Cảnh báo nguy cơ trầm trọng khi nhiều F0 "bị bỏ quên"
Trước tình trạng có ca mắc Covid-19 tại Hà Nội "bị bỏ quên", nhiều chuyên gia y tế cho rằng phải làm rõ nguyên nhân và dù lý do là gì đi chăng nữa thì F0 cần được chăm sóc hỗ trợ kịp thời, không để bệnh trầm trọng hơn, gây áp lực lên hệ thống y tế và giảm thiểu tỷ lệ tử vong.
Nhiều F0 lo lắng vì chậm nhận được tư vấn, hỗ trợ
Vài ngày qua, Hà Nội liên tiếp ghi nhận hơn 1.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày. Số ca mắc lớn đã phần nào ảnh hưởng đến hệ thống y tế cơ sở. Nhiều trường hợp F0 bị "bỏ quên" dù đã nhiều lần liên hệ đến cơ sở y tế địa phương để được theo dõi.
Phản ánh tới PV Dân Việt, chị Đ.L.C (18 tuổi, trú tại phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) cho biết, chị nhận kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 8/12 nhưng phải đến ngày 14/12 mới được đưa đi cơ sở y tế điều trị, cách ly.
Theo chị C., trong khoảng thời gian phải chờ đợi lực lượng y tế, chị C. có nhiều biểu hiện sức khoẻ không tốt. Cụ thể, C. bị sốt cao, mất vị giác và ho, cơ thể luôn mệt mỏi.
"Tôi cảm thấy mệt mỏi cả về tinh thần lẫn thể chất vì không nhận được sự hỗ trợ cụ thể nào từ lực lượng y tế trên địa bàn. Ngoài ra, gia đình có người mắc Covid-19 khiến cuộc sống bị ảnh hưởng, hàng xóm xung quanh không dám tiếp xúc và hỗ trợ", chị C. nói.
Tương tự gần đây, gia đình anh Đ. sống tại chung cư HH3A Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội có tất cả 4 F0 trở thành tâm điểm dư luận khi họ trải qua 1 tuần mắc bệnh nhưng không nhận được bất kỳ thông tin hay hướng dẫn, sự động viên, hỗ trợ, thuốc điều trị nào từ phía cơ quan chức năng.
Lý giải về sự chậm trễ khi đưa các F0 đi cách ly tập trung, trao đổi với PV Dân Việt, lãnh đạo UBND Phường Hoàng Liệt cho hay, hiện các cơ sở thu dung trên địa bàn phường đã quá tải, lực lượng y tế mỏng. Hiện tại phường đang kích hoạt trạm y tế lưu động nhưng gặp khó khăn do chưa đủ nhân lực ngành y tế.
"Có trường hợp F0 chúng tôi đưa đi đến cơ sở cách ly điều trị nhưng không có chỗ đành đưa quay trở về nhà", người này chia sẻ.
Sau sự việc phản ánh, lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai đã trực tiếp trao đổi với gia đình bệnh nhân. Sau khi xem xét tình hình cụ thể, đối với các bệnh nhân không triệu chứng, phường Hoàng Liệt đã hướng dẫn gia đình cách ly tại nhà. Bên cạnh đó, cung cấp nhu yếu phẩm, đồ dùng cần thiết cho gia đình bệnh nhân yên tâm.
Số lượng F0 tăng mạnh, y tế cơ sở Hà Nội cần làm gì?
Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, việc nhiều F0 phản ánh chậm được đưa đi cách ly, điều trị cần xem xét kỹ nguyên nhân vì sao dẫn đến tình trạng này.
"Có thể do hệ thống y tế không tiếp nhận được người bệnh hoặc do trách nhiệm của cán bộ y tế. Tuy nhiên, dù lý do là gì đi chăng nữa thì nhân viên y tế phải liên hệ chặt chẽ với người dân để tư vấn đầy đủ, không để họ lo lắng. Nếu F0 có dấu hiệu chuyển nặng thì nhân viên y tế phải phát hiện ngay để đưa người bệnh đi cấp cứu", ông Phu cho hay.
Ông Phu cho rằng, tại Hà Nội, các cơ sở điều trị cho bệnh nhân Covid-19 chưa quá tải nhưng hệ thống y tế ở 1 số nơi có thể chưa cân đối được (có phường chưa quá tải hoặc quá tải trong từng thời điểm,…). Do đó, y tế xã, phường cần có sự phân bổ, điều động hợp lý, thành lập thêm trạm y tế lưu động, đầu tư trang thiết bị, máy móc, cơ sở vật chất, oxy, thuốc chữa bệnh ban đầu,… theo quy định của Bộ Y tế.
