*Quận Tây Hồ: Hỗ trợ người lao động mắc COVID-19 nhanh chóng được hưởng chế độ bảo hiểm
Với tinh thần nỗ lực, sáng tạo, linh hoạt an toàn, Ban Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 từ quận tới cơ sở đã triển khai hiệu quả nhiều giải pháp nhằm thích ứng với yêu cầu thực tế. Cùng với đó, Trung tâm Y tế quận đã chủ động triển khai tiếp nhận thủ tục hành chính đảm bảo quyền lợi thụ hưởng cho người lao động mắc Covid-19.
Để tránh quá tải cho đội ngũ y tế cũng như tạo thuận lợi cho các F0 thực hiện điều trị tại nhà , 8/8 phường trên địa bàn quận Tây Hồ đã thực hiện ứng dụng công nghệ, sử dụng phần mềm khai báo điện tử hướng dẫn người dân khai báo thông tin F0 trực tuyến tại nhà.
Theo đó người dân sẽ thực hiện khai báo y tế online trên trang thông tin điện tử của phường mình đang sinh sống và thực hiện theo các bước theo quy định. Đối với người dân tự test tại nhà thì bắt buộc phải có hình ảnh kit test (ghi rõ họ tên, ngày test trên kit test) gửi kèm theo mẫu hoặc clip để chứng minh. Khi khai báo y tế được gửi, Trạm y tế phường tiếp nhận thông tin, lập danh sách F0 và tham mưu Ủy ban nhân dân phường ra quyết định cách ly.
Để hỗ trợ người dân thực hiện khai báo và nhận Giấy xác nhận hoàn thành cách ly, các phường đã huy động đoàn viên, thanh niên, các thành viên của Tổ Covid cộng đồng vào cuộc đồng bộ, thống nhất.
Các Tổ Covid cộng đồng, nhóm hỗ trợ điều trị F0 tại nhà, các tổ dân phố phối hợp với Trạm y tế phường thường xuyên giữ liên lạc với các trường hợp F0 để kịp thời tiếp nhận thông tin về diễn biến bệnh; hướng dẫn, tư vấn, theo dõi sức khỏe người bệnh 2 lần/ngày; hướng dẫn phòng lây nhiễm Covid-19, bảo đảm chăm sóc an toàn, không để lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng; phát hiện các trường hợp nhiễm Covid-19 có diễn biến nặng để kịp thời chuyển viện.
Ông Chu Hữu Hồng - Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 4 (phường Nhật Tân) cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, 43 thành viên của Tổ Covid cộng đồng đã đồng hành hỗ trợ rà soát, bám sát chặt chẽ từng ngõ, từng nhà, kịp thời phát hiện những người nhiễm bệnh để hỗ trợ và quản lý. Đến nay, phần mềm của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường Nhật Tân đã được các thành viên trong Tổ chia sẻ, triển khai đến từng nhóm điều trị F0 tại nhà, giúp người bệnh tiếp cận nhanh nhất đến lực lượng y tế cơ sở.
Tương tự tại phường Tứ Liên, ông Trần Minh Tâm - Tổ trưởng Tổ dân phố số 10 (phường Tứ Liên) cho hay: “Trước đây chúng tôi đưa các văn bản giấy xác nhận bằng giấy nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, chúng tôi triển khai hỗ trợ F0 điều trị tại nhà khai báo tình hình sức khỏe qua phần mềm. Đối với những trường hợp cần đến các quyết định cách ly, giấy xác nhận khỏi bệnh, chúng tôi sẽ chuyển qua Zalo để người dân nắm bắt được, lưu giữ, phục vụ thanh toán các chế độ bảo hiểm”
Song song với hỗ trợ khai báo, quản lý F0 điều trị tại nhà, thời gian qua Trung tâm Y tế quận đã chủ động phối hợp với Bảo hiểm xã hội Thành phố hỗ trợ người lao động mắc Covid-19 nhanh chóng được hưởng các chế độ.
