Hà Nội lên kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho hơn 1 triệu trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi
Liên Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa ban hành kế hoạch tổ chức triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn thành phố.
Theo kế hoạch, dự kiến có 1.009.051 trẻ từ dưới 12 - 5 tuổi tại Hà Nội thuộc diện tiêm chủng. Trong đó, có 157.039 trẻ thuộc khối mẫu giáo; 743.200 trẻ thuộc khối tiểu học và 102.166 trẻ thuộc khối THCS (năm học 2021 - 2022). Ngoài ra, có 6.646 trẻ trong nhóm tuổi này sinh sống trên địa bàn nhưng không đi học.
Hà Nội sẽ triển khai tiêm ngay khi tiếp nhận vaccine và tùy theo tiến độ cung ứng vaccine của Bộ Y tế. Mục tiêu đặt ra là trên 95% trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng được tiêm đủ mũi vaccine phòng COVID-19.
Phạm vi triển khai thực hiện theo nguyên tắc triển khai đồng loạt toàn thành phố theo lộ trình hạ dần lứa tuổi (từ dưới 12 - 5 tuổi; tương đương từ khối lớp 6 tiêm trước, tiếp đó tiêm lần lượt từ khối 5 - khối 1 và cuối cùng đến trẻ 5 tuổi).
Về hình thức tổ chức, Hà Nội tổ chức theo hình thức tiêm chủng chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động, 3 địa điểm triển khai gồm:
- Địa điểm tiêm chính tại các điểm tiêm chủng lưu động ở trường học (bao gồm trung học cơ sở, tiểu học, mầm non, mẫu giáo, trung tâm bảo trợ xã hội có nuôi dưỡng trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi...)
- Tiêm tại trạm y tế hoặc cơ sở y tế có đủ điều kiện tiêm chủng: Cho trẻ em sinh sống trên địa bàn nhưng học tại các trường học thuộc tỉnh khác, những trẻ không đi học và những đối tượng tạm miễn hoãn ở trường.
- Tiêm tại bệnh viện: Cho trẻ mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mãn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu..; nghe tim phổi bất thường; phản vệ độ 3 với bất cứ dị nguyên nào theo hướng dẫn tại Quyết định 5002/QĐ-BYT ngày 29-10-2021 của Bộ Y tế.
(vtv.vn)
Thu hồi trên toàn quốc lô Kem chống nẻ dưỡng ẩm Hame soft 10g không đạt chất lượng
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi sản phẩm Kem chống nẻ dưỡng ẩm Hame soft 10g không đạt chất lượng.
Mẫu sản phẩm Kem chống nẻ dưỡng ẩm Hame soft 10g (số lô: 011020; ngày sản xuất: 27/10/20; hạn dùng: 27/10/23; trên nhãn ghi SCB: 7939/20/CBMP-HN, sản phẩm của Công ty cổ phần dược VP - Pharm, Công ty TNHH liên doanh dược mỹ phẩm Ivypharma sản xuất do Trung tâm kiểm nghiệm Thuốc, Mỹ phẩm, Thực phẩm Hà Tĩnh lấy mẫu tại Nhà thuốc Bảo Hân (Địa chỉ: 185 đường Chính Hữu, TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) để kiểm tra chất lượng. Mẫu thử không đáp ứng yêu cầu chất lượng về giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm.
Cục Quản lý Dược thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm mỹ phẩm Kem chống nẻ dưỡng ẩm Hame soft 10g nêu trên. Lý do thu hồi: Sản phẩm mỹ phẩm không đáp ứng yêu cầu chất lượng về giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm (chỉ tiêu tổng số vi sinh vật đếm được) theo quy định tại Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm và Hiệp định mỹ phẩm ASEAN.
Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty cổ phần dược VP - Pharm, Công ty TNHH liên doanh dược mỹ phẩm Ivypharma phải gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng lô sản phẩm mỹ phẩm Kem chống nẻ dưỡng ẩm Hame soft 10g nêu trên; tiến hành thu hồi toàn bộ lô mỹ phẩm không đáp ứng quy định.
Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế Hà Nội kiểm tra Công ty cổ phần dược VP - Pharm, Công ty TNHH liên doanh dược mỹ phẩm Ivypharma trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý mỹ phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm. Giám sát việc thu hồi lô mỹ phẩm không đáp ứng quy định; Xử lý, xử phạt vi phạm theo quy định hiện hành và báo cáo kết quả về Cục Quản lý Dược trước ngày 31/5.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn tiến hành thu hồi lô sản phẩm mỹ phẩm vi phạm nêu trên; kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.
(vtv.vn)
Vaccine Covid-19 có ảnh hưởng tới dậy thì và chức năng sinh sản của trẻ hay không?
Về mặt lý thuyết, vaccine Covid-19 mRNA sẽ không tác động tới nhân của tế bào. Theo phân tích về mặt khoa học thì phụ huynh có thể hoàn toàn yên tâm vì không có cơ chế ảnh hưởng tới cấu trúc di truyền.
Câu hỏi: Con tôi năm nay đang học lớp 6 và cháu đang dậy thì. Liệu tiêm vaccine Covid-19 có làm cho trẻ ở tuổi này bị ảnh hưởng về dậy thì và chức năng sinh sản hay không?
Trả lời:
TS, BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện nhi Trung ương:
Vaccine tiêm cho trẻ hiện nay có 3 loại: vaccine mRNA, vaccine bất hoạt, vaccine tái tổ hợp. vaccine mRNA đã được triển khai ở trên 50 quốc gia và riêng khu vực Tây Thái Bình dương đã có 20 quốc gia đã tiêm.
Theo WHO, vaccine bất hoạt đã được sử dụng tại Trung Quốc, Campuchia, UAE… vaccine tái tổ hợp được sử dụng tại Cuba, Venezuela.
Do vaccine mới chỉ phát triển trong một thời gian ngắn, đối tượng tiêm "nhạy cảm", trẻ chưa dậy thì từ 5-11 tuổi nên phụ huynh lo lắng là hiển nhiên.
Tuy nhiên, về mặt khoa học thì quá trình phát triển và đưa vaccine sử dụng là rất nghiêm ngặt, chặt chẽ. Khi vaccine được quyết định sử dụng cho con người thì phải bảo đảm được tính an toàn, hiệu quả phải được kiểm chứng. Về mặt lâu dài, vaccine vẫn tiếp tục được theo dõi và đánh giá.
Vaccine mRNA bản chất là một RNA thông tin có chức năng, khi xâm nhập vào tế bào sẽ gắn với một thành phần của tế bào Ribôxôm protein. Quá trình này sẽ giúp tế bào tổng hợp được protein gai SAR-CoV-2 có thành phần kháng nguyên kích hoạt hệ miễn dịch của con người.
Chức năng của mRNA gắn các Ribôxôm, tổng hợp protein và sẽ hết chức năng. Khi đã hết chức năng, mRNA sẽ được các enzym của tế bào tiêu huỷ. Như vậy, về mặt lý thuyết, mRNA sẽ không tác động tới nhân của tế bào.
Theo phân tích về mặt khoa học thì phụ huynh có thể hoàn toàn yên tâm vì không có cơ chế ảnh hưởng tới cấu trúc di truyền.
Để trẻ tiêm vaccine Covid-19 an toàn thì các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh các mốc thời gian theo dõi sức khoẻ: 30 phút sau tiêm, 24 giờ sau tiêm, 3 ngày đầu, 1 tuần đầu và 28 ngày sau tiêm.
Sau tiêm vaccine Covid-19 có thể có những thay đổi về nhịp tim nhanh, đau ngực, khó thở. Do vậy sau tiêm vaccine, trẻ sẽ được khuyến cáo không hoạt động thể lực nặng (gây ra khó thở, đau ngực, nhịp tim nhanh) để tránh nhầm lẫn triệu chứng tai biến sau tiêm. Đồng thời các hoạt động thể lực gắng sức cũng có thể kích hoạt những phản ứng không mong muốn.
(nhandan.vn)
Chiều 16/4: Cập nhật mới nhất về tiêm mũi 3; đã có 2 địa phương tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi
Đến nay Việt Nam đã tiêm hơn 209 triệu liều vaccine phòng COVID-19, trong đó khoảng hơn 52 triệu liều mũi 3; Các địa phương bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, vậy cần làm gì để tránh tiêm nhầm 2 loại vaccine cho trẻ?
