F0 tự đến viện - Cảnh báo nhiều nguy cơ
Thời gian gần đây tại Hà Nội xuất hiện tình trạng người dân tự xét nghiệm nhanh Covid-19 tại nhà. Điều đáng nói là qua xét nghiệm, nhiều người có kết quả dương tính, nhưng đã không thông báo với đơn vị y tế ở địa phương, mà lại tự di chuyển đến các bệnh viện. Việc này có thể dẫn đến tình trạng lây nhiễm trên diện rộng, đặc biệt là tại các cơ sở y tế, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.
Tăng nguy cơ lây nhiễm trên diện rộng
Theo Trưởng trạm Y tế phường Mai Động (quận Hoàng Mai) Nguyễn Thị Hằng, thời gian qua, có một số người dân đã test nhanh Covid-19 tại nhà và cho kết quả dương tính. Thay vì việc phải thông báo cho cơ quan y tế để thực hiện theo những quy định nghiêm ngặt nhằm hạn chế dịch lây lan thì những người này đã tự ý đến bệnh viện. Chẳng hạn, ông Nguyễn Văn B. (phường Mai Động) sau khi tự xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho kết quả dương tính đã tự đến một bệnh viện tư để khám bệnh. Sau khi xác định ông B. nhiễm Covid-19, nhưng không có triệu chứng nặng, đủ điều kiện cách ly tại nhà, bệnh viện đã phối hợp với địa phương làm thủ tục để ông B. cách ly y tế tại nhà. Tương tự, trên địa bàn phường Quốc Tử Giám (quận Đống Đa) cũng xảy ra tình trạng này.
Trước thực tế nêu trên, ngày 13-12, Bộ Y tế đã có Công văn khẩn gửi sở Y tế các tỉnh, thành phố về công tác xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2, trong đó khẳng định: Việc người dân có kết quả test nhanh nhưng không thông báo cho đơn vị y tế ở địa phương, tự đến bệnh viện có thể dẫn đến tình trạng lây nhiễm trên diện rộng, đặc biệt là tại các cơ sở y tế, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.
Hiện nay, Hà Nội phân thành 3 tầng điều trị dựa theo mức độ lâm sàng và yếu tố nguy cơ. Tầng 1, dành cho trường hợp bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ với mức nguy cơ trung bình; tầng 2, dành cho trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, mức độ trung bình với nguy cơ cao; tầng 3, dành cho trường hợp nặng hoặc nguy kịch với nguy cơ rất cao... Việc phân cấp đã được tuyên truyền để người dân nắm thông tin. Tuy nhiên, tại một số bệnh viện được phân tầng điều trị 3 như Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang vẫn có rất nhiều trường hợp tự ý tới bệnh viện sau khi test nhanh có kết quả dương tính mà không thông báo cho chính quyền địa phương.
Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Trưởng đơn nguyên phòng, chống Covid-19 (Bệnh viện Thanh Nhàn), có ngày bệnh viện tiếp nhận tới 20 bệnh nhân tự làm xét nghiệm, tự di chuyển đến bệnh viện. Việc này khiến bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải, làm cho nhiều bệnh nhân điều trị tầng 2-3 bị hạn chế cơ hội được cứu sống, chưa kể, việc tự ý di chuyển của các trường hợp F0 còn có nguy cơ lây lan dịch ra cộng đồng.
Khẳng định thêm, bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng cho biết, trung bình mỗi ngày có khoảng 5 bệnh nhân tự đến bệnh viện sau khi tự test có kết quả dương tính. Dù bệnh viện chưa rơi vào cảnh quá tải nhưng nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.
Cần tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế
Trước thực tế ngày càng xuất hiện nhiều F0 có triệu chứng nhẹ, bác sĩ Nguyễn Thu Hường khuyến cáo, nhiều người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin có triệu chứng nhẹ, rất dễ bị bỏ qua và hiểu lầm thành cúm. Vì vậy, khi người dân có bất kỳ triệu chứng gì liên quan đến đường hô hấp hoặc rối loạn vị giác, khứu giác thì nên liên hệ với cơ sở y tế để được khám sàng lọc.
