Yêu cầu cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường biện pháp chống rét cho người bệnh
Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn số 736/SYT-NVY gửi các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập về công tác phòng, chống rét đậm, rét hại cho người bệnh.
Theo đó, Sở Y tế Hà Nội đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục trang bị điều kiện phòng, chống rét. Nơi chờ khám, buồng khám, buồng điều trị phải kín gió, có đủ chăn đệm và phương tiện phòng, chống rét, giữ ấm cho người bệnh… Bên cạnh đó, các cơ sở khám, chữa bệnh cần tăng cường tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cách chăm sóc sức khỏe mùa lạnh.
Sở Y tế cũng yêu cầu từng đơn vị bảo đảm cơ số thuốc điều trị, cơ số thuốc cấp cứu, sẵn sàng đội cấp cứu cơ động hỗ trợ tuyến dưới ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa rét gây ra; đồng thời tăng cường kiểm soát với người mắc các bệnh mạn tính như: Tăng huyết áp, tim mạch, hô hấp..., nhất là với người già và trẻ nhỏ.
(Báo Hà nội mới)
Chăm sóc sức khỏe khi trẻ đi học trở lại
Sau một thời gian đến trường học trực tiếp, tỷ lệ học sinh mắc Covid-19 trên địa bàn cả nước gia tăng, khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Thực tế, khi nhịp sống đang dần trở lại bình thường, trẻ có thể nhiễm bệnh từ nhiều nguồn khác, như lây nhiễm từ bố mẹ, từ người thân trong gia đình… Do đó, thay vì tâm lý hoang mang, không muốn con đến trường, cha mẹ cần trang bị cho bản thân và con những kỹ năng cần thiết để phòng, chống dịch.
Lây nhiễm trong trường học không phải là yếu tố duy nhất
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam đến nay, tỷ lệ mắc Covid-19 của trẻ dưới 18 tuổi ở nước ta là 19,2%, tương đương khoảng 490.000 trẻ, trong đó có 4,8% trẻ 13-17 tuổi; 8% trẻ 6-12 tuổi; 2,8% trẻ 3-5 tuổi và 3,6% trẻ 0-2 tuổi. Đặc biệt, số lượng trẻ mắc Covid-19 đang gia tăng trong thời gian gần đây. Trước thực tế đó, nhiều phụ huynh từ chỗ mong cho con được đến trường đã có tâm lý lo âu, muốn con được quay lại học trực tuyến.
Chia sẻ về vấn đề này, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, lây nhiễm Covid-19 trong trường học không phải là yếu tố, nguy cơ duy nhất, cao nhất đối với trẻ. Bởi, hiện phụ huynh đã đi làm, nhịp sống đang dần trở lại bình thường, nên trẻ có thể nhiễm bệnh từ nhiều nguồn khác nhau, có thể lây nhiễm từ bố mẹ, người thân trong gia đình. Do đó, các bậc phụ huynh cần cân đối rủi ro giữa việc mắc Covid-19 và không cho trẻ tới trường.
“Thời gian qua, trẻ phải đối mặt với rất nhiều hệ lụy khi không được tới trường, như: Trầm cảm, nghiện game, gia tăng các bệnh không lây nhiễm… Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 của Việt Nam đã cao. Những đối tượng nguy cơ cao như: Người già, người mắc bệnh nền đã được bao phủ mũi 3. Chính vì vậy, so sánh cho thấy, có nhiều yếu tố rủi ro hơn, nếu cứ tiếp tục giữ trẻ ở nhà, bao bọc mãi”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu phân tích.
Còn bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, thời điểm sau Tết, vào những giai đoạn trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, trẻ em rất dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa khi tham gia học tập do thời tiết lạnh, ẩm, chênh lệch nhiệt độ các thời điểm trong ngày lớn, nhất là ở các tỉnh phía Bắc. Do vậy, với thời tiết như hiện nay, ngoài Covid-19, trẻ vẫn có khả năng nhiễm các bệnh lý hô hấp khác. Chính vì vậy, vai trò của cha mẹ, thầy cô giáo rất quan trọng khi hướng dẫn trẻ những biện pháp phòng, chống nhiễm bệnh, nhất là sau khoảng thời gian dài trẻ sinh hoạt trong nhà, ít tiếp xúc với môi trường xung quanh.
Cần chăm sóc trẻ đúng cách
Để tăng cường sức đề kháng và các biện pháp phòng bệnh khi trẻ đến trường, theo bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai), cha mẹ cần tập cho trẻ ý thức vệ sinh, sát khuẩn tay thường xuyên và đeo khẩu trang trên đường đi học, trong lớp, vào giờ ra chơi... Bên cạnh đó, trẻ cần phải được tiêm phòng vắc xin theo hướng dẫn của Bộ Y tế, được bổ sung dinh dưỡng đúng cách, ngủ đủ giấc, tập luyện thể dục thể thao, tránh thừa cân, béo phì và kiểm soát tốt các bệnh mãn tính.