Bà Trần Hồng Hà - Giám đốc Trung tâm Y tế quận cho biết: Trung tâm Y tế quận đã chủ động phối hợp cùng cơ quan Bảo hiểm xã hội hướng dẫn người dân theo đúng các quy định của pháp luật. Với mục tiêu hỗ trợ người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính, sau khi tiếp nhận thông tin của F0, quận sẽ liên tiếp ra 3 quyết định gồm việc xác nhận F0, quyết định cách ly và quyết định khỏi bệnh.
Sau khi F0 có kết quả xét nghiệm âm tính, quận sẽ chuyển các quyết định trên cho Tổ Covid cộng đồng, Đoàn thanh niên để đưa về tận nhà cho người dân, giúp người dân thuận lợi trong việc hoàn thiện hồ sơ hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội.
(Báo Lao động thủ đô)
*Hỗ trợ người già, bệnh nền, đẩy mạnh tiêm vắc xin mũi 3
Mỗi người dân cần tự giác thực hiện biện pháp "5K + vắc xin" để phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, phối hợp cùng chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ các bệnh nhân có bệnh nền, người già, nhóm có nguy cơ cao; hỗ trợ, chăm sóc F0 điều trị tại nhà.
Chăm lo tốt cho người già, bệnh nền, F0 điều trị tại nhà
Phó Chủ tịch UBND phường Cống Vị (quận Ba Đình) Nguyễn Hải Hà cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố và quận, phường đã quan tâm, hỗ trợ các bệnh nhân có bệnh nền, người già, nhóm có nguy cơ cao; đồng thời, tiếp tục huy động sự vào cuộc của các tổ hỗ trợ, chăm sóc F0 điều trị tại nhà. Hiện, phường có hơn 100 F0 đang cách ly, điều trị tại nhà. Phường đã thành lập nhóm Zalo có F0 điều trị tại nhà, để kịp thời theo dõi, tư vấn, hướng dẫn.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng, tình hình dịch bệnh trên địa bàn có dấu hiệu chững lại, nhưng vẫn ở mức cao, hơn 400 ca mỗi ngày. Huyện cũng chỉ đạo lực lượng y tế cơ sở đặc biệt quan tâm tới các đối tượng F0 là người cao tuổi, người có bệnh lý nền... và nhóm có nguy cơ trở nặng khi nhiễm Covid-19 khác để được chăm sóc tốt ngay từ cơ sở, qua đó giảm áp lực y tế cho tuyến trên. Huyện đang duy trì hoạt động 184 tổ hỗ trợ, theo dõi người mắc Covid-19 tại nhà, 30 tổ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại các trường học.
Ngoài ra, huyện duy trì hoạt động của 10 tổ phản ứng nhanh cấp huyện; 30 tổ phản ứng nhanh xã, thị trấn để thực hiện truy vết, lấy mẫu xét nghiệm phục vụ công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của thành phố. Nhờ đó đến nay, công tác chăm sóc, hỗ trợ điều trị các F0 thuộc nhóm nguy cơ trở nặng cao được đầy đủ, chu đáo, kịp thời.
Liên tiếp trong các ngày qua, nhiều địa phương của huyện Thanh Trì ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng cao. Các ngành chức năng của huyện đã và đang nỗ lực tập trung cách ly, điều trị cho các F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà. Tính đến ngày 19-3, huyện đã thực hiện cách ly, điều trị tại nhà cho 111.749 F0, trong đó có 95.202 trường hợp khỏi bệnh.
Để giúp người dân yên tâm điều trị tại nhà, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn bố trí nhân lực y tế, triển khai các tổ hỗ trợ, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, thuốc, trang thiết bị y tế, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống dịch...
Là một trong những địa phương ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao của huyện Thanh Trì, bà Trần Thị Lệ Dung, Phó Trạm trưởng Trạm Y tế lưu động số 1 xã Thanh Liệt cho biết, để quản lý, hỗ trợ điều trị F0 tại nhà, hằng ngày, các cán bộ tại trạm điện thoại cho bệnh nhân kiểm tra tình trạng sức khỏe, tư vấn cách chăm sóc và cung cấp thuốc điều trị; Tổ Covid-19 cộng đồng điện thoại động viên, cung cấp thuốc điều trị cho người bệnh, đồng thời, giám sát, quản lý người bệnh tại gia đình. Nhờ đó, các F0 ở xã Thanh Liệt đều có sức khỏe tốt, yên tâm điều trị, chấp hành các quy định điều trị tại nhà. Đến nay, đã có 1.114 bệnh nhân khỏi bệnh, chỉ còn 549 bệnh nhân đang điều trị, trong đó rất ít trường hợp trở nặng...
