Thông tin y tế trên các báo ngày 21/1/2022
Ngày đăng 21/01/2022 | 10:49 | Lượt xem: 23
Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc Covid-19 tại cộng đồng
Ngày 20/1, Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 16.715 ca nhiễm mới, gồm 78 ca nhập cảnh và 16.637 ca trong nước tại 63 tỉnh, thành phố. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Bình Định, Quảng Ninh , Đà Nẵng...
Lực lượng kiểm dịch y tế quốc tế làm thủ tục cho người nhập cảnh tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) trước khi về cách ly theo quy định.
Ngoài ra, trong ngày cũng có 5.736 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và 152 ca tử vong tại 30 tỉnh, thành phố. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong bảy ngày qua là 16.234 ca/ngày; trung bình số tử vong ghi nhận trong bảy ngày qua là 157 ca/ngày.
Ngay sau khi nhận được thông tin về trường hợp biến thể Omicron đầu tiên trong cộng đồng, Bộ Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh, Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Cục Hàng không, Hãng bay và các bên liên quan xác minh, truy vết, lập danh sách hành khách trên chuyến bay nêu trên, thông tin cho các địa phương để kịp thời giám sát, quản lý.
Đồng thời, chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát rộng; đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo trong cách ly, khu phong tỏa.
Trong ngày 20/1, thành phố Hà Nội ghi nhận 2.886 ca bệnh trong đó có 516 ca cộng đồng. Sở Y tế Hà Nội cho biết, toàn thành phố hiện có hơn 64 nghìn trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly. Trong đó, có 53.722 bệnh nhân theo dõi cách ly tại nhà; số còn lại được điều trị tại các bệnh viện: Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Đại học Y Hà Nội, các bệnh viện của Hà Nội và cơ sở thu dung điều trị thành phố và các quận, huyện.
Tính từ ngày 29/4/2021, đến nay là thành phố Hà Nội có 402 người tử vong do Covid-19. Ngành y tế Hà Nội đang tiếp tục triển khai các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 như: tăng cường giám sát nhập cảnh, xét nghiệm; đẩy mạnh công tác tiêm chủng; tổ chức điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung và hỗ trợ người bệnh điều trị tại nhà để thực hiện, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân trên địa bàn…
Nhandan.vn
Nâng cao kỹ năng và kiến thức truyền dịch an toàn cho đội ngũ điều dưỡng
Chương trình truyền dịch an toàn hướng tới tăng cường sự an toàn cho người bệnh và tăng cường năng lực cho điều dưỡng về tiêm truyền tĩnh mạch, quản lý dùng thuốc cho người bệnh đang điều trị bằng đường tĩnh mạch
ThS Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam cho biết, mục tiêu chung của "Chương trình truyền dịch an toàn hướng tới tăng cường sự an toàn cho người bệnh và tăng cường năng lực cho điều dưỡng về tiêm truyền tĩnh mạch, quản lý dùng thuốc cho người bệnh đang điều trị bằng đường tĩnh mạch.
Để triển khai chương tình này, sáng 20/1 tại Hà Nội Hội Điều dưỡng Việt Nam (VNA) và Becton Dickinson Holdings (BD) đã ký kết Biên bàn ghi nhớ hợp tác đào tạo liên tục cho điều dưỡng về chương trình truyền dịch an toàn giai đoạn từ 2022-2025.
Chương trình hợp tác giữa hai bên sẽ thực hiện trong thời gian 3 năm từ 2022-2025 và các hoạt động hợp tác sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực công việc chính là xây dựng hướng dẫn chuẩn về liệu pháp tiêm tĩnh mạch an toàn, cập nhật và phát triển các tiêu chuẩn thực hành liên quan đến truyền tĩnh mạch an toàn và các quy trình thực hành khi đặt và duy trì đường truyền tĩnh mạch;
Hợp tác tổ chức các chương trình giáo dục lâm sàng về "Liệu pháp truyền dịch An toàn" thông qua việc cung cấp các khóa đào tạo ngắn hạn, các hội thảo đào tạo cho điều dưỡng Việt Nam;
Đào tạo nâng cao cho một nhóm các chuyên gia điều dưỡng lâm sàng có đủ năng lực để giảng dạy cho các điều dưỡng và tiến hành các khóa đào tạo trong khuôn khổ Bản ghi nhớ này.
Chương trình truyền dịch an toàn sẽ giúp các điều dưỡng, bác sĩ và các chuyên gia lâm sàng của Việt Nam được tiếp cận kiến thức mới, thông qua thảo luận và áp dụng chương trình truyền dịch an toàn vào thực tế điều trị và chăm sóc người bệnh. Hiện liệu pháp truyền dịch đã và đang trở thành lĩnh vực thực hành rất phổ biến trong y học và trong thực hành điều dưỡng ở Việt Nam.
