F0 Hà Nội tăng vọt: Cần quan tâm nhất ca chuyển nặng, giảm tỉ lệ tử vong
Theo chuyên gia, thành phố cần tập trung vào công tác điều trị, sẵn sàng cho kịch bản dịch còn gia tăng hơn nữa.
Tổ chức điều trị F0 tầng 1 không tốt, tầng 2 dễ rối loạn
Từ khi áp dụng chiến lược "thích ứng Covid-19", F0 tại Hà nội tăng nhanh. Đáng chú ý, tại một số địa bàn dịch diễn biến phức tạp đã ghi nhận tình trạng lực lượng y tế "quá tải" ảnh hưởng đến việc cách ly và điều trị bệnh nhân kịp thời.
Như Dân trí đã đưa tin, một gia đình tại chung cư HH3A Linh Đàm (Hà Nội) được test nhanh dương tính nhưng qua 5 ngày vẫn chưa được đưa đi điều trị.
Trao đổi với Dân trí, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội nêu quan điểm, thành phố cần tập trung vào công tác điều trị, sẵn sàng cho kịch bản dịch còn gia tăng hơn nữa.
"Chúng ta không nên quá lo lắng về số ca mắc. Quan tâm chính lúc này là tập trung vào việc làm sao phát hiện người chuyển nặng và điều trị để giảm tỷ lệ tử vong", PGS Hùng nói.
Đáng chú ý, theo chuyên gia này, thành phố cần có phương án tổ chức điều trị hợp lý cho các bệnh nhân không triệu chứng/triệu chứng nhẹ.
"Đây là nhóm chiếm đến 70 - 80% tổng số bệnh nhân. Do đó, nếu phương án tổ chức tầng 1 không tốt sẽ dẫn tới các tầng 2, tầng 3 bị rối loạn", PGS Hùng cho hay.
Dồn nguồn lực y tế cho bệnh nhân nặng
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 15/12, Thủ đô có 9.886 F0 đang điều trị, trong đó có 1.064 bệnh nhân cách ly điều trị tại nhà.
PGS Hùng nhận định, việc chỉ có hơn 10% bệnh nhân Covid-19 ở Hà Nội được điều trị tại nhà là quá thấp.
"Hà Nội phải nhất quán và quyết liệt theo hướng cách ly và điều trị F0 không triệu chứng/triệu chứng nhẹ tại nhà. Ngoài các trường hợp không đủ điều kiện về cơ sở vật chất để cách ly điều trị tại nhà, chỉ bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng mới nên đưa tới trạm y tế lưu động để được sơ cấp cứu ban đầu và làm thủ tục chuyển lên tuyến trên", PGS Hùng cho hay.
Cũng theo PGS Hùng, từng tòa nhà, tổ dân phố nên chủ động có phương án xác định và lập danh sách người dân nào đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà trước, thay vì đến khi có ca nhiễm mới chờ cơ quan chức năng đến khảo sát. Việc này vừa mất thời gian, thậm chí làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong thời gian chờ đợi được quyết định hình thức điều trị tại nhà hay tập trung.
Theo chuyên gia này, kế hoạch hiện nay mỗi trạm y tế lưu động mỗi phường tiếp nhận khoảng 100 F0, chỉ có 5 - 7 nhân viên y tế phụ trách thì khó có thể đảm bảo chăm sóc, điều trị tốt.
PGS Hùng phân tích: "Tại các trạm y tế lưu động, lực lượng chức năng không chỉ cho bệnh nhân uống thuốc, mà còn phải lo vấn đề ăn uống sinh hoạt cho bệnh nhân. Khối lượng công việc lớn sẽ khiến cho nhân viên y tế quá tải. Người bệnh không được chăm sóc thật sự tốt, không có người thân ở bên động viên, hỗ trợ dễ dẫn đến mệt mỏi, hoảng loạn và kết quả là bệnh nhẹ thành nặng".