Còn theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, sau khi có kết quả test nhanh dương tính, người dân cần tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế, báo cho chính quyền địa phương hoặc Ban Quản lý tại chung cư nơi sinh sống. Trong thời gian chờ đợi để xét nghiệm lại, người dân cần tự cách ly tại nhà. Sau đó, nếu kết quả khẳng định dương tính, F0 sẽ được xem xét để quyết định việc điều trị tại nhà, trạm y tế lưu động hay các bệnh viện...
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thông tin, Bộ vừa có công văn khẩn đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, phối hợp tổ chức liên quan để thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, website của sở y tế số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý thông tin kết quả tự xét nghiệm test nhanh kháng nguyên dương tính của cơ quan, đơn vị và người dân. Đồng thời, tư vấn và hỗ trợ cơ quan, đơn vị và người dân các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, tránh việc tự điều trị tại nhà không theo hướng dẫn y tế hoặc tự ý di chuyển đến bệnh viện, nơi đông người.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương tăng cường truyền thông, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân chấp hành quy định phòng, chống dịch, đặc biệt là việc triển khai tự xét nghiệm, giúp phát hiện sớm ca bệnh, kịp thời bóc tách, khoanh vùng dập dịch, đồng thời hạn chế việc lây nhiễm cho cộng đồng.
(hanoimoi.com.vn)
Người nhập cảnh tiêm đủ liều vaccine Covid-19 có kết quả PCR âm tính sẽ cách ly tại nhà 3 ngày
Theo dự thảo thí điểm áp dụng biện pháp phòng, chống dịch với người nhập cảnh đường hàng không cập nhật ngày 15/12, Bộ Y tế đề xuất người nhập cảnh tiêm đủ liều vaccine Covid-19, có kết quả xét nghiệm PCR âm tính sẽ cách ly tại nhà 3 ngày.
Theo dự thảo, hiện nay tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 của Việt Nam đã đạt ở mức cao (tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm một mũi là 96,4% và tiêm đủ hai mũi là 76,5%).
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chậm nhất đến ngày 31/12/2021 phải cơ bản hoàn thành 100% việc tiêm 2 mũi vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho trẻ em.
Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" và các văn bản khác, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh Việt Nam qua đường hàng không (trừ trường hợp người nhập cảnh vào làm việc ngắn ngày và các trường hợp nhập cảnh khác theo quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và của Bộ Y tế hoặc có thoả thuận hợp tác song phương).
Phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh trong vòng 72 giờ
Về yêu cầu chung phòng, chống dịch, dự thảo của Bộ Y tế nêu rõ đối với người nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh trong 72 giờ trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi, thực hiện khai báo y tế trước khi nhập cảnh;
Khi nhập cảnh Việt Nam cần cài đặt và sử dụng ứng dụng khai báo y tế (PC-Covid) để khai báo y tế, theo dõi sức khoẻ theo quy định của Việt Nam (đối với khách nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ thì khuyến khích sử dụng).
Trường hợp người nhập cảnh là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân (gồm vợ/chồng, con) chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine Covid-19 sẽ thực hiện tiêm chủng vaccine Covid-19 (tiêm miễn phí) trong thời gian thực hiện cách ly (nếu có nhu cầu).
Thực hiện chi trả chi phí xét nghiệm, chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và các chi phí liên quan khác (nếu có) trong phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/2/2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19.
Trường hợp người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19
Dự thảo của Bộ Y tế hướng dẫn trong 3 ngày đầu kể từ ngày nhập cảnh tự theo dõi sức khoẻ và không được tiếp xúc với người xung quanh; không được ra khỏi nhà hoặc ra khỏi địa điểm lưu trú tự bố trí (như khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, trụ sở của cơ quan đại diện, ký túc xá, nhà khách của cơ sở sản xuất, kinh doanh…).
Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR ngày thứ 1 và ngày thứ 3 kể từ ngày nhập cảnh. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, tiếp tục theo dõi sức khoẻ đến hết 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh (hiện đang là cách ly tập trung 7 ngày và theo dõi sức khoẻ 7 ngày sau đó).
Trường hợp tự nguyện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày thứ 10 và có kết quả âm tính thì kết thúc thời gian theo dõi sức khoẻ.
Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thì xử lý theo quy định.
Trường hợp người nhập cảnh chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine Covid-19
Tại dự thảo nên rõ, các trường hợp này thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh; Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR ngày thứ 1 và ngày thứ 7.
Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, tiếp tục theo dõi sức khoẻ đến hết 14 ngày; Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR ngày thứ 14 sau khi nhập cảnh.
Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính thì xử lý theo quy định.
Đối với người nhập cảnh dưới 18 tuổi, người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền (nhưng không phải theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế) được cách ly cùng cha/mẹ/người chăm sóc.
Yêu cầu đối với người chăm sóc phải tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 và phải ký cam kết tự nguyện cách ly cùng sau khi được giải thích về các nguy cơ lây nhiễm Covid-19; phải thực hiện nghiêm các yêu cầu về xét nghiệm và các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 như đối với người nhập cảnh.
Bản dự thảo hiện đang lấy ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố.
(nhandan.vn)
Từ vụ 4 F0 chờ cả tuần mới có kết quả xét nghiệm PCR, Phó giám đốc CDC Hà Nội nói gì?
"Trước đây khi chưa ở trạng thái bình thường mới, làm 1.000 mẫu xét nghiệm tất cả đều âm tính thời gian rất nhanh. Bây giờ làm 1.000 mẫu mà 100 mẫu dương thì lực lượng chuyên môn sẽ phải làm lần 2, lần 3, khẳng định xong phải khử khuẩn rồi mới làm tiếp được chứ không chạy liên tục", Phó giám đốc CDC Hà Nội chia sẻ.
"Mẫu xét nghiệm dương tính nhiều sẽ mất thời gian hơn rất nhiều lần"
Nhiều ngày nay, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội liên tục tăng mạnh. Đáng chú ý, tối ngày 15/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thông báo thành phố ghi nhận 1.357 ca nhiễm mới, trong đó có tới 611 trường hợp cộng đồng. Đây tiếp tục là ngày ghi nhận số ca mắc cao "kỷ lục" tại thủ đô.
Cùng với đó, mới đây trên mạng xã hội xuất hiện thông tin người dân chờ nhiều ngày chưa có kết quả xét nghiệm khẳng định RT-PCR. Đơn cử như gia đình ở chung cư HH3A Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, chờ một tuần mới có kết quả xét nghiệm khẳng định. Việc này khiến chính quyền địa phương lúng túng vì không thể ký quyết định đi điều trị hay cách ly tại nhà. Không ít ý kiến cho rằng liệu việc lấy mẫu xét nghiệm có bị quá tải?
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, hiện nay lực lượng y tế tập trung xử lý mẫu xét nghiệm nhiều hơn trước đây. Ngoài ra, mẫu dương tính nhiều hơn trước nên phải làm cẩn thận, chắc chắn.
"Có mẫu dương tính phải làm xét nghiệm tới lần thứ 2, 3 mới có kết quả chắc chắn khẳng định nên chậm, thứ 2 số lượng mẫu tăng. Trường hợp ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai không chỉ có CDC làm mà có đơn vị khác xét nghiệm nữa. Nếu CDC làm thời gian đảm bảo nhưng một số đơn vị khác làm thường sẽ chậm hơn", ông Tuấn nêu.
Về thông tin cho rằng, việc chậm trả kết quả xét nghiệm có phải do bị quá tải, ông Tuấn cho hay, thành phố chưa đến mức độ này nhưng do số lượng mẫu tăng lên, số lượng mẫu dương tính nhiều nên sẽ chậm hơn thời gian trước.
