Vaccine Pfizer gia hạn sẽ tiêm cho tất cả trường hợp từ 12 tuổi trở lên
Bộ Y tế vừa gửi Công văn số 10747/BYT-QLD về việc tăng hạn dùng của vaccine Comirnaty đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Công văn 10747/BYT-QLD nêu rõ:
Trong thời gian vừa qua, các tỉnh, thành phố đã quyết liệt và triển khai có hiệu quả việc tiêm vaccine phòng Covid-19 tại địa phương. Để tiếp tục tăng diện bao phủ vaccine phòng Covid-19, đặc biệt đối với việc sử dụng vaccine Comirnaty (Pfizer BioNTech Covid-19 Vaccine), Bộ Y tế thông tin về tăng hạn dùng của vaccine Comirnaty như sau:
1. Ngày 12/6/2021, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2908/QĐ-BYT về việc phê duyệt có điều kiện vaccine Comirnaty cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Theo đó, vaccine Comirnaty được phê duyệt để sử dụng cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên.
2. Ngày 22/8/2021, ngày 10/9/2021 và ngày 20/9/2021, Cơ quan quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA), Cơ quan quản lý Dược châu Âu (EMA) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phê duyệt việc tăng hạn dùng của vaccine Comirnaty từ 06 tháng lên 09 tháng kể từ ngày sản xuất ở điều kiện bảo quản từ -90oC đến -60oC.
3. Trên cơ sở dữ liệu khoa học đánh giá độ ổn định của vaccine Comirnaty do Công ty TNHH Pfizer (Việt Nam) cập nhật và sự phê duyệt của FDA, EMA và WHO; Ngày 22/10/2021, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế ban hành Công văn số 2926/QLD-KD về việc đồng ý tăng hạn dùng của vaccine Comirnaty ở điều kiện bảo quản từ -90oC đến -60oC; Theo đó, cập nhật hạn dùng của các lô vaccine có hạn dùng trên nhãn 06 tháng như sau: Hạn sử dụng in trên bao bì là tháng 10/2021, tháng 11/2021, tháng 12/2021, tháng 01/2022, tháng 02/2022, tháng 03/2022 thì hạn dùng cập nhật mới (tăng thêm 03 tháng) lần lượt là: tháng 01/2022, tháng 02/2022, tháng 03/2022, tháng 04/2022, tháng 05/2022, tháng 06/2022.
Việc tăng hạn dùng đối với vaccine Comirnaty (Pfizer BioNTech Covid-19 Vaccine) được áp dụng chung trên toàn cầu, không làm thay đổi chất lượng, an toàn, hiệu quả của vaccine, được sử dụng cho tất cả các đối tượng từ 12 tuổi trở lên.
4. Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị khẩn trương triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 năm 2021- 2022 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; Các lô vaccine Comirnaty (Pfizer BioNTech Covid-19 Vaccine) được tăng hạn nêu trên được sử dụng cho tất cả các đối tượng từ 12 tuổi trở lên. Đẩy mạnh truyền thông, tư vấn cho các đối tượng tiêm chủng, cha mẹ trẻ những thông tin đầy đủ về hạn dùng của vaccine nêu trên. Địa phương nào để vaccine hết hạn do không sử dụng, phải tiêu hủy thì Giám đốc Sở Y tế phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
(kinhtedothi.vn)
F0 Hà Nội tăng nhanh, nhiều người bỏ chục triệu đồng mua thuốc trị Covid-19
Dù chưa mắc Covid-19, nhưng với tâm lý lo lắng, một số người dân đã chi tiền mua các loại thuốc được quảng cáo chữa khỏi Covid-19 với giá từ vài triệu đến chục triệu một hộp theo đường ‘xách tay’.
Dù gia đình chưa có người mắc Covid-19 nhưng chị Lan Anh (Hà Nội) vẫn lo lắng khi nhìn số ca mắc của cả nước tăng từng ngày. Qua người quen thường bán hàng 'xách tay' từ Nga về Việt Nam quảng cáo có thuốc phòng và chữa khỏi Covid-19, chị mua 3 hộp thuốc dự phòng (giá 550.000 đồng/hộp) và 2 hộp điều trị (3,5 triệu đồng/hộp).
“Bạn bán dặn thuốc điều trị được dùng cho khi mắc Covid-19 còn thuốc phòng dùng nếu mình trở thành F1, F2”, chị Lan Anh chia sẻ.