Do đó, theo ông, việc F0 điều trị tại nhà, có thể tự theo dõi tình trạng bệnh và được quản lý, hỗ trợ từ xa bởi nhân viên y tế có chuyên môn và tổ Covid-19 cộng đồng sẽ giúp giảm tải rất lớn cho hệ thống y tế.
"Khi nhân viên y tế được giảm tải mới có thể dồn lực chăm sóc cho những bệnh nhân nặng, từ đó cải thiện hiệu quả điều trị, giảm tỷ lệ tử vong. Nhân viên y tế được giảm tải cũng đảm bảo cho một cuộc chiến lâu dài với Covid-19, không "vỡ trận" khi tình hình dịch nghiêm trọng hơn", PGS Hùng nhấn mạnh.
(dantri.vn)
F1 tiêm đủ liều vaccine Covid-19: Chỉ cách ly tại nhà 7 ngày
Những người đã tiêm đủ liều vaccine Covid-19, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 6 tháng hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1 thực hiện cách ly y tế 7 ngày tại nhà, nơi lưu trú…
Bộ Y tế đã gửi Công văn số 10696/BYT-MT ngày 16/12 đến UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về việc cách ly y tế cho trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19.
Công văn nêu rõ:
Hiện nay, nhiều tỉnh, TP đã đạt tỷ lệ cao về bao phủ vaccine phòng Covid-19 cho người trong độ tuổi tiêm chủng. Nhiều người thuộc trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh xác định (sau đây gọi là F1) đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã được điều trị khỏi bệnh Covid-19.
Để kịp thời điều chỉnh các biện pháp đáp ứng công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, TP chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan thực hiện các nội dung sau:
Những người đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử hoặc Giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp), liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 6 tháng hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1 (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19).
Trường hợp trên thực hiện cách ly y tế 7 ngày tại nhà, nơi lưu trú (nếu đủ điều kiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú), tự theo dõi sức khoẻ trong 7 ngày tiếp theo. Các trường hợp trên tuân thủ 5K, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác… thì thông báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định.
Các trường hợp thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime RT-PCR hoặc xét nghiệm bằng kháng nguyên nhanh 2 lần (lần 1 khi bắt đầu thực hiện cách ly, lần 2 vào ngày thứ 7).
Các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện nghiêm việc quản lý, giám sát cách ly đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện.
(kinhtedothi.vn)
Hà Nội sẽ quản lý các ca Covid-19 qua phần mềm, đẩy mạnh điều trị tại nhà
Với việc số bệnh nhân Covid-19 tăng vọt, Hà Nội đang đẩy mạnh việc điều trị F0 triệu chứng nhẹ/không triệu chứng tại nhà.
Theo ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hiện đã có hơn 1.000 F0 tại Thủ đô được quản lý, theo dõi tại nhà. Thành phố cũng đang chỉ đạo các quận, huyện, thị xã nghiêm túc khẩn trương triển khai thực hiện phương án điều trị F0 không triệu chứng/triệu chứng nhẹ tại nhà.
Theo ông Cương, các F0 ngoài việc thuộc nhóm đối tượng điều trị tại nhà đã được Sở Y tế quy định, cần phải đáp ứng một số điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Ông Cương thông tin: "Về cơ sở vật chất, trang thiết bị, yêu cầu đối với người cách ly y tế tại nhà như phải là nhà ở riêng lẻ, căn hộ trong khu tập thể, khu chung cư, phải có nhà vệ sinh, nhà tắm dùng riêng, có đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, xà phòng rửa tay, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay, có dụng cụ đo thân nhiệt cá nhân …"
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng nhấn mạnh rằng, F0 điều trị tại nhà phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch và phải được giám sát chặt chẽ, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo dịch bệnh.
Theo ông Cương, hiện có 3 gói thuốc được cấp cho F0 điều trị tại nhà bao gồm:
- Gói thuốc A: Gồm có thuốc hạ sốt Paracetamol, thuốc bổ sung vitamin. Các túi thuốc này, kèm theo hướng dẫn sử dụng được phát ngay cho người bệnh khi đủ điều kiện điều trị tại nhà và do trạm y tế cấp phát.
