*Chống dịch linh hoạt và phù hợp
Số liệu thống kê của Bộ Y tế cho thấy tuy số ca mắc COVID-19 vẫn ở mức cao, nhưng số ca bệnh tăng nặng và tử vong giảm. Ðây là cơ sở để điều chỉnh chiến lược ứng phó phù hợp trên tinh thần thích ứng linh hoạt, khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội.
Kết quả giải trình tự gien cho thấy có từ 76 đến 87% số ca nhiễm mới là biến thể Omicron gây bệnh nhẹ, tỷ lệ tử vong rất thấp. Nhiều chuyên gia dự báo dịch sẽ sớm trở lại bình thường.
Tập trung bảo vệ người có nguy cơ
PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện đại học Y Hà Nội) cho rằng: Hiện nay số lượng ca nhiễm được thông báo hằng ngày không phản ánh thực chất sự nguy hiểm của dịch bệnh. Số ca tử vong và tăng nặng là “hàn thử biểu” để điều chỉnh mức độ phòng, chống dịch. Vậy nên những con số này cần hết sức chính xác. Tuy nhiên, hiện chưa có tiêu chuẩn rõ ràng của tử vong do COVID-19 gây ra dẫn đến con số này vẫn còn cao (xấp xỉ 100 ca/ngày).
Thực tế rất nhiều trường hợp tử vong nhưng không phải do COVID trực tiếp gây ra. Số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 đã giảm tới 50% so với một, hai tuần trước; cùng với đó, biến thể Omicron không tăng nặng như Delta, đặc biệt trên quần thể đã tiêm đủ vắc-xin như Việt Nam. Qua đó, PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng chỉ trong hai, ba tuần nữa, dịch Covid-19 trở lại bình thường… Ðây chính là những tín hiệu cho thấy dịch đang đi đến giai đoạn cuối, đã đến lúc coi Covid-19 là bệnh chuyên khoa.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Ðức vừa trở thành một trong những đơn vị đầu tiên “bình thường hóa” hoạt động chuyên môn chăm sóc, điều trị, phẫu thuật cho ba người bệnh nhiễm COVID-19. Bệnh viện đã chủ động tiếp nhận, cấp cứu, mổ cấp cứu, hồi sức sau mổ và chăm sóc điều trị người bệnh COVID-19, bảo đảm tính linh hoạt cũng như dần đưa bệnh COVID-19 trở thành bệnh chuyên khoa ở người bệnh nói chung và người bệnh cần phẫu thuật nói riêng.
Thời gian tới, Bộ Y tế và các địa phương sẽ tập trung đánh giá xu hướng tăng/giảm ca nặng, số ca nhập viện so với số ca mắc để đánh giá nguy cơ tình hình dịch, không để quá tải hệ thống y tế; nâng cao năng lực thu dung, điều trị; giảm đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; chủ động, sẵn sàng các biện pháp phòng, chống dịch theo diễn biến dịch bệnh trên địa bàn nhằm phát hiện sớm, điều trị sớm, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển biến nặng, tử vong; tăng cường theo dõi, giám sát sức khỏe người nhiễm vi-rút để kịp thời liên hệ với cơ sở y tế ngay khi có nhu cầu.
Các địa phương cũng đang có những điều chỉnh phù hợp. Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan và các quận, huyện, thành phố Thủ Ðức triển khai đợt cao điểm chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao (người trên 65 tuổi, có bệnh nền). Tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ cao sẽ được tiêm vắc-xin; các trường hợp dương tính với COVID-19 sẽ được cấp ngay thuốc kháng vi-rút, chăm sóc, theo dõi kịp thời. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường, xã, thị trấn “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để cập nhật danh sách người thuộc nhóm nguy cơ cao, xét nghiệm nhanh để có biện pháp xử lý phù hợp.
Tại Hà Nội, nơi có hàng chục nghìn ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày nhưng tỷ lệ nhập viện, điều trị rất thấp, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị liên quan đề xuất các kịch bản, phương án, biện pháp khi số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng trong thời gian tới. Các quận, huyện, thị xã tiếp tục đặt nhiệm vụ trọng tâm là tiêm chủng vắc-xin, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng mũi bổ sung, mũi nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hoàn thành trong quý I năm 2022.
Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tới người dân, đặc biệt, quan tâm đến nhóm đối tượng nguy cơ cao, phụ nữ mang thai chưa được tiêm vắc-xin. Chiến lược tiếp theo vẫn là phủ vắc-xin như theo chỉ đạo của Chính phủ đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến đưới 12 tuổi; nghiên cứu tiếp tục tiêm mũi 4; tập trung đối tượng nguy cơ cao…
Thay đổi phương thức quản lý
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, khi mở cửa, chúng ta chuyển phương thức quản lý rủi ro và quản lý yếu tố tăng nặng của bệnh nhân thay cho phương thức quản lý ca bệnh như trước đây. Hệ thống y tế tăng cường năng lực để có thể kiểm soát tốt tình hình dịch, kiểm soát tốt nguy cơ cũng như tỷ lệ tử vong với người mắc COVID-19, nâng cao năng lực tư vấn, hỗ trợ điều trị COVID-19, dự phòng cơ số thuốc kháng vi-rút, thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19, vật tư y tế cần thiết… tại các trạm y tế phường, xã, trạm y tế lưu động nhằm đáp ứng nhu cầu tự điều trị tại nhà của người dân và giảm tải cho các cơ sở y tế, bệnh viện tuyến trên.
Bộ Y tế cũng sẽ phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai hoạt động phòng, chống dịch, như phối hợp Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thường xuyên đánh giá tình hình dịch bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương án đáp ứng dịch khi đưa học sinh quay lại trường học và mở cửa du lịch…
Một trong những vấn đề đang nổi lên, thu hút sự quan tâm nhiều trong thời gian gần đây là vấn đề hậu COVID-19, một khái niệm đã được Tổ chức Y tế thế giới đưa ra từ tháng 10/2021. Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho rằng đã đến lúc cần quan tâm hơn đến hậu Covid-19.
Hậu COVID-19 xảy ra ở người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2, thường là ba tháng với các triệu chứng và kéo dài ít nhất hai tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế. Hậu COVID-19 có thể khiến sức khỏe con người bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội. Người có triệu chứng hậu COVID-19 bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội.
Không giống một số hội chứng hậu bệnh lý khác có xu hướng chỉ xảy ra ở những người đã bị bệnh nặng, hậu COVID-19 có thể xảy ra với bất kỳ người nào đã mắc Covid-19, ngay cả khi bị bệnh nhẹ. Tuy nhiên với những người mắc Covid-19 mức độ nặng/nguy kịch, cần can thiệp y tế nhiều trong giai đoạn điều trị, những người có bệnh nền thì các vấn đề về hậu Covid-19 sẽ nhiều và trầm trọng hơn.
Hiện nay, đối với những di chứng về mặt tinh thần của người bệnh, Bộ Y tế đã giao Bệnh viện Tâm thần Trung ương xây dựng phác đồ cụ thể để hướng dẫn các bác sĩ điều trị các triệu chứng liên quan. Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các bệnh viện hướng dẫn, đưa ra những bài tập để giúp người dân tập luyện phục hồi chức năng.
Tuy nhiên, PGS, TS Lương Ngọc Khuê khẳng định, hậu Covid-19 không hề đáng sợ. Chúng ta sẽ không còn hoang mang nếu chúng ta hiểu rõ về nó. Theo ghi nhận thực tế của các bác sĩ, hầu hết những biến chứng hậu Covid-19 không gây nguy hiểm hay tử vong, mà chủ yếu ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của người bệnh. Nhiều trường hợp đã vượt qua các triệu chứng phổ biến hậu Covid-19 như trầm cảm, mất ngủ, lo âu kéo dài… chỉ bằng cách thay đổi suy nghĩ, tập luyện và cân bằng lại tâm lý. Những trường hợp có bệnh nền, tổn thương đã được bác sĩ hẹn khám lại thì cần phải đi tái khám.
(Báo Nhân dân)
*Dùng Zalo xác nhận F0, gửi test nhanh F1 khi ca nhiễm Covid tăng nhanh
Trước diễn biến mới của dịch Covid-19, việc cho phép theo dõi, quản lý, hỗ trợ tiết giảm các thủ tục hành chính đối với F0, F1 thông qua các kênh Zalo được đánh giá đã giúp giảm tải áp lực cho người dân, cán bộ, nhân viên y tế tại các trạm y tế phường, xã đồng thời tránh nguy cơ lây nhiễm chéo.
Liên tiếp trong nhiều tuần, một số địa phương như: Hà Nội, TP.HCM,... đã ghi nhận số ca nhiễm mới Covid tăng cao. Để kịp thời tư vấn, hỗ trợ người bệnh hiệu quả nhiều nơi đã nhanh chóng đã ứng dụng các nền tảng công nghệ như Zalo trong quản lý, theo dõi.