Phấn đấu hoàn thành tiêm vắc xin mũi 3 trong tháng 3-2022
Bên cạnh việc chăm lo sức khỏe cho người già, bệnh nền, bệnh nhân F0 trên địa bàn, các địa phương cũng tích cực đẩy mạnh tiêm vắc xin mũi 3 trong tháng 3-2022. Cụ thể, đến nay, tỷ lệ tiêm mũi 3 của phường Cống Vị (quận Ba Đình) đạt trên 80% và sẽ phấn đấu hoàn thành trong tháng 3-2022. Phường đã rà soát những người già yếu và nguy cơ cao để tiến hành tiêm chủng tại nhà đối với 82 trường hợp.
Tương tự, theo Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Trịnh Hữu Tuấn, ngày 17-3, UBND quận đã ban hành văn bản triển khai tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên địa bàn quận đợt 50. Từ 8h ngày 18-3, UBND quận tổ chức chức tiêm cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi tại Bệnh viện Đống Đa, thai phụ tiêm tại Bệnh viện Giao thông vận tải, còn người dân tiêm tại nhà đăng ký với phường sở tại.
Tại quận Hai Bà Trưng, theo bác sĩ Trần Mai Trang, Trung tâm y tế quận, tính đến ngày 15-3, quận đã tiêm được 260.823 mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên, đạt 99,68%. Có 93.860 người trên 50 tuổi đã được tiêm mũi 2, đạt 99,57%. Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Trung tâm y tế tiếp tục rà soát kết quả tiêm chủng trên địa bàn để nhanh chóng hoàn thành mũi tiêm cơ bản cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao, đặc biệt, nhóm người già cần tiêm chủng tại nhà và đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi nhắc lại. Đồng thời, tăng cường các hoạt động truyền thông, vận động những người chưa tiêm, người từ chối tiêm chủng thực hiện tiêm chủng nhằm mục tiêu hoàn thành chiến dịch tiêm chủng mũi 3 trong quý I-2022.
Tính đến nay, thị xã Sơn Tây đã tiêm 80.147 mũi bổ sung và nhắc lại cho người dân trên 18 tuổi, đạt 72,5%. Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, thị xã chỉ đạo Trung tâm y tế tiếp tục phối hợp với các xã, phường, đơn vị liên quan tập trung, huy động mọi nguồn lực cho công tác tiêm chủng; bố trí kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và vật tư tiêm chủng để triển khai tiêm vắc xin an toàn, hiệu quả; tăng cường tuyên truyền về lợi ích của tiêm vắc xin để người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ. Theo ông Lê Đại Thăng, thị xã Sơn Tây phấn đấu hoàn thành việc tiêm mũi bổ sung và nhắc lại vắc xin phòng Covid-19 cho người dân trong quý I-2022.
Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, thị xã Sơn Tây cũng tăng cường thực hiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ, các trường hợp trong độ tuổi nhưng chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ liều, người từ chối tiêm trên địa bàn, đặc biệt là đối tượng trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, người có nguy cơ cao không thể đến các địa điểm tiêm chủng để tổ chức tiêm tại nhà, bảo đảm không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Để đạt mục tiêu bao phủ vắc xin phòng Covid-19 cho toàn dân, ngày 15-3, các xã Đức Giang và Đức Thượng (huyện Hoài Đức) tiếp tục triển khai tiêm vắc xin tại nhà cho người thuộc nhóm nguy cơ cao, người già yếu, người đang mắc bệnh lý nền, người mất tri giác, mất năng lực hành vi... không thể đến được các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động. Chủ tịch UBND xã Đức Thượng Nguyễn Văn Thuấn cho biết, các đối tượng tiêm chủng trước khi tiêm đều được các y, bác sĩ kiểm tra sức khỏe, khám sàng lọc, tư vấn về những lợi ích của vắc xin phòng Covid-19 và được theo dõi sau tiêm 30 phút, hướng dẫn theo dõi sức khỏe trong 24 giờ và tiếp tục theo dõi trong vòng 28 ngày sau tiêm chủng.