- Gói thuốc B: Gồm có thuốc chống viêm Corticoid, thuốc chống đông chỉ được sử dụng trong các tình huống đặc biệt và phải được bác sĩ đánh giá và kê đơn cho bệnh nhân, sử dụng liều duy nhất trước khi chuyển người bệnh (sử dụng trong trường hợp người bệnh có dấu hiệu chuyển nặng).
- Gói thuốc C: Gồm các thuốc kháng virus: Molnupiravir, Favipiravir, đây là các thuốc chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, phân bổ theo chương trình của Bộ Y tế, sử dụng có kiểm soát. Do đó để được sử dụng, người nhiễm Covid-19 phải được khám sàng lọc, đánh giá và có cam kết đồng ý tham gia chương trình, khi sử dụng thuốc kháng virus phải tuân thủ và chịu sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế.
"Việc cấp thuốc cho các trường hợp mắc và được theo dõi quản lý tại nhà là do trạm y tế xã phường thị trấn hoặc có thể do tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà (do chính quyền địa phương thành lập) cấp phát, hiện nay các thuốc trên không phải trả phí nhưng việc cấp phát thuốc phải đúng theo quy định như trên và người bệnh có thể liên hệ với trạm y tế để được hướng dẫn cụ thể", ông Cương cho hay.
Đáng chú ý, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cùng với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế đã phối hợp với đội ngũ y bác sĩ, các chuyên gia phần mềm để xây dựng phần mềm quản lý, theo dõi F0 trên địa bàn thành phố Hà Nội theo quy định về phân tầng, theo dõi, quản lý F0 tại nhà của Bộ Y tế.
"Sở Y tế đã triển khai thí điểm tại quận Long Biên, triển khai tập huấn cho toàn bộ trung tâm y tế của 30 quận, huyện, thị xã, 579 trạm y tế xã, phường, thị trấn của thành phố trong suốt 2 tuần vừa qua. Đến nay, phần mềm đã quản lý 4.235 F0, trong đó có 1.164 F0 tại nhà. Ngay trong tuần này, phần mềm sẽ được đưa vào triển khai đồng bộ trên toàn hệ thống y tế cơ sở, tiến tới quản lý toàn bộ số F0 trên địa bàn của thành phố.
(dantri.vn)
Vì sao F0 tại Hà Nội tự đến viện?
Không liên hệ được y tế phường hoặc chờ vài ngày không có kết quả khẳng định, vì sợ lây lan cho gia đình, sợ trở nặng, nhiều F0 tự đến cơ sở y tế.
Anh Nam, ở quận Đống Đa, hôm 5/12 bị mất khứu giác, tự test nhanh tại nhà và gọi y tế phường hỗ trợ. Nhà anh có 7 người, gồm: cụ già 91 tuổi, bố mẹ ngoài 60 tuổi và gia đình anh trai có cháu nhỏ 2 tuổi. Sáng hôm sau, phường liên lạc lại yêu cầu ra trạm y tế test nhanh, nhưng ba ngày tiếp theo mới có kết quả. Trong thời gian chờ, nhân viên y tế yêu cầu anh tự cách ly tại nhà.
Bà Lan (mẹ của Nam) cho biết cả nhà đã tiêm vaccine nhưng vẫn lo lắng vì không được hướng dẫn, hỗ trợ gì từ y tế cơ sở như thuốc hay test xét nghiệm... Sốt ruột, anh trai Nam và vợ con tự đến cơ sở tư nhân để test nhanh, kết quả hai mẹ con dương tính, được đưa đi cách ly. Vài ngày sau, anh trai Nam và bố cũng test nhanh dương tính.
"Vì không được ai hướng dẫn nên gia đình tôi tự cách ly tại nhà, mỗi người một phòng riêng. Chúng tôi liên tục gọi y tế phường nhưng máy bận nên đành tự chăm sóc cho mình", bà Lan nói.
