Hà Nội: Bé 2 tuổi mắc di chứng hậu COVID-19 nặng nề
2 tháng sau khỏi COVID-19, bé gái 2 tuổi nhập viện Nhi T.Ư trong tình trạng khó thở, sốt cao liên tục, co giật, ho, chảy nước mũi, nôn, mắt phù nề, viêm kết mạc, chẩn đoán mắc hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C).
Bé H. quê Thanh Hoá, nhập viện hôm 13/2. Trước đó, ngày 23/12/2021, trẻ bị nhiễm COVID-19 nhưng chỉ húng hắng ho và 3-4 ngày sau thì con khỏi bệnh. Ngày 7/2, gần 2 tháng sau khi khỏi COVID-19, trẻ sốt cao trên 39 độ C kèm co giật.
Kết quả xét nghiệm RT-PCR của bé H âm tính nhưng nồng độ kháng thể cao (tương đương sức miễn dịch của người tiêm vaccine hoặc F0 khỏi bệnh, trong khi bé chưa tiêm vaccine).
Qua thăm khám, trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C). Đây là 1 hội chứng mắc phải sau nhiễm COVID-19.
Bé nhanh chóng được điều trị tích cực theo phác đồ của Bộ Y tế. Hiện sức khoẻ trẻ đang dần hồi phục.
Tính từ đầu tháng 2 đến nay, Khoa Điều trị tích cực Nội khoa thuộc Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận hơn 10 trẻ mắc di chứng hậu COVID-19 từ nhẹ đến nặng, đặc biệt là Hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C).
Các bác sĩ cho biết đa số trẻ bị nhập viện điều chưa được tiêm phòng COVID -19, đáng chú ý có 2 bệnh nhi diễn biến rất nặng phải thở máy, lọc máu tiên lượng xấu.
TS.BS Tạ Anh Tuấn - Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết, hội chứng MIS-C thường xảy ra sau khi em bé mắc COVID-19 từ 2-6 tuần.
Biểu hiện lâm sàng của trẻ mắc hội chứng MIS-C là sốt cao liên tục, phát ban, rối loạn tiêu hóa, nếu nặng hơn có thể gặp các biến chứng tim mạch, sốc… Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, trẻ có thể tử vong.
Những triệu chứng của MIS-C ở trẻ em
Theo TS Tạ Anh Tuấn, với những trẻ có tiền sử đã mắc COVID, hoặc tiếp xúc với F0, sống trong vùng dịch, khi có các triệu chứng như:
- Sốt cao liên tục trên 24 giờ
- Nổi ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc
- Phù nề niêm mạc miệng, bàn tay, chân
- Rối loạn tiêu hóa: nôn, đau bụng, tiêu chảy.
Có thể gặp dấu hiệu sốc, rối loạn đông máu, tổn thương thận cấp…
Các xét nghiệm cận lâm sàng có thể gặp:
- Tăng hoặc giảm bạch cầu
- Tăng các chỉ số viêm: máu lắng, CRP, procalcitonin, ferritin…
- Sinh hóa: Tăng men tim, tổn thương gan thận..
- X quang có thể thấy tổn thương phổi
- Siêu âm có tổn thương tim..
Bác sĩ Tuấn khuyến cáo: Cách tốt nhất để ngăn ngừa hội chứng hậu COVID-19 ở trẻ là ngăn ngừa trẻ mắc bệnh bằng cách:
- Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ theo khuyến cáo, nếu trẻ được tiêm chủng các biến chứng của bệnh sẽ giảm đi, đặc biệt là các biến chứng của MIS-C.
- Hạn chế cho trẻ đến những nơi đông người.
- Đeo khẩu trang cho trẻ ở những nơi công cộng và xung quanh những người mà trẻ sống cùng
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc nước rửa tay.
- Cha mẹ nên khuyến khích trẻ vận động, chơi thể thao, nghỉ ngơi; Bổ sung dinh dưỡng hợp lý cho trẻ.
(Báo Sức khoẻ & đời sống)
Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 ở Hà Nội kín giường
Giường bệnh vẫn còn nhưng nhân lực để tiếp nhận, điều trị theo công suất tối đa (530 giường) của cơ sở y tế này chưa đủ.
Sáng 18/2, điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thu Phương, Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19, Đại học Y Hà Nội, cho biết cơ sở y tế này hiện điều trị 180 bệnh nhân, đã kín giường. Mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận 20-30 F0.