So với người lớn, trẻ mắc Covid-19 nhẹ hơn, nhưng vẫn không nên chủ quan. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, các yếu tố nguy cơ bệnh nặng ở trẻ, gồm: Trẻ đẻ non, cân nặng thấp; đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, bất thường gene, béo phì; bệnh hô hấp mãn tính, hen phế quản; bệnh tim bẩm sinh; ung thư, bệnh huyết học (bệnh hồng cầu hình liềm)…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần bình tĩnh chăm sóc các con, tùy theo từng nhóm tuổi mà có các biện pháp phù hợp. Có nhiều phụ huynh lo lắng quá, khi thấy con mới có biểu hiện ho, sốt đã vội vàng đưa đi khám ở nhiều nơi. Đây là việc làm không cần thiết. Khi con mắc Covid-19 cần báo với y tế cơ sở gần nhất để được theo dõi và quản lý; đồng thời, bảo đảm cách ly với mọi người, tránh lây lan dịch. Khi trẻ có dấu hiệu nặng, như: Mệt lả, thở nhanh, sốt cao không đáp ứng với thuốc hạ sốt mới phải cho con đi khám.
Bác sĩ Đào Trường Giang, Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) lưu ý, nếu không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, nhịp thở bình thường, không có biểu hiện của thiếu ô xy, đo SpO2 >= 96%, trẻ tỉnh táo, sinh hoạt bình thường và không mắc các bệnh lý nền, bệnh lý bẩm sinh, thì có thể chăm sóc tại nhà. Các bậc phụ huynh không nên tự dùng các thuốc kháng sinh, thuốc chứa corticoid, thuốc diệt vi rút... cho trẻ. Ngoài ra, tuyệt đối không dùng các đơn thuốc trên mạng và không chia sẻ đơn thuốc của trẻ. Cần nhớ rằng, có rất nhiều trẻ tự khỏi bệnh mà không cần phải dùng thuốc. Quan trọng nhất là chăm sóc và theo dõi, phát hiện dấu hiệu nặng để đưa trẻ đi khám, điều trị kịp thời.
(Báo Hà nội mới)
Sáng 21/2: Bệnh nhân COVID-19 nặng giảm, còn hơn 2.300 ca; 20 tỉnh, thành có F0 trên 1.000 ca/ngày
Theo thống kê của Bộ Y tế, số ca COVID-19 nặng ở nước ta hiện đang điều trị là 2.347 trường hợp, giảm gần 700 ca so với ngày 19/2. Ngoài Hà Nội, 19 tỉnh, thành khác có F0 mới trong ngày trên 1.000 ca. Vượt dịch bệnh COVID-19 gia tăng, Lễ hội Xuân hồng lần thứ XV tiếp nhận hơn 8.600 đơn vị máu...
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
Tính từ 16h ngày 19/2 đến 16h ngày 20/2, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 47.200 ca mắc mới COVID-19, trong đó 8 F0 nhập cảnh và 47.192 F0 ghi nhận trong nước. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam vượt mốc 40.000 ca/ ngày.
Ngày 20/2, tổng ca mắc COVID-19 mới tăng 5.224 F0 so với ngày trước đó. Số ca mắc mới được phát hiện tại cộng đồng là 33.851 F0.
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 37.670 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.787.493 ca mắc COVID-19, đứng thứ 32/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 28.224 ca nhiễm).
Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 2.780.251 ca, trong đó có 2.278.617 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (519.993), Bình Dương (293.915), Hà Nội (198.344), Đồng Nai (100.529), Tây Ninh (89.052).
Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.281.434 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.347 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 1.722 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 321 ca; Thở máy không xâm lấn: 57 ca; Thở máy xâm lấn: 235 ca; ECMO: 12 ca
Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 79 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 39.501 ca, chiếm tỷ lệ 1,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 33.088.000 mẫu tương đương 78.429.511 lượt người, tăng 72.326 mẫu so với ngày trước đó.
Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 191.368.265 liều, trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 174.611.596 liều: Mũi 1 là 70.871.973 liều; Mũi 2 là 67.266.482 liều; Mũi 3 là 1.444.994 liều; Mũi bổ sung là 13.335.678 liều; Mũi nhắc lại là 21.692.469 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.756.669 liều: Mũi 1 là 8.608.568 liều; Mũi 2 là 8.148.101 liều.
Ngoài Hà Nội, hàng loạt tỉnh phía Bắc ghi nhận số mắc COVID-19 mới/ ngày trên 1.000 ca
- Ngày 20/2, Hà Nội ghi nhận 5.102 ca mắc COVID-19, cao nhất từ trước đến nay. Hà Nội liên tiếp dẫn đầu ca mắc của cả nước trong ngày nhiều tháng qua. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 của Hà Nội là 198.344 F0.
- Ngoài Hà Nội, tình hình dịch COVID-19 vẫn tiếp tục phức tạp ở khu vực phía Bắc. Trong đó, Bắc Ninh ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất từ trước đến nay với 2.360 F0, chỉ sau Hà Nội. Đây là ngày thứ 2, tỉnh này đứng thứ 2 cả nước về só ca mắc mới. Liên tiếp 6 ngày qua, tỉnh này có trên 1.000 ca mắc.