Hà Nội: F0 nhận giấy tờ liên quan qua Zalo để hưởng BHXH
Hơn một tháng qua, số lượng người nhiễm Covid ở Hà Nội liên tục gia tăng, tuy nhiên việc xác nhận F0 khiến người dân gặp không ít khó khăn. Ở một số nơi, người dân phải xếp hàng dài hoặc chen chúc tại trạm y tế xin xác nhận F0, làm các giấy tờ hành chính để được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH).
Chị Lê Thanh Nga (35 tuổi, quận Hoàng Mai) cho biết, 4 người trong gia đình chị gồm cha mẹ và con trai đều nhiễm Covid, để có giấy xác nhận F0, chị Nga phải đại diện đi làm thủ tục.
“Việc di chuyển ngoài đường khi sức khỏe chưa ổn định khiến tôi cảm thấy khá mệt mỏi. Bản thân các nhân viên y tế cũng đang quá tải khi số lượng người đến xin xác nhận nhiều. Đó là chưa nói đến việc người dân tập trung quá đông nơi công cộng cũng có thể làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh”,chị Nga bày tỏ.
Để khắc phục tình trạng này, mới đây nhất UBND TP Hà Nội đã ban hành hướng dẫn các thủ tục hành chính, quản lý người mắc Covid-19 tại nhà, trong đó có hướng dẫn cụ thể về quy định cách ly, kết thúc cách ly và cấp giấy nghỉ hưởng BHXH cho F0.
Theo đó, người mắc bệnh và có nhu cầu hưởng BHXH sẽ liên hệ khai báo với Tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng ở khu vực tổ dân phố, cụm dân cư. Sau khi tiếp nhận thông tin của người nghi ngờ mắc Covid-19, Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng tập hợp danh sách người nhiễm, đồng thời thực hiện giám sát cùng với nhân viên y tế.
Quyết định cách ly y tế tại nhà do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch xã, phường, thị trấn ban hành được gửi qua Zalo đến Tổ hỗ trợ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng để gửi cho người mắc thông qua các nhóm Zalo.
Khi có quyết định trên, nhân viên trạm y tế phường, xã sẽ phân tầng điều trị, kê đơn điều trị ngoại trú theo quy định. Đồng thời, đơn vị này chịu trách nhiệm ký giấy nghỉ hưởng BHXH cho người mắc Covid-19 điều trị tại nhà và cập nhật lên hệ thống giám định của BHXH để cấp giấy.
Theo ghi nhận, hiện nhiều trạm y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thực hiện việc chứng nhận F0 thông qua Zalo. Cụ thể, các nhân viên y tế sẽ hướng dẫn người dân quay lại toàn bộ quá trình test lấy mẫu, sau đó gửi qua Zalo để xác nhận kết quả.
Quá trình này được cả cán bộ y tế và người dân đánh giá cao vì thuận lợi và an toàn khi không phải tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.
“Đây là cách làm hiệu quả, góp phần giảm tải cho các cán bộ, nhân viên y tế tại các trạm y tế phường, xã đồng thời tránh nguy cơ lây nhiễm chéo khi người nhiễm Covid phải trực tiếp đến trạm y tế làm thủ tục”, anh Minh Hoàng (23 tuổi, quận Hoàn Kiếm) nói.
TP.HCM cho phép học sinh F1 test nhanh tại nhà, gửi kết quả qua Zalo
Còn tại TP.HCM, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh F1 đi học trở lại sau khi hoàn thành cách ly tại nhà, UBND thành phố đã chỉ đạo cho phép xét nghiệm nhanh đối với toàn bộ trường hợp F1 của lớp có F0.
Theo đó, học sinh F1 không cần phải ra trung tâm y tế địa phương, bệnh viện để lấy giấy xác nhận. Phụ huynh tự test nhanh cho con vào ngày thứ 5 (học sinh đã tiêm hai mũi vaccine), hoặc ngày thứ 7 (nếu chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều), sau đó gửi hình ảnh kết quả xét nghiệm qua Zalo, email, tin nhắn cho giáo viên chủ nhiệm. Kết quả âm tính được xem như đủ điều kiện cho học sinh quay trở lại trường.
“Mình thấy thay đổi này là phù hợp hơn so với quy định học sinh F1 khi trở lại trường phải có xác nhận của y tế địa phương. Vì trên thực tế, các bé cũng đã được tiêm vaccine, cha mẹ còn phải đi làm và các trạm y tế địa phương họ cũng nhiều việc nên đôi khi không cấp giấy xác nhận kịp cho các con”, chị Hồng Hạnh (32 tuổi, quận Gò Vấp) nói.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng thay đổi quy trình xử lý F1 tại trường. Khi xác định được F0, trạm y tế cấp xã hoặc cơ sở y tế phối hợp với trường tổ chức xét nghiệm nhanh hoặc xét nghiệm RT-PCR cho học sinh, giáo viên có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 (nếu có) của lớp có F0, thay cho quy định trước đây là tổ chức xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu gộp cho toàn bộ F1, học sinh và giáo viên của lớp có F0.