"Bệnh viện có hơn 100 bác sĩ, điều dưỡng và tình nguyện viên tham gia chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Giường bệnh vẫn còn nhưng nhân lực để tiếp nhận, điều trị theo công suất tối đa là 530 giường của bệnh viện chưa đủ. Với số nhân lực và số bệnh nhân đang điều trị, chúng tôi còn thiếu bác sĩ, điều dưỡng", điều dưỡng Phương nói.
Khu vực R13 và R14 là nơi điều trị bệnh nhân tầng 3, nặng và nguy kịch. Mỗi khu có thể điều trị tối đa 20 bệnh nhân. Hiện khu vực này cũng kín giường.
BS Nguyễn Minh Nguyên, điều trị tầng 3, Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19, cho biết đặc điểm của các bệnh nhân tại đây là rất già, tuổi trung bình từ 80 đến 100 và tỷ lệ chưa tiêm vaccine lớn.
"Các bệnh nhân điều trị tại khu vực hồi sức luôn cần theo dõi liên tục 24/24 giờ vì diễn biến xảy ra liên tục, khó lường. Bệnh nhân chủ yếu nằm lưu cữu, thời gian điều trị dài, có khi vài tuần hoặc vài tháng mới có thể ra viện. Vì vậy, chúng tôi phải chiến đấu dài hơi. Đây cũng là thách thức lớn với nhân viên y tế", bác sĩ Minh Nguyên nói.
Bác sĩ Nguyên phân tích sau khi tiêm vaccine, số lượng F0 ngoài cộng đồng tăng, tỷ lệ bệnh nhân nặng có giảm. Tuy nhiên, khi số F0 tăng quá cao, lượng bệnh nhân nặng cũng sẽ tăng, đặc biệt người già yếu, nhiều bệnh nền, không có khả năng đi tiêm vaccine. Những trường hợp này mắc thêm Covid-19 thường rất nặng, nguy cơ tử vong cao.
Vì vậy, theo bác sĩ Minh Nguyên, muốn giữ được tỷ lệ tử vong thấp, chúng ta cần "phòng bệnh hơn chữa bệnh", giảm tỷ lệ lây nhiễm ngoài cộng đồng, bảo vệ đối tượng nguy cơ nặng.
Từ 31/8/2021, Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 với quy mô 500 giường bệnh chính thức đi vào hoạt động. Đây là nơi tiếp nhận, điều trị của các bệnh nhân Covid-19 tầng 2, tầng 3.
Tính đến hết 16/2, Hà Nội có 126.073 F0 đang điều trị, theo dõi. Trong đó, hơn 121.000 F0 điều trị tại nhà và 853 ca điều trị tại khu cách ly. Hơn 3% còn lại (khoảng 4.000 ca) phải nhập viện điều trị.
Số lượng bệnh nhân nặng tại Hà Nội cũng có xu hướng tăng nhẹ, trong đó khoảng 2.500 ca mức độ trung bình (tăng gần 30% so với trung bình 7 ngày trước); gần 700 ca mức độ nặng/nguy kịch tăng gần 15%; 608 ca thở oxy (tăng 18%); 44 ca phải thở máy xâm lấn (tăng 13%).
Số còn lại là bệnh nhân thở oxy dòng cao (HFNC), lọc máu, ECMO (oxy hóa qua màng ngoài cơ thể).
(Báo điện tử Zingnews)
Hà Nội đứng đầu cả nước về số ca Covid-19 nặng
Theo thông tin từ Tiểu ban điều trị, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia, tính đến chiều 17/2, Hà Nội đang là địa phương đứng đầu cả nước về số F0 nặng với 720 ca.
Cụ thể, các địa phương có số ca đang điều trị cao gồm: Hà Nội (154.086), Hải Phòng (68.365), Thanh Hóa (34.060), Nghệ An (22.425), Nam Định (21.535), Đà Nẵng (18.142), Thái Nguyên (16.606), Bắc Ninh (9.215), Bắc Giang (9.095), Phú Thọ (7.888).
Các địa phương đang có số ca nặng cao: Hà Nội (720), Đà Nẵng (244), Hồ Chí Minh (197), Nghệ An (186), Hải Phòng (169), Bình Định (92), Đồng Tháp (79), Tiền Giang (77), Cần Thơ (70), Phú Thọ (65).
