*Bộ Y tế bỏ quy định cách ly với người nhập cảnh
Theo quy định của Bộ Y tế, nếu người nhập cảnh có kết quả xét nghiệm âm tính thì được phép rời khỏi nơi lưu trú và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Đồng thời không bắt buộc trẻ dưới 2 tuổi phải xét nghiệm SARS-CoV-2.
Bộ Y tế vừa ban hành văn bản số 1265/ BYT-DP gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phòng chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh.
Theo Bộ Y tế, số ca mắc mới COVID-19 theo ngày ở nước ta vẫn ở mức cao, biến thể Omicron đã được ghi nhận trong cộng đồng. Tuy nhiên tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ở nước ta đã đạt ở mức cao (là một trong những nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên thế giới), số ca bệnh nặng và tử vong do COVID-19 vẫn đang được kiểm soát tốt.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", Bộ Y tế (Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh Việt Nam như sau:
Yêu cầu về phòng, chống dịch đối với người nhập cảnh
Đối với người nhập cảnh theo đường hàng không: Phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trừ trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh trong vòng 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc trong vòng 24 giờ nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên với virus SARS-CoV-2 và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận.
Đối với người nhập cảnh theo các đường khác (đường bộ, đường thủy, đường sắt: Phải có xét nghiệm như đối với nhập cảnh bằng đường hàng không.
Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 như quy định nêu trên, phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ đầu (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên với virus SARS-CoV-2) kể từ khi nhập cảnh.
Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì được phép rời khỏi nơi lưu trú và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì phải báo cáo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời.
Đối với trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc phải xét nghiệm SARS-CoV-2, chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc chưa từng nhiễm SARS-CoV-2 đều được nhập cảnh, tham gia các hoạt động ở ngoài nơi lưu trú cùng bố, mẹ, người thân.
Thực hiện khai báo y tế trước khi nhập cảnh
Bộ Y tế yêu cầu, người nhập cảnh phải thực hiện khai báo y tế trước khi nhập cảnh và sử dụng ứng dụng khai báo y tế (PC-COVID) trong thời gian lưu trú tại Việt Nam theo quy định.
Tại cửa khẩu nếu có triệu chứng nhiễm SARS-CoV-2 (sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp...) báo ngay cho cơ quan y tế tại cửa khẩu để thực hiện các biện pháp y tế theo quy định.
Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhập cảnh: tự theo dõi sức khỏe, nếu có các triệu chứng nghi nhiễm SARS-CoV-2 (sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp...) thì phải thông báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn, quản lý kịp thời; thực hiện các biện pháp phòng bệnh: thường xuyên đeo khẩu trang, sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn.
Đối với người chưa có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi xuất cảnh: trong suốt quá trình di chuyển từ cửa khẩu nhập cảnh về nơi lưu trú, hạn chế dừng, đỗ dọc đường; tránh tiếp xúc gần với người xung quanh.
Công văn này thay thế Công văn số 10688/BYT-MT ngày 16/12/2021 của Bộ Y tế về việc phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh; Công văn 10943/BYT-MT ngày 24/12/2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn y tế phòng, chống dịch COVID-19 đối với người được phép nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày); Quyết định 2553/QĐ-BYT ngày 18/6/2020 của Bộ Y tế ban hành “Hướng dẫn tạm thời công tác kiểm dịch y tế phòng chống lây nhiễm COVID-19 đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không”; Công văn số 429/BYT-MT ngày 26/01/2022 về việc phòng, chống dịch đối với tổ bay trên các chuyến bay quốc tế.
Bộ Y tế (Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các Bộ, ngành chỉ đạo các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý tổ chức triển khai thực hiện để đảm bảo giảm nguy cơ lây nhiễm cho người đi cùng và cộng đồng./.
(Báo VOV)
*Dịch lên đỉnh, bác sĩ F0 điều trị bệnh nhân F0
Hà Nội dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới, mỗi ngày ghi nhận trên 30.000 F0, trong đó có 99% điều trị tại nhà. Áp lực dồn nén lên vai hệ thống y tế cơ sở khi cả trạm y tế chỉ có 8-10 nhân viên y tế, trong khi họ phải phụ trách tới cả nghìn F0. Trong những ngày qua, rất nhiều bác sĩ, nhân viên y tế đã nhiễm SARS-CoV-2, có nơi cả trạm y tế đều là F0, khó khăn lại thêm chồng chất.