Chương trình hợp tác này sẽ đóng góp làm cho các dịch vụ y tế, dịch vụ chăm sóc điều dưỡng chất lượng hơn và an toàn hơn cho người dân Việt Nam.
Hiện Hội Điều dưỡng Việt Nam có hơn 120.000 hội viên trên cả nước với trên 800 Chi hội, phân hội, chiếm 2/3 nhân lực của ngành y tế; tỷ lệ điều dưỡng và hộ sinh/vạn dân đạt 16,5. Để đạt 25 điều dưỡng/ vạn dân vào năm 2025 phải cần thêm trên 100.000 điều dưỡng.
Điều dưỡng tập trung ở các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện; hộ sinh chủ yếu ở tuyến huyện và xã; Kỹ thuật y tập trung ở tuyến tỉnh và huyện. Gần 90% đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y tập trung ở khu vực công lập; Hiện tỷ số điều dưỡng và hộ sinh trên/ bác sỹ trên toàn quốc là 1,95/1.
Hiện trình độ sơ cấp trong điều dưỡng chỉ còn dưới 700 người, còn lại đa số điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y có trình độ từ cao đẳng trở lên; Tỷ lệ tiến sỹ, Thạc sỹ, chuyên khoa 1 chỉ chiếm 1,2% và chủ yếu ở tuyến trung ương.
Qua các đợt dịch COVID-19 cho thấy đội ngũ điều dưỡng ở cộng đồng phát huy hiệu quả. Các điều dưỡng tại tuyến xã, phường làm việc ngày đêm, không có ngày nghỉ, thực hiện công tác truy về, tiêm chủng, kiểm soát nhiễm khuẩn... Tại Nhật Bản số lượng điều dưỡng cộng đồng chiếm 50% nhân lực điều dưỡng.
Suckhoedoisong.vn
Hà Nội đã tiêm gần 2 triệu mũi 3 vaccine Covid-19
Lượng người diễn biến nặng, nguy kịch do nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục gia tăng với hơn 650 trường hợp đang điều trị.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội trong ngày 20/1, thành phố đang điều trị cho 65.185 người mắc Covid-19.
Các bệnh nhân được phân bổ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (138), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (223), các bệnh viện thuộc Hà Nội (3.443), cơ sở thu dung của thành phố (1.096), cơ sở thu dung cấp quận/huyện (5.376). Ngoài ra, 54.909 F0 đang được theo dõi và cách ly tại nhà.
Thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cập nhật lần gần nhất ngày 19/1, cho thấy Hà Nội có 1.643 F0 đang điều trị tại các bệnh viện diễn biến nhẹ, không xuất hiện triệu chứng.
Ngoài ra, thành phố đang điều trị cho 2.220 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ trung bình, 651 trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch (tăng 13,3% so với trung bình 7 ngày trước).
Trong đó, 558 ca phải thở oxy qua mặt nạ, gọng kính, 26 trường hợp thở oxy dòng cao (HFNC), 19 người thở máy không xâm lấn, 46 ca thở máy xâm lấn và 2 trường hợp phải lọc máu.
Từ ngày 29/4/2021 đến nay, Hà Nội đã có tổng cộng 425 trường hợp mắc Covid-19 và qua đời.
Thành phố đã tiêm được tổng cộng 14.021.749 mũi vaccine phòng bệnh Covid-19. Trong đó, tổng số mũi bổ sung đã tiêm là 233.858, mũi nhắc lại là 1.716.454.
Cũng trong ngày 20/1, Hà Nội ghi nhận thêm 2.886 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc của thành phố ở làn sóng dịch thứ 4 lên 103.091 người. Các trường hợp này được phát hiện trên toàn bộ 30/30 quận, huyện, thị xã thuộc Hà Nội.
Một số địa phương ghi nhận số ca mắc nhiều trong ngày là Hoàng Mai (126), Đống Đa (103), Nam Từ Liêm (106), Gia Lâm (137), Thanh Trì (93),…
Theo cập nhật mới nhất, Hà Nội duy trì mức độ dịch 2 (vùng vàng - nguy cơ). Hà Nội vẫn có 7 quận/huyện cấp độ 3; 23 quận/huyện/thị xã cấp độ 2.
Các khu vực cấp độ dịch 3 gồm: Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân và huyện Gia Lâm. Toàn thành phố không có địa bàn nào ở cấp 4 (nguy cơ rất cao, màu đỏ), nhưng cũng không còn quận, huyện nào cấp độ 1 (nguy cơ thấp, màu xanh).
