Thay đổi tiêu chí đánh giá cấp độ dịch: Cần thiết và cấp bách
Hiện nay, số ca mắc Covid-19 mới là 1 trong 3 yếu tố chính nằm trong tiêu chí đánh giá cấp độ dịch. Các chuyên gia y tế cho rằng, phân loại cấp độ dịch bệnh là cần thiết nhưng cần thực chất, phù hợp với từng giai đoạn.
Vì vậy nên điều chỉnh lại các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch cho phù hợp tình hình thực tiễn hiện nay, đánh giá cấp độ dịch dựa trên độ bao phủ vaccine Covid-19, tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong và khả năng, năng lực đáp ứng của ngành Y tế.
Báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế xung quanh vấn đề này.
Đếm ca nhiễm Covid-19 để phân mức độ dịch không còn phù hợp
Hiện tại, số ca mắc mới ở cộng đồng/tuần/100.000 dân đang là 1 trong 3 yếu tố để đánh giá cấp độ dịch tại các địa phương. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, con số ca nhiễm hằng ngày không có ý nghĩa dự đoán, tiên lượng mức độ dịch. Vậy theo ông, có nên phân loại mức độ dịch Covid-19 theo cách đếm số ca mắc?
- Hiện nay, Hà Nội và các địa phương đang áp dụng 3 tiêu chí đánh giá cấp độ dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế gồm: Các ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vaccine; đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám chữa bệnh các tuyến.
Hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng vaccine trên cả nước đã rất cao, trên 90% số người dân trên 18 tuổi đã được tiêm hai mũi và hơn 17 triệu người đã tiêm mũi 3. Nếu mắc Covid-19 thì những người đã tiêm vaccine cũng rất ít chuyển nặng. Nên việc đánh giá cấp độ dịch ảnh hưởng rất lớn bởi tiêu chí ca mắc cộng đồng và khả năng thu dung, điều trị. Trong đó, số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/tuần (ca mắc mới) được phân theo 4 mức độ từ thấp đến cao theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Các địa phương có thể điều chỉnh giảm hoặc tăng số ca mắc mới trong từng mức độ cho phù hợp với tình hình thực tế.
Có thể thời gian tới, biến chủng Omicron lây lan trong cộng đồng, số ca nhiễm hàng ngày sẽ tăng vọt trên cả nước. Nếu vẫn giữ tiêu chí ca nhiễm cộng đồng để đánh giá cấp độ dịch, rất nhiều địa phương sẽ chuyển thành vùng cam, vùng đỏ, gây cản trở sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của người dân.
Trong tình hình mới như hiện nay, việc thay đổi tiêu chí đánh giá cấp độ dịch là cần thiết và cấp bách. Căn cứ vào tình hình dịch hiện nay, các địa phương nên chú trọng vào tỷ lệ số ca tử vong, số ca nặng và tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19, không nên chú trọng vào số ca mắc mới như trước. Vấn đề cần quan tâm là điều trị cho bệnh nhân có nguy cơ diễn biến nặng, ca tử vong, ca bệnh liên quan đến người có bệnh nền.
Vì vậy, cách đếm số ca nhiễm Covid-19 để phân loại cấp độ nguy cơ dịch bệnh là không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, phải thay đổi mới đảm bảo được mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tế tại Hà Nội, việc đánh giá cấp độ dịch Covid-19 gây khó khăn, nhiều sức ép cho cả chính quyền cơ sở và hàng quán kinh doanh, người dân. Vậy theo ông, hiện nay Hà Nội phân loại mức độ dịch Covid-19 đã hợp lý chưa?
- Tại Hà Nội, ca mắc mới hai tuần gần đây đều gần 3.000 ca/ngày nhưng phần lớn F0 đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, đặc biệt là tỷ lệ tử vong lại rất thấp, chỉ chiếm 0,4%, thấp hơn nhiều lần so với tỷ lệ 1,8% của cả nước. Bên cạnh đó, tỷ lệ ca chuyển nặng và tử vong của TP thấp hơn so với các địa phương khác. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm phủ vaccine ngừa Covid-19 ở Hà Nội rất cao với 99,4% người trên 18 tuổi đã tiêm đủ liều cơ bản (2 mũi), 99,7% trẻ trên 12 tuổi cũng đã tiêm 2 liều vaccine. Hiện toàn TP đang tiếp tục tiêm mũi bổ sung tại 30 quận, huyện trên địa bàn.