"Trước đây khi chưa ở trạng thái bình thường mới làm 1.000 mẫu xét nghiệm tất cả đều âm tính thời gian rất nhanh. Bây giờ làm 1.000 mẫu mà 100 mẫu dương thì lực lượng chuyên môn sẽ phải làm lần 2, lần 3, khẳng định xong phải khử khuẩn rồi mới làm tiếp được chứ không chạy liên tục.
Mẫu xét nghiệm dương tính nhiều sẽ mất thời gian hơn rất nhiều lần. Chỉ tính riêng CDC Hà Nội ngày làm vài nghìn mẫu xét nghiệm. Ngoài ra còn một số quận huyện và bệnh viện làm. Tính ra, mỗi ngày Hà Nội xử lý trên 10.000 mẫu xét nghiệm trong đó có cả mẫu cách ly, mẫu xét nghiệm lần 2,3 tương đối lớn", ông Tuấn đưa ra dẫn chứng.
Người dân nên làm gì khi phát hiện test nhanh dương tính tại nhà?
Đánh giá về tình hình dịch hiện tại ở Thủ đô khi các ca nhiễm liên tục đạt "đỉnh", Phó giám đốc CDC Hà Nội cho rằng, người dân vẫn phải tuân thủ biện pháp 5K, lực lượng chức năng vẫn phải nhanh chóng xét nghiệm khoanh vùng xử lý các ổ dịch.
"Giờ được điều trị cách ly theo dõi tại nhà nên người dân yên tâm, khi có vấn đề gì hoặc tự xét nghiệm dương tính phải liên hệ với lực lượng y tế để được hướng dẫn cụ thể. Sẽ phải xử lý rác thải y tế riêng, rác thải sinh hoạt xử lý bình thường. Mỗi quận, huyện sẽ phải ký hợp đồng với công ty môi trường nào đó chịu trách nhiệm xử lý việc này", ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Tuấn cũng cho biết thêm, số ca mắc tại Hà Nội sẽ tiếp tục tăng nữa, hơn 1.000 ca/ngày chưa phải "nổ", dự kiến có thể lên đến vài nghìn ca.
"Tất cả kịch bản Hà Nội cũng đã lường tính cụ thể. Tuy nhiên, ở mức độ nào chúng ta sẽ sẽ xử lý mức độ đó và làm một cách phù hợp nhất. Cùng với đó, hàng xóm cũng đóng vai trò rất quan trọng cùng chính quyền địa phương phối hợp, giám sát, hỗ trợ những gia đình có F0, F1 để không tiếp xúc với người ngoài", ông Tuấn nhấn mạnh.
Liên quan vụ việc gia đình 4F0 tại chung cư HH Linh Đàm, (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chờ 5 ngày nhưng chưa được đưa đi cách ly, một chuyên gia y tế khuyến cáo trong trường hợp này, người dân cần bình tĩnh, tự cách ly tại nhà trong bối cảnh F0 tăng lên rất nhanh.
Hiện, Hà Nội thực hiện "thích ứng an toàn với dịch" theo Nghị quyết 128 của Chính phủ nên việc gia tăng F0 là "điều không thể tránh khỏi". Thành phố cũng chuyển đổi tư duy, phương pháp, biện pháp, tổ chức thực hiện từ quản lý không Covid-19 (Zero Covid) sang quản lý rủi ro, giảm thiểu nguy cơ tử vong.
"Theo thống kê, 80 - 85% bệnh nhân nhẹ hoặc không triệu chứng. Trong thời gian đợi kết quả xét nghiệm PCR, họ cần bình tĩnh và tự cách ly", vị này nói và cho biết, ở nhà tự điều trị có thể còn tốt và thoải mái hơn vào khu thu dung, điều trị. Điều quan trọng nhân viên y tế cơ sở biết cách điều phối. Nếu F0 chuyển nặng, cần chuyển ngay tuyến trên, giảm thiểu nguy cơ tử vong", vị chuyên gia cho hay.