Bài 1: Khi cả trạm y tế phường là F0
Đợt dịch thứ 4 kéo dài trên cả nước đã gây khó khăn, quá tải cho hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở. Từ Tết ra đến nay, số ca mắc COVID-19 tăng rất mạnh, lây lan nhanh trên cả nước bởi biến chủng Omicron. Hà Nội dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới, mỗi ngày ghi nhận trên 30.000 F0, trong đó có 99% điều trị tại nhà. Áp lực dồn nén lên vai hệ thống y tế cơ sở khi cả trạm y tế chỉ có 8-10 nhân viên y tế, trong khi họ phải phụ trách tới cả nghìn F0. Trong những ngày qua, rất nhiều bác sĩ, nhân viên y tế đã nhiễm SARS-CoV-2, có nơi cả trạm y tế đều là F0, khó khăn lại thêm chồng chất.
Không có ngày nghỉ
Chúng tôi tới Trạm Y tế phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng vào những ngày dịch COVID-19 ở Hà Nội diễn ra căng thẳng. Mỗi ngày tại đây có hơn 100-200 bệnh nhân dương tính mới. Gần nửa năm qua, công việc của các nhân viên y tế cơ sở đã quá bận rộn, mệt mỏi và càng quá tải hơn khi các ca F0 bắt đầu tăng mạnh ở Thủ đô sau Tết Nguyên đán.
Gọi điện cho BS Nguyễn Minh Huệ, Trạm trưởng Trạm Y tế, trong điện thoại là tiếng ho sù sụ của chị. Tôi hỏi thăm, chị nói: “Hôm nay là ngày thứ 7 bị nhiễm SARS-CoV-2”. Vào giữa lúc dịch diễn biến căng thẳng nhất thì cả trạm y tế có 10 người (1 bác sĩ là trạm trưởng và 9 y tá, điều dưỡng) đều nhiễm COVID-19. “Vô cùng khó khăn khi cả trạm đều là F0. Trong tình thế đó, tôi động viên các chị em phải cố gắng, vẫn tiếp nhận tư vấn cho các F0 qua Zalo, ai không sốt thì lên trạm làm việc”, BS Huệ chia sẻ.
BS Huệ cho biết, chị mắc COVID-19 có đầy đủ triệu chứng, ho, sốt rét, đau rát họng… nhưng vẫn chỉ đạo từ xa. Những lúc dứt cơn sốt, có điện thoại chị bắt máy trả lời tư vấn cho bệnh nhân. “Có những đêm mệt rũ, đang ngủ nhận được tin báo vẫn bật dậy để tư vấn, chỉ đạo. Có buổi trưa ngủ mê mệt, người cứ chìm đi. Nhưng rồi lại nghĩ, phải làm việc để quên đi mình là F0. Bận rộn làm việc từ sáng tới khuya, không còn thời gian nghĩ đến bệnh nữa, lại thấy khỏe ra. Tôi động viên các chị em F0 cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tình yêu nghề đã chiến thắng tất cả, chúng tôi làm việc suốt trong thời gian là F0, quên đi triệu chứng của bệnh”, BS Huệ tâm sự.
Ngoài BS Huệ con đã lớn, 9 y tá, điều dưỡng của Trạm Y tế phường Đồng Tâm nhiều người con còn nhỏ. Nhân viên y tế nào sốt, con nhỏ thì không đến trạm nhưng đều làm việc tại nhà, tiếp nhận tư vấn qua Zalo. Những người khỏe hơn thì đến trạm làm việc ở tầng 2 để giải quyết các công việc hành chính, hỗ trợ các F1 ở tầng dưới (F1 là Đoàn Thanh niên, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế).
“Mỗi nhân viên y tế phụ trách một khu dân cư, ai mệt quá thì người khỏe hơn làm thay, san sẻ công việc cho nhau. Tôi soạn sẵn 1 tin nhắn hướng dẫn các bước điều trị, sử dụng thuốc cho F0 tại nhà. Tin nhắn này được nhân viên chuyển tới từng bệnh nhân F0, vì thế trong thời gian qua, không có trường hợp nào chuyển nặng mà phải chuyển viện muộn”, BS Huệ cho biết.