TS.BS Hoàng Thanh Tuấn, Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác quản lý, điều hành group mang tên “Nhóm bác sĩ Quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà” với hơn 22.000 thành viên. Thực tế qua quá trình tư vấn, hỗ trợ F0, bác sĩ Tuấn gặp rất nhiều trường hợp người dân mua các loại thuốc không rõ nguồn gốc.
Lợi dụng tâm lý người dân lo lắng khi thấy dịch kéo dài, số ca mắc tăng lên mỗi ngày, một số đối tượng đã tìm cách lôi kéo người dân mua các đơn thuốc hay dụng cụ không cần thiết dưới mác “phòng chống, điều trị Covid-19”.
“Không chỉ bệnh nhân Covid-19 mà có nhiều người chưa là F0 cũng đã tích trữ rất nhiều thuốc trong nhà. Thuốc thường được quảng cáo là hàng xách tay của Nga, Trung Quốc. Lúc đầu giá bình thường nhưng sau khi quảng cáo là thuốc ức chế virus, tăng cường đề kháng, giảm tối đa lây nhiễm và điều trị Covid-19, giá thuốc được 'thổi' lên 7 triệu, 9 triệu thậm chí là 10 triệu đồng/hộp”, bác sĩ Tuấn cho biết.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Tuấn, người dân tuyệt đối không nên mua những loại thuốc trên. Anh giải thích: “Sử dụng thuốc phải theo sự hướng dẫn, kê đơn của bác sĩ. Bên cạnh đó, các loại thuốc phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Do các loại thuốc này bị đẩy giá lên cao như vậy dễ bị làm giả, hàng nhái, rất nguy hiểm”.
Anh cũng cảnh báo tình trạng người dân mua thuốc theo đơn trên mạng. “Các đơn thuốc được kê tùy theo tình trạng, thể trạng của mỗi người và từng giai đoạn bệnh, không thể áp dụng chung đơn thuốc cho tất cả mọi người”, bác sĩ nhấn mạnh.
Ngoài ra, bác sĩ Tuấn nhận định, bên cạnh việc tự mua thuốc, người dân còn có tâm lý tích trữ bình oxy, máy tạo oxy dù chưa mắc Covid-19 hoặc chưa có triệu chứng. Việc tích trữ này có thể gây ra tình trạng khan hiếm oxy, khiến nhiều người chuyển nặng không tiếp cận được nguồn oxy lúc cần.
“Hiện, số ca mắc cao nhưng số ca nặng, tử vong không nhiều. Quá trình tư vấn nhiều F0, chúng tôi cũng may mắn chưa gặp ca chuyển nặng. Vì vậy, việc người dân tích trữ bình oxy trong nhà sẽ gây ra sự lãng phí”, TS.BS Tuấn nói.
Theo bác sĩ, trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, người dân cần chuẩn bị các thuốc như thuốc hạ sốt, theo hàm lượng cho người lớn hoặc trẻ con. Ngoài ra, người dân chuẩn bị thêm nhiệt kế, máy đo SpO2, máy đo huyết áp (nếu có điều kiện).
“Việc bỏ ra chục triệu mua thuốc rất lãng phí và đôi khi mua nhầm thuốc giả còn gây nguy hiểm. Hiện tại, nước ta đang có nhiều thuốc kháng virus SARS-CoV-2 hiệu quả, miễn phí như Molnupiravir, Favipiravir… Vì vậy người dân nên dừng việc mua thuốc theo việc truyền miệng để tránh tiền mất tật mang”, bác sĩ khuyến cáo.
Trước đó, Sở Y tế Hà Nội cũng ban hành Tài liệu hướng dẫn chăm sóc F0 điều trị tại nhà nêu rõ thuốc điều trị cho F0 trên 18 tuổi gồm 3 nhóm là nhóm A, B và C.
Nhóm A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt (Paracetamol 500mg) và thuốc nâng cao thể trạng (Vitamin tổng hợp, Vitamin C).
Nhóm B là thuốc kháng viêm và thuốc chống đông chỉ sử dụng trong tình huống đặc biệt. Bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh, nếu có chỉ định nhập viện, bác sĩ sẽ cho người bệnh sử dụng một liều duy nhất trước khi chuyển viện.
Nhóm thứ ba là nhóm C bao gồm các thuốc kháng virus: Monupiravir, Favipiravir.
Mới đây, Bộ Y tế cũng ban hành quyết định về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19.
