị khỏi bệnh thì chúng tôi phải làm sao cho kịp thủ tục”. Định biên 579 phường, xã của 30 quận huyện Hà Nội đang có những bất cập tương tự, ngày thường đã thiếu nhưng khi chính nhân viên y tế cũng dương tính thì lại càng thiếu.
Trong khi đó, theo Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) Nguyễn Mạnh Đạt, trên địa bàn phường có số lượng cư dân đông, lên đến gần 34.000 người. Vừa qua, phường đã đưa ra các giải pháp, trong đó, huy động thêm lực lượng sinh viên tình nguyện từ Đại học Khoa học Tự nhiên, Cao đẳng Công Thương đến hỗ trợ trạm y tế trong việc nghe điện thoại nhập liệu, hỗ trợ hành chính cho người dân...; tăng cường thêm số điện thoại hotline; ứng dụng khai báo điện tử trực tuyến để hỗ trợ khai báo y tế…
“Nếu như những ngày cao điểm có khoảng 500 trường hợp F0 mỗi ngày, số người dân ra thực hiện thủ tục mỗi ngày lên tới 200 đến 300 người; những ngày gần đây đã có sự giảm tải. Khi có tình trạng đông người, phường đã chỉ đạo các lực lượng tổ chức phân luồng, bố trí thêm 1 địa điểm tại Ban Chỉ huy Quân sự phường ở ngay sau trạm y tế để hỗ trợ người dân đến thực hiện các thủ tục, để giảm tải, không tập trung đông người” - Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung Nguyễn Mạnh Đạt thông tin.
Lo “bút sa, gà chết”
Về vấn đề khai báo y tế, quy định của Bộ Y tế quy định “việc xét nghiệm do nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng trực tiếp hoặc gián tiếp từ xa”. Văn bản quy định như thế người bệnh khi có triệu chứng có thể ra trạm y tế hoặc tự ở nhà xét nghiệm. Gần đây, hàng loạt cán bộ y tế bị bắt giảm khiến cho tâm lý đội ngũ cán bộ cơ sở lo lắng khi thực thi nhiệm vụ là có thật.
Chính vì thế khá nhiều quận, huyện không rõ câu giám sát "gián tiếp từ xa” là như thế nào nên cứ yêu cầu người bệnh đến trạm y tế… cho chắc ăn. Có cán bộ y tế chia sẻ, nhiều người dân gửi clip kết quả xét nghiệm, nhưng trong quy định của Bộ Y tế lại không có câu nào chấp thuận cho người dân gửi clip đến khiến F0, F1 rồng rắn xếp hàng tại các trạm y tế phường là hình ảnh không khó để bắt gặp. Các F0 thay vì được cách ly và nghỉ ngơi phải chen nhau tại trạm y tế hoàn thành 6 tờ khai A4 và việc người dân “trốn” khai báo đã xảy ra, nhất là những người già, hết tuổi lao động.
Trạm y tế lớn có 10 nhân viên y tế thì tối đa cũng chỉ hoàn thành 250 hồ sơ nhưng hiện nay nhiều phường tại Hà Nội mỗi ngày có tới 400 - 500 F0. Mà y tế cơ sở không chỉ mỗi việc khai báo y tế, họ còn phải theo dõi, điều trị bệnh nhân, khử khuẩn, tổ chức cấp cứu bệnh nhân nặng. Anh, chị em y tế cơ sở đang quá tải là điều ai cũng thấy!
Chúng tôi kiến nghị Bộ Y tế sớm bỏ khái niệm F0, F1, đồng thời đề nghị hướng dẫn cắt giảm thủ tục xác nhận cho người nhiễm Covid-19 tại địa phương. Đề nghị Sở Y tế Hà Nội cần hướng dẫn cho các đơn vị, địa phương cụ thể hơn thuật ngữ về chuyên môn.
Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 1 Chu Thanh Hà
Không chủ quan, không cực đoan
Tỷ lệ nhân viên y tế tuyến phường, xã tại TP Hà Nội mới đạt 6 trên 10.000 dân, thấp hơn nhiều so chỉ tiêu và nhu cầu thực tế. Tỷ lệ này cả nước là 7,4. Năm 2020, TP Hồ Chí Minh đã có 597 nhân viên y tế xin nghỉ việc và năm 2021 đã có thêm 1.000 trường hợp. Tại Hà Nội thời gian qua, không ít người từ cơ sở y tế công ra làm bệnh viện tư với mức lương và chế độ đãi ngộ cao hơn.
Do vậy, để không quá muộn, Hà Nội cũng cần có các chế độ chính sách đảm bảo thu nhập, đời sống cho cán bộ y tế cơ sở để họ có thể yên tâm công tác và tiếp tục bám trụ. Trong khi chưa thể tăng ngay định biên cho y tế 579 phường, xã thì vấn đề mấu chốt lúc này là phải quan tâm, động viên cả tinh thần, vật chất cho đội ngũ y tế cơ sở. Các văn bản nghiệp vụ cần đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng và nghiên cứu, ứng dụng CNTT vào việc triển khai. Hà Nội đang thành công với mô hình Tổ tự quản phòng, chống Covid-19 cần phải phát huy.
Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy, các quy định không phù hợp thì bỏ, hoặc thay mới, không chủ quan nhưng không cực đoan. Ngay cả thông điệp 5K, lâu nay quy định "giữ khoảng cách, không tập trung" không còn phù hợp với thực tế tại các trường học, nhà máy, công sở, quán ăn, rạp chiếu phim tại sao vẫn cứ duy trì máy móc?
Sau khi báo cáo quận, chúng tôi đã thành lập các nhóm Zalo và khai báo, cập nhật thông tin cho các bệnh nhân. Từ đó, các thành viên trong các tổ có thể tư vấn trên nhóm Zalo hoặc qua điện thoại nhằm giảm áp lực cho nhân viên y tế phường.
Là địa phương có điểm sáng “vùng xanh” tại Khu dân cư số 1 từng được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về thăm (tháng 8/2021), tôi cho rằng các quy định về phòng, chống Covid-19 vẫn phải dựa vào dân, tin dân. Từ khi phường chuyển việc khai báo y tế xuống tổ dân phố, mọi vấn đề đơn giản đi rất nhiều.