Mới đây, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết số lượng ca mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố đang có xu hướng tăng như từng nhận định và có nguy cơ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch vẫn được tổ chức quyết liệt, tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng, tử vong đang trong giới hạn kiểm soát.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá tình hình dịch trong thời gian qua đều nằm trong dự báo và “cơ bản kiểm soát được”. Tuy nhiên, khi có sự chủ động, sâu sát hơn ở một số cơ sở, tình hình dịch bệnh sẽ tốt hơn nữa. Dự báo dịp Tết Nguyên đán tới, tình hình dịch bệnh tiếp tục có nhiều phức tạp, các quận, huyện được yêu cầu bám sát tình hình thực tế và quyết liệt trong chỉ đạo điều hành.
Ông cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã tới xã, phường, thị trấn cần xây dựng kịch bản cụ thể trong những ngày Tết, phù hợp và bám sát diễn biến thực tế, tránh bỏ sót bệnh nhân Covid-19 và không để các trường hợp này thiếu thuốc điều trị.
Các quận, huyện rà lại lực lượng, phối hợp với ngành y tế, nếu cần thiết huy động sinh viên thuộc trường đại học, cao đẳng để bổ sung kịp thời trong thời điểm Tết. Các sở, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở điều trị bệnh nhân; nâng công suất tổng đài 1022 trong những ngày Tết.
Zing.vn
TPHCM khoanh vùng, truy vết Omicron
Cơ quan chức năng xác định có 11 trường hợp là F1 của chùm ca bệnh nhiễm Omicron. Kết quả xét nghiệm cho thấy có thêm 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, mẫu bệnh phẩm đang được khẩn trương giải mã trình tự gien truy tìm biến thể.
Thông tin trên được bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, cho biết chiều 20/1 tại buổi họp báo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Sau khi phát hiện 3 trường hợp nhiễm Omicron trong cộng đồng liên quan bệnh nhân là người nhập cảnh, ngành y tế thành phố đã khẩn trương khoanh vùng, truy vết.
Nữ bệnh nhân nhập cảnh là bà N.P. (41 tuổi) đã tuân thủ các quy định về cách ly tập trung sau khi về Việt Nam. Tuy nhiên, bà N.P. đã không tuân thủ quy định tự cách ly tại nhà mà đi ăn đi uống nhiều nơi. Đã xác định được 11 trường hợp F1 có tiếp xúc với chùm ca bệnh nhiễm Omicron ngoài cộng đồng, trong đó có 3 ca dương tính với SARS-CoV-2, nhưng chưa đủ cơ sở để kết luận bệnh nhân có nhiễm Omicron hay không. Ngành y tế đang giải mã trình tự gen của 3 ca dương tính mới và sẽ sớm có thông tin đến cộng đồng.
Dịp Tết Nguyên đán, hoạt động phòng chống dịch vẫn được duy trì và tăng cường tại các điểm tổ chức lễ hội. Các hệ thống y tế dự phòng và điều trị luôn trong tư thế sẵn sàng kích hoạt ngay khi cần trong vòng 24 giờ. Ngành y tế sẽ tiếp tục thực hiện chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ đợt 3 để rà soát và chích ngừa bổ sung. Tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 và phục hồi kinh tế TPHCM, nói: “Đến nay cả nước đã có 108 ca mắc biến chủng mới, trong đó thành phố có 68 ca Omicron. Người dân không nên quá lo lắng, thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp để ứng phó với biến chủng. Thành phố đề nghị người dân bình tĩnh thực hiện tốt khuyến cáo 5K và vắc xin. Ý thức của từng người dân sẽ giúp thành phố kiểm soát tốt dịch bệnh”.
Ông Hải khẳng định, mọi hoạt động đường hoa, hội hoa xuân chưa có gì thay đổi; các giải pháp đưa người dân về quê đón Tết bằng đường sắt, đường hàng không vẫn sẽ tiếp tục diễn ra.
Không thay đổi phương án đi học trực tiếp
Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng, Sở GD&ĐT TPHCM, cho biết: “Chủ trương học trực tiếp sau Tết vẫn không có gì thay đổi. Tuy nhiên, Sở Giáo dục sẽ phối hợp với Sở Y tế để chủ động phương án tham mưu giữ an toàn cho việc dạy và học”. UBND các quận, huyện sẽ quyết định việc học trực tiếp theo phương án an toàn tới đâu mở cửa trường học tới đó. Những trường đảm bảo an toàn sẽ mở cửa trước để tiếp nhận học sinh từ lớp 1 - 6, ông nói.