"Điều quan trọng mà y tế xã, phường phải quan tâm đó là nguồn nhân lực. Nhân viên y tế không cần có chuyên môn sâu về hồi sức cấp cứu nhưng phải biết tư vấn phòng bệnh, ăn uống cho F0, tiên lượng, dự báo triệu chứng F0 chuyển nặng để đưa họ đi cấp cứu. Với tình hình F0 tăng như hiện nay, y tế cơ sở cần lấy thêm nguồn nhân lực ở các đơn vị khác, có thể là học sinh (phải đào tạo, tập huấn), phân công nhiệm vụ hợp lý, tránh hiện tượng F0 liên hệ mà không xử lý kịp thời.
Y tế cơ sở của Hà Nội phải tiếp cận sớm F0, hướng dẫn tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, tận dụng mạng lưới thầy thuốc đồng hành. Nếu F0 diễn biến nặng, y tế phải nắm được để chuyển người bệnh đến bệnh viện. Điều này rất quan trọng để bệnh viện không bị quá tải, giảm tỉ lệ tử vong", ông Phu nêu.
Đồng quan điểm trên, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Anh hùng lao động, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam cũng đã chỉ ra những tác hại khi F0 không được chăm sóc, hỗ trợ kịp thời.
Theo GS.TS Anh Trí, thành phố Hà Nội cho các trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được cách ly tại nhà là phù hợp. Đồng thời, Hà Nội đang thành lập 508 trạm y tế lưu động, thu dung và điều trị F0 nhẹ không triệu chứng. Đồng nghĩa, 508 trạm y tế sẽ có nhân viên y tế và được phân bổ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và thuốc điều trị.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp mắc Covid-19 cách ly tại nhà nhưng không được chăm sóc, hỗ trợ chu đáo. Ngoài đảm bảo các điều kiện cách ly như nguyên tắc 5K, điều kiện cơ sở vật chất... điều quan trọng nhất khi cách ly y tế tại nhà là F0 cần sự chăm sóc của nhân viên y tế và sự quản lý của chính quyền địa phương, ông Trí nêu.
"Chăm sóc, hỗ trợ y tế là điều quan trọng và là sự cần thiết đối với F0. Cụ thể, nhân viên y tế cần hướng dẫn phác đồ điều trị cho bệnh nhân, cấp phát thuốc, chế độ dinh dưỡng, rèn luyện sức khoẻ... cho F0. Đặc biệt, nhân viên y tế thực hiện lấy mẫu xét nghiệm theo quy định cho các trường hợp F1, F0 để nắm bắt tình hình sức khoẻ. Nếu không được động viên, chăm sóc... tâm lý, sức khoẻ của người bệnh có nguy cơ trầm trọng hơn", ông Trí nhấn mạnh.
GS Nguyễn Anh Trí cho rằng, đôi khi sự lo lắng, hoảng loạn khiến sức khoẻ, tinh thần của bệnh nhân trầm trọng hơn so với tác hại của virus. Vì vậy sự động viên, chăm sóc, thăm hỏi kịp thời rất quan trọng bởi đây là liều thuốc tinh thần.
"Để giải quyết những bất cập trên, chính quyền thành phố cần có phương án kiểm tra, rà soát, chỉnh đốn để người bệnh nhận được sự hỗ trợ, chăm sóc kịp thời", GS Nguyễn Anh Trí nói thêm.
(danviet.vn)
Phân bổ 300.000 liều thuốc Molnupiravir thí điểm điều trị F0 thể nhẹ
Bộ Y tế đã phân bổ 300.000 liều thuốc Molnupiravir cho Chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trên cơ sở những kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc Molnupiravir trong điều trị Covid-19 đã công bố trên thế giới cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt giảm tải lượng virus rõ rệt ở bệnh nhân thể nhẹ sau 5 ngày điều trị, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong; căn cứ kết quả đánh giá giữa kỳ của các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tiến hành tại Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Phổi Trung ương, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho thấy tính an toàn và hiệu quả thuốc, Bộ Y tế đã cho phép triển khai Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát Molnupiravir cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ tại cộng đồng tại TP Hồ Chí Minh từ giữa tháng 8/2021 và hiện nay đã mở rộng triển khai tại 46 địa phương có dịch trong toàn quốc.