Hiện nay, Hà Nội xếp loại cấp độ dịch bệnh các đơn vị hành chính trên địa bàn theo tuần, căn cứ vào số ca nhiễm cộng đồng, tỷ lệ tiêm vaccine và năng lực của hệ thống y tế. Trong 1 tháng qua, do số ca nhiễm ở Hà Nội tăng cao, hàng loạt quận huyện đã ít nhất 2 - 3 lần thay đổi cấp độ dịch bệnh từ "vùng xanh" lên "vùng vàng", "vùng cam", hoặc ngược lại.
Tăng một cấp độ dịch, từ "vùng vàng" lên "vùng cam" sẽ tác động không nhỏ tới đời sống người dân, đến sự phát triển kinh tế - xã hội bởi nhiều hoạt động tại các địa bàn “vùng cam” đều phải tạm dừng. Hoạt động kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu ở các địa bàn này cũng nhiều lần phải "đóng, mở" tương ứng với diễn biến dịch.
Việc liên tục đóng - mở hàng quán phục vụ khách tại chỗ dựa theo số ca nhiễm hằng ngày gây khó khăn rất lớn cho người dân, DN, bởi khó ai có thể thích ứng kịp. Hơn nữa, việc phân loại cấp độ dịch hiện nay còn đến tận cấp phường, nghĩa là có phường đóng cửa hàng quán, có phường lại được mở, khiến hiệu quả phòng chống dịch không cao.
Cần sớm thay đổi
Để khắc phục những bất cập trong đánh giá, phân loại cấp độ dịch Covid-19 nên lấy tiêu chí mới nào? Nếu thay đổi tiêu chí đánh giá, TP Hà Nội sẽ theo cấp độ dịch nào, thưa ông?
- Hiện nay, chúng ta nên đánh giá cấp độ dịch theo tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19, tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong và khả năng, năng lực đáp ứng của ngành Y tế. Bên cạnh đó, cách tính tỷ lệ tử vong/số ca nhiễm hiện nay không còn phù hợp, cần sử dụng và phân tích tỷ lệ tử vong trên số lượng bệnh nhân phải nằm giường hồi sức cấp cứu. Đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam thay đổi tiêu chí đánh giá cấp độ dịch bệnh.
Mục tiêu hàng đầu của ngành y tế hiện nay là bảo vệ nhóm nguy cơ cao. Việc phân loại cần được sát sao hơn, tránh bỏ sót trường hợp bệnh nhân nặng ngoài cộng đồng không được nhập viện điều trị kịp thời.
Khi đánh giá cấp độ dịch theo tiêu chí mới, Hà Nội sẽ trở thành vùng xanh, giảm bớt gánh nặng cho nhân viên y tế, giải quyết được nhiều vấn đề, tháo gỡ khó khăn cho các loại hình kinh doanh, trẻ em được đến trường. Nếu thay đổi tiêu chí đánh giá như vậy, Hà Nội sẽ trở thành vùng xanh, trẻ em được đi học, hàng quán nhiều nơi được mở cửa buôn bán tại chỗ trở lại, nhiều loại hình dịch vụ cũng sẽ được mở cửa thay vì cứ "nay mở, mai đóng" theo cấp độ dịch như hiện nay.
Hà Nội và các địa phương khác nên mạnh dạn học tập TP Hồ Chí Minh trong việc mở lại một số hoạt động ăn uống tại chỗ, thậm chí một số loại hình dịch vụ khác như karaoke, quán bia, rượu… Thực tế, dù mở cửa trở lại, nhưng số ca mắc mới ở TP Hồ Chí Minh đang giảm đi, rất có ý nghĩa trong phát triển kinh tế, xã hội, tạo tâm lý ổn định hơn cho người dân không quá sợ hãi với Covid-19.
Để Hà Nội và cả nước thích ứng với dịch, cách đánh giá cấp độ dịch cần linh hoạt hơn, theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ nhằm tạo điều kiện để đời sống kinh tế - xã hội dần trở lại trạng thái bình thường mới trong khi vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh. Nhân dân đang mong chờ Bộ Y tế sớm ban hành Bộ tiêu chí mới đánh giá cấp độ nguy cơ dịch bệnh Covid-19 để ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay đang là thời điểm giáp Tết, người dân đi lại, giao lưu đông, nếu điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch theo hướng "thoáng hơn" liệu có làm tăng thêm nguy cơ dịch Covid-19 không, thưa ông? Ông có khuyến cáo gì thêm để người dân không chủ quan khi số ca mắc đang ở mức cao, nhất là ở Hà Nội?
