Hỗ trợ thiết bị y tế điều trị bệnh nhân Covid-19 có bệnh nền
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa hoàn tất bàn giao các thiết bị y tế hỗ trợ bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 tại Hoàng Mai (Hà Nội).
Hai thiết bị y tế được Techcombank tài trợ và bàn giao cho Bệnh viện bao gồm máy C-Arm di động kỹ thuật số và bàn mổ đa năng có chức năng chụp C-Arm. Đối với các bệnh nhân bị Covid-19 nhưng kèm theo bệnh nền hoặc bị tai nạn, máy C- Arm sẽ hạn chế được rủi ro khi điều trị (vừa điều trị chấn thương tai nạn vừa điều trị Covid-19).
Với sự hỗ trợ của các thiết bị này, bệnh nhân được rút ngắn thời gian phẫu thuật, giảm mất máu do tránh phải mổ rộng bóc tách, hạn chế được các tai biến có thể xảy ra, có tính thẩm mỹ cao do không mổ mở, từ đó giúp người bệnh sớm phục hồi, tiết kiệm chi phí điều trị.
Đây là những thiết bị được lắp đặt, bàn giao và đưa vào sử dụng ở đợt cuối cùng trong hoạt động thiện nguyện của Techcombank hỗ trợ xây dựng Bệnh viện điều trị Covid-19 hiện đại nhất Việt Nam tại Hoàng Mai (Hà Nội) từ tháng 8/2021. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, trong thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, Techcombank đã đóng góp 100 tỷ đồng, chung tay cùng các nhà tài trợ khác và cơ quan chức năng xây dựng Bệnh viện này.
Ngoài ra, để giúp đỡ các cá nhân và cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19, trong năm 2021, Techcombank đã đóng góp gần 425 tỷ đồng dưới nhiều hình thức như ủng hộ Quỹ vaccine, trang thiết bị y tế, đóng góp xây dựng bệnh viện điều trị Covid-19 cũng như hỗ trợ trực tiếp tới các bệnh nhân và gia đình của họ.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, Techcombank thực hiện tái cấu trúc hơn 11,5 nghìn tỷ đồng dư nợ cho khách hàng. Ngân hàng cũng đồng thời hỗ trợ khách hàng thông qua giảm lãi suất lên tới 600 tỷ đồng trong năm 2021. Hiện tại, Techcombank tăng cường các giải pháp để đồng hành các khách hàng, doanh nghiệp phục vụ sau đại dịch.
(Báo Nhân dân)
Kịp thời xử lý ổ dịch mới bất thường liên quan đến người nhập cảnh
Các đơn vị, địa phương tiếp tục duy trì hoạt động giám sát, phát hiện sớm và điều tra, xử lý ổ dịch Covid-19 kịp thời. Đặc biệt là các ổ dịch mới, bất thường có liên quan đến người nhập cảnh.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa ban hành Công văn số 498/DP-DT gửi Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về việc phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh Việt Nam.
Trong thời gian qua, Chính phủ và Bộ Y tế đã ban hành các văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh Việt Nam (Công điện số 416/CĐ-TTg ngày 13/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm dừng yêu cầu phải xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh vào Việt Nam. Công văn số 2118/BYT-DP ngày 26/4/2022 của Bộ Y tế về việc tạm dừng áp dụng khai báo y tế tại cửa khẩu đối với Covid-19 và Công văn số 2213/BYT-DP ngày 29/4/2022 của Bộ Y tế về việc tạm dừng áp dụng khai báo y tế nội địa).
Để tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình mới, bảo vệ sức khỏe người dân, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, TP chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh Việt Nam.
Các đơn vị thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế nêu trên về công tác phòng, chống dịch Covid-19 với người nhập cảnh đến các cơ quan, ban ngành tại cửa khẩu, người dân, đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo đúng tinh thần của các Nghị quyết của Chính phủ.
Các đơn vị, địa phương tiếp tục duy trì hoạt động giám sát, phát hiện sớm và điều tra, xử lý ổ dịch Covid-19 kịp thời. Đặc biệt là các ổ dịch mới, bất thường (phạm vi, tốc độ lây lan, số mắc, tỷ lệ ca bệnh nặng, tử vong, có biến thể mới...) có liên quan đến người nhập cảnh.
Bên cạnh đó, Cục Y tế dự phòng cũng lưu ý các địa phương, đơn vị chủ động cập nhật thông tin dịch và thực hiện các hoạt động truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình dịch hiện nay. Lưu ý việc truyền thông tại cửa khẩu bằng nhiều hình thức, ngôn ngữ phù hợp với các đối tượng khác nhau theo các loại hình cửa khẩu cụ thể. Ngoài ra, các địa phương thường xuyên kiểm tra, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh hoặc báo cáo, trao đổi với Cục Y tế dự phòng để cùng giải quyết, tháo gỡ theo thẩm quyền.
(Báo Kinh tế & Đô thị)
Số ca Covid-19 tại Hà Nội giảm mạnh, còn hơn 400 ca trong 24 giờ qua
Chiều 17-5, theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong 24 giờ qua, thành phố ghi nhận 419 ca Covid-19, giảm gần 20 ca so với hôm qua.
