Loạn giá kit test nhanh kháng nguyên COVID-19
Nhu cầu tự test COVID-19 của người dân tăng cao đột ngột là cơ hội kiếm lời của người kinh doanh vật tư y tế từ quy mô lớn đến nhỏ, từ những phố thuốc đến mạng xã hội với mức giá không thể kiểm soát.
Hà Nội: Mỗi nơi một mức giá, người tiêu dùng "hoang mang"
Thời gian gần đây, Hà Nội luôn đứng đầu cả nước về số ca mắc COVID-19 khiến tâm lý người dân của khá lo lắng. Khảo sát một vòng các hiệu thuốc của Hà Nội, bên cạnh một số các loại vật dụng như khẩu trang, vitamin C, nước súc họng thì kít xét nghiệm thuộc mặt hàng được người dân lựa mua nhiều nhất.
Chị Ánh Nguyễn - chủ thiệu thuốc tại đường Hồ Tùng Mậu (Cầu Diễn) cho biết, mỗi ngày trung bình thiệu thuốc của chị bán khoảng 100 test nhanh COVID-19, ngày nhiều nhất là 150 kít. Cửa hàng chỉ bán duy nhất một loại test nhanh của Hàn Quốc với giá 75 nghìn đồng. Theo chị Ánh đây là mức giá "mềm" nhất, so với mặt bằng chung, do vậy mua lẻ (01 chiếc) hay mua với với số lượng lớn (10-20 chiếc) thì giá cũng như nhau.
Cách hiệu thuốc của chị Ánh không xa là hệ thống cửa hàng thuốc của một tập đoàn lớn trên con phố Hàm Nghi, khi chúng tôi hỏi mua kít xét nghiệm nhanh COVID-19 thì được nhân viên cửa hàng giới thiệu có 2 loại. Loại test nhanh của Thổ Nhĩ Kỳ có mức giá 85 nghìn đồng, loại của Hàn Quốc là 110 nghìn đồng. Khi chúng tôi thắc mắc tại sao cửa hàng khác kít nhanh của Hàn Quốc chỉ có giá 75 nghìn, thì được nhân viên giải thích, đây là 2 loại kít khác nhau nên mức giá cũng khác nhau.
Tương tự khi di chuyển sang một nhà thuốc khác cũng trên phố Hàm Nghi, chúng tôi cũng được giới thiệu 2 loại kít của Hàn Quốc và Đức. Loại test nhanh của Hàn Quốc (như hiệu thuốc của chị Ánh) lại có giá là 95 nghìn đồng, của Đức là 85 nghìn đồng. Theo nhân viên cửa hàng loại kít nhanh của Hàn Quốc đắt hơn nhưng không nhạy bằng của Đức.
Trên đường Nguyễn Đổng Chi (Cầu Diễn) – con phố ngắn chưa đầy 2km nhưng có tới 6 cửa hàng thuốc, tuy nhiên 6 cửa hàng thì 6 mức giá kít xét nghiệm nhanh khác nhau. Cùng loại kít của Trung Quốc thì có nơi bán 60 nghìn đồng nhưng cũng có nơi 70 – 75 nghìn đồng, loại của Singapore được bán với mức giá từ 70-85 nghìn tùy cửa hàng.
Vì thế, người dân "hoang mang" không biết nên mua loại nào, loại nào là tốt, cũng lo lắng không biết mình mua có bị "hớ" không.
Chị H. một chủ thiệu thuốc ở đường Nguyễn Đổng Chi, Cầu Diễn cho biết có mức giá khác nhau giữa các cửa hàng là do những cửa hàng mặt đường lớn thì giá thuốc thường cao hơn do chi phí thuê cửa hàng cao, và hơn nữa cùng tùy thuộc và lô hàng nhập, cửa hàng nào nhập với số lượng lớn thì mức giá cũng sẽ được ưu đãi hơn và đợt này kít xét nghiệm đang "cháy" hàng nên giá có tăng một chút.
Theo các chủ hàng thuốc, hiện nay trên thị trường có thêm loại kít xét nghiệm bằng nước bọt của Trung Quốc tuy nhiên loại kít này hiệu quả không bằng kít dịch tỵ hầu và chưa được Bộ Y tế cấp phép…
(Báo Sức khoẻ & đời sống)
Phối hợp liên ngành để chăm sóc trẻ em tại gia đình, cộng đồng
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký kết quy chế phối hợp liên ngành thực hiện Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng.
Theo đó, từ nay đến năm 2025, các bộ sẽ phối hợp triển khai chương trình tư vấn giáo dục cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em về sự phát triển toàn diện trẻ em; kiện toàn các dịch vụ chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em.
Ngoài ra, các bên sẽ từng bước xây dựng mạng lưới kết nối dịch vụ chăm sóc, bảo đảm sự phát triển toàn diện của trẻ em tại gia đình và cộng đồng... Hình thức quan tâm, hỗ trợ, chăm sóc trẻ em được đặt mục tiêu thực hiện đồng bộ cả về y tế, giáo dục, văn hóa trong môi trường thông suốt từ gia đình đến nhà trường và xã hội.
(Báo Hà nội mới)
Khắc phục các hội chứng hậu Covid-19
Từ thực tế điều trị Covid-19, các tổ chức y tế và đội ngũ y, bác sĩ đã đưa ra những nhận định về di chứng hậu Covid-19, đồng thời có giải pháp giúp người bệnh vượt qua và phục hồi về sức khỏe, tinh thần...