- Nếu điều chỉnh biện pháp phòng, chống dịch theo hướng "thoáng hơn" thì cũng không làm tăng thêm nguy cơ Covid-19. Vì đằng nào chúng ta cũng phải trao quyền tự quyết về sức khỏe cho người dân. Nếu người dân tụ tập thì họ chịu trách nhiệm về sức khỏe của chính mình, đã có yêu cầu phải đảm bảo nguyên tắc 5K.
Khi số F0 đang tăng cao mỗi ngày ở Hà Nội, chúng ta không được chủ quan, cần tuân thủ tuyệt đối biện pháp 5K cũng như khuyến cáo của Bộ Y tế. Ngoài ra, chúng ta cần tăng cường truyền thông, chú trọng vào điều trị cho các trường hợp bị nặng và giảm nguy cơ tử vong. Hiện nay, Nhà nước đã chi rất nhiều công sức, tiền bạc cho chiến dịch tiêm vaccine. Hiện, chủ yếu các bệnh nhân cũng đều ở thể nhẹ.
Người dân cần phải biết tự bảo vệ mình. Đặc biệt, khi các địa phương mở lại một số hoạt động, cần chú ý đến các trường hợp cao tuổi, người mắc bệnh nền, trẻ em, tập trung điều trị cho các trường hợp nhiễm nặng.
Xin cảm ơn ông!
Có thể thời gian tới, biến chủng Omicron lây lan trong cộng đồng, số ca nhiễm hàng ngày sẽ tăng vọt trên cả nước. Nếu vẫn giữ tiêu chí ca nhiễm cộng đồng để đánh giá cấp độ dịch, rất nhiều địa phương sẽ chuyển thành vùng cam, vùng đỏ, gây cản trở sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của người dân. Trong tình hình mới như hiện nay, việc thay đổi tiêu chí đánh giá cấp độ dịch là cần thiết và cấp bách. Căn cứ vào tình hình dịch hiện nay, các địa phương nên chú trọng vào tỷ lệ số ca tử vong, số ca nặng và tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19, không nên chú trọng vào số ca mắc mới như trước. Vấn đề cần quan tâm là điều trị cho bệnh nhân có nguy cơ diễn biến nặng, ca tử vong, ca bệnh liên quan đến người có bệnh nền." - PGS.TS Nguyễn Huy Nga.
Kinhtedothi.vn
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội thăm, động viên y, bác sĩ, công nhân lao động nhân dịp Tết
Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, sáng 21-1, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã tới thăm, động viên công nhân lao động Công ty TNHH Thời trang Star (Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) và các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.
Cùng đi có Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội và lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương.
Công ty TNHH Thời trang Star là thành viên của Tập đoàn Crystal có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc), hoạt động trong lĩnh vực giặt là, in thêu sản phẩm dệt may và thực hiện gia công lại sản phẩm dệt may. Công ty có hơn 6.200 cán bộ, nhân viên, người lao động. Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, mặc dù thời gian qua gặp nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19 nhưng công ty vẫn nỗ lực bảo đảm việc làm, tiền lương, khen thưởng cho người lao động.
Công ty đã chi trả lương tối thiểu cho toàn bộ người lao động trong thời gian doanh nghiệp bị phong tỏa và người lao động phải cách ly; hỗ trợ 80 nghìn đồng/ngày và nhu yếu phẩm cho người lao động là F1 phải cách ly tập trung; hỗ trợ nhu yếu phẩm cho công nhân thuê trọ, công nhân có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ thêm 150 nghìn đồng/người/ngày cho người lao động khi tham gia làm việc theo phương châm “3 tại chỗ”. Đến nay, công ty cũng đã chi trả lương tháng 13 và thưởng Tết Nguyên đán cho người lao động để kịp sắm Tết; đồng thời tổ chức thăm, tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn; hơn 60% người lao động đã tiêm mũi 3 vắc xin phòng Covid-19.