(danviet.vn)
“Dự báo F0 có thể tiếp tục tăng, Hà Nội cần kiểm soát không để ca mắc tăng cao”
Theo chuyên gia y tế, TP Hà Nội cần phải kiểm soát lại tình hình, không để số ca mắc tăng quá cao, tránh gây quá tải hệ thống y tế khiến người bệnh không được điều trị kịp thời.
Theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 15/12, thành phố Hà Nội có 1.357 ca mắc COVID-19, trong đó có 611 ca cộng đồng. Đây cũng là số ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng cao nhất được ghi nhận trên địa bàn Hà Nội từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng khi thành phố thực hiện nới lỏng các hoạt động, việc người dân đi lại nhiều, tập trung đông người, nguy cơ tiếp xúc giữa người nhiễm SARS-CoV-2 với người lành là điều không thể tránh khỏi.
“Hiện nay đa phần số ca F0 đều không có triệu chứng, do đó tại những nơi đông người, nơi công sở nếu không thực hiện tốt 5K thì nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao, khi đó sẽ tạo ra nhiều F0, xuất hiện nhiều ổ dịch mới”- ông Phu nói.
Vì vậy theo PGS Trần Đắc Phu, việc số ca mắc tăng cao trên địa bàn thành phố trong thời điểm này là điều đương nhiên và có thể trong những ngày tới sẽ còn tiếp tục tăng.
PGS Trần Đắc Phu cho rằng, vấn đề hiện nay TP Hà Nội cần phải kiểm soát lại tình hình, không để số ca mắc tăng cao thêm nữa. Chuyên gia phân tích, nếu số F0 tăng cao quá sẽ khiến hệ thống y tế quá tải. Khi đó người bệnh sẽ không được tiếp cận với hệ thống y tế và được điều trị kịp thời, đặc biệt là các trường hợp mắc COVID-19 chuyển bệnh nặng, nguy cơ tỷ lệ ca mắc tử vong tăng cao. “Trong lúc này, cần phải thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh để hạn chế việc tăng F0 một cách thấp nhất”- PGS Trần Đắc Phu nêu rõ.
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng, để kiểm soát tốt dịch bệnh đòi hỏi cần sự vào cuộc có trách nhiệm của người dân và chính quyền, riêng ngành y tế sẽ không thể thực hiện thành công và kiểm soát được.
Vì vậy, đối với người dân, cần thực hiện tốt 5K, có ý thức thực hiện các hành vi an toàn.
“Nếu người dân cho rằng đã tiêm vaccine là buông xuôi, thả lỏng, chắc chắn số ca mắc sẽ tăng lên rất nhiều. Chúng ta phải ứng xử trong từng môi trường cho phù hợp, chỉ đến những nơi đông người khi thực sự cần thiết, tránh tụ tập, liên hoan, giảm số người trong các buổi hội họp, đặc biệt thời gian tới là dịp Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, hạn chế tiếp xúc các nhóm người lạ với nhau”- ông Phu khuyến cáo.
Theo PGS Trần Đắc Phu, chính quyền cần tăng cường biện pháp tuyên truyền, kiểm tra giám sát. Ngành y tế cũng phải chuẩn bị đầy đủ hệ thống y tế dự phòng, nhân lực để nâng cao hệ thống y tế cơ sở; Đồng thời thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cán bộ y tế để người dân không may nhiễm SARS-CoV-2 đều được tư vấn, theo dõi và điều trị kịp thời theo phân tầng điều trị, tránh tử vong. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế tại Hà Nội cũng cần nhanh chóng chuẩn bị thêm giường bệnh để phòng trường hợp có F0 diễn biến nặng sẽ được can thiệp ngay.
