Quy định về cách ly học sinh là F1 và xử trí ca mắc Covid-19 trong trường học
Bộ Y tế đã có hướng dẫn công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi tổ chức dạy, học trực tiếp gửi Bộ GD&ĐT. Cụ thể, quy trình xử trí khi phát hiện trường hợp mắc Covid-19 trong cơ sở giáo dục như sau:
Bước 1: Khi có trường hợp F0, báo ngay Hiệu trưởng/Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của nhà trường. Cán bộ y tế trường học hoặc Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của nhà trường chuyển ngay trường hợp F0 xuống phòng cách ly tạm thời của trường học theo lối đi riêng đã được phân luồng.
Bước 2: Hiệu trưởng/Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của nhà trường thông báo đồng thời ngay cho trạm y tế cấp xã hoặc cơ sở y tế đã được giao nhiệm vụ phân công hỗ trợ trường học trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 để ngay lập tức đến xử lý cùng.
Bước 3:
Đối với lớp học có học sinh F0:
Giáo viên chủ nhiệm cho học sinh ngồi yên tại chỗ. Cán bộ y tế trường học và Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của nhà trường, cán bộ y tế cấp xã tổ chức điều tra xác định các trường hợp F1 theo hướng dẫn của ngành y tế (việc xác định trường hợp là F1 thực hiện theo Công văn số 11042/BYT-DP ngày 29/12/2021 của Bộ Y tế về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh Covid-19).
Cán bộ y tế trường học và Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của nhà trường, cán bộ y tế cấp xã tổ chức xét nghiệm kháng nguyên nhanh ngay cho toàn bộ học sinh của lớp đó, nếu trường hợp có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2 thì được xác định là F0 và xử lý theo quy định.
Nếu không phải là F1 và kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính: cho những học sinh này đi học trở lại bình thường.
Nếu là F1 và kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 5 ngày và xét nghiệm (RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh) ngày thứ 5 đối với những học sinh là F1 và đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vắc xin phòng Covid-19 (được ghi trên giấy xác nhận đã tiêm vaccine Covid-19, phần mềm ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử hoặc PC-Covid) theo qui định, liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày; Hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1 (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19).
Các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày thứ 5 được đi học trực tiếp trở lại, nhà trường và phụ huynh học sinh tiếp tục theo dõi sức khoẻ cho học sinh trong 05 ngày tiếp theo và hướng dẫn học sinh thực hiện Thông điệp 5K.
Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 07 ngày và xét nghiệm (RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh) ngày thứ 7 đối với những học sinh là F1 và chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng Covid-19; các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày thứ 7 được đi học trực tiếp trở lại, nhà trường và phụ huynh học sinh tiếp tục theo dõi sức khoẻ cho học sinh trong 03 ngày tiếp theo và hướng dẫn học sinh thực hiện Thông điệp 5K.
Bộ Y tế lưu ý: Trong quá trình cách ly, theo dõi sức khỏe, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác, … hoặc triệu chứng nghi ngờ khác, thì thông báo ngay cho Trạm Y tế cấp xã, Nhà trường để theo dõi và xử trí theo quy định.
Đối với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ: Nếu trong lớp học có 01 ca xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2 (F0) thì cho toàn bộ trẻ trong lớp đó cách ly, theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú 07 ngày và xét nghiệm (RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh) vào ngày thứ 7.
Các trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày thứ 7 được đi học trực tiếp trở lại, phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm tiếp tục theo dõi sức khoẻ cho trẻ trong 03 ngày tiếp theo.
Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác,…hoặc triệu chứng nghi ngờ khác, thì phụ huynh/giáo viên chủ nhiệm thông báo ngay cho Trạm Y tế cấp xã, Hiệu trưởng/Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 của nhà trường để theo dõi và xử trí theo qui định.
Bước 4:
Đối với lớp có học sinh F0:
Sau khi xác định đối tượng là F1, cho học sinh không phải là F1 di chuyển sang lớp học dự phòng và khử khuẩn toàn bộ lớp học.