Việc triển khai chương trình tuân thủ các đề cương nghiên cứu khoa học, chặt chẽ đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia thẩm định, chấp thuận và được Bộ Y tế phê duyệt và được theo dõi, kiểm soát, ghi nhận, đánh giá và tổng kết bởi các chuyên gia, cán bộ, nhân viên y tế.
Đến nay, Bộ Y tế đã phân bổ 300.000 liều thuốc Molnupiravir cho các địa phương đang triển khai Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát Molnupiravir cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ tại cộng đồng.
Các kết quả báo cáo giữa kỳ của chương trình tại 22 tỉnh/thành phố cho thấy, thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị với tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 5 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 từ 72,1% đến 99,1%; tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 14 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 gần 100%; tỷ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02%-0,06% và không có ca nào dẫn đến tử vong.
Molnupiravir là một thuốc kháng virus, hiện chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Hiện cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (US-FDA) đang xem xét các dữ liệu lâm sàng cho việc quyết định cấp phép lưu hành thuốc tại Hoa Kỳ. Tương tự, các quốc gia châu Á trong đó có Ấn Độ cũng đang rà soát các dữ liệu lâm sàng đối với các thuốc được công ty phát minh là MSD nhượng quyền sản xuất cũng như các thuốc chưa được MSD nhượng quyền để xem xét việc cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc. Do vậy, việc sử dụng thuốc Molnupiravir hiện nay tại Việt Nam được tiến hành thông qua hình thức nghiên cứu tại cộng đồng trong khuôn khổ Chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát chặt chẽ.
Việc triển khai Chương trình cần tuân thủ đề cương nghiên cứu khoa học, chặt chẽ đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia thẩm định, chấp thuận và được Bộ Y tế phê duyệt. Việc theo dõi, kiểm soát, ghi nhận, đánh giá bệnh nhân trong Chương trình được tiến hành bởi các chuyên gia, cán bộ, nhân viên y tế theo các tiêu chí an toàn và hiệu quả của đề cương nghiên cứu. Bên cạnh đó, do thuốc chưa được cấp phép lưu hành rộng rãi nên việc quản lý thuốc nghiên cứu cần phải hết sức chặt chẽ để tránh thất thoát hoặc sử dụng sai mục đích nghiên cứu.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục cập nhật các thông tin khoa học của thuốc cũng như tình hình cấp phép sử dụng tại các quốc gia làm cơ sở báo cáo với Chính phủ và các cơ quan chức năng cho phép cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền lợi của người dân, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương có dịch tham gia và triển khai Chương trình trên tinh thần tiếp cận sớm với thuốc song vẫn phải tuân thủ đề cương nghiên cứu đã được Bộ Y tế phê duyệt và phải kiểm soát, theo dõi chặt chẽ các tiêu chí an toàn, hiệu quả cũng như quản lý thuốc nghiên cứu để bảo đảm an toàn cho các bệnh nhân tham gia Chương trình.
(kinhtedothi.vn)
Bộ Y tế đề nghị dừng các hoạt động tập trung đông người dịp Tết Nguyên đán
Bộ Y tế vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo những nội dung về tăng cường phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian nghỉ Tết âm lịch.
Theo Bộ Y tế, hiện nay nhiều địa phương vẫn ghi nhận số mắc Covid-19 hằng ngày trong cộng đồng, đặc biệt tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn. Ngoài ra biến thể Omicron đang lan truyền nhanh, diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đề nghị xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian nghỉ Tết âm lịch.
Việc sinh hoạt, đi lại, giao thương của người dân trong thời gian nghỉ Tết Âm lịch tuyệt đối tuân thủ đúng và đầy đủ quy định 5K (Khẩu trang, Khử khuẩn, Không tụ tập, Khai báo y tế và Khoảng cách) của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, theo Bộ Y tế.
Các địa phương căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh thực hiện đánh giá, cập nhật cấp độ dịch trên Cổng thông tin điện tử của địa phương và Bộ Y tế để có các biện pháp tăng cường đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn theo quy định tại Nghị quyết số 128 của Chính phủ và Quyết định số 4800 của Bộ Y tế.