Bộ nêu rõ nguyên tắc điều trị đối với thuốc kháng virus, đối với thuốc chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng, chưa được cấp phép lưu hành, chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại bất kỳ nước nào, việc sử dụng phải tuân thủ các quy định về thử nghiệm lâm sàng của Bộ Y tế.
Thuốc đã được WHO khuyến cáo sử dụng hoặc được cấp phép lưu hành, cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất một nước, thì có thể được chỉ định điều trị theo diễn biến bệnh lý của người bệnh (ví dụ thuốc Remdesivir, Favipiravir...).
Bộ Y tế cũng điều chỉnh một số chỉ định, chống chỉ định, liều dùng, đối với Favipiravir, Remdesivir và Molnupiravir. Đây là 3 loại thuốc kháng virus đã được Bộ Y tế đưa vào phác đồ điều trị Covid-19 ở Việt Nam.
(vietnamnet.vn)
F0 tiếp tục tăng nhanh, Việt Nam đề phòng Omicron xâm nhập
Trong một tuần gần đây, mỗi ngày, nước ta có khoảng 10 tỉnh, thành phố ghi nhận trên 500 ca mắc mới.
Theo bản tin của Bộ Y tế trong ngày 19/12, số lượng ca nhiễm mới ghi nhận tại 60 tỉnh, thành phố chạm mốc 16.093 F0. Đây là ngày có tổng ca nhiễm cao thứ 2 (sau ngày 11/12 với 16.104 ca) kể từ thời điểm Việt Nam chuyển sang "bình thường mới".
Trong giai đoạn này, các địa phương vừa chịu áp lực lớn về số ca mắc, vừa phải tăng cường việc kiểm soát biến chủng Omicron.
Tỷ lệ nhiễm ở Hà Nội tương đương TP.HCM
Số ca nhiễm trung bình trong một tuần ngày qua tại Hà Nội và TP.HCM có xu hướng cao tương đương nhau. Trung bình ca nhiễm trong 7 ngày qua ở Hà Nội là 924, TP.HCM là 1.061.
Tại TP.HCM, theo số liệu thực tế người dân cư trú trên địa bàn do Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp, dân số thành phố là 9.145.000 người. Tổng ca nhiễm trong 7 ngày qua là 7.424. Như vậy, trung bình 100.000 dân có khoảng 81 ca nhiễm.
Tại Hà Nội, nếu lấy tổng dân số là 8.053.663 (số liệu công bố ngày 1/4/2019), tổng số ca nhiễm trong 7 ngày qua là 6.468, trung bình 100.000 dân có khoảng hơn 80 ca nhiễm.
Như vậy, tỷ lệ nhiễm nCoV trên 100.000 dân ở 2 thành phố nhất cả nước hiện tương đương nhau. Điểm khác nhau là đồ thị số ca nhiễm ở TP.HCM có chiều hướng đi xuống sau giai đoạn đỉnh điểm vào tháng 8, 9. Đồ thị số ca nhiễm ở Hà Nội lại đang đi lên rất nhanh.
Hiện 2 thành phố đều tích cực triển khai giải pháp phòng, chống dịch, tăng cường hệ thống điều trị và tiêm vaccine cho người nguy cơ cao.
Cà Mau, Bến Tre tiếp tục tăng nhanh F0
Theo Bộ Y tế, ngày 19/12, Cà Mau và Bến Tre là 2 tỉnh ở miền Tây ghi nhận trên 800 ca nhiễm trong 24 giờ, tiếp sau đó là TP Cần Thơ (793), Đồng Tháp (780), Vĩnh Long (593), Bạc Liêu (537).
Các tỉnh miền Tây còn lại cũng ghi nhận rải rác từ vài chục đến vài trăm ca nhiễm. Riêng Hậu Giang trong ngày hôm qua chỉ công bố 3 F0.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau, dịch Covid-19 tại địa phương này diễn biến rất phức tạp, mỗi ngày có hơn 1.000 ca mới. Riêng ngày 19/12, tỉnh có 1.345 F0.
Để đảm bảo việc chăm sóc, điều trị F0 và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo cấp thuốc ngay cho F0 khi có kết quả test nhanh dương tính không phải chờ xét nghiệm rRT-PCR.
Tuy nhiên, lo ngại nhất trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 ở tỉnh này vẫn là cơ số thuốc. Sau khi Cà Mau đề nghị hỗ trợ, Bộ Y tế đã chuyển gấp cho tỉnh 3.000 liều và sẽ có thêm khoảng 7.000 liều.
Trong một tuần gần đây, số ca mắc Covid-19 ở tỉnh Bến Tre liên tục tăng nhanh, có ngày vượt mốc 1.000 F0.
