*Số lượng F0 giảm dần, Hà Nội và các tỉnh thành đã qua đỉnh dịch?
Ca COVID-19 mới có dấu hiệu chững lại, nhiều chuyên gia cho rằng Hà Nội và các tỉnh, thành đã qua đỉnh dịch.
BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) nhận định khả năng nước ta đã vượt qua đỉnh dịch. Minh chứng cho điều này, ông Phúc dẫn báo cáo hàng ngày cho thấy, số ca bệnh cả nước đang chững lại rõ rệt và xu hướng giảm dần. Hà Nội cũng vậy, nếu như cách đây khoảng 10 ngày luôn trên 30.000 F0/ngày thì gần đây giảm nhiều. "Có thể nhận định rằng, Hà Nội đã qua đỉnh dịch".
"Thời gian vừa qua, lượng bệnh nhân cần đến tư vấn của bác sĩ cũng giảm nhiều. Trước những thông số trên có thể nói rằng, Việt Nam đã đạt đỉnh dịch và đang có dấu hiệu đi xuống. Hà Nội hay các tỉnh thành khác hiện qua đỉnh dịch", BS Phúc nói.
BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cũng cho rằng, Việt Nam qua thời điểm khó khăn nhất khi vượt đỉnh dịch COVID-19 trong giai đoạn này.
“Không những F0 mỗi ngày giảm mà số ca bệnh nặng, bệnh nhân tử vong cũng giảm nhiều. Chúng ta cũng như một số các nước khác, biến chủng Omicron tràn qua, sau đó đạt đỉnh rồi thoái trào. Vì vậy có thể nói sau thời gian dài liên tục ghi nhận số COVID-19 cao thì nay chúng ta vượt đỉnh dịch và hạ nhiệt. Hơn nữa, đặc điểm của chủng Omicron là dù lây nhanh nhưng rất nhẹ, F0 vẫn ở mức cao song số ca bệnh phải can thiệp y tế lại giảm”, BS Khanh nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cũng nhận định, số ca COVID-19 hàng ngày của Hà Nội và cả nước đang có dấu hiệu chững lại rõ rệt. Điều này cho thấy, Việt Nam đã qua đỉnh dịch. Kết quả này do thời gian qua Việt Nam đẩy mạnh công tác tiêm chủng, nâng cao độ bao phủ vaccine. Do đó, dù F0 tăng cao nhưng không có dấu hiệu quá tải hệ thống y tế cũng như bệnh nhân nặng, tử vong giảm.
Dự báo trong thời gian tới dịch COVID-19 ở nước ta giảm nhiều. Trước việc biến chủng Omicron gây bệnh nhẹ, cộng thêm độ bao phủ vaccine cao, chúng ta nên cân nhắc việc mở thêm các hoạt động để phát triển kinh tế, xã hội. Kể cả dịch vụ quán bar, karaoke hay thẩm mỹ, spa... đều có thể mở được trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt chúng ta nên cho các cháu đến trường học trực tiếp, dừng việc học online lại để trẻ được phát triển toàn diện nhất. Chúng ta cũng không nên quá phụ thuộc vào việc có nên tiêm vaccine cho trẻ em hay không.
Nhiều chuyên gia khác cũng nhận định Việt Nam đã qua đỉnh dịch. Các cơ quan chức năng nên cân nhắc mạnh dạn hơn nữa trong việc cho phép các hoạt động được mở lại, điều quan trọng là sớm cho trẻ đến trường.
(Báo VTC News)
*Không phải ai cũng mắc di chứng hậu Covid-19
Nhiều người mắc Covid-19 (F0) sau khi khỏi bệnh rất lo lắng, muốn đi khám hậu Covid-19. Chính vì vậy, nhu cầu tư vấn, khám và điều trị hậu Covid-19 của người dân đang tăng cao. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, không phải F0 nào cũng gặp phải các di chứng hậu Covid-19, người dân không nên hoang mang, lo lắng.
Ai dễ bị hậu Covid-19?
Dù mới đi vào hoạt động, nhưng Phòng khám hậu Covid-19 Bệnh viện Thanh Nhàn đã tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân đến khám mỗi ngày. Các trường hợp đến khám đa số là người già, người có bệnh lý nền trên 60 tuổi; cá biệt, có một số trường hợp còn trẻ, song cũng gặp phải tình trạng suy hô hấp không cải thiện, phải nhập viện điều trị.