Ngoài ra, việc theo dõi sức khỏe của học sinh cùng lớp F0 cũng được thay đổi. Thay vì nhà trường phải lập danh sách học sinh mắc bệnh nền để theo dõi sức khỏe trong 10 ngày, nay chỉ áp dụng cho học sinh thuộc nhóm nguy cơ như: Béo phì, bệnh mạn tính, bệnh lý bẩm sinh.
(Báo Tiền phong)
*Đề xuất cấp giấy chứng nhận trực tuyến cho F0 và F0 khỏi bệnh
Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đơn vị này đã đề nghị Bộ Y tế coi việc chứng nhận F0 và F0 khỏi bệnh như dịch vụ công trực tuyến.
Đề cập đến vấn đề cấp chứng nhận người nhiễm Covid-19 và người nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh, trong văn bản gửi Bộ Y tế mới đây, Bộ TT&TT nhận định: Việc nhiều người nhiễm Covid-19 (F0) thực hiện tự điều trị tại nhà đã phần nào giúp giảm gánh nặng cho các cơ sở y tế ở khía cạnh điều trị, nhưng lại đang tạo ra một áp lực khác, đó là chứng nhận F0 và F0 khỏi bệnh.
Số lượng F0 quá đông trong khi lực lượng cán bộ y tế mỏng, khiến nhiều cơ sở y tế xảy ra hiện tượng quá tải, đồng thời gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo trong cộng đồng. Điều này khiến một bộ phận người dân sau khi phát hiện nhiễm Covid-19 qua tự xét nghiệm nhanh đã cách ly tại nhà mà không khai báo với chính quyền hoặc cơ quan y tế.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ TT&TT cho biết đã nghiên cứu và chỉ đạo các đơn vị phát triển phần mềm quản lý ca bệnh Covid-19 và đề nghị Bộ Y tế xem xét, đánh giá áp dụng. Thời gian vừa qua, một số địa phương đã chủ động áp dụng và bước đầu đã có hiệu quả nhất định.
Tuy nhiên, về quy trình thủ tục chứng nhận F0 cho người dân, Bộ Y tế cần sớm nghiên cứu và đề xuất phương án hiệu quả, đồng thời hướng dẫn địa phương triển khai áp dụng công nghệ để quản lý và tạo thuận tiện cho người nhiễm và khỏi bệnh Covid-19.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng đề nghị Bộ Y tế cân nhắc việc coi chứng nhận F0 và F0 khỏi bệnh như là một dịch vụ công trực tuyến và thực hiện như cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho người dân trong giai đoạn mới.
Đại diện Cục CNTT, Bộ Y tế cho biết đề xuất nêu trên của Bộ TT&TT đang được cơ quan này nghiên cứu.
Liên quan đến việc ứng dụng, cung cấp dịch vụ CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, Cục CNTT, Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đã tổ chức ứng dụng CNTT y tế trong cải cách thủ tục hành chính, góp phần giảm thời gian, chi phí, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp khi giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Y tế, đồng thời giúp công khai, minh bạch, hiện đại hóa các hoạt động của Bộ Y tế trên môi trường Internet, tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước.
Kết quả đến 30/6/2020, Bộ Y tế đã công bố 100% thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến mức độ 4, về đích trước thời hạn Chính phủ giao 5 năm. Cổng dịch vụ công của Bộ Y tế được khai trương từ tháng 11/2019, hiện 100% dịch vụ công trực tuyến của Bộ Y tế đã được kết nối với Cổng dịch vụ công Bộ Y tế, trong đó có 107 thủ tục hành chính được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Được biết, hiện Bảo hiểm Xã hội Hà Nội, Sở TT&TT đang trong quá trình xây dựng phần mềm tháo gỡ về mặt kỹ thuật cấp giấy chứng nhận nghỉ việc được hưởng bảo hiểm cấp cho người lao động khi bị nhiễm Covid-19.
Phần mềm này xử lý hoàn toàn tự động, nhanh chóng, thuận tiện và đang chờ chạy thử nghiệm. Ngoài ra, đơn vị vẫn duy trì thường xuyên, liên tục việc hỗ trợ các đơn vị sử dụng lao động.