Về tiến độ tiêm chủng vắc xin trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng khẳng định: Công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 trên địa bàn huyện cũng đang được tích cực triển khai, phấn đấu đạt trên 95% đối tượng đủ điều kiện tiêm trong tháng 3-2022. Tính lũy tích các đợt tiêm, đến nay, toàn huyện đã tiêm được 390.919 mũi, trong đó có 143.372 mũi 1, 142.963 mũi 2 và 104.584 mũi 3.
(Báo Hà Nội Mới)
*Nhiều F0 vẫn dùng 3 loại thuốc Bộ Y tế khuyến cáo không tự ý sử dụng
Có một hiện tượng đáng lo ngại là nhiều F0 vẫn dùng thuốc tràn lan, mượn đơn thuốc của người khác về sử dụng hoặc sử dụng đơn thuốc truyền trên mạng, thậm chí vẫn uống kháng sinh, kháng virus, kháng viêm không theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Làn sóng Omicron khiến ca nhiễm COVID-19 mới tại Việt Nam tiếp tục gia tăng mạnh, ghi nhận hơn 178.000 ca vào ngày 17/3. Nước ta đã vượt qua mốc 7 triệu ca mắc, đến nay có gần 3,7 triệu ca khỏi bệnh. Trong đó, số lượng F0 đang điều trị tại nhà hiện nay rất lớn. Có một hiện tượng đáng lo ngại là nhiều F0 vẫn dùng thuốc tràn lan, mượn đơn thuốc của người khác về sử dụng hoặc sử dụng đơn thuốc truyền trên mạng, thậm chí vẫn uống kháng sinh, kháng virus, kháng viêm không theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Tự sử dụng kháng sinh - con dao hai lưỡi
Theo Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với F0 mới nhất của Bộ Y tế, có 3 loại thuốc không tự ý dùng khi chưa có chỉ định, kê đơn là thuốc kháng virus, kháng viêm và kháng sinh. Tuy nhiên, nhiều người dù triệu chứng nhẹ nhưng khi xét nghiệm dương tính đã lo lắng tự mua các loại thuốc về điều trị, thậm chí mượn đơn của người khác, hoặc lấy đơn thuốc trên mạng, ai mách gì uống nấy… Có người còn lo lắng COVID-19 gây tổn thương phổi khi đã uống ngay kháng sinh trong khi triệu chứng khá nhẹ, chỉ ngứa họng.
Theo BSCKII Nguyễn Thu Hường, Trưởng Đơn nguyên phòng, chống dịch COVID-19, Bệnh viện Thanh Nhàn, việc lạm dụng kháng sinh để điều trị COVID-19 là hoàn toàn không đúng. Tổn thương phổi do COVID-19 là tổn thương xơ phổi, kích thích bệnh nhân ho cùng hội chứng trào ngược, do vậy dùng kháng sinh phải căn cứ trên xét nghiệm người bệnh có nhiễm trùng hay không mới dùng. "Nếu F0 ho nhiều, hoặc gặp bất kỳ triệu chứng gì cũng cần gặp bác sĩ thăm khám và chỉ định, không nên tự ý mua kháng sinh về sử dụng. Vì kháng sinh là con dao hai lưỡi, nếu không nhiễm trùng thì không mang lại hiệu quả điều trị, thậm chí gây dị ứng, tổn thương men gan, chức năng thận, làm cho bệnh nhân nặng nề hơn trong quá trình hậu COVID-19", BS Hường nói.
