*Cần có quy định thống nhất trong quản lý F0
Việc F0 tự điều trị tại nhà đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên, cần đưa ra những quy định thống nhất, cụ thể, rõ ràng để người dân thực hiện.
Kiến nghị về việc coi Covid-19 là bệnh xuất hiện một cách ổn định đã được trình lên Chính phủ xem xét. Vấn đề này cũng được chúng tôi đưa ra bàn luận trong chương trình "30 phút cùng VOV2" ngày 17/3. Trong giới chuyên môn cũng xuất hiện ý kiến về việc loại bỏ khái niệm F0, F1…. Tuy nhiên theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong năm 2022, toàn ngành vẫn phải tiếp tục nỗ lực triển khai thực hiện tất cả các biện pháp nhằm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Mới đây Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn mới nhất về quản lý F0, theo đó “ F0 được ra khỏi nơi cách ly”, điều này vấp phải những ý kiến và cách hiểu khác nhau. Do vậy, cùng ngày Bộ Y tế đã ban hành một văn bản hướng dẫn khác cụ thể hơn là: “F0 cần hạn chế tối đa ra khỏi phòng cách ly nhưng không được ra khỏi nhà”.
Chúng ta cũng dần trở nên quen với con số thống kê F0 “ khủng” như hiện nay, cũng đã quen với việc F0 tự điều trị tại nhà, tuy nhiên việc đưa ra những quy định cho F0 cũng cần phải được thống nhất, cụ thể rõ ràng để người dân có thể nắm rõ, không nên đưa ra những quy định chung chung dể gây ra nhiều cách hiểu khác nhau, dẫn đến việc thực hiện không đúng chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch chung.
Có nên để cho F0 không triệu chứng đi làm?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, để có thể coi Covid là bệnh đặc hữu trong thời điểm này vẫn còn quá sớm. Tuy nhiên hiện nay dịch Covid-19 đang lan rộng trong cộng đồng, nhiều người đã nhiễm, có những gia đình, tất cả các thành viên đã bị nhiễm bệnh. Nhiều doanh nghiệp, cơ quan đoàn thể cũng vậy. Hiện nay chúng ta đã tiêm phòng Covid-19 gần như đầy đủ, nếu vẫn thực hiện việc cấm F0 không được ra khỏi nhà thì cũng khó khả thi vì trên thực tế có nhiều F0 không triệu chứng vẫn đi lại ngoài đường, vẫn đi làm.
Trong đề xuất của Bộ Y tế xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 có quy định, trường hợp F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm việc trực tuyến, chăm sóc người bệnh Covid-19. F1 được phép tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến.
Hiện nay Long An và Cà Mau là hai tỉnh đầu tiên thực hiện cho F0 không triệu chứng và F1 đi làm, ý kiến này đưa ra đã nhận được sự đồng thuận của nhiều doanh nghiệp, một số địa phương khác cũng bắt đầu thực hiện. Thành phố Hồ Chí Minh cũng xem xét đến việc cho F0 đi làm.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, việc cho phép F0 không triệu chứng đi làm với điều kiện phải tuân thủ đúng quy định cũng là điểm hợp lý. Thực tế có rất nhiều F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng không đáng kể vẫn đi làm bình thường, nếu chúng ta biết họ là F0 và có các biện pháp phòng chống dịch tốt vẫn hơn là có nhiều F0 không triệu chứng, vì muốn đi làm mà không chịu khai báo trung thực.
Nếu không đi làm thì sẽ không có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày, vì vậy nhiều người dù biết mình là F0 nhưng vẫn cố tình đi làm. Lúc đó các cơ quan, doanh nghiệp cũng không biết để mà có biện pháp phòng tránh. Nếu không cho họ đi làm sẽ khiến họ giảm thu nhập mà doanh nghiệp cũng bị mất nhân lực, có khi gián đoạn một số khâu ảnh hưởng đến năng suất.