Anh Sơn, 30 tuổi, ở Nam Từ Liêm, nghi ngờ mắc Covid-19 từ ngày 25/11, đã thông báo y tế phường và Ban quản lý tòa nhà. Ban đầu, anh được nhân viên y tế hướng dẫn uống vitamin, điện giải và dặn ở yên tại chỗ, tránh lây lan, chờ phường đến lấy mẫu. Đến chiều hôm sau, nhân viên y tế phường đến nhà lấy mẫu gộp xét nghiệm PCR. 23h đêm 27/11 có kết quả dương tính, phường tiếp tục vào nhà lấy mẫu đơn. Hai ngày sau, anh nhận được một bộ đồ bảo hộ do nhân viên y tế phát và dặn 16h chiều được chuyển đi cách ly. "Song đến 9h sáng hôm sau, tôi mới được xe cấp cứu 115 đón. Lúc đó, sức khỏe đã ổn hơn rất nhiều rồi", anh nói.
Cũng không được hỗ trợ kịp thời từ y tế phường, anh Phong ở Hoàng Liệt, Hoàng Mai, phải viết đơn gửi chính quyền. Anh cho biết tầng chung cư có một gia đình F0, hai trẻ nhỏ mà không có sự quan tâm, không có hướng dẫn để xử lý rác thải và không điều trị thuốc men cho người bệnh. Lá đơn của anh không được lãnh đạo địa phương xử lý, anh bèn đưa lên mạng xã hội cầu cứu.
"Chúng tôi là người lớn đã tiêm hai mũi vaccine nhưng còn các cháu nhỏ cần được thăm nom, điều trị kịp thời", anh nói.
Gần đây, các bệnh viện Hà Nội như Thanh Nhàn, Đức Giang luôn tiếp nhận F0 tự đến viện sau khi test nhanh tại nhà. Hầu hết người bệnh lo lắng, mong muốn được điều trị Covid-19 tại bệnh viện thay vì cơ sở thu dung. Một số ít không được cán bộ y tế địa phương hướng dẫn, khó liên hệ y tế cơ sở nên tự đến bệnh viện. Trạm y tế xã phường rất đông bệnh nhân, mẫu xét nghiệm lớn nên đôi khi "cán bộ y tế khó có thể chu đáo hết với tất cả mọi người".
Ví dụ như quận Đống Đa, lãnh đạo quận cho biết đơn vị đang quá tải công việc, thiếu trầm trọng nhân lực. Cụ thể, phường Thổ Quan khoảng 20.000 người, phường phải hẹn người tự test dương tính đến trạm y tế xét nghiệm lại và phát thuốc, vào khung giờ và khu vực quy định. Hay phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa với hơn 40.000 dân chỉ có 8-10 nhân viên y tế.
Tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, lãnh đạo xác nhận tình trạng y tế cơ sở quá tải do người mắc Covid tăng cao và việc di chuyển F0 phải phụ thuộc cơ sở thu dung có tiếp nhận hay không.
Một cán bộ y tế ở quận Nam Từ Liêm, nói dịch đang rất căng thẳng, "việc điều chuyển bệnh nhân có chậm trễ nên mong người dân thông cảm cho lực lượng y tế, không nên quá sốt ruột". Ngoài ra, việc điều chuyển bệnh nhân còn chờ vào kết quả PCR nhưng do mẫu xét nghiệm lớn nên không thể "cứ test nhanh dương là đi bệnh viện".
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội hôm 9/12 nhìn nhận nhiều xã, phường đang thiếu nhân lực y tế. Nhiều quận, huyện có số dân lên tới 90.000 mà chỉ có một trạm y tế. Đa số trạm đối mặt với tình trạng cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế thiếu thốn, xuống cấp.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết số mẫu cần xét nghiệm rất lớn và lực lượng y tế tập trung xử lý. Ông so sánh trước đây cứ 1.000 mẫu thì tất cả đều âm tính nên thời gian xét nghiệm nhanh, còn hiện số mẫu tăng nhiều hơn, phải làm "cẩn thận, chắc chắn, có mẫu dương tính phải xét nghiệm tới lần thứ 2, 3 mới có kết quả khẳng định nên chậm". Mỗi ngày Hà Nội xử lý trên 10.000 mẫu xét nghiệm trong đó có cả mẫu cách ly và nhiều mẫu phải xét nghiệm nhiều lần.