Trong quá trình thăm khám, bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Phụ trách đơn nguyên Covid-19 Bệnh viện Thanh Nhàn nhận thấy, những trường hợp nhiễm biến chủng Delta, khi mắc bệnh triệu chứng rất nặng, nhưng hậu Covid-19 chưa rõ ràng. Thế nhưng, với biến chủng Omicron, khi mắc triệu chứng không nặng, thì hậu Covid-19 lại nặng nề hơn.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, số lượng bệnh nhân đến khám hậu Covid-19 cũng tăng lên từng ngày. Bác sĩ Đinh Thế Tiến, Khoa Nội tổng hợp và là một trong 12 nhân viên y tế tham gia Phòng khám hậu Covid-19 của bệnh viện cho biết, phần lớn người bệnh đến khám hậu Covid-19 là người lớn tuổi, có nhiều bệnh nền và số ít là trẻ em. Bệnh nhân đến khám chủ yếu vì những triệu chứng hô hấp và tâm lý, như: Lo lắng, mất ngủ, mệt mỏi…
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đa số trường hợp bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, có khoảng 10-20% trường hợp có triệu chứng Covid-19 kéo dài ở mức độ từ nhẹ đến nặng, gọi là di chứng hậu Covid-19. Bệnh nhân nhiễm Covid-19 sau khỏi bệnh từ vài tuần đến vài tháng, vẫn có nguy cơ đối mặt với hàng loạt triệu chứng kéo dài: Sốt nhẹ, khó thở, mệt mỏi, ho kéo dài, đau khớp, rụng tóc, tim đập nhanh, mất ngủ, rối loạn tiêu hóa, rối loạn vị giác, khứu giác…
Cũng theo WHO, các đối tượng dễ bị hậu Covid-19, gồm: Người phải nằm viện vì Covid-19, người có hơn 5 triệu chứng ở tuần đầu khi mắc Covid-19 (ho, khó thở, tiêu chảy, chóng mặt, đau nhức), người có bệnh lý nền, người trên 65 tuổi.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Phượng, Phó Chủ nhiệm bộ môn Nội, Trường Đại học Y dược - Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyên gia hô hấp Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho rằng, những F0 phải nhập viện điều trị, nhất là điều trị hồi sức tích cực (ICU) thường gặp di chứng hậu Covid-19. Nhóm F0 nằm viện, có viêm phổi, điều trị ICU thì sau khi ra viện, bác sĩ sẽ hẹn tái khám định kỳ 4 tuần, 8 tuần. Còn nhóm F0 nhẹ, không phải nhập viện thì chỉ đi khám khi có triệu chứng hậu Covid-19.
Không nên hoang mang, lo lắng
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sau khi mắc Covid-19 có thể sức khỏe bị giảm sút. Do đó, người bệnh nên cân đối khẩu phần ăn bảo đảm cung cấp đủ dinh dưỡng, bổ sung thêm hoa quả, nước cam, nước chanh… Ngoài ra, người bệnh có thể dùng thêm các loại vitamin C để tăng cường sức đề kháng. Mọi người nên duy trì tinh thần thoải mái, tập thể dục, tập thở ở nơi có không khí trong lành, uống nhiều nước, ngủ đúng giờ, không nên lo nghĩ quá nhiều. Đặc biệt, không nên tin theo những chỉ dẫn không có căn cứ khoa học trên mạng xã hội, không nên phí tiền vào các loại thực phẩm chức năng được quảng cáo hỗ trợ hậu Covid-19, nhưng chưa được cấp phép, chứng minh rõ ràng.
Riêng với trẻ em, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, biểu hiện hậu Covid-19 ở trẻ em ít gặp hơn so với người lớn; nếu có thì tỷ lệ gặp ở trẻ lớn nhiều hơn trẻ nhỏ và chủ yếu là rối loạn về tâm thần, như: Lo âu, trầm cảm, mất ngủ, rối loạn trí nhớ, thiếu tập trung... Với các biểu hiện này, nên tự tập thể dục, thay đổi lối sống. Trẻ chỉ nên đi khám hậu Covid-19 khi biểu hiện mệt mỏi, mất ngủ, ho… kéo dài lâu ngày; còn không có triệu chứng gì, không cần đi khám hậu Covid-19.
Đồng quan điểm trên, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng, sau khi khỏi Covid-19, đa số người bệnh đều có sức khỏe bình thường. Một số trường hợp có triệu chứng: Đau đầu, mất ngủ, rối loạn tiêu hóa, ù tai, chóng mặt, buồn nôn..., nhưng cũng sẽ hết sau vài tuần. Cũng có một số người quá lo lắng, mang tâm lý mình có thể bị hậu Covid-19.