Nhiều cơ sở y tế, lực lượng y bác sĩ đều bị nhiễm bệnh, thiếu nguồn nhân lực thì ai có thể làm thay? Trạm y tế xã không có người làm việc, bệnh viện cũng thiếu vắng cán bộ y bác sĩ như vậy cũng sẽ gây ra những bất cập. Đặc biệt tại thành phố HCM rất nhiều khu công nghiệp, hiện đang trên đà phục hồi kinh tế, đơn đặt hàng nhiều, khát lao động, nếu không cho F0 không triệu chứng đi làm thì đơn sẽ bị đình trệ.
Nhiều người vẫn e ngại khi F0 đi làm
Khi số ca nhiễm gia tăng, dù cho phép F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ đi làm, phần nào đó sẽ ảnh hưởng đến tình hình chung. Khi bệnh lây lan nhiều sẽ chắc chắn làm tăng số trẻ em bị nhiễm nên hoạt động học tập của các em sẽ bị gián đoạn và điều này gây tổn hao thêm do một số người lao động phải bỏ công chăm sóc trẻ.
Đa số mọi người sau khi tiêm chủng sẽ chỉ mắc bệnh nhẹ nhưng chắc chắn sẽ có người tiến triển nặng, đặc biệt là người già, người có bệnh nền và trẻ em chưa được tiêm vaccine. Ngoài ra, cứ mỗi trường hợp nhiễm trùng sẽ khiến cho nhiều tỉ con virus được sinh sản và cứ mỗi lần virus sinh sản là một khả năng xuất hiện biến chủng mới.
Do đó khi số ca lây nhiễm gia tăng nguy cơ xuất hiện biến chủng sẽ gia tăng và có khả năng biến chủng mới sẽ gây bệnh nặng hơn và lây lan nhiều hơn./.
(Báo VOV)
*Chuyển Covid-19 khỏi nhóm bệnh 'đặc biệt nguy hiểm'
Việc hạ cấp độ dịch, đưa Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B không đồng nghĩa với hết dịch, bởi dịch vẫn tiếp tục lưu hành và gây chết người nhưng không còn quá nguy hiểm nữa
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về chương trình phòng chống dịch Covid-19, yêu cầu Bộ Y tế căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm (BTN) nhóm A sang nhóm B.
Thay đổi hàng loạt quan điểm về phòng chống dịch
Theo Luật Phòng chống BTN, BTN nhóm B là những bệnh nguy hiểm, có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. BTN nhóm B gồm các bệnh: do virus Adeno, virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), bạch hầu, cúm, dại, ho gà, lao phổi, do liên cầu lợn ở người, lỵ Amip, lỵ trực trùng, quai bị, sốt Dengue, sốt xuất huyết Dengue, sốt rét, sốt phát ban, bệnh sởi, tay chân miệng, bệnh than, thủy đậu, thương hàn, uốn ván, Rubeon, viêm gan virus, viêm màng não do não mô cầu, viêm não virus, xoắn khuẩn vàng da, tiêu chảy do virus Rota.
BTN nhóm A gồm các bệnh đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỉ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Ngoài bệnh Covid-19 được Bộ Y tế bổ sung vào danh mục từ ngày 29-1-2020, các BTN nhóm A khác gồm: bại liệt, cúm A/H5N1, dịch hạch, đậu mùa, sốt xuất huyết do virus Ebola, Lassa hoặc Marburg gây ra, sốt Tây sông Nile, sốt vàng, bệnh tả, viêm đường hô hấp cấp nặng do virus và các BTN nguy hiểm mới phát sinh và chưa rõ tác nhân gây bệnh. Các chuyên gia dịch tễ nhận định việc căn cứ tình hình để chuyển Covid-19 từ BTN nhóm A sang nhóm B là phù hợp với thực tế. Theo đó, sẽ không còn áp dụng các biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ nơi công cộng trong vùng có dịch và một số quy định khác.
PGS-TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam - cho rằng chuyển từ BTN nhóm A sang nhóm B, cần căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế, mức độ lây lan của chủng virus, có gây bệnh nặng, hiệu quả của các loại thuốc điều trị, vắc-xin; khả năng kiểm soát dịch, đáp ứng của hệ thống y tế và tiềm lực tài chính. Theo PGS Phu, phải căn cứ từ luận chứng khoa học lẫn thực tiễn mới có thể đưa ra quyết định.
