Đề xuất hỗ trợ các cơ sở y tế công lập do tác động của dịch Covid-19
Bộ Y tế đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các cơ sở y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch Covid-19.
Bộ Y tế cho biết, trước tình hình dịch Covid-19, do nguồn thu bị giảm sút, nên nhiều đơn vị không đủ kinh phí duy trì hoạt động thường xuyên, đặc biệt là các đơn vị tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên. Có đơn vị không có nguồn để chi lương, chi thu nhập tăng thêm, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của cán bộ, viên chức và người lao động.
Do đó, để thực hiện Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6-8-2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trong đó giao Bộ Y tế tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các cơ sở y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch..., việc xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các cơ sở y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch Covid-19 là cần thiết.
Theo dự thảo, mức hỗ trợ chi thường xuyên là số bổ sung dự toán bằng số dự kiến chênh lệch thu nhỏ hơn chi thường xuyên năm 2021 của cơ sở y tế công lập... Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ việc hỗ trợ chi thường xuyên cho các cơ sở y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch Covid-19 được thực hiện trong năm 2021.
Hanoimoi.com.vn
Niềm tin chiến thắng dịch bệnh
Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn dân, đến nay, dịch Covid-19 ở nước ta vẫn đang được kiểm soát. Trạng thái 'Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19' được xác lập, góp phần quan trọng phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đưa cuộc sống của người dân trở lại 'bình thường mới'.
Nhìn lại đợt dịch Covid-19 lần thứ tư có thể thấy, đại dịch đã có những tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội của nước ta. Các hoạt động kinh tế - xã hội bị đình trệ, đỉnh điểm là vào quý III-2021, nền kinh tế tăng trưởng âm. Không những vậy, vào thời kỳ cao điểm của dịch bệnh, hệ thống y tế có dấu hiệu quá tải cục bộ, trong khi vắc xin phòng Covid-19 khan hiếm và chưa có thuốc đặc trị.
Thế nhưng, trong lúc khó khăn, thử thách gay gắt nhất do dịch bệnh gây ra, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc càng được phát huy mạnh mẽ.
Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đã chung sức, đồng lòng, quyết tâm vượt qua khó khăn, trở ngại để kiểm soát dịch bệnh. Điều đặc biệt là, các lực lượng tuyến đầu trong ngành Y tế, Quân đội, Công an, cán bộ cơ sở… đã bám sát địa bàn, tận tâm, tận lực, không ngại gian khổ, hiểm nguy, ngày đêm làm việc với tinh thần "tất cả vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân".
Các cấp ủy Đảng, chính quyền và lực lượng chức năng ở cơ sở đã "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để trực tiếp kiểm tra, động viên, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống cho người dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức thành viên đã huy động sức mạnh của các tầng lớp nhân dân ở trong và ngoài nước chung sức tham gia vào công tác phòng, chống dịch với nhiều sáng kiến, việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả.
Trong công tác phòng, chống dịch, thành tựu nổi bật đầy tự hào là chúng ta thực hiện thành công chiến lược vắc xin, trong đó công tác ngoại giao vắc xin của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương đạt hiệu quả rất cao. Kết quả là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay đã, đang đạt được những thành công ngoài mong đợi, khi nước ta trở thành một trong 6 nước có độ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 cao nhất thế giới. Thành công có tính chất quyết định này đã tạo bước ngoặt căn bản và mang đến nhiều tín hiệu tích cực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Kinh nghiệm đạt được thành công là các biện pháp phòng, chống dịch luôn được kế thừa và liên tục điều chỉnh, hoàn thiện phù hợp với tình hình thực tiễn. Chúng ta đã đúc kết được các công thức, phương châm phòng, chống dịch, từ đó tạo cơ sở quan trọng để bước vào thời kỳ “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, tạo điều kiện thuận lợi khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống người dân. Đây cũng là tiền đề căn bản, tạo dựng niềm tin vững chắc trong toàn dân, tiến tới đẩy lùi dịch Covid-19.
Trên tinh thần đó, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và triển khai kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 diễn ra ngày 5-1-2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Phấn đấu năm 2022 là năm chiến thắng dịch bệnh; kinh tế phục hồi và phát triển; xã hội trật tự và kỷ cương; chủ quyền quốc gia được giữ vững; chính trị được ổn định; nhân dân có cuộc sống bình an và hạnh phúc”.
