Bộ Y tế đề nghị các địa phương tạo thuận lợi cho người dân về quê dịp Tết Nguyên đán
Ngày 22/1, Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 15.707 ca nhiễm mới, trong đó 49 ca nhập cảnh và 15.658 ca ghi nhận trong nước tại 61 tỉnh, thành phố, trong đó có 10.986 ca trong cộng đồng.
Trong ngày cũng ghi nhận thêm hai ca mắc Covid-19 với biến thể Omicron tại Hà Nội, như vậy đến nay Việt Nam ghi nhận 135 ca mắc Covid-19 do biến thể này tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Nam, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Long An, Quảng Ninh. Ngày 22/1 cả nước có 3.512 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và 153 trường hợp tử vong; trong số những người đang điều trị có 4.680 trường hợp nặng phải thở oxy qua mặt nạ, thở oxy dòng cao HFNC, thở máy không xâm lấn, thở máy xâm lấn và can thiệp tim phổi nhân tạo (ECMO).
Ngày 22/1, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Bộ Y tế nêu rõ, hiện nay, tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 tại các tỉnh, thành phố đã đạt tỷ lệ cao, vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố hướng dẫn người dân về quê nhân dịp Tết Nguyên đán thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 gồm thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe, không phải cách ly y tế; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 như sốt, ho, khó thở... thì hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm SARS-CoV-2 và xử trí theo quy định. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định; kịp thời chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp.
Nhandan.vn
Nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học gắn với hệ thống y tế cơ sở
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký ban hành Quyết định số 85/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu của Chương trình nhằm củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn kết với hệ thống y tế cơ sở nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đảm bảo tốt các điều kiện chăm sóc sức khỏe cho trẻ em mầm non, học sinh.
Đối tượng thụ hưởng của Chương trình là trẻ em mầm non, học sinh tại các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Chương trình đặt mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, 100% chính quyền các cấp ở địa phương thực hiện rà soát, sắp xếp lại hệ thống y tế trường học trong các cơ sở giáo dục, xây dựng cơ chế quản lý và phương thức hoạt động y tế trường học phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương.
100% cơ sở giáo dục có nhân viên phụ trách công tác y tế trường học (nhân viên chuyên trách hoặc phân công nhân viên kiêm nhiệm theo dõi công tác y tế trường học) hoặc ký hợp đồng cung ứng dịch vụ với cơ sở y tế ở địa phương.
100% trung tâm y tế cấp huyện; trạm y tế cấp xã có phân công cán bộ phụ trách công tác y tế trường học. 100% chính quyền các cấp ở địa phương có cơ chế phối hợp giữa ngành Y tế và ngành Giáo dục về công tác y tế trường học gắn với y tế cơ sở. 100% cơ sở giáo dục và trạm y tế cấp xã trên địa bàn có cơ chế phối hợp về công tác y tế trường học.
95% cán bộ phụ trách công tác y tế trường học ở các Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục được bồi dưỡng nâng cao năng lực tổ chức quản lý về y tế trường học. 95% nhân viên y tế trường học trong các cơ sở giáo dục và y tế cơ sở được bồi dưỡng về công tác y tế trường học dành cho từng đối tượng chuyên trách hoặc kiêm nhiệm.
95% cơ sở giáo dục được bảo đảm điều kiện làm việc tối thiểu cho công tác y tế trường học: phòng làm việc, giường, trang thiết bị, dụng cụ sơ cấp cứu thông thường, thuốc thiết yếu và nguồn kinh phí trích lại từ bảo hiểm y tế dành cho chăm sóc sức ban đầu đối với học sinh.
100% cơ sở giáo dục công lập được bố trí nguồn kinh phí hoạt động y tế trường học từ ngân sách dành cho sự nghiệp giáo dục, y tế hằng năm theo phân cấp ngân sách hiện hành.