Cũng theo Bộ Y tế, biến thể Omicron hiện đã xuất hiện ở 4 châu lục và ít nhất 77 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xác nhận các trường hợp nhiễm biến chủng Omicron. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá, Omicron là chủng đáng quan ngại do làm tăng nguy cơ tái nhiễm, có thể né tránh miễn dịch, khả năng lây lan nhanh hơn 3,2 lần so với chủng Delta. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cho thấy biến thể Omicron làm giảm hiệu quả của vaccine phòng Covid-19 cũng như chưa có bằng chứng tăng tỷ lệ nặng và tử vong.
Công bố của Bộ Y tế cho thấy, trong ngày hôm qua, cả nước ghi nhận 15.236 ca nhiễm mới, trong đó 21 ca nhập cảnh và 15.215 ca ghi nhận trong nước (giảm 52 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 9.836 ca trong cộng đồng).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.326 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.508.473 ca nhiễm, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 148/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 15.297 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.503.003 ca, trong đó có 1.092.701 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 31.057 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 1.095.518 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.912 ca, trong đó, thở ô xy qua mặt nạ là 5.504 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 1.283 ca; thở máy không xâm lấn là 140 ca; thở máy xâm lấn là 966 ca; ECMO là19 ca.
(kinhtedothi.vn)
Những trường hợp nào dễ nhiễm Covid-19?
Bộ Y tế vừa ban hành “Hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị” áp dụng thống nhất tại tất cả địa phương trên cả nước.
Hướng dẫn này chỉ ra 20 trường hợp mắc bệnh nền khi nhiễm SARS-CoV-2 sẽ dễ có nguy cơ cao, gồm: Đái tháo đường; bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh phổi khác; ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác); bệnh thận mãn tính; ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu; béo phì, thừa cân; bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim); bệnh lý mạch máu não; hội chứng Down; HIV/AIDS; bệnh lý thần kinh, bao gồm sa sút trí tuệ; bệnh hồng cầu hình liềm; bệnh hen suyễn; tăng huyết áp; thiếu hụt miễn dịch; bệnh gan; rối loạn sử dụng chất gây nghiện; sử dụng corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác; các loại bệnh hệ thống; các bệnh nền của trẻ em theo hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế (trẻ đẻ non, cân nặng thấp; béo phì, thừa cân; đái tháo đường, các bệnh lý gene và rối loạn chuyển hóa; các bệnh lý phổi mãn tính, hen phế quản; ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi...); bệnh thận mãn tính; ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu; bệnh tim mạch (tim bẩm sinh, suy tim, tăng áp phổi, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim, tăng huyết áp); bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần).
Cũng theo hướng dẫn mới ban hành của Bộ Y tế, có 12 dấu hiệu, biểu hiện nhiễm SARS-CoV-2 mà mỗi người cần biết là: Ho; sốt (trên 37,5oC); đau đầu; đau họng, rát họng; sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi; khó thở; đau ngực, tức ngực; đau mỏi người, đau cơ; mất vị giác; mất khứu giác; đau bụng, buồn nôn; tiêu chảy.
Ngoài ra, hướng dẫn cũng nêu rõ tình trạng cấp cứu, gồm: Rối loạn ý thức; khó thở, thở nhanh trên 25 lần/phút hoặc SpO2 dưới 94%; nhịp tim nhanh trên 120 nhịp/phút; huyết áp tụt, huyết áp tối đa dưới 90mmHg... Và bất kỳ dấu hiệu bất thường khác mà nhân viên y tế chỉ định xử trí cấp cứu.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo, người nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà nên nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe); tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày; uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước; không bỏ bữa; tăng cường dinh dưỡng: Ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả... và suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái. Bộ Y tế sẽ liên tục cập nhật các phác đồ về điều trị, bảo đảm để những trường hợp nhiễm Covid-19 được tiếp cận, chăm sóc, điều trị một cách tốt nhất.
(qdnd.vn)
Nhiều ngày ghi nhận hơn 1.000 F0, Hà Nội có bao nhiêu ca bệnh chuyển nặng?
Hà Nội có 11.719 ca Covid-19 đang được điều trị, trong đó 8.944 ca được điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung; 2.775 người đang cách ly điều trị tại nhà.
Toàn thành phố có gần 20.000 ca mắc từ 11/10 đến nay
Trong ngày 17/12, Hà Nội ghi nhận thêm 1.440 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 557 ca tại cộng đồng. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 24.272 ca bệnh, trong đó 9.354 ca cộng đồng và 14.918 ca đã được cách ly.
Trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP từ 11/10 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 19.715 ca mắc, trong đó 7.822 ca trong cộng đồng, 9.302 ca tại khu cách ly, 3.041 ca tại khu phong tỏa.
