Mở rộng vùng xanh trong phòng, chống dịch Covid-19
Bản đồ cấp độ dịch Covid-19 vừa được Bộ Y tế công bố cho thấy vùng xanh (dịch ở cấp độ 1, nguy cơ thấp), là vùng có mức độ bình thường mới trong phòng, chống dịch Covid-19 tiếp tục được mở rộng, lấn át vùng vàng (dịch ở cấp độ 2, nguy cơ trung bình), vùng cam (dịch ở cấp độ 3, nguy cơ cao).
Ðến nay, cả nước có 33 tỉnh, thành phố vùng xanh, 23 tỉnh vùng vàng, 7 tỉnh vùng cam và không có địa phương nào thuộc vùng đỏ (dịch ở cấp độ 4, nguy cơ rất cao). Trong danh sách 33 tỉnh, thành phố vùng xanh có rất nhiều địa phương đã từng là các điểm nóng về Covid-19 như: Hà Nam, Hải Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Ðồng Tháp… Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh đã hai tuần liên tiếp duy trì là vùng xanh với số ca mắc mới, chuyển nặng và tử vong mỗi ngày tiếp tục có chiều hướng giảm sâu và đạt cả ba tiêu chí (tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng, độ phủ vaccine và khả năng, thu dung điều trị).
Kết quả đó cho thấy sự nỗ lực rất lớn của tất cả các ngành, địa phương sau hơn ba tháng kiên trì thực hiện "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ. Các địa phương luôn bám sát tình hình thực tế để có những điều chỉnh về phân vùng cấp độ dịch, từ đó đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp. Chống dịch hiệu quả là tiền đề để chính quyền các cấp đưa ra các biện pháp phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội cũng như chuẩn bị phương án để người dân đón Tết cổ truyền của dân tộc vui tươi, an toàn.
Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, trung bình trong bảy ngày qua cả nước vẫn có 15.935 ca nhiễm mới và 184 trường hợp tử vong do Covid-19. Ðây là con số còn rất cao, đòi hỏi cần sự nỗ lực của các ngành có liên quan, chính quyền các cấp cũng như sự chung tay của mỗi người dân để kéo giảm số lượng người mắc, chết vì Covid-19. Nguyên tắc "5K+vaccine+thuốc điều trị+công nghệ+đề cao ý thức của nhân dân và các biện pháp khác", với ba trụ cột chính về xét nghiệm, cách ly và điều trị cần được duy trì trên diện rộng để vùng xanh ngày càng được mở rộng, giúp cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường mới.
Tết Nguyên đán năm 2022 đang đến gần, mỗi địa phương tiếp tục chú trọng công tác phòng, chống dịch, nhất là tại các khu vực đông dân cư, đô thị lớn, khu công nghiệp; thời điểm người dân, công nhân di chuyển về quê; giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm vi-rút, không để lây lan ra cộng đồng. Thường xuyên cập nhật, triển khai có hiệu quả các hướng dẫn giám sát, cách ly y tế, phòng, chống dịch Covid-19. Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định; kịp thời chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp...
Các đơn vị y tế tại cơ sở phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, lực lượng công an, nhất là tại tuyến cơ sở để thực hiện quản lý nhóm nguy cơ cao trên địa bàn; tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ cao để có phương án đáp ứng, hỗ trợ kịp thời; tổ chức tiêm vét vaccine phòng Covid-19, bảo đảm thực hiện nghiêm việc cách ly tại nơi cư trú, tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn theo đúng quy định. Ðồng thời nâng cao năng lực thu dung, điều trị của các cơ sở y tế trên địa bàn để thực hiện hiệu quả công tác khám, chữa bệnh thông thường và điều trị, hồi sức tích cực Covid-19; sẵn sàng ứng phó với kịch bản biến chủng mới Omicron làm gia tăng các trường hợp phải nhập viện. Các địa phương huy động sự tham gia của các cơ sở tư nhân trong thu dung, điều trị người bệnh Covid-19; đội ngũ tình nguyện viên tham gia tư vấn, chăm sóc, điều trị, quản lý người bệnh ngay tại cộng đồng và tại các cơ sở điều trị. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm điều kiện thiết bị, cơ sở vật chất cần thiết trong hội chẩn, tư vấn điều trị từ xa, hỗ trợ theo dõi và quản lý người bệnh tại cộng đồng…
Nhandan.vn
Bộ Y tế đề nghị các địa phương chấn chỉnh cách chống dịch không phù hợp
Bộ Y tế vừa có công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố về việc chấn chỉnh các biện pháp phòng chống dịch không phù hợp.