Bên cạnh đó, quy trình xử trí, tiếp nhận điều trị là do cơ sở y tế tuyến dưới phân loại và điều chuyển. Việc di chuyển bệnh nhân vào lúc nào, đến cơ sở nào phụ thuộc vào quy định phân luồng, số giường còn trống, tình trạng người bệnh và năng lực đáp ứng của hệ thống y tế tại thời điểm đấy, "cố gắng đáp ứng kịp thời, nguyên tắc không để dịch bùng phát".
Tuy nhiên, tình huống này đã được thành phố cũng lường tính cụ thể, "ở mức độ nào sẽ xử lý ở mức độ đó và làm một cách phù hợp nhất", theo Phó giám đốc CDC.
Trước diễn biến dịch phức tạp, Hà Nội đã triển khai nhiều kế hoạch và sẵn sàng các kịch bản ứng phó.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo bố trí thêm trạm y tế lưu động ở địa bàn đông dân. Từng quận, huyện, thị xã phải xác định nhu cầu bố trí trạm y tế lưu động theo số dân và cấp độ dịch. Ông cho rằng "thắng bại trong cuộc chiến chống dịch hiện nay nằm ở y tế cơ sở".
Các bác sĩ kiến nghị Sở Y tế đào tạo cán bộ y tế cấp huyện và trung tâm y tế phường biết cách phân tầng và giám sát, hướng dẫn F0 kịp thời. Sở Y tế tập huấn cho nhân viên y tế kiến thức chuyên môn chăm sóc F0, để họ tin tưởng, yên tâm theo dõi tại nhà, tránh trực tiếp đến viện gây khó và rối phân luồng điều trị.
Bộ Y tế cho phép Hà Nội sử dụng kết quả test nhanh kháng nguyên để xác định F0, thay vì chờ xét nghiệm PCR mang tính khẳng định. Thành phố đang lên kế hoạch triển khai.
Tuần qua, số ca mắc mới tại thủ đô bình quân hơn 750 ca/ngày so với khoảng 460 ca/ngày một tuần trước đó. Con số được dự báo sẽ tiếp tục tăng dù thành phố triển khai nhiều biện pháp kiểm soát. Hiện, toàn thành phố có gần 10.000 ca đang điều trị, đa số là bệnh nhân nhẹ và không triệu chứng.
(vnexpress.net)
Hơn 1.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày, Hà Nội làm gì để không xảy ra kịch bản như TP.HCM?
Với việc ghi nhận số ca mắc liên tục tăng mạnh những ngày gần đây, các chuyên gia đã chia sẻ những điều Hà Nội nên làm mạnh để dịch bệnh không bùng phát mạnh.
"Nếu Hà Nội cứ để số mắc tăng cao không kiểm soát thì tỷ lệ bệnh nặng sẽ tăng cao"
Tối ngày 16/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông tin ghi nhận thêm 1.330 ca mắc Covid-19 mới. Trước đó, ngày 15/12, Hà Nội cũng ghi nhận 1.357 ca mắc. Việc ca bệnh liên tục tăng mạnh những ngày gần đây khiến không ít người lo ngại về tốc độ dịch có thể bùng phát mạnh tại Hà Nội.
Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, hiện có nhiều trường hợp nhiễm virus nhưng không có triệu chứng. Chính vì vậy trong giao tiếp, tiếp xúc hằng ngày rất khó để biết được liệu người đối diện hay bản thân mình có mang mầm bệnh hay không. Bên cạnh đó, những hoạt động tập trung đông như người như liên hoan, đám tang, đám cưới... sẽ là môi trường rất tốt để lây lan dịch bệnh.
"Số ca bệnh tại Hà Nội có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Đây là điều chúng ta buộc phải chấp nhận trong bối cảnh sống chung với dịch bệnh. Tuy nhiên, Hà Nội cũng cần sớm kiểm soát tình hình, không để số ca tăng cao hơn nữa, nếu không muốn tình trạng quá tải hệ thống y tế xảy ra", ông Phu nhấn mạnh.
