Australia hoàn thành cam kết chia sẻ 7,8 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 với Việt Nam
Thông tin từ Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 19-2 cho hay, Australia đã chuyển giao 3,6 triệu liều vắc xin Pfizer phòng Covid-19 cho Việt Nam trong những tuần gần đây, thông qua một thỏa thuận mua sắm với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và hợp tác với Bộ Y tế Việt Nam.
Ngày 19-2, 2,2 triệu liều vắc xin cuối cùng trong đợt này đã được vận chuyển tới sân bay Tân Sơn Nhất (thành phố Hồ Chí Minh). Qua đợt chuyển giao này, Australia đã hoàn thành cam kết chia sẻ 7,8 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 với Việt Nam.
Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie hoan nghênh đợt chuyển giao: “Australia là người bạn và đối tác thân thiết của Việt Nam và chúng ta sẽ tiếp tục đoàn kết trong cuộc chiến chung chống lại đại dịch Covid-19. Việt Nam đã đạt được bước tiến lớn trong chiến dịch triển khai tiêm chủng phòng Covid-19 và tôi tự hào khi Australia có thể đóng góp cho công việc quan trọng này”.
Trong khi đó, Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam Rana Flowers đánh giá Việt Nam đã chứng tỏ năng lực trong việc tiêm vắc xin an toàn và bảo đảm sử dụng vắc xin hiệu quả. Những liều vắc xin do Chính phủ Australia hỗ trợ sẽ giúp Việt Nam trong nỗ lực tiêm vắc xin cho tất cả người dân, dần dần mở rộng cho trẻ em và bảo đảm triển khai liều nhắc lại.
(Báo Hà nội mới)
Bảo đảm an toàn thực phẩm mùa lễ hội, du xuân
Mỗi mùa lễ hội, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) lại trở thành chủ đề “nóng”. Mặc dù năm nay do dịch bệnh, nhiều lễ hội không được tổ chức hoặc hạn chế số lượng người tham dự, nhưng nguy cơ xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn tiềm ẩn.
Chưa bao giờ hết “nóng”
Tháng Giêng là thời kỳ cao điểm tập trung đông người ở các khu di tích, danh lam thắng cảnh, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao. Hàng quán tại các lễ hội mọc lên như nấm, từ những quán ăn bề thế đến những gánh hàng rong tạm bợ bán bánh tráng, nem chua, xúc xích đều thu hút thực khách. Đặc điểm chung của những quán ăn ở khu vực này là không được che đậy hay bảo quản kỹ càng. Vì vậy, ngộ độc thực phẩm trong mùa lễ hội là vấn đề chưa bao giờ hết “nóng”
Theo lý giải của các chuyên gia, lễ hội mang tính chất thời vụ nên việc chế biến, sản xuất thực phẩm của các cá nhân, hộ gia đình thường không chuyên nghiệp, sản phẩm khó đảm bảo chất lượng vệ sinh, ATTP. Bên cạnh đó, các lễ hội thường tổ chức ở ngoài trời nên dịch vụ ăn uống cũng mang tính chất tạm thời, lều quán đơn giản, thiếu nước sạch, thiếu người thu gom chất thải, thiếu điều kiện bảo quản và chế biến thực phẩm an toàn; nhiều nơi, hàng quán được bố trí ngay ở đường đi, không đủ điều kiện ngăn gió bụi, mưa nắng, ruồi, chuột..., làm cho thực phẩm dễ bị ô nhiễm, hư hại.
Người bán hàng, chế biến thực phẩm thiếu kiến thức về ATTP, trong khi lượng người đi lại, ăn uống đông đúc, dồn dập dễ tạo nguy cơ mất an toàn. Ở một số khu vực, người bán hàng không đeo găng tay khi lấy đồ ăn, bốc thực phẩm sống để chế biến món ăn rồi lại bốc thực phẩm chín, rất mất vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP. Bà Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho hay, việc thực phẩm được bày bán lộ thiên, dụng cụ ăn uống không được vệ sinh sạch sẽ có thể khiến thực khách mắc bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn E.coli, lao phổi, viêm gan... Do vậy, cần nâng cao nhận thức của những người kinh doanh thực phẩm ăn uống tại các lễ hội để họ hiểu được tầm quan trọng của vấn đề này với sức khỏe người tiêu dùng.
Mùa lễ hội thường có mưa phùn, tạo điều kiện cho thực phẩm, thức ăn, đồ uống dễ bị hư hỏng, bị nhiễm mầm bệnh và dễ gây bệnh. Đặc biệt, những thực phẩm có nguồn gốc động vật, giàu đạm, béo như thịt, hải sản tiềm ẩn nguy cơ bị ôi thiu, chỉ cần sơ suất nhỏ trong chế biến, bảo quản là vi khuẩn phát triển gây ngộ độc thực phẩm. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, lượng người đến lễ hội lớn, nếu các cơ sở ăn uống không đảm bảo 5K, việc lây nhiễm bệnh sẽ khó kiểm soát.