Công văn nêu, theo báo chí có hiện tượng người dân “Mệt mỏi vì quy định bán tại chỗ mua hàng về thay đổi liên tục", "Trạm y tế ở Bình Dương tự ý thu tiền xét nghiệm khi đến tiêm vaccine". Hay người dân phản ánh một số địa phương áp dụng biện pháp quản lý, cách ly chưa phù hợp.
Nhằm thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" và các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp phòng chống dịch, việc triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19. Đồng thời căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc tỉnh, thành phố:
Tiến hành kiểm tra, xác minh hoặc điều tra để làm rõ nội dung thông tin báo nêu. Nếu có vi phạm yêu cầu xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật hoặc chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan công an để xem xét, xử lý.Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo đúng quy định; Kịp thời chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch không phù hợp, kiên quyết không để xẩy ra các hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Như PLO đã đưa tin, hiện có nhiều địa phương do lo ngại số ca COVID-19 tăng đã siết chặt các biện pháp phòng dịch, không tuân thủ đúng tinh thần của Nghị quyết 128 của Chính Phủ. Điển hình như ở Thanh Hóa, người dân từ vùng dịch về dù đã được tiêm vaccine COVID-19 cũng bị chính quyền địa phương đến khóa trái cửa, không cho ra ngoài. Tình trạng này cũng xảy ra tại Thái Bình, khi có gia đình về từ Hải Phòng, chính quyền tỉnh này cũng dung biện pháp khóa trái cửa.
Theo nhận định của các chuyên gia, biện pháp chống dịch của các địa phương này gây cản trở cho người dân có nhu cầu về quê ăn Tết.
Plo.vn
Tăng tỉ lệ tiêm vắc xin để giảm ca nặng, tử vong
Hiện Hà Nội có khoảng 600 bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nặng, nguy kịch, tăng gần 20% so với trung bình 7 ngày trước. Hà Nội đang đẩy mạnh tiêm vắc xin, tuy nhiên những ngày gần đây, số lượng mũi tiêm có xu hướng giảm sâu.
Tại Hà Nội, trong số ca bệnh COVID-19, khoảng 95% là ở thể nhẹ, không triệu chứng. Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, cho rằng cần tập trung chăm sóc thật tốt 95% số ca bệnh này ngay tại cơ sở. Theo TS Nhung, để đảm bảo an toàn trong dịp Tết, người dân cần thực hiện 3K gồm: “không nhiễm, nếu nhiễm không chuyển nặng và nếu chuyển nặng không tử vong”. TS Nhung cho rằng, cần điều trị thật tốt số ca F0 ngay tại cơ sở. Kinh nghiệm từ các đợt dịch tại các tỉnh cho thấy cần giải quyết tầng 1 thật tốt. “Nếu bệnh nhân phải chuyển tuyến phải kịp thời, không để quá tải hệ thống y tế. Chính vì thế, việc chăm sóc cho 95% số người mắc COVID-19 này là cực kì quan trọng”, PGS Nhung nói.
Những ngày gần đây, Hà Nội liên tục ghi nhận từ 12-18 ca tử vong mỗi ngày. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng, tiêm phủ vắc xin, trong đó có mũi bổ sung và nhắc lại, để giảm tỉ lệ bệnh nhân nặng và tử vong. Ngày 17/1, Sở Y tế Hà Nội cho biết, đến nay, tổng số mũi tiêm toàn thành phố đã thực hiện được là hơn 13,73 triệu. Có gần 256.000 người tiêm mũi bổ sung và hơn 1,43 triệu người đã tiêm mũi nhắc lại. Cùng với các đơn vị tiêm chủng của thành phố, các bệnh viện trung ương và bộ, ngành trên địa bàn tiêm gần 16.800 mũi nhắc lại. Như vậy, đã có khoảng 1,7 triệu người ở Hà Nội đã tiêm mũi 3 vắc xin COVID-19.