PGS Trần Đắc Phu cũng một lần nữa khuyến cáo việc tiêm vaccine hiện nay vẫn là cần thiết, vì vậy vẫn phải tiếp tục đẩy nhanh tiêm phủ đầy đủ 2 mũi vaccine cho người dân. Bên cạnh đó, chuẩn bị phương án tiêm mũi vaccine tăng cường cho những đối tượng bệnh nền, suy giảm miễn dịch, người cao tuổi và tiến tới tiêm những mũi nhắc lại cho tất cả người dân vì TP Hà Nội là địa bàn nguy cơ rất cao.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện nay tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vaccine của người dân trên địa bàn rất cao, chiếm tỷ lệ hơn 95% vì vậy hầu hết các ca mắc COVID-19 đều ở thể nhẹ và không có triệu chứng, có thể điều trị tại nhà hoặc ngay tuyến y tế cơ sở.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, TP Hà Nội đã có giải pháp đáp ứng điều trị 100.000 ca bệnh. Theo đó, TP đã thành lập các cơ sở thu dung tuyến thành phố. Các cơ sở này đã hoạt động tốt và đáp ứng được khoảng 22.000 giường bệnh. Các cơ sở thu dung quận, huyện đáp ứng khoảng 70.000 giường bệnh, còn lại các bệnh viện thu dung các bệnh nhân trung bình, nặng và nguy kịch là 8.000 giường bệnh. Đồng thời ngành y tế TP cũng tổ chức phân tầng đảm bảo khoa học, tránh việc quá tải tuyến trên. Với tầng 1, người nhiễm SARS-CoV-2 nhẹ, không triệu chứng có thể điều trị tại nhà, tại trạm y tế lưu động, cơ sở thu dung tuyến thành phố. Tầng 2 là người bệnh được điều trị tại tuyến huyện, chuyên khoa tuyến thành phố. Tầng 3 là điều trị tại bệnh viện hạng 1 và các bệnh viện tuyến Trung ương.
Bà Hà cũng cho biết, Sở Y tế Hà Nội cũng quán triệt các bệnh viện tuyến trên không tiếp nhận bệnh nhân nhẹ và không có triệu chứng để giảm tải hệ thống y tế; Đồng thời thường xuyên tập huấn kiến thức, cập nhật phác đồ mới, kinh nghiệm điều trị các bệnh nhân Covid-19 tại các tỉnh phía Nam cho nhân viên y tế./.
(vov.vn)
Hà Nội có hơn 9.800 F0 đang điều trị, 157 bệnh nhân phải chuyển tầng
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong đợt dịch thứ 4 đến ngày 15-12 Hà Nội ghi nhận 21.731 ca mắc Covid-19. Hiện có 9.886 F0 đang điều trị BV Nhiệt đới Trung ương, BV Đại học Y Hà Nội và các cơ sở của Hà Nội; có 1.064 người theo dõi cách ly tại nhà.
Cụ thể, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4-2021 đến nay), Hà Nội ghi nhận 21.731 ca mắc, trong đó: ghi nhận 8.010 ca tại cộng đồng; 10.082 ca trong khu cách ly tập trung, 3.341 ca tại khu phong toả; 85 trường hợp nhập cảnh; 213 trường hợp mắc tại các bệnh viện trước ngày 30-9.
Cộng dồn đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 21.971 ca mắc, trong đó ca ghi nhận 8.131 tại cộng đồng trên địa bàn TP Hà Nội, 10.101 tại các khu cách ly, 3.341 tại khu phong toả, khu ở dịch cũ; 185 trường hợp nhập cảnh và 213 trường hợp mắc tại các bệnh viện trước ngày 30-9.
Riêng giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP đến nay (11-10 đến 18g ngày 15-12) có 17.424 ca mắc (trung bình 272,25 ca/ngày), trong đó 6.691 ngoài cộng đồng (38,40%), 8.165 tại khu cách ly (46,86%), 2.539 tại khu phong tỏa (14,57%), 29 ca nhập cảnh (0,17%).
Về công tác điều trị, có tổng số 22.228 lượt bệnh nhân đã điều trị. Hiện đang điều trị: 9.886 trường hợp F0, trong đó tại BV Nhiệt đới Trung ương 82 ca; BV Đại học Y Hà Nội 175 người. Còn lại tại các cơ sở điều trị của Hà Nội và cơ sở thu dung điều trị của thành phố. Có 1.064 F0 được theo dõi cách ly tại nhà.
