Bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên ở Việt Nam đã được ra viện
Sau 2 tuần theo dõi sức khỏe, bệnh nhân K.V.H.M không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, sinh hoạt bình thường và được xét nghiệm âm tính lần cuối ngày 1/1/2022.
Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ngày 2/1 cho biết sau khi được phát hiện, cách ly, giám sát chặt chẽ và điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh nhân COVID-19 nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam đã được ra viện.
Cụ thể, sau 2 tuần theo dõi sức khỏe, bệnh nhân K.V.H.M không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, sinh hoạt bình thường và được xét nghiệm âm tính lần cuối ngày 1/1/2022. Ngày 2/1/2022, bệnh nhân đủ điều kiện ra viện theo quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trước đó, ngày 19/12, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận hành khách K.V.H.M trên chuyến bay từ Anh về Việt Nam.
Khi đến sân bay Nội Bài người này có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2. Sau đó, người này được xét nghiệm PCR khẳng định có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Ngay sau đó, bằng công nghệ hiện đại, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiến hành giải trình tự gene khẳng định bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron.
Bệnh nhân được cách ly tại khu cách ly riêng biệt của bệnh viện và theo dõi sức khỏe nghiêm ngặt, đảm bảo không lây nhiễm cho cộng đồng, an toàn cho công tác phòng, chống dịch tại Bệnh viện.
Sau khi bệnh nhân ra viện, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp tục phối hợp với gia đình theo dõi và quản lý sức khỏe của bệnh nhân tại gia đình, đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Đồng thời, Bệnh viện khuyến cáo người dân nên tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch của Bộ Y tế, thực hiện “5K + tiêm vaccine,” đặc biệt lưu ý đối với nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, có bệnh lý nền…
Trước diễn biến phức tạp và khó lường của đại dịch COVID-19, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã nỗ lực triển khai thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh.
Bệnh viện chủ động kiểm soát các diễn biến của dịch bệnh, đảm bảo phòng chống dịch, thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh tại bệnh viện nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bộ đội, nhân dân.
Đây cũng là mục tiêu kép mà Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chú trọng triển khai trong thời gian qua, xứng đáng là bệnh viện tầm chiến lược, tuyến cuối toàn quân, bệnh viện hạng đặc biệt quốc gia.
Vietnamnet.vn
Đẩy mạnh hiệu quả thông tin, tuyên truyền trong phòng chống dịch Covid-19
Năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid -19,nhất là đợt dịch lần thứ 4 tại các tỉnh phía Nam, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả trong trong phòng chống dịch bệnh luôn được quan tâm, chú trọng.
Năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid -19, nhất là đợt dịch lần thứ 4 tại các tỉnh phía Nam, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả trong trong phòng chống dịch bệnh luôn được quan tâm, chú trọng. Đối với lực lượng những người làm tuyên giáo, công tác này cũng luôn được chú trọng, góp phần cung cấp cho người dân nhiều thông điệp hữu ích, cũng như những khuyến cáo trong phòng chống dịch một cách đơn giản, dễ hiểu.
Trong suốt quá trình chống dịch gian nan, vất vả thời gian qua, ngành tuyên giáo đã có những chỉ đạo, hợp tác tích cực, kịp thời giữa các cơ quan, ban ngành từ trung ương tới địa phương. Qua đó, kịp thời chuyển tải tới nhân dân những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 về công tác phòng chống dịch. Cùng với đó, các cơ quan thông tấn báo chí luôn phản ánh những nỗ lực chống dịch không mệt mỏi của các lực lượng tuyến đầu, đồng thời cổ vũ động viên lực lượng này vượt qua những khó khăn trở ngại làm tốt công tác phòng chống dịch, tiêm chủng, chăm bảo vệ sức khỏe cho nhân dân…
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, nhiều tác phẩm truyền thông tuyên truyền đã được thể nhiều hình thức như qua video, infgraphic, các tin bài, phóng sự, E-Megazinne… của các cơ quan báo chí đã góp phần cung cấp cho người dân nhiều thông điệp hữu ích và đưa ra những khuyến cáo trong phòng chống dịch đơn giản, dễ nhìn, dễ nghe và dễ hiểu: "Trong quá trình thực hiện chiến dịch tiêm chủng, hệ thống tuyên giáo giữ vững vai trò quan trọng việc thông tin đúng và đủ để nhân dân an tâm, phối hợp với chính quyền và ngành y tế thực hiện tốt mục tiêu bao phủ vaccine cho người dân. Những nỗ lực cố gắng cống hiến hết mình của nhân viên y tế các lực lượng tuyến đầu trên mọi miền Tổ quốc, sự chi viện hỗ trợ của các đơn vị y tế trên toàn quốc đã được thông tin đầy đủ đối với người dân và cộng đồng góp phần cổ vũ động viên lực lượng này hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao"
Đồng quan điểm này, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, từ tâm dịch của đợt bùng phát lần thứ tư, với yêu cầu truyền thông và phục vụ công tác phòng chống dịch, đã có hàng chục nghìn tin bài tuyên truyền đối với các cơ quan báo chí thành phố, trung ương đã được thực hiện. Các tin bài đã thông tin đầy đủ, kịp thời các hoạt động chỉ đạo và ghi nhận trách nhiệm, tiếp tục nỗ lực quyết tâm không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở… trong việc quyết tâm chiến thắng dịch bệnh. Qua đó càng khẳng định niềm tin của nhân dân đối với Đảng và nhà nước.