Xử lý nghiêm vi phạm
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, qua công tác thanh tra, kiểm tra, nhìn chung, vấn đề vệ sinh ATTP tại các lễ hội đầu năm nay đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do tính chất thời vụ nên việc kinh doanh mặt hàng ăn uống tại các lễ hội vẫn thể hiện sự tạm bợ, lộn xộn, công tác vệ sinh chưa đảm bảo.
Do vậy, Bộ Y tế đã yêu cầu các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở bán hàng ăn trong mùa lễ hội phải ký cam kết bảo đảm ATTP và đáp ứng những điều kiện bắt buộc, đó là khu vực chế biến và dụng cụ chế biến thực phẩm phải sạch sẽ; có nguồn nước hợp vệ sinh để rửa bát đũa; có tủ bảo quản thực phẩm; thực phẩm phải chứng minh được nguồn gốc.
Còn theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, cơ quan này sẽ tập trung kiểm tra, giám sát các cơ sở cung cấp thực phẩm, chế biến, phục vụ ăn uống, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, nguồn nước, dụng cụ, trang thiết bị, lưu mẫu thức ăn, lấy mẫu thực phẩm để phân tích các yếu tố nguy cơ gây bệnh đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm và công tác vệ sinh của các nhân viên phục vụ. Cục An toàn thực phẩm đã có công văn gửi Sở Y tế một số tỉnh, thành phố về việc tăng cường bảo đảm ATTP mùa lễ hội xuân 2022.
Theo đó, các địa phương cần tăng cường kiểm tra điều kiện bảo đảm ATTP tại các lễ hội, sự kiện lớn trên địa bàn, bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Các địa phương cần nghiêm túc xử lý vi phạm và công khai cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm. Các nguyên tắc bảo đảm ATTP cần phải duy trì tốt, như sử dụng nước sạch, vệ sinh quầy tủ hàng, bàn ghế, phương tiện bảo quản, phương tiện tiếp phẩm; có dụng cụ thu gom chất thải, rác thải kín, tránh để ruồi, muỗi, côn trùng, chuột... xâm nhập và phát triển. Dụng cụ chế biến, chứa đựng thực phẩm phải sạch, phải có dụng cụ riêng cho thực phẩm sống và chín. Người bán hàng phải có trang phục riêng, có đủ áo, mũ, khẩu trang che miệng. Phải rửa sạch tay trước khi tiếp xúc với thực phẩm, không dùng tay trực tiếp cầm, nắm, bốc thức ăn. Phải có dụng cụ riêng để gắp, múc thức ăn. Không bày bán thực phẩm sát mặt đất, cần phải có phương tiện che đậy, bao gói thực phẩm đảm bảo vệ sinh...
Thêm quyền cho người tiêu dùng
Bên cạnh việc quản lý và nâng cao nhận thức của đội ngũ kinh doanh, ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về cách dùng thực phẩm an toàn trong mùa lễ hội. Theo đó, để bảo đảm sức khỏe bản thân, mỗi người dân tham gia lễ hội, khi có nhu cầu ăn uống cần tìm đến những hàng quán được cấp giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, những hàng quán có không gian sạch sẽ. Tuyệt đối tránh sử dụng những món ăn không có dụng cụ che đậy, bảo quản, bị ruồi muỗi bu bám; không ăn những món ăn sống, tái...; không sử dụng thực phẩm có mùi lạ. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm, cần đưa ngay người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, đưa ra lời khuyên: Người dân nên hạn chế sử dụng thức ăn đường phố bởi những thức ăn này thường không được bảo quản tốt, nếu thời tiết nắng nóng hay ẩm ướt đều thuận lợi cho mầm bệnh sinh sôi. “Người bị ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng như buồn nôn, đau bụng cần đến cơ sở y tế sớm, không nên tự ý dùng thuốc. Nếu đến muộn, cơ thể mất nước, nhiễm độc nặng thì có thể dẫn tới suy đa tạng, nguy hiểm tới tính mạng” - bác sĩ Trung Nguyên khuyến cáo.
Một số chuyên gia cho rằng, không chỉ ở các lễ hội mà nói chung khi sử dụng thực phẩm, người dân chưa thực sự quan tâm tới việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, trong khi sự minh bạch thông tin là thước đo chất lượng. Đã đến lúc người dân cần chú trọng tới quyền tham gia giám sát nguồn gốc thực phẩm. Tuy vậy, chỉ giám sát thôi thì chưa đủ, người tiêu dùng cần có thêm các kênh thông tin “mạnh” hơn để sử dụng quyền lựa chọn hay tẩy chay sản phẩm chứ không chỉ phản ứng giận dữ trên mạng xã hội và sau đó không làm được gì khác hơn.
Ngoài ra, cơ quan chức năng nên quy định rõ ràng về việc công khai thường xuyên tên của các cơ sở và tên các chủ cơ sở vi phạm để người dân không sử dụng sản phẩm của các cơ sở này nữa. Đặc biệt, cần đưa vào hồ sơ quản lý cơ sở vi phạm và hồ sơ này phải được liên thông rộng rãi, tránh tình trạng bị phạt ở quận này lại dễ dàng đổi tên cơ sở, chạy sang quận khác.