Theo nhận định của ngành y tế tỉnh này, mầm bệnh đã lưu hành cao trong cộng đồng. Số bệnh nhân có nguy cơ chuyển nặng tăng mỗi ngày, đã ghi nhận các trường hợp F0 tử vong tại nhà.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chuyên môn, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi tỉnh.
Hiện năng lực y tế của toàn tỉnh là 2.100 giường bệnh ở tầng 2, tầng 3. Do đó ca F0 điều trị tại nhà tăng, ngày 19/12, tỉnh Bến Tre thành lập đội hỗ trợ F0 tại nhà.
Xuất hiện thêm ổ dịch mới ở các tỉnh
Theo ngành y tế Hải Phòng, những ngày qua trên địa bàn liên tiếp ghi nhận hàng trăm ca mắc mới ở các quận, huyện. Thành phố này cũng ghi nhận số lượng ca nhiễm rất cao trong ngày 19/12 với 417 F0.
Để chuẩn bị cho tình huống ca bệnh nặng gia tăng, ngành y tế TP Hải Phòng đã chủ động phương án bảo đảm năng lực cung cấp oxy cho các cơ sở điều trị người bệnh.
Hiện Hải Phòng lắp đặt hệ thống cung cấp oxy khí nén cho 10 bệnh viện tuyến thành phố và tuyến quận, huyện với tổng kinh phí 29 tỷ đồng, sắp tới sẽ nâng cấp thêm hệ thống này cho 15 cơ sở y tế.
Hiện TP Hải Phòng đang ở cấp độ 3 (vùng cam - nguy cơ cao). Toàn thành phố có 10 quận, huyện cùng cấp độ 3, có 4 huyện đạt cấp độ 1 (vùng xanh - bình thường mới) và chỉ quận Kiến An đang ở vùng vàng (cấp độ 2 - nguy cơ trung bình).
Theo cấp xã, phường, thị trấn, toàn thành phố Hải Phòng có đến 18/218 địa phương ở cấp độ 4 (vùng đỏ - nguy cơ rất cao) và 64/218 địa phương cấp độ 3.
Thanh Hóa có ổ dịch mới xuất hiện ở huyện Mường Lát. Hai ngày trước đó, địa bàn xã Pù Nhi phát hiện ca F0 là một giáo viên. Sau khi tổ chức xét nghiệm tầm soát diện rộng ở 11 bản, đến nay, toàn huyện phát hiện 30 ca dương tính.
Lực lượng chức năng tiến hành phong tỏa một số bản để phòng, chống dịch. Tỉnh Thanh Hóa công bố 186 ca nhiễm mới trong ngày 19/12.
Mới đây, Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ huyện Mường Lát được thành lập. Theo nhận định của cơ quan chức năng, ổ dịch mới phát hiện tại huyện Mường Lát có quy mô lớn, đã ngấm sâu và lan rộng trong cộng đồng.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đang nỗ lực phát hiện sớm các F0 trong cộng đồng, khống chế dịch bệnh. Mới đây, UBND tỉnh này có quyết định thực hiện phong tỏa, cách ly y tế tạm thời đối với các khu vực trên địa bàn huyện A Lưới.
Trước đó, ổ dịch tại huyện này phát hiện một ca nhiễm nCoV và 100 ca nghi nhiễm. Đến nay, lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục tổ chức tầm soát tất cả khu vực, đối tượng có nguy cơ.
TP Huế cơ bản phủ xong tiêm mũi một cho người dân, đang tiếp tục tiêm mũi 2 cho những người đã đủ thời gian.
Chiều 19/12, Đà Nẵng ghi nhận 143 ca mắc Covid-19. Trong đó, 87 ca mắc Covid-19 có khả năng lây cho cộng đồng.
Một số điểm nóng trong ngày ghi nhận nhiều ca mắc như Công ty Niwa Foundry (3 ca); Chung cư Vincoland, số 1 Lê Thanh Nghị (5 ca); tổ 84 An Hải Bắc (7 ca); Khu vực 122-152 Huỳnh Lý, Thuận Phước (5 ca).
Từ ngày 20/12, Đà Nẵng chính thức điều trị F0 tại nhà. Địa phương này cũng đang tập trung xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để tiếp tục lây lan ra cộng đồng.
Chính phủ gửi công điện khẩn về phòng biến chủng mới
Kể từ khi được công bố vào cuối tháng 11, đến nay, biến chủng Omicron đã lây lan ra hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Các chuyên gia trong và ngoài nước nhận định Omicron có tốc độ lây lan rất nhanh.