Chúc mừng những thành quả mà Công ty TNHH Thời trang Star đã đạt được, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đồng thời chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp trong năm vừa qua. Mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, song công ty đã chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, nhất là sau thời điểm phát sinh ca F0 đầu tiên, phải tiến hành giãn cách gần 1 tháng. Dù vậy, công ty vẫn bảo đảm đầy đủ quyền lợi và có hỗ trợ cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán.
Điểm lại những kết quả đạt được của thành phố Hà Nội trong năm qua, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cho biết, thành phố đã nỗ lực triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19; tiêm phủ vắc xin phục vụ nhân dân. Vì vậy, tất cả khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đều duy trì hoạt động sản xuất, không bị gián đoạn. Đến nay, có thể khẳng định, thành công rất lớn của Hà Nội là không bị khủng hoảng về lao động và duy trì được hoạt động sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn Thủ đô cũng đã có nhiều hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ đoàn viên, người lao động; hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch.
Bày tỏ vui mừng khi cảm nhận được không khi Tết đã về đến từng phân xưởng của Công ty TNHH Thời trang Star, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chúc mừng công ty đã vượt qua một năm rất khó khăn và mong muốn trong thời gian tới, công ty sẽ nỗ lực phát triển hơn nữa, từ đó tiếp tục chăm lo tốt hơn đời sống của người lao động, đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô.
Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, bác sĩ Đào Thiện Tiến, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, năm qua, bệnh viện đã làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các nhiệm vụ được Sở Y tế Hà Nội và lãnh đạo thành phố giao. Cùng với việc đạt kết quả cao trong nhiệm vụ chuyên môn, bệnh viện cũng làm tốt công tác xây dựng Đảng, tổ chức các phong trào thi đua và chăm lo đời sống cho cán bộ, người lao động…
Nhằm chủ động các tình huống, phương án trong dịp Tết Nguyên đán, bệnh viện đã xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn cấp cứu, kế hoạch trực cấp cứu, khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch tại bệnh viện, an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ…, đồng thời có các hoạt động chăm lo đời sống cho cán bộ, nhân viên y tế và chế độ, chính sách cho bệnh nhân nằm điều trị nội trú, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn...
Bày tỏ sự vui mừng trước những thành tích mà Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã đạt được thời gian qua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên bệnh viện trong việc thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân Thủ đô.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến tin tưởng, mong muốn, với truyền thống và kinh nghiệm vốn có, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông sẽ chia sẻ thông tin để tư vấn cho các bệnh viện địa phương trong công tác điều trị, khám, chữa bệnh, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh yêu cầu phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các y, bác sĩ tuyến đầu và đề nghị tập thể các y, bác sĩ, nhân viên bệnh viện tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng ứng trực khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân. Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đồng chí gửi lời chúc năm mới an khang, hạnh phúc tới toàn thể người lao động Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.
Thăm, động viên và tặng quà Tết cho các bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Nội thận - Tiết niệu và lọc máu của bệnh viện, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến chúc các bệnh nhân đang điều trị, không thể về nhà đón Tết, có một mùa xuân mới đầm ấm, an vui.
Hanoimoi.com.vn
Hà Nội còn 4 quận, huyện ở “vùng cam”, không có nơi nào đạt “vùng xanh”
Ngày 21-1-2022, UBND thành phố Hà Nội ban hành Thông báo số 64/TB-UBND về đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội tính đến 18h ngày 1/1, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thành phố đã ghi nhận tổng cộng 51.195 ca mắc.
Trong đó, 17.931 ca được phát hiện tại cộng đồng, 27.182 trường hợp ở khu cách ly tập trung và cách ly tại nơi cứ trú, 5.669 ca trong khu phong tỏa, 200 người nhập cảnh và 213 bệnh nhân tại các bệnh viện trước ngày 30/9.
Thành phố đang điều trị cho 63.598 bệnh nhân Covid-19. Các bệnh nhân được phân bổ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (121), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (208), các bệnh viện thuộc Hà Nội (2.493), cơ thu dung của thành phố (2.585), cơ sở thu dung cấp quận/huyện (5.223). Ngoài ra, 18.801 trường hợp F0 đang được theo dõi và cách ly tại nhà.
Mặt khác, theo báo cáo của các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã gửi về CDC Hà Nội, thành phố đã tiêm được tổng cộng 12.306.425 mũi vaccine phòng bệnh Covid-19. Trong đó, tổng số mũi bổ sung đã tiêm là 163.235, mũi nhắc lại là 316.239.
