*Ghi nhận 2 trường hợp đầu tiên tử vong do sốt xuất huyết trong năm 2022
Cùng với dịch Covid-19, trong tuần qua số mắc sốt xuất huyết (SXH) trên cả nước bất ngờ tăng nhanh và đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong đầu tiên ở năm nay…
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ ngày 18-2 đến 17-3, cả nước ghi nhận 4.287 trường hợp mắc SXH, trong đó có 2 trường hợp tử vong tại tỉnh Bình Dương. Đây cũng là hai trường hợp tử vong do SXH đầu tiên trong năm 2022.
Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 9.919 trường hợp SXH. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc giảm 65,4% và số tử vong giảm 4 trường hợp.
Theo các chuyên gia y tế, dù số ca SXH đầu năm giảm nhưng thời điểm giao mùa như hiện nay, thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi để muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, phát triển.
Mặt khác, SXH và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như: Sốt, đau đầu, đau mỏi người. Do đó, người dân không được chủ quan.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn.
Nặng hơn, bệnh nhân có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu...
Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.
(Báo An ninh thủ đô)
*Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Tiếp tục tập trung kiểm soát rủi ro, hạn chế bệnh nhân Covid-19 chuyển tầng điều trị
Ngày 21-3, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã họp, cho ý kiến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Trao đổi với báo chí về kết quả hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết đã lưu ý các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, trọng tâm là tập trung kiểm soát rủi ro, hạn chế bệnh nhân tăng nặng, chuyển tầng điều trị.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, thời gian qua, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã bám sát tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, chỉ đạo các chủ trương, giải pháp chủ động, sáng tạo, hiệu quả, kịp thời ngay khi dịch tăng cao, tập trung vào 3 hướng chính là: Tiêm vắc xin; tăng cường năng lực điều trị tầng 2, tầng 3 và đẩy mạnh y tế cơ sở để quản lý, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà. Thành phố đã phát huy cao độ vai trò, hiệu quả hoạt động của hơn 4.600 tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà và hơn 5.000 tổ Covid-19 cộng đồng, thường xuyên tiếp nhận thông tin, tư vấn, quản lý và cấp phát thuốc cho người nhiễm Covid-19; báo cho nhân viên y tế những trường hợp có triệu chứng nặng; tiếp nhận thông tin về nhu cầu cấp giấy hưởng bảo hiểm xã hội để phối hợp với trạm y tế cấp giấy tại nhà cho người dân...
“Nhờ thực hiện tốt các biện pháp đúng, trúng, cùng sự chung sức, đồng lòng của người dân, Hà Nội luôn giữ vững tình hình từ cơ sở. Tuần qua, số ca mắc có chiều hướng giảm mạnh, đặc biệt tỷ lệ ca tăng nặng, người tử vong tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, hạn chế rủi ro sức khỏe cho người dân”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nói.
Tuy nhiên, đồng chí Đinh Tiến Dũng yêu cầu cả hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở nhận thức rõ tinh thần phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay là không được chủ quan, phải tập trung thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và thành phố với quyết tâm cao nhất, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền. Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện 3 giải pháp trọng tâm là tiêm vắc xin (đặc biệt là đối tượng có nguy cơ cao), tăng cường năng lực điều trị tầng 2, tầng 3; đẩy mạnh y tế cơ sở để quản lý, hỗ trợ F0 điều trị từ sớm, chú ý ứng dụng các nền tảng công nghệ. Ngành Y tế và các địa phương phải chú ý quản lý, điều trị người bệnh là trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người có bệnh nền; theo sát kế hoạch của Chính phủ, Bộ Y tế về việc tiêm vắc xin cho trẻ, kể cả từ 3 tuổi trở lên, chuẩn bị các phương án cần thiết, bảo đảm an toàn để khi được phân bổ vắc xin có thể triển khai được ngay.
Các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn phải quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy và UBND thành phố; đẩy mạnh tuyên truyền công tác phòng, chống dịch ở địa bàn dân cư, nhất là yêu cầu đeo khẩu trang, khử khuẩn; hướng dẫn chăm sóc, khám chữa bệnh nhân Covid-19 tại nhà; xử lý rác thải y tế không để phát tán mầm bệnh; phát huy hơn nữa vai trò của các tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 tại nhà và các tổ Covid-19 cộng đồng bảo đảm thực chất, đem lại niềm tin cho nhân dân.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, thành phố đã mở lại hoạt động du lịch và cho phép các dịch vụ hoạt động sau 21h hằng ngày. Hiện nay, lượng khách du lịch chưa nhiều, các hoạt động dịch vụ cũng còn có mức độ. Tuy nhiên, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã phải có kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng khi các hoạt động du lịch, dịch vụ sôi động trở lại. Đặc biệt, Hà Nội là nơi sắp diễn ra SEA Games 31 với số lượng lớn vận động viên, quan chức, cổ động viên trong và ngoài nước sẽ có mặt tham gia.