So với trung bình 7 ngày trước, số ca bệnh mới tăng 28,1%, số ca khỏi tăng 10,0%, số ca tử vong tăng 0,2%, số ca đang điều trị giảm 287,8%, và số ca nặng tăng 3,7%
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 17/2, Hà Nội ghi nhận thêm 3.893 ca bệnh (913 ca cộng đồng; 2.980 ca đã cách ly). Bệnh nhân phân bố tại 496 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (240), Nam Từ Liêm (229), Chương Mỹ (192), Bắc Từ Liêm (189), Long Biên (179). Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 186.998 ca.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, cả nước ngày hôm qua ghi nhận 36.200 ca nhiễm mới, trong đó 10 ca nhập cảnh và 36.190 ca ghi nhận trong nước (tăng 1.467 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 25.345 ca trong cộng đồng). Hà Nội tiếp tục là địa phương đứng đầu cả nước về ca nhiễm mới với 3.893 ca.
Một số địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó như: Ninh Bình (-1316), Hải Dương (-248), Bình Định (-217). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Quảng Ninh (+941), Bắc Giang (+401), Hòa Bình (+282).
Cũng theo thống kê, trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 84 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 39.278 ca, chiếm tỷ lệ 1,5% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
(Báo Kinh tế & đô thị)
Gần 4.000 F0/ngày, Hà Nội có thay đổi biện pháp chống dịch?
Từ Tết Nguyên đán ra đến nay, số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội tăng vọt, đỉnh điểm trong 2 ngày gần đây, mỗi ngày có gần 4.000 F0 mới. Có thể số ca nhiễm còn cao hơn nữa vì nhiều F0 không triệu chứng hoặc khỏi bệnh nhanh không báo với y tế địa phương. Hiện nay, Hà Nội có 126.000 F0 đang điều trị, theo dõi, trong đó có 96% điều trị tại nhà. Với số ca mắc tăng cao như hiện nay, Thủ đô có thay đổi chiến lược chống dịch để tránh quá tải hệ thống y tế hay không?
Trạm y tế nhiều phường, xã quá tải
Nếu như một tuần trước, tại Trạm Y tế lưu động của phường Bưởi, quận Tây Hồ tại 462 Thụy Khuê chỉ xét nghiệm COVID-19 cho khoảng vài chục F1, F0/ngày thì nay lên đến hàng trăm trường hợp. Các cán bộ y tế làm việc xuyên ngày đêm để xét nghiệm, tư vấn cho F0 tại nhà, cũng như lên danh sách để chuyển sang UBND phường ra quyết định cách ly. Theo lãnh đạo UBND phường Bưởi, tại địa phương ghi nhận khá nhiều trẻ em là F0, trong đó có cháu nhỏ chỉ vài tháng tuổi.
Phường Xuân La, quận Tây Hồ có ngày lên tới hơn 100 F0 mới, Trạm Y tế quá tải, nhiều lúc đường dây nóng báo bận liên tục vì quá nhiều người gọi. Tại quận Hai Bà Trưng, trung bình mỗi ngày có khoảng 300-400 ca mắc mới, khiến các trạm y tế trên địa bàn liên tục có người điện thoại đến thông báo dương tính, có người còn ra tận nơi để xin thuốc, tư vấn.
Ở nhiều quận, huyện khác của Thủ đô, nhiều F0 sau khi không gọi được y tế địa phương đã tự lên mạng tìm hiểu và tự mua thuốc điều trị. Một phụ huynh ở quận Đống Đa cho biết: “Thấy con đi học về có biểu hiện sốt, ho, tôi test nhanh cho con thì phát hiện dương tính. Trong lúc chưa gọi được điện cho y tế phường, tôi đã mua theo đơn thuốc trên mạng về điều trị cho con”. Theo phụ huynh này, chị đặt mua thuốc kháng virus của Nga về để cho con gái đang học lớp 8 uống mà không hề hay biết thuống kháng virus chống chỉ định cho trẻ dưới 18 tuổi. Rất may, vị phụ huynh này đã kịp thời hỏi được một chuyên gia tư vấn nên đã ngừng cho con uống thuốc kháng virus này.