Ngoài ra, tổng số vaccine đã tiêm được tại các bệnh viện trung ương, ngành trên địa bàn thành phố là 1.400.323 mũi. Trong đó, số lượng mũi 1 là 824.495, mũi 2 là 575.828.
Ở lần cập nhật cấp độ dịch gần nhất vào ngày 31/12, Hà Nội vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, màu vàng).
Thành phố có 2 huyện ở cấp độ 1 (màu xanh); 18 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 2 và 10 quận, huyện ở cấp độ 3 (nguy cơ cao, màu cam - tăng 2 khu vực so với cách đây một tuần). Phân loại theo cấp xã, phường, Hà Nội có 190 đơn vị ở cấp độ 1; 278 địa bàn ở cấp độ 2 và 111 xã, phường ở cấp độ 3.
Những khu vực có số ca mắc tăng nhanh trong 2 tuần qua là Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Gia Lâm, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm…
Mới đây, lãnh đạo UBND Hà Nội đã yêu cầu quận, huyện, thị xã căn cứ vào cấp độ dịch để áp dụng biện pháp hành chính phù hợp. Chính quyền địa phương tăng tối đa công suất thu dung điều trị F0 tại xã, phường, tại nhà khi đủ điều kiện; rà soát lại trang thiết bị y tế tại trạm y tế lưu động, như oxy, thuốc, thiết bị đo SpO2, xem xét cần thiết thì có thể bố trí phòng cấp cứu
Đơn vị toàn thành phố thường trực 24/24 đảm bảo xử lý nhanh, kịp thời tình huống; giám sát chặt người về từ vùng có dịch, tăng cường rà soát phát hiện biến chủng mới Omicron.
Ngành y tế củng cố hệ thống y tế cơ sở, tăng cường thành lập trạm y tế lưu động, đặc biệt trong khu công nghiệp, phường đông dân cư; huy động cơ sở y tế ngoài công lập, lực lượng y bác sĩ nghỉ hưu, sinh viên ngành y khi cần thiết.
Hanoimoi.com.vn
53 địa phương nhận phân bổ 450.000 liều thuốc điều trị COVID-19
Tính đến ngày 21/1, Bộ Y tế đã phân bổ khoảng 450.000 liều thuốc Molnupiravir cho 53 địa phương trong Chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ.
Việc triển khai Chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát thuốc Molnupiravir cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ tuân thủ đề cương nghiên cứu khoa học, chặt chẽ đã được Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia thẩm định, chấp thuận và được Bộ Y tế phê duyệt.
Trước đó, vào tháng 8/2021, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp tại TP.HCM và một số tỉnh, thành phố phía Nam, trên cơ sở kết quả những nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc Molnupiravir cho thấy tính an toàn và hiệu quả của thuốc, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu (Bệnh viện Phổi Trung ương, Đại học Y Dược TP.HCM) phối hợp với các Sở Y tế để triển khai Chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát thuốc Molnupiravir cho các trường hợp mắc COVID-19 thể nhẹ.
Các tiêu chí tuyển chọn được tiến hành theo đề cương nghiên cứu tuân thủ các tiêu chí lựa chọn và loại trừ bệnh nhân trong các thử nghiệm lâm sàng trong giai đoạn nghiên cứu phát triển thuốc trong đó tiêu chuẩn lựa chọn bao gồm đối tượng phải trên 18 tuổi, có SpO2≥ 94%, có thể dùng thuốc bằng đường uống…
Bộ Y tế đã có một số văn bản đề nghị các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, thông tin quảng cáo thuốc dùng trong phòng, chống COVID-19, trong đó có thuốc Molnupiravir và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, tăng giá thuốc bất hợp lý.
Mới đây, Bộ Y tế đã có thông tin báo chí về thuốc Molnupiravir và các cảnh báo, thận trọng khi dùng thuốc. Theo đó, để đảm bảo an toàn, hiệu quả, chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sĩ theo đúng chỉ định, các giới hạn sử dụng và các cảnh báo, thận trọng của thuốc. Không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường. Trong quá trình sử dụng thuốc Molnupiravir, nếu gặp phải bất kỳ phản ứng có hại nào của thuốc, cần thông báo ngay cho bác sỹ hoặc dược sỹ để được tư vấn và xử trí kịp thời.