Về công tác điều trị, kể từ năm 2020 đến nay, đã có 23.944 lượt bệnh nhân được điều trị, trong đó 13.843 bệnh nhân đã khỏi bệnh. Hiện tại có 11.719 ca bệnh đang được điều trị, trong đó 8.944 ca được điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung; 2.775 người đang cách ly điều trị tại nhà.
Trong đó, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị 82 ca, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội điều trị 175 ca; 29 bệnh viện của Hà Nội điều trị cho 2.015 ca; các cơ sở thu dung điều trị là 2939 ca; trạm y tế lưu động có 3733 ca. Số bệnh nhân chuyển tầng điều trị là 159 ca, tổng số bệnh nhân chuyển viện là 1.363 người.
Từ 17/12, Bệnh viện Tim Hà Nội cũng đã sẵn sàng đón bệnh nhân Covid-19 tới điều trị, sau 4 ngày gấp rút thi công Khu điều trị F0. Khu điều trị F0 này được đặt tại cơ sở II ở đường Võ Chí Công, quận Tây Hồ, quy mô 50 giường. Khu điều trị này dành cho F0 triệu chứng nhẹ và trung bình.
Trước đó, được sự chỉ đạo của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 12-12, Bệnh viện Tim Hà Nội đã khẩn trương triển khai xây dựng Khu điều trị bệnh nhân Covid-19.
164 ca bệnh nặng, nguy kịch
Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, trong số các F0 đang theo dõi và điều trị tại Hà Nội, có 1.278 ca tình trạng bệnh ở mức độ trung bình, 164 ca ở mức độ nặng, nguy kịch. Trong số 164 ca bệnh này có 145 trường hợp phải thở oxy Mask, gọng kính, 2 trường hợp thở oxy dòng cao (HFNC), 2 trường hợp thở máy không xâm lấn, 15 trường hợp phải thở máy xâm lấn.
Về công tác tiêm vaccine Covid-19, tổng số mũi tiêm thực hiện được ở đối tượng trên 18 tuổi là 12.548.888 mũi, trong đó các đơn vị y tế của Hà Nội tiêm được 11.148.565 mũi tiêm, các bệnh viện của Trung ương và ngành trên địa bàn tiêm được 1.400.323 mũi tiêm.
Kết quả tiêm vaccine cho trẻ từ 15-17 tuổi, trong ngày thực hiện được 398 mũi tiêm, nâng tổng số mũi tiêm từ ngày 23/11 đến nay lên 296.499 mũi/301.866 trẻ đạt 98,2%.
Tổng số mũi tiêm vaccine cho trẻ từ 12-14 tuổi từ ngày 27/11 đến nay là 362.081 mũi/380.382 trẻ, đạt tỷ lệ 95,2%.
Hiện tại, các hoạt động phòng chống dịch như giám sát người về từ các tỉnh, thành phố trong cả nước; điều tra truy vết các trường hợp tiếp xúc gần; xét nghiệm; tiếp nhận và điều trị cách ly tại bệnh viện các trường hợp F0, cách ly điều trị tại nhà và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vẫn đang được ngành y tế tích cực triển khai.
Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, tất cả người dân trên địa bàn thành phố, khi có một trong các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, hoặc mất khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh Covid-19.
(dantri.com.vn)
Ca bệnh tăng nóng, quận, phường Hà Nội nói sẽ 'đảm bảo đủ thuốc để điều trị cho F0 tại nhà'
Số ca bệnh tăng nóng, số F0 được điều trị tại nhà ở Hà Nội cũng tăng theo tỉ lệ. Các trường hợp F0 đang được điều trị, phát thuốc như thế nào, liên hệ với y tế ra sao khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe... được nhiều người quan tâm.
Ngày 17-12, Hà Nội tiệm cận ngưỡng 1.500 ca COVID-19, đây là số ca bệnh kỷ lục ghi nhận trong vòng 24 giờ từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại TP này.
Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện TP đang điều trị cho hơn 10.000 F0, trong đó gần 50% đang được điều trị tại nhà và các trạm y tế lưu động.
Số ca bệnh tăng nóng, số F0 được điều trị tại nhà ở Hà Nội cũng tăng theo tỉ lệ. Việc các trường hợp trên đang được điều trị, phát thuốc như thế nào, liên hệ với y tế ra sao khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe được nhiều người quan tâm.