Để chiến thắng dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải tiếp tục thần tốc tiêm phủ vắc xin phòng Covid-19; nhanh chóng về thuốc chữa bệnh, không để đầu cơ, tích trữ. Đặc biệt, cần đề cao ý thức người dân với các biện pháp tuyên truyền, giáo dục và các biện pháp về hành chính. Thực hiện nghiêm nguyên tắc “5K + vắc xin, thuốc điều trị công nghệ ý thức của nhân dân các biện pháp khác”, với 3 trụ cột chính về xét nghiệm, cách ly và điều trị. Không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm phòng, chống dịch. Quản lý việc tổ chức lễ hội, các hoạt động văn hóa, thể thao, vui xuân, hội nghị, Tết trồng cây... phù hợp với tình hình dịch bệnh, bảo đảm an toàn…
Quyết tâm chiến thắng dịch bệnh là niềm mong mỏi và là niềm tin, mục tiêu thực hiện bằng được của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Do đó, ngoài các biện pháp y tế phải thực hiện nhất quán, thường quy, chúng ta phải kiên trì chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, đồng thời với việc tiếp tục hoàn thiện chương trình tổng thể phòng, chống dịch trong bối cảnh mới.
Niềm tin chiến thắng dịch bệnh là niềm tin của tất cả chúng ta. Và cuộc sống “bình thường mới” an toàn, bình yên và hạnh phúc chắc chắn sẽ đến với mọi người, mọi nhà!
Hanoimoi.com.vn
Sáng 17/1: Hơn 5.100 bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị; 33 tỉnh, thành là vùng xanh - cấp độ 1 về dịch
Bộ Y tế cho biết đến nay đã có hơn 1,72 triệu bệnh nhân COVID-19 khỏi, trong số các ca đang điều trị có hơn 5.100 bệnh nhân nặng; Theo thống kê của Bộ Y tế đến nay có 33 tỉnh, thành là vùng xanh- cấp độ 1 về dịch COVID-19...
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.023.546 ca mắc COVID-19, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 20.506 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.017.268 ca, trong đó có 1.724.473 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (511.257), Bình Dương (292.084), Đồng Nai (99.284), Hà Nội (88.227), Tây Ninh (85.416).
Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.727.290 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.113 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 3.553 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 791 ca; Thở máy không xâm lấn: 99 ca; Thở máy xâm lấn: 650 ca; ECMO: 20 ca
Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 184 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 35.609 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 31.397.354 mẫu tương đương 76.176.966 lượt người, tăng 110.482 mẫu so với ngày trước đó.
Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 168.003.163 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.595.722 liều, tiêm mũi 2 là 72.319.574 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 17.087.867 liều.
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 17/1 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 328.495.699 ca COVID-19, trong đó có 5.557.246 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 1.836.388 và 3.801 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 267.371.226 người, 55.567.227 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 95.975 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Pháp dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 278.129 ca; Ấn Độ đứng thứ hai với 257.063 ca; tiếp theo là Mỹ (216.881 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới, với 686 người chết trong ngày; tiếp theo là Ấn Độ (388 ca) và Mỹ (271 ca tử vong).
Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 66.881.164 người, trong đó có 873.420 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 37.379.227 ca nhiễm, bao gồm 486,482 ca tử vong. Nước này lại đang trở thành một điểm nóng lây nhiễm do biến thể Omicron sau một thời gian dài lắng dịu khi vượt qua làn sóng chết chóc đầu năm 2021. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 23.000.657 ca bệnh và 621.045 ca tử vong.
Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 104,2 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với 90,32 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 78,5 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 43 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 10,47 triệu ca và châu Đại Dương gần 1,9 triệu ca nhiễm.
các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 66.349 ca mắc mới COVID-19 và 219 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 15.730.948 trường hợp, và 310.264 ca tử vong. Toàn khối có 14.615.912 bệnh nhân đã bình phục.
Ngày 16/1, Thái Lan đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do biến chủng Omicron. Ca tử vong là một phụ nữ 86 tuổi, mắc chứng Alzheimer, sống tại tỉnh miền Nam Songkhla. Thái Lan ghi nhận ca mắc đầu tiên nhiễm biến thể Omicron hồi tháng 12/2021, cho tới nay, nước này đã ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm biến chủng Omicron.