Thực tế vừa qua, nhiều F0 điều trị tại nhà ho nhiều, sợ tổn thương tới phổi đã tự mua kháng sinh, chống viêm về uống. Vậy với F0 ho nhiều thì liệu có bị tổn thương phổi hay không? Trả lời câu hỏi của PV, BS Hường cho biết: "Rất khó, nếu chỉ ho không thì có nhiều lý do, có thể viêm họng, trào ngược dạ dày từ dưới kích thích lên cũng khiến bệnh nhân ho (không ít bệnh nhân sau khi mắc COVID-19 còn thêm hội chứng trào ngược); tổn thương tại phổi, tại tim (bệnh nhân ứ huyết ở tim kích thích phổi gây ho…). Do vậy, tổn thương ở phổi có phải do COVID-19 hay không cần căn cứ kết quả xét nghiệm thì mới chẩn đoán chính xác được".
Bằng cảm quan hay qua ho, người bệnh không thể nhận biết mình có bị tổn thương phổi hay không. Theo BS Hường, để biết điều này trước hết người bệnh phải thăm khám, chụp phổi để đánh giá. Tất cả các trường hợp ho nhiều, ho húng hắng vài tiếng thì không sao, nhưng ho làm bệnh nhân khó chịu, phải thức giấc giữa đêm, hoặc khó thở và nhiều triệu chứng thì bắt buộc phải vào viện thăm khám.
Với hậu COVID-19 nếu có tổn thương phổi là tổn thương cũ, cũng có thể có trường hợp xét nghiệm PCR âm tính nhưng vẫn kéo theo cả chu trình hệ lụy phản ứng viêm phổi còn tiếp diễn. Những trường hợp như vậy thường nặng, cần phải nhập viện điều trị.
Thuốc kháng virus không phòng được hậu COVID
Anh Nguyễn Văn H (30 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) phát hiện dương tính với triệu chứng rất nhẹ, chỉ nhức đầu, sổ mũi. Anh đã tiêm 3 mũi vaccine, trẻ khỏe, không bệnh nền, tuy nhiên, người nhà khá lo lắng đã đưa đơn thuốc của "bà thím" từng là F0 và anh H đã đi mua đơn thuốc trên về uống. Điều đáng nói là anh mua thuốc kháng virus trên mạng giá cao, uống cả kháng viêm. Nhiều người tin rằng uống thuốc kháng virus sẽ giúp giảm triệu chứng, nhanh âm tính, thậm chí còn tin rằng uống thuốc kháng virus để chống viêm phổi và không bị hậu COVID.
Vừa qua, 3 cháu bé ở Hải Phòng đã phải vào Bệnh viện Trẻ em của TP cấp cứu vì bị thủng dạ dày nghi do dùng thuốc. Cả 3 cháu đều bị nhiễm COVID-19, song gia đình đã tự mua thuốc về cho các cháu uống không theo chỉ định dẫn đến các cháu bị thủng dạ dày, phải mổ cấp cứu. Theo BS Hường, tin đồn uống thuốc kháng virus để tránh hậu COVID-19 là không đúng. "Đến nay chưa có nghiên cứu nào uống thuốc kháng virus có thể phòng được hậu COVID-19", BS Hường khẳng định.
Bệnh viện Thanh Nhàn đã từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân tự sử dụng thuốc Molnupiravir. Sau khi dùng thuốc đến ngày thứ 3 - 4, bệnh nhân biểu hiện nặng, đến bệnh viện thì đã ở tình trạng rất nặng và phải nhập viện điều trị. "Thuốc kháng virus Molnupiravir không phải là thuốc thần thánh, uống phải có chỉ định. Với bệnh nhân trẻ tuổi không có bệnh lý nền, không cần thiết dùng. Ngay cả các trường hợp nguy có cao nhưng chức năng gan, thận bình thương mới nên dùng. Người suy thận, men gan tăng không được dùng", BS Hường khuyến cáo.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, F0 không được tự ý dùng thuốc kháng viêm có nhóm corticoid. Corticoid là nhóm thuốc kháng viêm rất quen thuộc được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh: Ức chế rối loạn viêm, chống dị ứng và ức chế hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên, các thuốc này chỉ sử dụng sau khi cân nhắc rất kỹ lợi ích/nguy cơ và chỉ sử dụng khi thật cần thiết. Vì vậy, người bệnh chỉ dùng các thuốc corticoid khi được bác sĩ kê đơn và phải dùng đúng liều lượng, thời gian do bác sĩ kê.