Theo văn bản phân cấp độ dịch từ UBND TP Hà Nội, quận Đống Đa hiện nay là quận duy nhất tại Hà Nội đang ở cấp độ dịch 3 (vùng cam).
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Đức Tuấn - giám đốc Trung tâm Y tế quận Đống Đa - cho biết hiện ngành y tế quận đảm bảo 100% F0 đủ điều kiện điều trị tại nhà được cấp túi thuốc A theo yêu cầu của Bộ Y tế.
"Trên địa bàn quận Đống Đa đang có 212 F0 đang điều trị tại nhà. Ngoài ra, tại các trung tâm y tế lưu động trên địa bàn quận cũng có hơn 200 F0 đang được thu dung, điều trị", ông Tuấn thông tin thêm.
Ông Nguyễn Hải Hà - phó chủ tịch phường Cống Vị, quận Ba Đình - cho biết phường đang cách ly 19 F0 thể nhẹ tại nhà và tất cả đều được cấp túi thuốc A để điều trị COVID-19 theo quy định.
"Hiện chúng tôi cũng không gặp khó khăn gì trong việc cấp thuốc cho các ca COVID-19 điều trị tại nhà. Ngoài ngân sách, chúng tôi cũng huy động thêm nguồn xã hội hóa của các nhà thuốc, các cơ sở y dược tư nhân trên địa bàn nên đáp ứng đủ thuốc cho người bệnh", ông Hà nói.
Về tình hình sức khỏe của các F0 đang điều trị tại nhà, ông Hà cho biết tất cả đều đang được đảm bảo và tổ COVID cộng đồng sẽ thường xuyên trao đổi với các bệnh nhân về tình trạng sức khỏe để có các hướng điều trị phù hợp.
"Để giảm nguy cơ lây nhiễm, chúng tôi ứng dụng công nghệ thông tin để trao đổi với người bệnh. Tổ COVID cộng đồng thường xuyên trao đổi với các F0 tại nhà qua điện thoại cũng như các ứng dụng Zalo, Facebook...
Có vấn đề gì các bệnh nhân sẽ gọi, nhắn cho nhân viên y tế và tổ COVID cộng đồng qua các nền tảng trên để phản ánh về tình trạng sức khỏe của mình, nên các F0 luôn được hỗ trợ kịp thời nếu có dấu hiệu bất thường", ông Hà thông tin thêm.
Trao đổi với báo chí, ông Vũ Cao Cương - phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết UBND TP đã chỉ đạo Sở Y tế phối hợp Sở Thông tin - truyền thông xây dựng hệ thống phần mềm quản lý, theo dõi F0 tại nhà.
"Sở đã phối hợp đội ngũ y bác sĩ, các chuyên gia phần mềm để xây dựng phần mềm quản lý, theo dõi F0 trên địa bàn thành phố theo quy định về phân tầng, theo dõi, quản lý F0 tại nhà của Bộ Y tế", ông Cương nói.
Ông Cương thông tin thêm, hiện Sở Y tế đã triển khai thí điểm tại quận Long Biên, triển khai tập huấn cho toàn bộ trung tâm y tế của 30 quận, huyện, thị xã, 579 trạm y tế xã, phường, thị trấn của TP trong suốt 2 tuần vừa qua.
Đến nay, phần mềm đã quản lý 4.235 F0, trong đó có 1.164 F0 tại nhà. Ngay trong tuần này, phần mềm sẽ được đưa vào triển khai đồng bộ trên toàn hệ thống y tế cơ sở, tiến tới quản lý toàn bộ số F0 trên địa bàn của TP.
Trước đó, nhiều F0 theo dõi tại nhà ở Hà Nội phản ánh tình trạng không được cấp phát thuốc hoặc phải đợi chờ thời gian dài mới được phát thuốc điều trị COVID-19. Một số F0 khác còn bị "bỏ rơi" không được điều trị, hoặc không gọi được cho ngành y tế cơ sở để thông báo về tình trạng sức khỏe cũng như được hướng dẫn điều trị.
Về việc trên, vị lãnh đạo Sở Y tế TP nói sẽ do trạm y tế xã phường thị trấn hoặc có thể do tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà (do chính quyền địa phương thành lập) cấp phát, hiện các thuốc trên không phải trả phí nhưng việc cấp phát thuốc phải đúng theo quy định và người bệnh có thể liên hệ với trạm y tế để được hướng dẫn cụ thể.