(Báo Hà Nội mới)
Giá bán thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19 vừa được Bộ Y tế cấp phép thế nào; Sử dụng ra sao?
Việc Cục Quản lý Dược cấp phép cho 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir trong thời hạn 3 năm đã giúp người mắc COVID-19 mức độ nhẹ và vừa ở nước ta có thêm cơ hội lựa chọn thuốc điều trị. Dự kiến giá bán một hộp thuốc sản xuất trong nước chỉ dưới 300.000 đồng, thấp hơn nhiều giá thuốc trôi nổi trên thị trường...
Giá bán thuốc điều trị COVID-19 chứa Molnupiravir sản xuất trong nước dự kiến khoảng dưới 300.000 đồng/hộp
Ngày 17/2, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế có quyết định cấp số đăng ký lưu hành cho 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir sản xuất trong nước. Cụ thể gồm Molravir 400 của Công ty CP Dược phẩm Boston Việt Nam, Movinavir của Công ty CP hóa-dược phẩm Mekorpha và Molnupiravir Stella 400mg của Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm.
Theo các chuyên gia, việc có 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir sản xuất trong nước được cấp giấy phép lưu hành trong thời hạn 3 năm đã giúp người mắc COVID-19 mức độ nhẹ và vừa có thêm cơ hội lựa chọn thuốc điều trị.
Dùng thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir thế nào?
Theo Bộ Y tế, 3 loại thuốc sản xuất trong nước (có thành phần hoạt chất Molnupiravir) được chỉ định điều trị COVID-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành dương tính với xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 và có ít nhất 1 yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.
Về liều dùng, liều khuyến cáo cho người trưởng thành là uống 800mg Molnupiravir mỗi 12 giờ trong 5 ngày. Độ an toàn và hiệu quả của Molnupiravir khi sử dụng trong khoảng thời gian dài hơn 5 ngày chưa được xác định.
"Nên uống Molnupiravir sớm nhất có thể sau khi được chẩn đoán mắc COVID-19 và trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng"- phụ lục trong Quyết định cấp phép của Cục Quản lý Dược nêu rõ.
Nếu quên một liều trong vòng 10 giờ so với thời điểm cần sử dụng thuốc, bệnh nhân nên uống ngay khi có thể và tiếp tục uống theo chế độ liều thông thường
Nếu quá 10 giờ, bệnh nhân không nên uống lại liều đã quên mà cần uống liều kế tiếp theo lịch trình. Không dùng gấp đôi liều để bù lại liều đã quên.
Về giới hạn sử dụng: Không được sử dụng Molnupiravir quá 5 ngày liên tiếp; không sử dụng Molnupiravir để dự phòng trước hay sau phơi nhiễm; không sử dụng để điều trị khởi đầu cho bệnh nhân cần nhập viện do COVID-19 do chưa ghi nhận lợi ích của Molnupiravir khi khởi đầu sử dụng ở đối tượng này. Các bệnh nhân đã được sử dụng Molnupiravir trước khi nhập viện có thể tiếp tục sử dụng thuốc cho đủ liệu trình điều trị.
Về cách dùng: Dùng đường uống, có thể dùng cùng hoặc không cùng thức ăn; Nên uống nguyên viên thuốc với đủ lượng nước (khoảng 1 cốc nước).
Người cao tuổi: Không cần điều chỉnh liều Molnupiravir theo tuổi.
Người bị suy thận, suy gan: Không cần điều chỉnh liều Molnupiravir ở người suy thận.
Tại phiên họp trước khi cấp phép cho Molnupiravir tại Việt Nam của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc (Bộ Y tế), các thành viên hội đồng đã thống nhất về cảnh báo và thận trọng khi dùng thuốc
Đối với phụ nữ có thai và cho con bú: Molnupiravir không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ có khả năng mang thai nên sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng;
Dựa trên khả năng xảy ra các phản ứng có hại cho trẻ sơ sinh từ Molnupiravir, không khuyến cáo cho con bú trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.
Đối với trẻ em và thanh thiếu niên: Molnupiravir không được phép sử dụng cho bệnh nhân dưới 18 tuổi vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn.
Đối với nam giới: Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng, mặc dù rủi ro được coi là thấp. Vì vậy, nam giới hoạt động tình dục với phụ nữ có khả năng sinh đẻ nên sử dụng một phương pháp tránh thai tin cậy trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng.
Để đảm bảo an toàn, hiệu quả, chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sĩ theo đúng chỉ định, các giới hạn sử dụng và các cảnh báo, thận trọng của thuốc. Không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường. Trong quá trình sử dụng thuốc Molnupiravir, nếu gặp phải bất kỳ phản ứng có hại nào của thuốc, cần thông báo ngay cho bác sỹ hoặc dược sỹ để được tư vấn và xử trí kịp thời.