Theo ông, khi số mắc tăng quá cao, sức chịu đựng của ngành y tế sẽ không đủ. Hậu quả là nhiều trường hợp mắc bệnh, diễn biến nặng sẽ không được tiếp cận với y tế cũng như tư vấn và điều trị kịp thời. Từ đó, tỷ lệ bệnh nhân tử vong cũng sẽ tăng cao.
Với tỷ lệ tiêm vaccine cao, đa số ca bệnh của Hà Nội sẽ chỉ diễn biến nhẹ hoặc không có triệu chứng. Tuy nhiên, cả chính quyền và người dân không nên lấy lý do tiêm vaccine đủ để chủ quan.
"Không phải 100% người dân tiêm đủ liều vaccine sẽ diễn biến nhẹ khi mắc Covid-19. Vẫn có trường hợp diễn biến nặng, tử vong dù đã tiêm vaccine, số lượng này không lớn nhưng có. Khi số mắc tăng cao, y tế quá tải, việc số trường hợp diễn biến nặng, tử vong tăng cao là hệ quả tất yếu. Nếu như trước khi tiêm vaccine 10 ca mắc có một ca nặng, thì nay 100 ca mắc có một ca nặng. Nếu cứ để số mắc tăng cao không kiểm soát thì tỷ lệ bệnh nặng sẽ tăng cao, kéo theo đó là tỷ lệ tử vong", ông Phu cho hay.
Điều quan trọng nhất theo ông Phu, người dân luôn phải tuân thủ thực hiện nghiêm túc các biện pháp 5K tại những nơi ngoài công cộng, đông người. Hơn ai hết vaccine "ý thức" là điều rất quan trọng. Người dân không được chủ quan. Trong giai đoạn hiện nay, người dân nên hạn chế tiếp xúc khi không thực sự cần thiết, tránh những hoạt động, địa điểm có nguy cơ lây lan cao như chợ búa không an toàn, hội họp không an toàn...
Tập trung nguồn lực điều trị bệnh nhân nặng
Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho hay, thành phố cần tập trung vào công tác điều trị, sẵn sàng cho kịch bản dịch còn gia tăng hơn nữa.
"Chúng ta không nên quá lo lắng về số ca mắc. Quan tâm chính lúc này là tập trung vào việc làm sao phát hiện người chuyển nặng và điều trị để giảm tỷ lệ tử vong. Hà Nội cần có phương án tổ chức điều trị hợp lý cho các bệnh nhân không triệu chứng, triệu chứng nhẹ. Đây là nhóm chiếm đến 70 - 80% tổng số bệnh nhân. Do đó, nếu phương án tổ chức tầng 1 không tốt sẽ dẫn tới các tầng 2, tầng 3 bị rối loạn", PGS Hùng chia sẻ.
Cùng với đó, ông Hùng cho rằng, hiện chỉ có hơn 10% bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại nhà là quá thấp. Hà Nội phải nhất quán và quyết liệt theo hướng cách ly và điều trị F0 không triệu chứng/triệu chứng nhẹ tại nhà. Ngoài các trường hợp không đủ điều kiện về cơ sở vật chất để cách ly điều trị tại nhà, chỉ bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng mới nên đưa tới trạm y tế lưu động để được sơ cấp cứu ban đầu và làm thủ tục chuyển lên tuyến trên.
"Từng tòa nhà, tổ dân phố nên chủ động có phương án xác định và lập danh sách người dân nào đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà trước, thay vì đến khi có ca nhiễm mới chờ cơ quan chức năng đến khảo sát. Việc này vừa mất thời gian, thậm chí làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong thời gian chờ đợi được quyết định hình thức điều trị tại nhà hay tập trung", ông Hùng nói.