Đến nay tổng số bệnh nhân đã điều trị khỏi là 12.331 trường hợp. Số bệnh nhân chuyển tầng điều trị là 157 người. Tổng số bệnh nhân chuyển viện là 1.268 trường hợp.
Trước diễn biến số F0 gia tăng nhanh tại Hà Nội-nhất là trong những ngày gần đây, PGS-TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng-Bộ Y tế, cho rằng tình trạng này là dễ hiểu sau khi thành phố thực hiện nới lỏng, sống chung an toàn với Covid-19.
Khi Hà Nội bắt đầu cho phép người dân hoạt động, đi lại, việc tiếp xúc giữa người với người, đặc biệt là người lành và người mang virus chắc chắn sẽ xảy ra. Khi đó, virus cũng sẽ có điều kiện để lây lan rộng rãi hơn. Bên cạnh đó, việc người dân tiếp xúc với đám đông, tham dự liên hoan, các sự kiện như đám tang, đám cưới... hay những nơi không đảm bảo tốt biện pháp phòng bệnh sẽ là môi trường rất tốt để SARS-CoV-2 lây lan.
TS. Trần Đắc Phu cho rằng, tình hình dịch và số ca nhiễm tại Hà Nội có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Đây là điều chúng ta buộc phải chấp nhận. Tuy nhiên, thành phố cũng cần sớm kiểm soát tình hình, không để số ca tăng cao hơn nữa, tránh quá tải cho hệ thống y tế.
Khi số ca mắc tăng quá cao, sức chịu đựng của ngành y tế sẽ không đủ. Lúc này, nhiều trường hợp mắc bệnh, diễn biến nặng sẽ không được tiếp cận với y tế cũng như tư vấn và điều trị kịp thời. Từ đó, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong cũng sẽ tăng cao.
“Tất nhiên, với tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cao, đa số người nhiễm tại Hà Nội sẽ chỉ diễn biến nhẹ hoặc không có triệu chứng. Tuy vậy, khi các cơ sở y tế quá tải, việc số trường hợp diễn biến nặng, tử vong tăng cao là hệ quả tất yếu”, TS. Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Vì vậy, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, biện pháp quan trọng và cũng là hiệu quả nhất để giảm nguy cơ tử vong chính là phòng bệnh. Người dân cần đảm bảo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế trong bất cứ thời điểm nào. Dù hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng của Hà Nội đã đạt mức khá cao. Nhiều người chủ quan, cho rằng tiêm vắc-xin rồi sẽ không mắc bệnh hoặc chỉ ở thể nhẹ, từ đó buông lỏng việc bảo vệ bản thân là rất nguy hiểm.
Ngoài ra, không phải 100% người dân tiêm đủ liều vắc-xin sẽ diễn biến nhẹ khi mắc Covid-19. Vẫn có trường hợp diễn biến nặng, tử vong dù đã tiêm vắc-xin dù số lượng không lớn. Do đó, việc tự ý thức, bảo vệ bản thân là rất quan trọng. Chúng ta luôn phải đề phòng trường hợp người bên cạnh, thậm chí bản thân mình, đang là F0.
Từ đây, người dân nên hạn chế tiếp xúc khi không thực sự cần thiết, tránh những hoạt động, địa điểm có nguy cơ lây lan cao như chợ búa không an toàn, hội họp không an toàn...
Với ngành y tế, Hà Nội cần tiếp tục kiện toàn các cơ sở tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19. Thành phố cần tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế để làm sao tất cả người dân không may nhiễm SARS-CoV-2 đều được tư vấn, theo dõi và điều trị kịp thời. Các cơ sở y tế tại Hà Nội cũng cần nhanh chóng chuẩn bị thêm giường bệnh để phòng trường hợp có F0 diễn biến nặng sẽ được can thiệp ngay.