"Đã có nhiều bài viết nhận định đánh giá tích cực về sự lãnh đạo quan tâm sâu sắc của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như sự nỗ lực của Đảng bộ chính quyền và các lực lượng và nhân dân TP. HCM với những kết quả khả quan tích cực từng ngày trên các mặt: chăm sóc, điều trị, an sinh xã hội, lo hậu sự cho người không qua khỏi, về tiêm vacccine, mở rộng vùng xanh thu hẹp khoảng cách"- ông Khuê nói.
Vov.vn
Hà Nội đã tiêm hơn 450.000 mũi 3 vaccine Covid-19
Từ khi triển khai chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19, thành phố đã thực hiện tổng cộng hơn 12 triệu mũi.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội tính đến 18h ngày 1/1, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thành phố đã ghi nhận tổng cộng 51.195 ca mắc.
Trong đó, 17.931 ca được phát hiện tại cộng đồng, 27.182 trường hợp ở khu cách ly tập trung và cách ly tại nơi cứ trú, 5.669 ca trong khu phong tỏa, 200 người nhập cảnh và 213 bệnh nhân tại các bệnh viện trước ngày 30/9.
Thành phố đang điều trị cho 63.598 bệnh nhân Covid-19. Các bệnh nhân được phân bổ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (121), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (208), các bệnh viện thuộc Hà Nội (2.493), cơ thu dung của thành phố (2.585), cơ sở thu dung cấp quận/huyện (5.223). Ngoài ra, 18.801 trường hợp F0 đang được theo dõi và cách ly tại nhà.
Mặt khác, theo báo cáo của các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã gửi về CDC Hà Nội, thành phố đã tiêm được tổng cộng 12.306.425 mũi vaccine phòng bệnh Covid-19. Trong đó, tổng số mũi bổ sung đã tiêm là 163.235, mũi nhắc lại là 316.239.
Ngoài ra, tổng số vaccine đã tiêm được tại các bệnh viện trung ương, ngành trên địa bàn thành phố là 1.400.323 mũi. Trong đó, số lượng mũi 1 là 824.495, mũi 2 là 575.828.
Ở lần cập nhật cấp độ dịch gần nhất vào ngày 31/12, Hà Nội vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, màu vàng).
Thành phố có 2 huyện ở cấp độ 1 (màu xanh); 18 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 2 và 10 quận, huyện ở cấp độ 3 (nguy cơ cao, màu cam - tăng 2 khu vực so với cách đây một tuần). Phân loại theo cấp xã, phường, Hà Nội có 190 đơn vị ở cấp độ 1; 278 địa bàn ở cấp độ 2 và 111 xã, phường ở cấp độ 3.
Những khu vực có số ca mắc tăng nhanh trong 2 tuần qua là Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Gia Lâm, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm…
Mới đây, lãnh đạo UBND Hà Nội đã yêu cầu quận, huyện, thị xã căn cứ vào cấp độ dịch để áp dụng biện pháp hành chính phù hợp. Chính quyền địa phương tăng tối đa công suất thu dung điều trị F0 tại xã, phường, tại nhà khi đủ điều kiện; rà soát lại trang thiết bị y tế tại trạm y tế lưu động, như oxy, thuốc, thiết bị đo SpO2, xem xét cần thiết thì có thể bố trí phòng cấp cứu
Đơn vị toàn thành phố thường trực 24/24 đảm bảo xử lý nhanh, kịp thời tình huống; giám sát chặt người về từ vùng có dịch, tăng cường rà soát phát hiện biến chủng mới Omicron.
Ngành y tế củng cố hệ thống y tế cơ sở, tăng cường thành lập trạm y tế lưu động, đặc biệt trong khu công nghiệp, phường đông dân cư; huy động cơ sở y tế ngoài công lập, lực lượng y bác sĩ nghỉ hưu, sinh viên ngành y khi cần thiết.