Đã tiêm trên 52 triệu liều vaccine phòng COVID-19 mũi 3
Thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, đến chiều nay Việt Nam đã tiêm hơn 209 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Tỷ lệ bao phủ mũi 1 và mũi 2 của người trên 18 tuổi là 100%; mũi 3 là 52%; tỷ lệ bao phủ mũi 1 và mũi 2 của trẻ từ 12- 17 tuổi lần lượt là 100% và 95,7%.
Tính đến chiều ngày 15/4, tống số liều vaccine phòng COVID-19 tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 191.865.222 liều, trong đó mũi 1: 71.407.954 liều; Mũi 2: 70.018.689 liều ; Mũi bổ sung: 15.055.572 liều và Mũi 3: 35.383.007 liều;
Nếu tính cả 1,5 triệu liều vaccine Abdala, đến nay tổng số mũi 3, mũi nhắc lại, bổ sung đã tiêm ở nước ta là khoảng hơn 52 triệu liều, trong đó miền Bắc tiêm khoảng 24,7 triệu liều; miền Trung gần 6,4 triệu liều; các tỉnh khu vực Tây Nguyên tiêm gần 2 triệu liều; TP HCM và các tỉnh khu vực phía Nam tiêm gần 19,5 triệu liều...
Số vaccine phòng COVID-19 tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.236.075 liều gồm Mũi 1: 8.823.119 liều; Mũi 2: 8.412.956 liều.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, bảo đảm tiến độ tiêm vaccine; tăng cường vận động người dân tiêm vaccine, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tránh bỏ sót; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh rà soát và tổ chức tiêm liều cơ bản và liều bổ sung cho người trên 50 tuổi, người có bệnh nền đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở; sau khi đã tiêm đủ liều cơ bản thì triển khai tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại theo thứ tự ưu tiên;
Các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi ngay khi có vaccine.
Không tiêm trộn với bất kỳ vaccine phòng COVID-19 mRNA nào cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi
Liên quan đến việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, đến nay đã có 2 địa phương triển khai tiêm cho học sinh trong độ tuổi này là Quảng Ninh và TP HCM.
Theo hướng dẫn chính thức của Bộ Y tế mới đây, Việt Nam sẽ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi bằng 2 loại vaccine là Pfizer và Moderna. Hướng dẫn này cũng lưu ý trẻ được chỉ định tiêm 2 mũi vaccine cùng loại, không tiêm trộn với bất kỳ vaccine mRNA nào.
Để tránh xảy ra tình trạng tiêm nhầm, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã có những hướng dẫn cụ thể gửi các địa phương cũng như điểm tiêm mỗi lần cấp vaccine trên toàn quốc.
Đối với những buổi tiêm ở trường học, nếu có nhiều nhóm tuổi và được cả cấp 2 loại vaccine trên, việc tiêm chủng sẽ triển khai theo khối lớp. Đồng nghĩa mỗi khối chỉ sử dụng một loại vaccine cố định. Ví dụ toàn bộ học sinh lớp 4, 5 sẽ được tiêm vaccine Pfizer, lớp 3 tiêm vaccine Moderna.
Bên cạnh đó, khi tiêm ở trường học, cũng sẽ triển khai theo hình thức "cuốn chiếu" từng lớp để tránh tiêm nhầm loại vaccine mũi 2.
Ngay cả đối với vaccine Pfizer, các chuyên gia khi tập huấn cho tuyến dưới cũng nhấn mạnh: không sử dụng vaccine Pfizer của người lớn để tiêm cho trẻ 5 - dưới 12 tuổi. Để tránh nhầm lẫn với vaccine dùng cho người lớn, lọ vaccine Pfizer cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi có nắp màu cam.
Chia sẻ thông tin với báo chí mới đây, PGS.TS Dương Thị Hồng- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW nhấn mạnh: chúng tôi cũng rất mong các ông bố, bà mẹ khi đưa con đi tiêm cần phối hợp chặt chẽ với cán bộ y tế, ghi nhớ trẻ đã tiêm mũi một bằng vaccine loại nào. Từ đây, khi cán bộ y tế thông báo loại vaccine được tiêm trong mũi 2, phụ huynh cũng xác định được chính xác.