Chương trình cũng đặt ra 6 nhiệm vụ và giải pháp, bao gồm: Hoàn thiện hệ thống văn bản, chính sách về công tác y tế trường học gắn với y tế cơ sở; Rà soát, sắp xếp đội ngũ nhân viên y tế trường học tại các cơ sở giáo dục; Tăng cường hiệu quả công tác phối hợp liên ngành về công tác y tế trường học gắn với y tế cơ sở;
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên làm công tác y tế trường học; Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và huy động xã hội hóa về y tế trường học trong các cơ sở giáo dục; Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân viên, giáo viên, học sinh và toàn xã hội về chính sách y tế trường học trong các cơ sở giáo dục.
Nguồn kinh phí được xác định là kinh phí thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình từ nguồn ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước; nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn thu hợp pháp của các trường học theo quy định của pháp luật.
Phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
Hà Nội thêm 2.945 ca Covid-19, số F0 tăng sau nhiều ngày giảm
Sở Y tế Hà Nội ngày 22/1 công bố 2.945 trường hợp Covid-19 với 605 F0 cộng đồng. Số nhiễm ghi nhận trong ngày tăng 140 ca so với hôm qua.
Nhóm bệnh nhân Covid-19 mới trú tại 391 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Các địa phương ghi nhận số F0 lớn nhất trong ngày: Hoàng Mai (137), Đống Đa (132), Thanh Trì (125), Gia Lâm (123);...
Một số địa bàn xã/phường có số nhiễm cao hôm nay: Thành Công (Ba Đình); Mễ Trì, Xuân Phương, Đại Mỗ (Nam Từ Liêm); Tân Triều, Ngũ Hiệp (Thanh Trì); Xuân Tảo (Bắc Từ Liêm); Mai Động, Tân Mai, Lĩnh Nam, Thịnh Liệt (Hoàng Mai); Trung Phụng, Ô Chợ Dừa (Đống Đa); Phúc Tân (Hoàn Kiếm); Quan Hoa, Mai Dịch (Cầu Giấy); Đa Tốn (Gia Lâm);Yên Phụ (Tây Hồ); Thanh Xuân (Sóc Sơn); Ngọc Thụy (Long Biên);...
Như vậy, từ đầu đợt dịch thứ tư (từ ngày 29/4) tới nay, địa bàn Hà Nội đã ghi nhận tổng số 108.806 ca Covid-19. Riêng từ thời điểm áp dụng "thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19" (từ ngày 11/10), toàn TP có thêm 104.768 F0 mới.
Hơn 2 tuần gần đây, mỗi ngày TP ghi nhận trên 2.800 F0 mới, trong đó ngày 14/1 là kỷ lục về số nhiễm với 2.993 F0, 772 ca cộng đồng. Trong vòng 5 ngày (kể từ 17/1 tới 21/1), số nhiễm có xu hướng giảm dần, tuy nhiên tới hôm nay đã tăng trở lại. Hà Nội vẫn tiếp tục đứng đầu cả nước về số F0 mới mỗi ngày.
Các quận huyện có số nhiễm cộng dồn lớn nhất (từ đầu năm 2021 tới ngày 22/1/2022) là: Hoàng Mai (9.071 F0), Đống Đa (8.781 F0), Nam Từ Liêm (6.085 F0), Hai Bà Trưng (5.962 F0) và Thanh Trì (5.927 F0).
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, đến hết ngày 21/1, địa bàn TP có 66.618 F0 đang được điều trị và cách ly. Trong đó, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (138), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (223), tại các bệnh viện của Hà Nội (3.399), cơ sở thu dung điều trị tuyến TP (1.078), cơ sở thu dung quận, huyện (5.400), cách ly tại nhà (56.380).
Số người tử vong do Covid-19 từ ngày 29/4 đến nay là 441 người.
Tổng số mũi tiêm toàn TP đã thực hiện được từ khi triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 là 14.189.484 mũi tiêm; 235.616 mũi bổ sung và 1.872.158 mũi vắc xin nhắc lại.
Hiện các hoạt động phòng chống dịch như giám sát nhập cảnh, xét nghiệm, tiêm chủng, tổ chức điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung và hỗ trợ người bệnh điều trị tại nhà vẫn đang được ngành y tế phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.
Vietnamnet.vn
Hà Nội không cách ly tập trung học sinh là F1
Theo hướng dẫn mới của ngành y tế, chỉ có F0 được đưa đi cách ly, điều trị, còn học sinh F1 sẽ cách ly tại nhà.