Đối với học sinh các lớp học khác:
Nếu không có sự giao lưu tiếp xúc với F0 thì cho đi học bình thường.
Nếu xác định có học sinh tiếp xúc gần (F1) với trường hợp F0 thì tiến hành xét nghiệm kháng nguyên nhanh với trường hợp là F1 đó và xử lý F1 như bước 3.
Bộ Y tế lưu ý, trường hợp phát hiện học sinh là F0 đang ở tại nhà, phụ huynh cho học sinh nghỉ học, báo ngay với nhà trường và trạm y tế cấp xã. Nhà trường, Trạm Y tế cấp xã tiến hành truy vết các trường hợp học sinh là F1 liên quan và xử lý các trường hợp F1 như trên.
Yêu cầu cơ sở giáo dục không bắt buộc tất cả các học sinh phải xét nghiệm trước khi trở lại trường để học trực tiếp, chỉ xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ (sốt, ho, khó thở, … hoặc có triệu chứng nghi ngờ khác) hoặc có tiền sử tiếp xúc với F0.
Về việc tổ chức học bán trú của học sinh, Bộ Y tế nêu rõ:
Nếu tổ chức cho trẻ học bán trú, nhà trường phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế và ngành Giáo dục và Đào tạo, trong đó bảo đảm theo nguyên tắc hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các học sinh trong cùng lớp và giữa các lớp.
Ưu tiên tổ chức ăn, ngủ, nghỉ ngay tại lớp học; học sinh lớp nào ăn, ngủ riêng theo lớp đó, không chung với các lớp khác.
Học sinh ăn theo suất ăn riêng, không dùng chung các đồ dùng cá nhân, rửa tay với nước sạch và xà phòng trước và sau khi ăn.
Vệ sinh, khử khuẩn nhà ăn sau mỗi lượt tổ chức cho học sinh ăn (nếu tổ chức ăn ở nhà ăn chung của nhà trường).
Bảo đảm an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Bộ Y tế đề nghị Bộ GD&ĐT căn cứ vào các nội dung hướng dẫn nêu trên để chỉnh sửa, bổ sung vào Sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học và các văn bản hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 khác của Bộ GD&ĐT.
(Báo Kinh tế & đô thị)
Chúc mừng nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam
Sáng 21/2, đồng chí Ðinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đến thăm, chúc mừng Sở Y tế Hà Nội và Bệnh viện Ða khoa Xanh Pôn nhân kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2022).
Thay mặt lãnh đạo thành phố, đồng chí Ðinh Tiến Dũng gửi tới các đồng chí lãnh đạo, đội ngũ y, bác sĩ và cán bộ, nhân viên y tế lời chúc mừng tốt đẹp nhất và lời cảm ơn sâu sắc về những nỗ lực miệt mài cống hiến trong những năm qua, nhất là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Trong đó, hệ thống y tế thành phố, nhất là tuyến cơ sở, đã có bước chuyển mạnh, đáp ứng yêu cầu điều trị ở mức cao. Hiện nay, mặc dù số ca mắc tăng cao, có ngày lên tới 5.000 ca và số người đang được điều trị khá lớn (hơn 100.000 người, trong đó 94 đến 95% điều trị tại nhà), nhưng hệ thống y tế không bị quá tải, tình hình duy trì ổn định.
Ðồng chí đề nghị, thời gian tới, ngành Y tế Hà Nội tiếp tục chủ động xây dựng, triển khai các kịch bản phòng, chống dịch đáp ứng nhu cầu thực tiễn; trước mắt, thực hiện và hoàn thành đúng Kế hoạch chiến dịch tiêm chủng mùa xuân.