Theo Bộ Y tế, Hà Nội là một trong 39 tỉnh, thành phố bao phủ hai mũi vắc xin cho hơn 90% dân số từ 18 tuổi trở lên. Cụ thể, gần 100% người trên 18 tuổi ở Thủ đô đã tiêm đủ 2 mũi; riêng nhóm trên 50 tuổi là 97,8% đủ 2 mũi; trên 97% trẻ từ 12-17 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi. Về tiến độ tiêm vắc xin, trong 3 ngày gần đây, số lượng mũi tiêm trong ngày ở Hà Nội giảm liên tục. Cụ thể, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, ngày 16/1, toàn thành phố chỉ tiêm được gần 29.500 mũi vắc xin, bằng 30% số liều ngày 15/1. Trong khi đó, ngày 14/1, thành phố tiêm được hơn 139.000 liều...
Tại một số địa phương của Hà Nội như Chương Mỹ, Gia Lâm, Quốc Oai, Thạch Thất, Phúc Thọ, Thường Tín..., vẫn còn số người cao tuổi có bệnh lí nền không đi đến điểm tiêm chủng lưu động. Lãnh đạo các địa phương cho biết tăng cường các tổ đến tận từng nhà dân vận động tiêm vắc xin cho các đối tượng nguy cơ cao này. Việc Hà Nội đẩy mạnh tiêm vắc xin mũi nhắc lại và bổ sung, đặc biệt rà soát tiêm cho đối tượng 50 tuổi trở lên có bệnh nền là có cơ sở.
Sở Y tế Hà Nội cho hay, tính đến hết ngày 16/1, thành phố có 50.188 trường hợp F0 đang được điều trị và cách li. Trong đó, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có 135 ca, Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19 (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) có 219 ca. Tại các bệnh viện của Hà Nội có 3.490 người, cơ sở thu dung điều trị thành phố có 1.261 trường hợp, cơ sở thu dung quận, huyện có 5.516 người và có 39.567 người theo dõi cách li tại nhà. Số bệnh nhân chuyển độ tại cơ sở thu dung là 5; số ca tử vong trong ngày là 14. Như vậy, tổng số người tử vong do COVID-19 từ ngày 29/4/2021 đến nay là 351.
Tienphong.vn
Hà Nội phát hiện 2.955 ca F0 trong ngày 17/1
Ngày 17/1, Hà Nội ghi nhận 2.955 ca dương tính mới với virus SARS-CoV-2 (giảm nhẹ so với ngày trước đó).
Cụ thể, các ca bệnh phân bố tại 372 xã, phường, thị trấn thuộc 30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều ca bệnh trong ngày là: Thanh Trì (125 ca); Đống Đa (120 ca); Đông Anh (117 ca); Hoàng Mai (103 ca).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch lần thứ 4 (từ ngày 29/4/2021) là 94.325 ca.
Thống kê của Sở Y tế Hà Nội, đến hết 16/1, toàn thành phố có 50.188 ca trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly. Trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (135 ca), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (219 ca), tại các bệnh viện của Hà Nội là (3.490 ca), cơ sở thu dung điều trị thành phố (1.261 ca), cơ sở thu dung quận, huyện (5.516 ca), theo dõi cách ly tại nhà (39.567 ca). Tổng số người tử vong do COVID-19 từ ngày 29/4 đến ngày 16/1 là 351 người.
Hiện tại các hoạt động phòng chống dịch bệnh COVID-19 như giám sát nhập cảnh, xét nghiệm, tiêm chủng, tổ chức điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung và hỗ trợ người bệnh điều trị tại nhà vẫn đang được ngành y tế thực hiện và phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.
Theo đánh giá của CDC Hà Nội công bố ngày 14/1, hiện thành phố đang ghi nhận 7 quận, huyện có dịch ở cấp độ 3 (tức vùng cam); 23 quận, huyện, thị xã còn lại ở cấp độ 2 (tức vùng vàng).
Trong đó, 7 quận huyện "vùng cam" gồm: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Ba Đình, Gia Lâm, Hoàng Mai, Long Biên.
Như vậy, so với tuần trước, quận Hoàn Kiếm đã giảm từ cấp độ 3 về cấp độ 2. Tuy nhiên, 2 huyện "vùng xanh" là Phú Xuyên và Phúc Thọ đã chuyển cấp độ dịch từ cấp độ một lên cấp độ 2.