Nhiều di chứng để lại
Cùng với tỷ lệ lớn người dân mắc và khỏi Covid-19, thời gian gần đây, tại nhiều hội nhóm, diễn đàn sức khỏe đều đề cập đến những triệu chứng hậu Covid-19 kéo dài sau khi khỏi bệnh. Rất nhiều người trong số này đã phàn nàn về tình trạng mệt mỏi, khó thở, giảm tập trung, rối loạn giấc ngủ, lo sợ kéo dài…
Bà Trần Thị Kim Oanh (phường Thổ Quan, quận Đống Đa) cho biết, hai vợ chồng bà đều là F0 vào cùng thời điểm nên có những theo dõi đồng thời. Không bị sốt như chồng nên bà Oanh tin mình bị nhẹ hơn. Tuy nhiên, sau khi nhận kết quả âm tính, bà Oanh vẫn thấy mệt mỏi kéo dài, ăn không thấy ngon và thường xuyên mất ngủ.
“Tôi có cảm giác nhìn đâu cũng thấy F0, đến mức sợ không dám ra khỏi nhà. Thêm nữa, việc chán ăn khiến tôi không chú trọng chế độ dinh dưỡng nên cơ thể luôn có cảm giác bải hoải. Sau khi đi khám tổng thể, tôi mới biết mình bị di chứng hậu Covid-19 và được bác sĩ tư vấn cách bồi dưỡng, chăm sóc, nên sức khỏe dần tốt hơn”, bà Trần Thị Kim Oanh kể.
Tương tự, chị Nguyễn Tố Uyên (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) lo lắng, sau hai tuần khỏi Covid-19, nhưng chị vẫn cảm thấy tim loạn nhịp, hay hồi hộp, giật mình, đường tiêu hóa cũng bị ảnh hưởng, thường xuyên sôi bụng… Còn anh Nguyễn Hải Nam (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai) cũng chia sẻ: "Tôi luôn tự tin có sức khỏe tốt, làm việc không biết mệt nhọc. Vậy nhưng, sau khi khỏi bệnh, tôi luôn có cảm giác hụt hơi khi vác đồ nặng, khi điều khiển phương tiện lâu thì thấy hoa mắt như có màn sương phía trước..."
Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể về số lượng người bị di chứng hậu Covid-19 cũng như tỷ lệ các triệu chứng ảnh hưởng đến đối tượng bệnh nhân nào, nhưng nhiều tổ chức y tế trên thế giới và trong nước, cũng như đội ngũ y, bác sĩ đã chỉ ra những di chứng hậu Covid-19 đối với sức khỏe người dân.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình trạng hậu Covid-19 xảy ra với những người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 thường là 3 tháng kể từ khi bắt đầu mắc với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế. Ước tính khoảng 10-20% bệnh nhân Covid-19 trải qua các triệu chứng kéo dài trong nhiều tháng ở nhiều cơ quan hô hấp, tim mạch, tâm thần kinh, tiêu hóa, nội tiết…, gây ảnh hưởng đáng kể cho sức khỏe bản thân, lo lắng cho gia đình và xã hội.
Cùng đồng hành vượt qua
Theo Ths.Bs Bùi Phương Thảo (Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương), dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe tâm thần. Nhiều người rơi vào tình trạng stress, sang chấn tâm lý nặng nề, kéo dài; đặc biệt, đáng lo ngại về các nhóm bệnh lo âu, trầm cảm, nghiện game ở trẻ em… Các ca bệnh tâm lý thường phải điều trị dài ngày mới có tiến triển nên rất cần sự đồng hành của bác sĩ và người thân cùng giúp người bệnh vượt qua.
Tiến sĩ Nguyễn Bá Đạt (Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) khuyến cáo, người bệnh sau khi mắc Covid-19 cần lắng nghe cơ thể để kịp thời phát hiện những biểu hiện khác thường. Nếu sức khỏe giảm sút nghiêm trọng với những diễn biến về tâm lý bất thường, thì cần liên hệ bác sĩ ngay để được thăm khám, tư vấn, điều trị.
Quá trình tư vấn hỗ trợ F0 điều trị tại nhà, bác sĩ Chuyên khoa 1 Nội tổng hợp Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Ô xy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) nhận thấy, nhiều người bệnh sau khi khỏi Covid-19 có di chứng liên quan đến tình trạng rối loạn hệ thần kinh thực vật, thiếu máu lên não, dẫn đến giảm trí nhớ, nhịp tim hồi hộp, chân tay run… Lúc này, người bệnh cần tự khắc phục bằng cách vận động trở lại nếp sinh hoạt thường ngày, rèn luyện thể dục, thể thao nhẹ nhàng, thư giãn trí óc, giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan, ăn uống đủ dưỡng chất.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường cho biết, tất cả bệnh nhân Covid-19, nhất là những người từng bị Covid-19 mức độ nặng, nguy kịch hoặc suy giảm sức khỏe sau khi khỏi bệnh đều cần được theo dõi, đánh giá và điều trị toàn diện các biến chứng, di chứng kéo dài. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã đưa vào hoạt động Phòng khám hậu Covid-19, là nơi khám, tầm soát và điều trị toàn diện các di chứng của bệnh, phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau mắc Covid-19 với sự hỗ trợ của các chuyên gia và thầy thuốc có chứng chỉ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)...
Để vượt qua hội chứng hậu Covid-19, cùng với nỗ lực tự thân của người bệnh, hệ thống y tế cũng như gia đình, người thân và cộng đồng xã hội cũng cần đồng hành giúp người bệnh sớm phục hồi sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống sau khi khỏi bệnh.