Với số ca mắc mới tiếp tục tăng cao ở Thủ đô như hiện nay, nhiều người lo ngại quá tải hệ thống y tế. Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 nhẹ, không triệu chứng của Thủ đô khoảng 94%, việc bao phủ vaccine cao, trong đó người từ 12 tuổi trở lên tiêm 2 mũi đạt 99,5%, tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 55%. Chính vì vậy mà tỷ lệ bệnh nhân nặng phải chuyển tầng chỉ chiếm 0,57%.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, tới hết ngày 16/2, Hà Nội có hơn 126.000 F0 đang điều trị, theo dõi. Trong đó, có gần 121.400 F0 điều trị tại nhà và 853 ca điều trị tại khu cách ly. Hà Nội gần 4.000 ca phải nhập viện điều trị gồm hơn 3.500 F0 điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội (tầng 2 và 3) và hơn 300 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Trong số các bệnh nhân nhập viện, có hơn 2.500 ca mức độ trung bình (tăng gần 30% so với trung bình 7 ngày trước); gần 700 ca mức độ nặng/nguy kịch tăng gần 15%; 608 ca thở oxy (tăng 18%); 44 ca phải thở máy xâm lấn (tăng 13%). Số còn lại là bệnh nhân thở HFNC, lọc máu, ECMO...,
Quản lý người có nguy cơ cao từ xã, phường
Theo ghi nhận, tuy số ca mắc của Thủ đô tăng cao, song số ca tử vong lại giảm hơn so với thời gian trước. Theo đánh giá của các chuyên gia, hệ thống điều trị giám sát tại F0 tại nhà của Hà Nội vận hành tốt; công tác chuyển tầng được thực hiện uyển chuyển, bệnh nhân nặng được chuyển viện kịp thời; sự phối hợp giữa các bệnh viện của Hà Nội, bệnh viện tuyến Trung ương và bệnh viện của Hà Nội thực hiện tốt, dù số ca mắc tăng cao nhưng tỷ lệ tử vong thấp.
Sở Y tế Hà Nội cho biết số bệnh nhân chuyển tầng được hạn chế tối đa trong nhiều tuần qua. Nhiều ngày gần đây, Hà Nội ghi nhận 15 ca tử vong do COVID-19 mỗi ngày, thậm chí xuống 11 ca. Các F0 tử vong chủ yếu là người cao tuổi có bệnh lý nền thuộc nhóm nguy cơ và chưa tiêm vaccine COVID-19.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, mục tiêu là đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người dân, cần phải có kế hoạch và thay đổi chiến lược chống dịch của Thủ đô, đó là bảo vệ người có nguy cơ cao. Hà Nội đã yêu cầu tất cả các quận, huyện, phường, xã rà soát, lập danh sách người nguy cơ cao trên địa bàn để tiêm mũi tăng cường; tổ chức tiêm vaccine cho người thuộc nhóm nguy cơ, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ, các trường hợp trong độ tuổi nhưng chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ liều, người từ chối tiêm trên địa bàn. Hà Nội cũng yêu cầu tiếp tục rà soát kỹ người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, người có nguy cơ cao không thể đến các điểm tiêm chủng để tổ chức tiêm tại nhà, bảo đảm không bỏ sót người thuộc nhóm ngu cơ. Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, việc này rất quan trọng nhằm giảm tỷ lệ tử vong, giảm tỷ lệ bệnh nặng, giảm tỷ lệ chuyển tầng.
Chiến lược mới của Thủ đô là dự phòng tốt, tập trung vào quản lý đối tượng người cao tuổi, có bệnh nền; điều trị hiệu quả cho người có nguy cơ cao từ xã, phường để giảm bệnh nặng và tử vong. Để làm điều này, hiện tại nhiều phường, xã của Hà Nội đã rà soát, lập danh sách đối tượng nguy cơ cao là người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ có thai… để quản lý. BS Nguyễn Minh Huệ, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng cho biết: Mỗi tuần 1 lần chúng tôi đến khám và test COVID-19 cho người cao tuổi, già yếu trên địa bàn một lần. Nhiều cụ già và phụ nữ có thai chưa tiêm vaccine chúng tôi phải vận động tiêm. Qua thăm khám, những cụ nào mắc bệnh thông thường, hoặc bệnh nền được tư vấn điều trị ngay.
Được biết, trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, trung bình mỗi phường có từ 300-500 người cao tuổi đã đưa vào danh sách quản lý, có tổ quản lý sức khỏe để can thiệp kịp thời nếu mắc COVID. Ngoài việc xét nghiệm, tư vấn cho F0 điều trị tại nhà, nhân viên y tế còn phải quản lý theo dõi các đối tượng cao tuổi nên công việc luôn quá tải. Tuy nhiên, không phải địa bàn phường nào cũng làm được việc quản lý sức khỏe người cao tuổi, mà nhiều nơi do quá tải đã không quan tâm được. Có nhiều người cao tuổi chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều cũng không được “nhắc nhở” đi tiêm.