Cụ thể, 419 bệnh nhân phân bố tại 140 xã, phường, thị trấn thuộc 29/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (45); Hoàng Mai (40); Đông Anh (40); Long Biên (37); Nam Từ Liêm (35)…
Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4, tính từ ngày 29-4-2021 cho đến nay là hơn 1,59 triệu ca.
Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, đến nay, trên địa bàn thành phố còn 90.594 ca Covid-19 đang điều trị (giảm gần 2.000 ca), trong đó có 143 ca điều trị tại bệnh viện và hơn 90.400 ca theo dõi tại nhà.
Đây là ngày thứ 28 thành phố không ghi nhận bệnh nhân Covid-19 tử vong.
Về tiêm vắc xin phòng Covid-19, tính từ chiều 16-4 cho đến hết ngày 16-5, Hà Nội đã triển khai tiêm mũi 1 cho gần 170.500 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Trước bối cảnh dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố giảm mạnh, nhất là những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày chỉ ghi nhận từ 400-500 ca mắc, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định 1557/QĐ-UBND về việc giải thể các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ.
Theo đó, các cơ sở bị giải thể, bao gồm: Cơ sở thu dung tại Dự án nhà ở cao tầng thuộc khu đô thị Đền Lừ III, quận Hoàng Mai; Cơ sở thu dung tại khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai (Toà A5, A6); Cơ sở thu dung tại ký túc xá trường Đại học Phenikaa, quận Hà Đông; Cơ sở thu dung tại Khu nhà ở tái định cư phường Thượng Thanh, quận Long Biên; Cơ sở thu dung tại khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp (Toà A1); Cơ sở thu dung tại chung cư 4A – Dự án Nam Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng; Cơ sở thu dung tại khu tái định cư phường Xuân La, quận Tây Hồ; Cơ sở thu dung tại nhà B, C khu tái định cư phường Trần Phú, quận Hoàng Mai; Cơ sở thu dung tại khu nhà tái định cư cao tầng C13/DD1 quận Hoàng Mai; Cơ sở thu dung tại dự án xây dựng nhà 30T1, 30T2, khu đô thị Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy; Cơ sở thu dung tại tòa nhà CT3 dự án xây dựng nhà ở tái định cư tại khu X2 Đại Kim, quận Hoàng Mai; Cơ sở thu dung tại tòa nhà CT2 dự án xây dựng nhà ở tái định cư tại khu X2 Đại Kim, quận Hoàng Mai; Cơ sở thu dung tại tòa nhà CT1 dự án xây dựng nhà ở tái định cư tại khu X2 Đại Kim, quận Hoàng Mai.
Theo quyết định này, Ban quản lý, điều hành cơ sở thu dung, điều trị phối hợp với các sở, ban, ngành hoàn tất nhiệm vụ bàn giao cơ sở cho đơn vị chủ quản; hoàn thành các sổ sách chứng từ thanh, quyết toán, báo cáo chuyên môn, bàn giao lại toàn bộ tài sản đã huy động (nếu có), bàn giao lại mặt bằng, nhận xét, đánh giá cán bộ trước khi trả về đơn vị công tác; báo cáo và đề xuất Sở Tài chính, Sở Y tế và UBND thành phố các nội dung liên quan đến tài chính, bàn giao thiết bị y tế, lưu hồ sơ bệnh án và các vấn đề khác của cơ sở thu dung đảm bảo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
(Báo Hà Nội mới)
Những đối tượng nào cần tiêm mũi 4 vaccine Covid-19?
Một số địa phương đã và đang chuẩn bị triển khai tiêm vaccine Covid-19 mũi 4 cho người đã tiêm 3 mũi trước đó, tuy nhiên theo Bộ Y tế, không phải tất cả người dân đều cần tiêm mũi 4…
Ngày 17-5, Bộ Y tế ban hành Công điện số 665/CĐ-BYT về việc triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến hết ngày 16-5, cả nước đã triển khai tiêm được hơn 217 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Tuy nhiên hiện tại, tiến độ tiêm mũi 3 (liều nhắc lại) cho người từ 18 tuổi trở lên chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Để sử dụng hiệu quả vaccine phòng Covid-19, tăng tỷ lệ bao phủ, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tiếp tục khẩn trương tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, đảm bảo hoàn thành trong quý II-2022 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đồng thời, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, đảm bảo an toàn, hiệu quả và hoàn thành việc tiêm cho trẻ đủ điều kiện tiêm chủng trong quý II-2022.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường truyền thông, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, bảo đảm không bỏ sót đối tượng tiêm chủng, vận động người dân tham gia tiêm chủng kịp thời và đầy đủ để đạt được hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị các địa phương chuẩn bị các điều kiện cần thiết, căn cứ vào tiến độ cung ứng vaccine để triển khai tiêm mũi 4 (tiêm liều nhắc lại lần 2).
Bộ Y tế nhấn mạnh, đối tượng tiêm mũi 4 gồm người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp.
Khoảng cách tối thiểu của mũi 4 với mũi thứ 3 là 4 tháng. Người đã mắc Covid-19 sau tiêm mũi 3 sẽ trì hoãn 3 tháng sau khi mắc Covid-19.
(Báo An ninh Thủ đô)