Ðồng thời tập trung củng cố, hoàn thiện, phát triển mạng lưới y tế cơ sở, triển khai mô hình y học gia đình nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm quá tải cho tuyến trên; chú trọng triển khai các dịch vụ trình độ cao, kỹ thuật cao tại các bệnh viện; nâng cao hơn nữa công tác khám, chữa bệnh, bảo đảm chất lượng, quy trình chuyên môn, phục vụ bệnh nhân nhiệt tình, trách nhiệm; xây dựng, gìn giữ hình ảnh y tế Thủ đô, nâng cao y đức, xứng đáng với sự yêu mến, tin tưởng của người dân…
(Báo Nhân dân)
Cảnh báo thuốc kháng virus “xách tay”
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội cho biết, thời gian gần đây ông nhận được nhiều tin nhắn hỏi về các hộp thuốc xanh đỏ chữ tiếng Nga loằng ngoằng được cho là có tác dụng điều trị COVID-19. Ông khuyến cáo người dân không tự ý dùng vì là thuốc xách tay không rõ nguồn gốc.
"Thuốc của Nga nếu thực sự tốt chắc tỉ lệ tử vong của Nga không ở mức hàng đầu thế giới. Tỉ lệ bệnh tự khỏi của chủng Omicron trên người đã được tiêm chủng rất cao nên thuốc gì uống vào đều khỏi. Do đó người dân đừng lãng phí tiền bạc và tiếp tay cho nhóm buôn lậu thuốc công khai bán trên mạng xã hội”, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.
Về những loại thuốc này, dược sĩ Hà Quang Tuyến, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: “Thuốc xanh, thuốc đỏ hay Arbidol (Umifenovir) là thuốc kháng virus phổ rộng được cấp phép sử dụng để dự phòng và điều trị cúm mùa tại Trung Quốc và Nga từ năm 2006.
Thử nghiệm tiền lâm sàng cho thấy thuốc Arbidol có hoạt tính kháng virus đối với một số virus đường hô hấp ở người như virus cúm A, B, C, adenovirus, rhinovirus… Tại Trung Quốc, Umifenovir được thử nghiệm trên bệnh nhân COVID-19 ngay giai đoạn đầu bùng phát dịch, tuy nhiên hiệu quả của Umifenovir là không đồng nhất giữa các nghiên cứu”.
Dược sĩ Tuyến thông tin thêm, một nghiên cứu tổng quan hệ thống và phân tích gộp về hiệu quả và an toàn của Arbidol trên bệnh nhân COVID-19 đã được thực hiện bởi B. Amani và các cộng sự (năm 2021) dựa trên các dữ liệu nghiên cứu trên Pubmed, Cochrane, Embase và medRixv. Tổng quan đã cho thấy không có sự khác biệt về hiệu quả giữa việc dùng Arbidol và không dùng Arbidol ở bệnh nhân COVID-19. Sử dụng Arbidol có nguy cơ cao gặp tác dụng phụ hơn. Các tác dụng phụ hay gặp phải là rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, nôn.
“Umifenovir cũng như nhiều thuốc khác Hydroxycloroquin, Ribavirin, Sofosbuvir, Lopinavir… là một trong số các thử nghiệm lâm sàng trong giai đoạn ban đầu của đại dịch để tìm hướng tiếp cận điều trị COVID-19 trên thế giới. Có nhiều nghiên cứu đã tạm dừng do hiệu quả không cao hoặc nguy cơ, tác dụng không mong muốn lớn hơn nhiều so với hiệu quả”, dược sĩ Tuyến nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, mỗi thuốc kháng virus có chỉ định trên một số đối tượng bệnh nhân COVID-19 nhất định. Do đó việc dùng các thuốc kháng virus này cần đúng chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, các thuốc trị COVID-19 này có khá nhiều chống chỉ định, đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ, đồng thời trong quá trình sử dụng cần giám sát cẩn thận tác dụng phụ để tránh xảy ra rủi ro.
“Hiện nay, thuốc Arbidol và Areplivir đều chưa được cấp phép lưu hành và nhập khẩu chính thức tại Việt Nam. Các sản phẩm do các trang mạng xã hội, các nhóm diễn đàn bán đều là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng. Việc mua bán và sử dụng các thuốc kể trên đều là vi phạm nghiêm trọng Luật Dược, giảm hiệu quả phòng chống dịch, tạo cơ hội cho những cá nhân lợi dụng buôn bán thuốc giả thuốc kém chất lượng, thuốc nhập lậu để trục lợi cá nhân”, Trưởng khoa Dược cảnh báo.