Tại khu vực Đông Nam Á, các nước đã ghi nhận sự xuất hiện của Omicron gồm: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines và Campuchia.
Công điện mới đây do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký thông tin nước ta chưa phát hiện có ca nhiễm biến chủng Omicron, nhưng số lượng F0, số bệnh nhân nặng, tử vong vẫn có xu hướng gia tăng. Hệ thống y tế ở một số địa phương đã quá tải, phải chi viện từ trung ương và các địa phương khác.
Trước tình hình đó và khả năng biến chủng Omicron sẽ xuất hiện ở nước ta là rất cao, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế bám sát diễn biến dịch bệnh trên thế giới, không để bị động, bất ngờ, không để quá tải hệ thống y tế trên diện rộng.
Đặc biệt, trong thời gian Bộ Y tế chưa có hướng dẫn mới về đánh giá cấp độ dịch, từng địa phương có thể thống nhất với Bộ Y tế để nâng cấp độ dịch để chủ động ứng phó dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề nghị các địa phương tổ chức thực hiện tiêm chủng an toàn, nhanh nhất có thể theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Phía Bộ Y tế bảo đảm phân bổ đủ vaccine cho các địa phương, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thừa, thiếu cục bộ vaccine.
Về phía Bộ Y tế, cơ quan này cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm trường hợp nghi nhiễm nCoV tại cộng đồng, người có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan, bùng phát rộng, tránh lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly, vùng phong tỏa.
(zingnews.vn)
Bộ Y tế nhận 200.000 liều vaccine Covaxin, 1 tấn nguyên liệu sản xuất thuốc điều trị COVID-19 của Ấn Độ ủng hộ
Tối muộn ngày 19/12, tại Sân bay Quốc tế Nội Bài, thay mặt Bộ Y tế, GS.TS Trần Văn Thuấn- Thứ trưởng Bộ Y tế đã tiếp nhận 200.000 liều vaccine Covaxin cho trẻ em dưới 18 tuổi; 01 tấn nguyên liệu sản xuất thuốc Movinavir 200gr điều trị COVID-19.
Tối 19/12, chuyên cơ chở Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam về đến Sân bay Quốc tế Nội Bài kết thúc chuyến thăm Hàn Quốc và Ấn Độ.
Trước đó, từ ngày 12-19/12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm Hàn Quốc từ ngày 12/12 đến 15/12 theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong Seug; Chuyến thăm Ấn Độ diễn ra ngay sau đó theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla và Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ Venkaiah Naidu.
Một trong những nội dung trong chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác là ngoại giao vaccine và nguyên liệu để sản xuất thuốc điều trị COVID-19; cùng đó là nguồn kinh phí để triển khai hoạt động an sinh xã hội.
Tại Sân bay Quốc tế Nội Bài, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức lễ bàn giao nguồn kinh phí nêu trên cho Uỷ ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và vaccine, nguyên liệu sản xuất thuốc cho Bộ Y tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, các thành viên chính thức của Đoàn công tác, Lãnh đạo Uỷ ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Y tế tham gia lễ bàn giao.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trao biển đề tặng 2 tỷ Won tương đương 40 tỷ đồng do Tập đoàn tài chính Hana Bank (Hàn Quốc) ủng hộ để triển khai các hoạt động an sinh xã hội cùng Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) bao gồm: Chương trình tặng 65 xe cứu thương và xây nhà văn hoá, nhà tránh lũ cho Uỷ ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí Phùng Khánh Tài- Phó Chủ tịch Uỷ ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đại diện nhận tài trợ.
Đồng chí Tổng thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trao biển đề tặng 200.000 liều vaccine Covaxin cho trẻ em dưới 18 tuổi, số vaccine COVID-19 này do Tập đoàn Bharat Biotech (Ấn Độ) ủng hộ và chuyển giao toàn bộ công nghệ; 01 tấn nguyên liệu điều chế thuốc điều trị COVID-19 Movinavir 200mg do Công ty Optimus Pharma (Ấn Độ) phối hợp với Công ty hoá dược phẩm Mekophar (Việt Nam) ủng hộ cho Bộ Y tế và Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đại diện cho Bộ Y tế nhận số hàng tài trợ nói trên.
Liên quan đến vaccine Covaxin, trước đó, sáng 10/11, tại Quyết định số 5225, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch đối với vaccine phòng COVID-19 Covaxin.