Cần áp dụng phòng chống dịch đặc thù
Phân tích về việc hạ cấp độ dịch, nhiều ý kiến cho biết khi chuyển sang nhóm B, các biện pháp ứng phó với dịch sẽ thay đổi, từ việc giám sát, quản lý ca bệnh, xét nghiệm… Việc này sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính cho công tác phòng chống dịch.
PGS Trần Đắc Phu nhấn mạnh: "Nghị quyết đưa ra quan điểm về phòng chống dịch trong thời điểm hiện nay là hợp lý. Cần nghiên cứu để xây dựng kế hoạch chuyển đổi bệnh nhóm A sang nhóm B. Làm thế nào để vừa kiểm soát được dịch bệnh vừa bảo đảm phát triển kinh tế, an sinh xã hội trên cơ sở đặt sức khỏe và tính mạng người dân lên trên hết". Tuy nhiên, không thể sử dụng các biện pháp phòng chống Covid-19 giống các bệnh thuộc nhóm B như: cúm, ho gà, lao phổi… mà phải có những biện pháp phòng chống dịch hợp lý. Cần xem xét tỉ lệ chuyển nặng, tử vong do Covid-19 để đưa ra biện pháp phù hợp, cần có cơ chế đặc thù cho dịch bệnh này. Khi quyết định hạ cấp độ dịch cần thành lập các nhóm nghiên cứu, có sự tham gia của các ngành, các cấp, đặc biệt là Bộ Y tế, Bộ Tài chính.
PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nhận định việc có kế hoạch đưa Covid-19 từ BTN nhóm A sang nhóm B là chuyển biến tốt, đây cũng là xu hướng hiện nay trên thế giới. Chuyên gia này cũng lưu ý điều này không đồng nghĩa với hết dịch, bởi dịch vẫn tiếp tục lưu hành và gây chết người nhưng không còn quá nguy hiểm nữa.
Theo PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nếu Covid-19 chuyển sang BTN nhóm B, vẫn phải đeo khẩu trang, những trường hợp nguy cơ như người cao tuổi, có bệnh nền mà chưa được tiêm chủng nên hạn chế tiếp xúc với người lạ. Những đối tượng nguy cơ cao này cũng cần được bảo vệ. "Kể cả khi xem Covid-19 là BTN thông thường nhưng khi bệnh nhân Covid-19 nhập viện vẫn cần phân loại vào khoa truyền nhiễm, để tránh lây nhiễm cho bệnh nhân thông thường" - một bác sĩ khuyến cáo.
Evusheld là thuốc, không phải là "siêu vắc-xin"
Bộ Y tế cho biết ngày 18-3, cả nước ghi nhận 163.174 ca mắc Covid-19 tại 62 tỉnh, thành phố, giảm hơn 10.100 ca so với ngày trước đó.
Số ca tử vong do Covid-19 những ngày qua tiếp tục giảm, hiện chiếm 0,6% tổng số ca mắc. Đến nay, nước ta đã tiêm hơn 201,4 triệu liều vắc-xin Covid-19.
Chiều cùng ngày, Bộ Y tế phát thông tin khẳng định Evusheld là thuốc, không phải là "siêu vắc-xin", không được phép sử dụng Evusheld để phòng Covid-19 cho các đối tượng có thể tiêm vắc-xin. Trước đó, ngày 2-3, Bộ Y tế đã căn cứ các quy định hiện hành để cấp giấy phép nhập khẩu thuốc Evusheld đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh. Đến nay, Evusheld đã được cấp phép lưu hành trong tình trạng khẩn cấp tại Mỹ, Pháp, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain... Evusheld gồm 1 liều kháng thể đơn dòng tixagevimab và 1 liều kháng thể đơn dòng cilgavimab. Việc sử dụng thuốc cần phải được bác sĩ đánh giá và sàng lọc chặt chẽ.
Ngày 18-3, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về kết quả xem xét việc cấp giấy đăng ký lưu hành vắc-xin Nano Covax. Cụ thể, xét báo cáo của Bộ Y tế về kết quả xem xét hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành vắc-xin Nano Covax phòng Covid-19 do Công ty CP Công nghệ sinh học dược Nanogen đăng ký và sản xuất, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1027/2022 của Văn phòng Chính phủ và các văn bản khác có liên quan; tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong mọi trường hợp theo quy định của pháp luật.