Do đó, Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo triển khai công tác chuẩn bị, xây dựng phương án, tổ chức diễn tập để bảo đảm ứng phó kịp thời, bình tĩnh, hiệu quả trong mọi tình huống dịch bệnh; bố trí sẵn sàng tổ chức xét nghiệm cho vận động viên, cổ động viên nước ngoài, nơi thu dung, điều trị bảo đảm các điều kiện tốt về vật chất, cũng như công tác hướng dẫn, quản lý... Tất cả phải được triển khai khẩn trương, bảo đảm tiến độ, vì mục tiêu tổ chức thành công toàn diện các môn thi đấu SEA Games 31 tại Hà Nội, đáp ứng yêu cầu của trung ương, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của thành phố trước bạn bè quốc tế và nhân dân cả nước.
Cũng theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Ban Cán sự đảng UBND thành phố có trách nhiệm chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các quận, huyện, thị xã và các nhà trường tổ chức hình thức dạy và học, bao gồm cả việc học bán trú phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa bàn, bảo đảm an toàn cho học sinh và giáo viên.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng cho biết, Thường trực Thành ủy cũng giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo tổ chức phương án chủ động, sáng tạo để phát triển kinh tế - xã hội nói chung, trọng tâm trước mắt là ngành Du lịch, dịch vụ, thương mại; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tinh thần chung là phải đồng hành cùng doanh nghiệp, quyết tâm với ý chí cao nhất để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2022 mà thành phố đã đề ra.
(Báo Hà Nội Mới)
*Vinh danh 10 Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021
Chương trình tuyên dương Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021 diễn ra tối 21/3 tại Hà Nội nhằm tri ân các y, bác sĩ, đặc biệt là các y, bác sĩ trẻ trên tuyến đầu chống dịch.
Lễ tuyên dương có chủ đề “Thầy thuốc trẻ trên mặt trận phòng, chống đại dịch Covid-19” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp tổ chức.
Dự lễ tuyên dương có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn tri ân tất cả những đóng góp ý nghĩa, cao cả của đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ và nhân viên y tế nói chung, lực lượng Thầy thuốc trẻ nói riêng; luôn chia sẻ, thấu hiểu những hy sinh, mất mát của các lực lượng tuyến đầu chống dịch trong suốt thời gian vừa qua.
Mỗi y, bác sĩ tham gia phòng, chống dịch là những bông hoa đẹp nhất, truyền cảm hứng về đức hy sinh, trách nhiệm với đồng bào, trao niềm tin, tiếp động lực cho người bệnh, người nhà người bệnh vượt nghịch cảnh, trở thành hình mẫu tích cực cho toàn cộng đồng, bồi đắp truyền thống tốt đẹp của dân tộc về tình đồng chí, nghĩa đồng bào.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhiệt liệt biểu dương, tin tưởng 10 Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021 sẽ tiếp tục lan tỏa nhiệt huyết của tuổi trẻ ngành y trong mọi mặt đời sống, lĩnh vực; luôn đi đầu về chuyển đổi số trong khám bệnh, điều trị, chăm sóc bệnh nhân; tăng cường áp dụng khoa học công nghệ trong khám chữa bệnh; kiên trì, bền bỉ phấn đấu, trau dồi, rèn luyện, tu dưỡng, không chỉ hoàn thiện về chuyên môn mà đặc biệt là cả đạo đức nghề nghiệp, khắc ghi lời dặn của Bác Hồ “Lương y phải như từ mẫu”.
Đồng thời, đề nghị Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phát huy, làm tốt hơn nữa các nội dung phòng, chống dịch bệnh theo tinh thần Nghị quyết số 128 của Chính phủ, từng bước “bình thường hóa” với dịch Covid-19, góp phần ổn định, phát triển kinh tế xã hội. Hội Thầy thuốc trẻ cần tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần hội nhập, vừa huy động nguồn lực quốc tế, vừa góp phần nâng cao năng lực chuyên môn cho các hội viên.
Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã trao Bằng khen của Bộ Y tế và của Trung ương Đoàn tặng 10 Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021. Đặc biệt, nhiều người bệnh Covid-19 nặng từng được chữa trị khỏi đã trình diễn các tiết mục văn nghệ ý nghĩa, xúc động như lời tri ân sâu sắc gửi đến các y, bác sĩ đang ngày đêm căng mình chống dịch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.