Chiều 22/1, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết nhằm chuẩn bị cho các trường THCS -THPT mở cửa đón học sinh lớp 7-12 đi học trực tiếp an toàn, sở GD&ĐT đã chuẩn bị kỹ các phương án.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố Hà Nội cũng yêu cầu sở GD&ĐT phối hợp ngành y tế, các quận, huyện, trường học tổ chức diễn tập các kịch bản, tình huống tránh chuyện lúng túng khi học sinh trở lại trường.
Vấn đề phụ huynh quan tâm nhiều nhất hiện nay là học sinh đi học ở lớp phát hiện F0, các em có bị cách ly tập trung hay không, giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định theo hướng dẫn mới của ngành y tế, chỉ có F0 được lực lượng y tế đưa đi cách ly, điều trị, còn học sinh F1 sẽ cách ly tại nhà.
Riêng đối với trẻ mầm non, học sinh tiểu học, Bộ GD&ĐT cũng có yêu cầu về kế hoạch, lộ trình cho các cháu trở lại trường tuy nhiên, Hà Nội rất mong muốn sớm có vaccine để tiêm.
“Ngành y tế khuyến cáo phụ huynh nên tiêm vắc xin cho trẻ để đảm bảo an toàn, tuy nhiên đây là việc tự nguyện không phải bắt buộc”, ông Cương nói.
Tienphong.vn
Một dòng phụ của biến chủng Omicron đang phát triển nhanh, lan tới 40 quốc gia
Cơ quan an ninh y tế Anh (UKHSA) đã xác định trình tự gen của 426 trường hợp nhiễm BA.2 - một dòng phụ của biến chủng Omicron.
UKHSA cho biết, mặc dù còn chưa chắc chắn về tầm quan trọng của những thay đổi đối với bộ gen của vi rút, nhưng phân tích ban đầu cho thấy tốc độ phát triển tăng lên so với dòng Omicron ban đầu là BA.1. UKHSA cho biết 40 quốc gia đã báo cáo ca nhiễm BA.2, trong đó nhiều nhất ở Đan Mạch, tiếp theo là Ấn Độ, Anh, Thụy Điển và Singapore. Theo nhà dịch tễ học người Mỹ Eric Feigl Ding, các biến chủng mới vẫn tiếp tục xuất hiện, nhưng không đồng nghĩa với việc chúng sẽ trở nên nguy hiểm hơn. Mức độ nguy hiểm của biến chủng mới sẽ được xác định sau khi các nhà khoa học tiến hành tìm hiểu thêm về cách thức hoạt động của nó.
Ngày 21-1, Ủy ban tham vấn về Covid-19 của Bỉ (CODECO) đã thông qua việc áp dụng phong vũ biểu kể từ ngày 28-1 và có hiệu lực đến hết ngày 30-6.
Bất chấp việc Chính phủ liên tục hạ thấp mức độ nguy hiểm của biến chủng Omicron, các số liệu chính thức cho thấy số ca nhập viện vì Covid-19 tại Mexico đã tăng gấp 3 chỉ trong gần 1 tháng. Số ca nhiễm tăng lên nhanh chóng, nhưng đến nay vẫn chưa thể ước lượng bao giờ đợt dịch này sẽ đạt đỉnh, số ca nhiễm cao nhất và mức độ nghiêm trọng của dịch.
Trong khi đó, trước tình hình biến chủng Omicron lây lan ngày càng nhiều, Indonesia đã cho phép những người nhiễm Omicron tự cách ly tại nhà ít nhất từ 10 đến 13 ngày nếu đủ điều kiện y tế và vệ sinh. Chỉ trong vòng 3 tuần qua, số ca mắc mới Covid-19 tại Indonesia đã tăng lên gấp 5 lần từ hơn 1.120 ca lên tới 5.454 ca. Trong số này, có gần 900 ca nhiễm biến chủng Omicron. Để khống chế đại dịch, Chính phủ Indonesia đang thực hiện 4 chiến lược gồm giám sát, trong đó có việc tự cách ly; bảo đảm các giao thức y tế; tiêm chủng; điều trị.