(Báo Người Lao động)
*Thanh niên góp sức trẻ đầy lùi dịch COVID-19
Tháng thanh niên 2022 với chủ đề 'Tuổi trẻ sáng tạo' diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang nỗ lực thích ứng với dịch COVID-19, vừa phòng dịch, vừa khôi phục phát triển kinh tế. Đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng góp phần tích cực đẩy lùi dịch bệnh mang ý nghĩa đặc biệt trong dịp này.
Dịp cao điểm bùng phát dịch COVID-19 tại Hà Nội vừa qua, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sự sáng tạo của đoàn viên, thanh niên, sinh viên Thủ đô, thực hiện thông điệp “3T” gồm Tiên phong - Tương trợ - Thích ứng; Đoàn Thanh niên - Hội Liên hiệp thanh niên thành phố Hà Nội đã huy động được 770 tình nguyện viên y tế đảm đương nhiệm vụ chuẩn bị cơ sở vật chất cho các trạm y tế lưu động, cơ sở thu dung, trực tại các khu cách ly tập trung. 7.457 tình nguyện viên thực hiện điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, hỗ trợ tiêm chủng tại 638 điểm tiêm chủng. Bên cạnh đó là sự tham gia của 11.930 tình nguyện viên đăng ký tham gia công tác phòng dịch, hỗ trợ tại 579 xã, phường.
Cũng trong tuần 2 Tháng Thanh niên với chủ đề "Tuổi trẻ sáng tạo" gần 8.100 đội thanh niên tình nguyện phòng, chống dịch được duy trì hoạt động có hiệu quả, với trên 85.900 đoàn viên, thanh niên tham gia. Qua đó, tổ chức gần 2.600 hoạt động hỗ trợ, chăm sóc trên 61.200 F0 điều trị tại nhà.
Thực tế không thể phủ nhận vai trò đồng hành của Đoàn thanh niên các xã, phường khi Hà Nội bùng phát mạnh về số ca nhiễm COVID-19.
Chị Nguyễn Thị Diệp Anh, Bí thư đoàn phường Cống Vị, quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hà Nội cho biết: “Bất cứ công việc nào cần đến thì thanh niên đều có mặt. Những dịp cao điểm như tiêm chủng, đi chợ giúp dân, hỗ trợ F0 tại nhà… đều được đoàn viên thanh niên tích cực tham gia. Chưa khi nào tôi thấy sức mạnh đoàn kết của thanh niên lớn như vậy”.
Theo Bí thư Quận đoàn Long Biên Tăng Quang Huy, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, từ khi triển khai mô hình “shipper áo xanh”, đã có hơn 300 đoàn viên, thanh niên tham gia. Hoạt động này giúp người dân hạn chế việc ra khỏi nhà, góp phần cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh. Song song với đó, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên thành phố phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội đã triển khai mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”, hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 tại nhà với tổng số hơn 400 bác sĩ và tình nguyện viên đến từ các trường đại học, cao đẳng, học viện y dược trên địa bàn thành phố. Lực lượng này hoạt động linh hoạt, phối hợp với lực lượng tình nguyện viên y tế phát hiện kịp thời các F0 tại nhà có dấu hiệu chuyển nặng (màu cam, màu đỏ trên phần mềm) để thăm khám; phối hợp với nhân viên y tế của Trạm y tế địa phương trực tiếp đi phát gói thuốc A,B,C; đi lấy mẫu xét nghiệm COVID -19 tại nhà cho các F0 hoặc đến đo SpO2 theo chỉ định của nhân viên y tế…
Anh Nguyễn Đức Tiến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên thành phố Hà Nội cho biết, trong mọi hoàn cảnh, thanh niên luôn thể hiện vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của mình. Đoàn Thanh niên thành phố Hà Nội luôn sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ, trọng trách được giao để đồng hành, hỗ trợ và đảm bảo an toàn cho người dân Thủ đô. Với sự sẵn sàng, hết mình của tuổi trẻ Thủ đô, người dân có thể yên tâm hơn để vượt qua những khó khăn của dịch bệnh