Ngoài ra theo ông Hùng, kế hoạch hiện nay mỗi trạm y tế lưu động mỗi phường tiếp nhận khoảng 100 F0, chỉ có 5 - 7 nhân viên y tế phụ trách thì khó có thể đảm bảo chăm sóc, điều trị tốt.
"Tại các trạm y tế lưu động, lực lượng chức năng không chỉ cho bệnh nhân uống thuốc, mà còn phải lo vấn đề ăn uống sinh hoạt cho bệnh nhân. Khối lượng công việc lớn sẽ khiến cho nhân viên y tế quá tải.
Người bệnh không được chăm sóc thật sự tốt, không có người thân ở bên động viên, hỗ trợ dễ dẫn đến mệt mỏi, hoảng loạn và kết quả là bệnh nhẹ thành nặng.
Việc F0 điều trị tại nhà, có thể tự theo dõi tình trạng bệnh và được quản lý, hỗ trợ từ xa bởi nhân viên y tế có chuyên môn và tổ Covid-19 cộng đồng sẽ giúp giảm tải rất lớn cho hệ thống y tế. Từ đó, nhân viên y tế được giảm tải cũng đảm bảo cho một cuộc chiến lâu dài với Covid-19", ông Hùng nói thêm.
(danviet.vn)
Hà Nội đã điều trị khỏi cho gần 12,9 nghìn người mắc COVID-19
Hiện nay thành phố Hà Nội đã điều trị khỏi COVID-19 cho 12.897 bệnh nhân. Bên cạnh đó có 10.828 ca bệnh dương tính virus SARS-CoV-2 đang được điều trị, trong đó 8.963 ca được điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung; 1.865 người đang cách ly điều trị tại nhà.
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 16/12, Hà Nội ghi nhận thêm 1.330 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 574 ca tại cộng đồng. Tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 22.832 ca bệnh, trong đó 8.797 ca cộng đồng và 14.035 ca đã được cách ly. Riêng trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP từ 11/10 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 18.725 ca mắc, trong đó 7.265 ca ngoài cộng đồng, 8.668 ca tại khu cách ly, 2.792 ca tại khu phong tỏa.
Về công tác điều trị, đã có 12.897 bệnh nhân đã điều trị khỏi. Hiện tại có 10.828 ca bệnh dương tính đang được điều trị, trong đó 8.963 ca được điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung; 1.865 người đang cách ly điều trị tại nhà. Trong đó, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị 82 ca, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội điều trị 175 ca; 29 bệnh viện của Hà Nội điều trị cho 2.014 ca; các cơ sở thu dung điều trị là 3.230 ca; trạm y tế lưu động có 3.462 ca. Số bệnh nhân chuyển tầng điều trị là 157, tổng số bệnh nhân chuyển viện là 1.333 người.
Công tác tiêm vaccine cho người trên 18 tuổi, trong ngày toàn thành phố thực hiện được 9.271 mũi tiêm, nâng tổng số mũi tiêm thực hiện được ở đối tượng này là 12.518.223 mũi.
Kết quả tiêm vaccine cho trẻ từ 15-17 tuổi, trong ngày 16/12 thực hiện được 524 mũi tiêm, nâng tổng số mũi tiêm từ ngày 23/11 đến nay lên 296.101 mũi/302.346 trẻ, đạt 97,9%. Số vaccine tiêm cho trẻ từ 12-14 tuổi, trong ngày thực hiện được 3.681 mũi tiêm, nâng tổng số mũi tiêm từ ngày 27/11 đến nay là 358.887 mũi/386.444 trẻ, đạt tỷ lệ 92,8%.
Hiện tại, ngành Y tế Thủ đô đang tiếp tục triển khai và đẩy nhanh các hoạt động phòng chống dịch như: Giám sát người về từ các tỉnh, thành phố trong cả nước; điều tra truy vết các trường hợp tiếp xúc gần; xét nghiệm. Đồng thời tiếp nhận và điều trị cách ly tại bệnh viện các trường hợp F0, cách ly điều trị tại nhà, tăng tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19.
Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, tất cả người dân trên địa bàn thành phố, khi có một trong các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, hoặc mất khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh COVID-19.