“Nếu trong quá trình theo dõi, điều trị tại nhà, người bệnh phối hợp, tuân thủ phác đồ của ngành Y tế thì hoàn toàn yên tâm về sức khỏe, sau khi khỏi Covid-19. Ngoài ra, việc tiêm đủ liều vắc xin cũng sẽ giúp người bệnh tránh được những triệu chứng bất thường sau khi nhiễm Covid-19. Hiện tại, tất cả các bệnh viện ở Hà Nội đã thiết lập phòng khám để khám sàng lọc, khám Covid-19 và hậu Covid-19 cho người dân. Những người có triệu chứng bất thường, nên đến cơ sở y tế khám để được phát hiện, điều trị kịp thời”, bà Trần Thị Nhị Hà khuyến cáo.
(Báo Hà Nội Mới)
*Dịch Covid-19 đang đến giai đoạn cuối?
Bộ Y tế cho biết ngày 20-3, cả nước ghi nhận 141.151 ca Covid-19 tại 62 tỉnh, thành phố - giảm 9.457 ca so với ngày trước đó. Trung bình số người mắc ghi nhận trong 7 ngày qua là 164.328 ca/ngày. Do tỉ lệ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 cao, việc chăm sóc đối tượng nguy cơ cao được chú trọng, đạt hiệu quả nên tỉ lệ tử vong/số ca mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu. Ðây là cơ sở để điều chỉnh chiến lược phòng chống Covid-19, đưa cuộc sống sớm trở lại bình thường.
Theo Bộ Y tế, dịch Covid-19 cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Dù số ca mắc tăng nhanh song số người tử vong trong tuần qua trung bình là 75 người/ngày, giảm so với tuần trước (81 người/ngày).
Tại Hà Nội, dịch Covid-19 có xu hướng giảm dần khi 8 ngày liên tiếp, số ca mắc trong ngày giảm. Số ca nặng, nguy kịch điều trị tại các bệnh viện cũng giảm hơn 18% so với trung bình 7 ngày trước. Với TP HCM, số ca mắc Covid-19 cũng có xu hướng giảm nhẹ.
Hiện nay, nhiều bệnh viện đã "bình thường hóa" hoạt động chuyên môn chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân khám chữa bệnh chuyên khoa và bệnh nhân mắc Covid-19. Khi biến thể Omicron xâm nhập, số mắc tăng nhanh nhưng so với tháng trước, số ca tử vong giảm 47,1%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24,5%, số ca nặng, nguy kịch giảm 43,1%. Cùng đó, tỉ lệ tử vong/mắc của 30 ngày qua giảm sâu, từ 1% xuống còn 0,1%. Kết quả giải trình tự gien cho thấy có từ 76% đến 87% số ca nhiễm mới là biến thể Omicron gây bệnh nhẹ, tỉ lệ tử vong rất thấp.
Theo PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, hiện nay, số lượng ca nhiễm được thông báo hằng ngày không phản ánh thực chất sự nguy hiểm của dịch bệnh. Nhiều trường hợp tử vong nhưng không hoàn toàn do Covid-19 gây ra. Số lượng bệnh nhân nhập viện tại bệnh viện điều trị Covid-19 đã giảm tới 50% so với 1- 2 tuần trước. Cùng với đó, biến thể Omicron không tăng nặng như Delta, đặc biệt trên quần thể đã tiêm đủ vắc-xin như Việt Nam. PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng chỉ trong 2 đến 3 tuần nữa, dịch Covid-19 trở lại bình thường... Ðây là những tín hiệu cho thấy dịch đang đi đến giai đoạn cuối, đã đến lúc coi Covid-19 là bệnh chuyên khoa.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, khi mở cửa, chúng ta chuyển phương thức quản lý rủi ro và quản lý yếu tố tăng nặng của bệnh nhân thay cho phương thức quản lý ca bệnh như trước đây. Hệ thống y tế tăng cường năng lực để có thể kiểm soát tốt tình hình dịch, kiểm soát tốt nguy cơ cũng như tỉ lệ tử vong với người mắc Covid-19.
Nhiều chuyên gia dịch tễ cho rằng đến nay, cơ sở quan trọng để bước vào cuộc sống "bình thường mới" chính là việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả nguyên tắc "5K + vắc-xin, thuốc điều trị và ý thức". Trong đó, vắc-xin phòng Covid-19 được coi là "vũ khí" chủ lực góp phần quan trọng sớm đẩy lùi dịch bệnh.