Cả nước đã có 33 tỉnh, thành là vùng xanh về dịch COVID-19
Theo thống kê của Bộ Y tế ngày 16/1, cả nước có 33 tỉnh, thành vùng xanh (Cấp độ dịch 1); 23 tỉnh vùng vàng (Cấp dộ dịch 2); 7 tỉnh vùng cam (Cấp độ dịch 3), không có tỉnh vùng đỏ. Trong đó, vùng xanh là vùng có mức độ bình thường mới trong phòng chống dịch COVID-19.
Danh sách cụ thể 33 tỉnh, thành phố vùng xanh, miền Bắc gồm có 18 địa phương là: Bắc Giang, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Nam, Hải Dương, Lai Châu, Lào Cai, Lạng Sơn, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Sơn La, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Yên Bái, Thái Bình;
Miền Trung và Tây Nguyên gồm có 7 địa phương: Nghệ An, Quảng Bình, Phú Yên, Quảng Nam, Ninh Thuận, Bình Thuận và Kon Tum
Miền Nam và Tây Nguyên gồm có 8 địa phương: TP HCM, An Giang, Kiên Giang, Bình Dương, Long An, Trà Vinh, Đồng Tháp và Tiền Giang
23 tỉnh, thành phố thuộc vùng vàng gồm: Bà Rịa- Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, TP Cần Thơ, Sóc Trăng, Hà Nội, Gia Lai, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, TP Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai
7 tỉnh, thành phố thuộc vùng cam gồm: Bình Phước, Bình Định, TP Hải Phòng, Hậu Giang, Thừa Thiên Huế, Tây Ninh và Vĩnh Long
Tại TP HCM, trong hai tuần liên tiếp TP duy trì 'vùng xanh', cấp độ 1. Đây được đánh giá là tín hiệu khả quan, đặc biệt trong bối cảnh số ca mắc mới, chuyển nặng và tử vong mỗi ngày tại TP có chiều hướng giảm sâu (hiện số bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện dã chiến TP chiếm 10 - 30% công suất giường bệnh).
Để đạt được cấp độ này, TP HCM đã đạt được 3 tiêu chí (tỉ lệ ca mắc mới tại cộng đồng, độ phủ vắc xin và khả năng, thu dung điều trị) theo nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế.
Bắc Kạn ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên tử vong là người cao tuổi có bệnh nền
Bệnh nhân là bà Triệu Thị Ch, (SN 1934, trú tại TP. Bắc Kạn). Bà Ch được phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2 và nhập BVĐK Bắc Kạn điều trị từ ngày 6/1/2021.
Lãnh đạo BVĐK tỉnh Bắc Kạn cho biết, khi nhập viện, bệnh nhân vẫn tỉnh nhưng có triệu chứng ho, khó thở, thể trạng suy kiệt và chưa tiêm vaccine phòng COVID-19. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân đã mắc COVID-19 mức độ nặng, suy tim, tăng huyết áp và suy kiệt nặng.
Bệnh nhân đã được thở oxy liều cao, sử dụng thuốc điều trị COVID-19, thuốc chống đông, thuốc chống viêm, truyền dịch và dùng các loại thuốc vận mạch, điều trị tăng huyết áp, bổ sung các loại vitamin, chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, sau 5 ngày bệnh nhân không có chuyển biến tích cực, tiên lượng xấu. BVĐK Bắc Kạn đã liên hệ BV Bệnh nhiệt đới TW để chuyển tuyến. Tuy nhiên, với sự hội chẩn của bác sĩ tuyến trên và gia đình bệnh nhân xin được điều trị tại địa phương nên bà Triệu Thị Ch tiếp tục được các y, bác sĩ BVĐK Bắc Kạn tiếp tục chăm sóc, điều trị với nỗ lực cao nhất.
Từ ngày 12-16/1, sức khỏe bệnh nhân tiếp tục diễn biến xấu. Đến 18h30 ngày 16/1, người bệnh ngừng thở, tim đập rời rạc. Bệnh nhân được xác định tử vong lúc 19h35 ngày 16/1/2022 do ngừng thở, ngừng tim vì nhiễm COVID-19 và bệnh nền.