Y tế cơ sở tại Hà Nội bước vào khủng hoảng nhân lực do mỗi trạm y tế chỉ có từ 8-10 nhân viên, dịch bệnh kéo dài đã khiến lượng công việc của họ quá tải, ngày nào họ cũng trong guồng quay công việc tất bật, không có ngày nghỉ. Nhiều người không có thời gian lo cho gia đình, trong nhà có người ốm, con nhỏ, nhiễm COVID-19 cũng không có nhiều thời gian quan tăm, chăm sóc. Chưa kể, đợt dịch bùng phát sau Tết Nguyên đán tới nay, số nhân viên y tế nhiễm SARS-CoV-2 rất cao.
Không chỉ Trạm Y tế phường Đồng Tâm, Hà Nội có nhiều nơi cả trạm y tế đều là F0 như phường Thanh Xuân Bắc, Trung Văn… Ngoài ra, rất nhiều trạm y tế khác đều có nhân viên y tế nhiễm COVID-19, nhiều trạm tỷ lệ nhiễm chiếm đến 50-60%, thậm chí 90% như phường Mai Động. Tại Trạm Y tế phường Bưởi, khi nhân viên y tế nhiễm SARS-CoV-2 quá nhiều, hết nhân lực đã phải huy động và tập huấn cho cán bộ UBND phường lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại trạm y tế lưu động.
Những ca cấp cứu xuyên đêm
“Alo! Chị ơi xuống giúp gia đình em với, mẹ em nhất quyết không chịu đi viện”. Cuộc điện thoại của con gái cụ bà hơn 80 tuổi cầu cứu bác sĩ Huệ. Qua điện thoại, chị thuyết phục một hồi, nhưng cụ bà vẫn nhất quyết: “Tôi là bác sĩ, nhà tôi có bình oxy, không cần đi viện”… Đây là những cuộc điện thoại lúc nửa đêm mà BS Huệ thường nhận, đặc biệt nhiều trong thời điểm “cam go” khi cả trạm y tế là F0. Cụ bà bị ung thư, bệnh chuyển biến nặng nhưng gia đình thuyết phục thế nào cũng không đi viện. Với trường hợp này, chị Huệ phải xuống tận nơi thuyết phục, phân tích phải trái không được, thậm chí phải “dọa” cuối cùng cụ mới đi viện.
Mới đây thôi, có hai ông bà cao tuổi sống một mình, sau khi nhiễm COVID-19 điều trị tại nhà, bà có bệnh nền, hàng ngày con đưa cơm chỉ treo ở cửa. Đến ngày thứ 4, hai ông bà bị mệt, hạ đường xuyết, bà ngất xỉu trong nhà vệ sinh, ông gọi điện đến y tế phường. Bác sĩ Huệ và 1 nhân viên y tế vội vàng đến nơi, “phá cửa” để vào nhà, cho bà thở oxy, ăn cháo, uống sữa, một lát sau bà mới tỉnh lại.
BS Huệ cho biết, trong quá trình tiếp nhận, tư vấn, điều trị cho F0, có nhiều câu chuyện “dở khóc dở cười”. Có cụ cao tuổi, bệnh nền nặng, xét nghiệm dương tính nhất quyết không đi viện. Ngày đầu phát hiện dương tính, cấp thuốc kháng virus, cụ uống vào rất khỏe. Nhưng đến ngày thứ 3, bệnh nặng lên và nhập viện, 1 tuần sau thì cụ mất. Có cụ không chịu uống thuốc, không chịu ăn, con của cụ gọi điện cho nhân viên y tế, phải “dỗ dành”, thậm chí “dọa” cụ mới ăn. Có cụ nhân viên y tế ngày nào cũng phải điện thoại dỗ “bà đã ăn chưa, bà uống sữa vào nhé, ăn nhiều cơm vào mới mau khỏe” như dỗ… trẻ con.
Hay có cuộc điện thoại các chị nhận được vừa alo, bên kia gắt “tại sao các cô không qua nhà test cho tôi”. “Những lúc ấy chúng tôi đều phải giải thích, dân họ hiểu và đều thương nhân viên y tế. Có cụ 90 tuổi được cấp cứu chuyển viện kịp thời, khi khỏi bệnh, con của cụ đã điện thoại đến trạm cảm ơn: “Chị Huệ ơi em cảm ơn chị, bố em đã từ cõi chết trở về”. Khi biết cả Trạm Y tế phường là F0, người dân ra cho chuối, bánh, lạc… Chúng tôi cảm động lắm”, BS Huệ kể lại.
Theo thống kê, từ tháng 1 đến nay, phường Đồng Tâm ghi nhận 2.000 ca nhiễm COVID-19, trong đó đã có 900 người khỏi bệnh, số còn lại đang điều trị tại nhà. Thời gian qua, có nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng tại phường nhờ chuyển tuyến kịp thời đã được cứu sống, thoát khỏi nguy hiểm, xuất viện về với gia đình. Nhưng bên cạnh đó, cũng có 6 trường hợp tử vong (từ tháng 1 đến nay) đều là người cao tuổi, có bệnh nền, có người chưa tiêm vaccine. Bên cạnh người dân có ý thức, vẫn còn một số trường hợp test dương tính nhưng không khai báo. Có người cao tuổi khi tử vong mới biết mắc COVID-19. Hoặc cũng có người không khai báo, đến khi bệnh nặng mới báo thì đã nguy kịch.
(Báo Công an nhân dân)
*Nhiều bài học quý từ thành công của chiến dịch tiêm vaccine COVID-19
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam, trong đó có chiến dịch tiêm vaccine mùa Xuân, đến nay đã thành công và để lại nhiều bài học quý.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, việc triển khai thành công chiến dịch tiêm vaccine có quy mô lớn nhất trong lịch sử từ trước đến nay có thể rút ra nhiều bài học quý.
Thứ nhất, Việt Nam tiếp cận đa nguồn đối với các loại vaccine phòng COVID-19 đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt.
Thứ hai, chúng ta phân bổ vaccine linh hoạt và hợp lý theo từng giai đoạn. Có giai đoạn ưu tiên vaccine cho địa bàn "nóng", ưu tiên đối tượng nguy cơ cao. Có giai đoạn chúng ta ưu tiên vaccine cho lực lượng sản xuất.
Thứ ba, chúng ta sử dụng toàn bộ hệ thống y tế tham gia vào công tác tiêm chủng. Đến nay cả nước vẫn đang tiếp tục tiêm mũi 3 và cố gắng sớm đạt độ bao phủ mũi 3 ở mức cao nhất vào cuối tháng này.
Thứ tư, các lực lượng truyền thông đã tham gia tích cực và hiệu quả trong chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19.
Thứ năm là sự phối hợp của các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, trong đó có việc vận chuyển vaccine. Quân đội tham gia ngay từ đầu trong khâu này, thiết lập các kho bảo quản vaccine tại các quân khu. Nhờ đó, vaccine chuyển đến các địa phương thuận lợi hơn, bảo đảm luôn có vaccine cho công tác tiêm chủng.
Thứ sáu, các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở tham gia chỉ đạo quyết liệt công tác tiêm vaccine.
Thứ bảy, thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa Xuân. Trước đây, chưa bao giờ công tác tiêm chủng được triển khai vào mùa Xuân, nhất là những ngày Tết. Năm nay, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai tiêm cả trong dịp Tết.
"Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc tổ chức tiếp cận vaccine, tổ chức chiến dịch tiêm vaccine đã bảo đảm chiến dịch tiêm chủng thành công", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng khẳng định, thời gian qua, số ca mắc COVID-19 ở nước ta gia tăng vì biến thể Omicron BA.2 với sức lây lan rất nhanh so với biến thể Omicron gốc. Tuy nhiên, các ca bệnh nặng giảm nhiều. Điều này đã được chứng minh trong thực tiễn khi số ca nhập viện giảm, ca nặng và ca tử vong cũng giảm rõ rệt.
Bộ trưởng cho biết, Bộ Y tế đang lập kế hoạch tiêm vaccine cho nhóm trẻ từ 5-11 tuổi, trong đó có chuẩn bị về nhân lực, cơ sở hạ tầng. Bộ cũng đang lên phương án tiêm mũi thứ 4 cho người có bệnh nền và một số đối tượng cần bảo vệ.
Hiện, Bộ Y tế đang giao cho các cơ quan chuyên môn, hội đồng khoa học, các chuyên gia đánh giá, nghiên cứu một cách thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, hiệu quả để phù hợp với từng giai đoạn; đồng thời phân tích các yếu tố nguy cơ về những lợi ích và rủi ro để từ đó triển khai tiêm cho những đối tượng này.