*F0 điều trị tại nhà ở Hà Nội liên hệ đơn vị nào nếu không gọi được cho trạm y tế?
Đại diện một số Trung tâm Y tế, bệnh viện tầng 2, tầng 3 trên địa bàn Hà Nội đã đưa ra câu trả lời về vấn đề “F0 trở nặng có thể liên hệ tới đơn vị nào nếu không gọi được cho trạm tế hay Cấp cứu 115”.
Chị Nguyễn Ngọc Lan, 27 tuổi, trú tại một quận nội thành Hà Nội mắc Covid-19 do lây nhiễm từ một người bạn cùng phòng trọ. Từ khi có kết quả dương tính SARS-CoV-2 tới nay đã 3 ngày, tuy nhiên chị Lan cho biết vẫn chưa thể liên hệ với trạm y tế phường để khai báo, xin tư vấn.
“Hiện tại, tôi có sốt, ho, họng sưng, thi thoảng khó thở, hụt hơi, chóng mặt, nằm xuống càng chóng mặt hơn. Tôi còn bị đau đầu dữ dội, lưỡi hơi rát, miệng khô đắng”, chị chia sẻ. Do người bạn cùng phòng đã có sẵn một số thuốc điều trị nên chị Lan xin sử dụng cùng.
Điều chị lo lắng nhất là bản thân có tiền sử ung thư tuyến giáp thể nhú, men gan cao, không rõ có nguy cơ diễn tiến nặng khi mắc Covid-19 hay không.“Tôi rất lo vì bây giờ vẫn chưa khai báo được với trạm y tế, nếu chuyển nặng không biết có thể liên lạc theo kênh nào để nhờ hỗ trợ”, chị Lan tâm sự.
Băn khoăn của chị Lan cũng là lo lắng của rất nhiều bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại nhà ở Hà Nội. Những ngày gần đây khi số mắc tại Thủ đô tăng cao, việc liên lạc với y tế phường trở nên khó khăn hơn.
VietNamNet đã đặt câu hỏi “F0 trở nặng có thể liên hệ tới đơn vị nào nếu không gọi được cho trạm tế hay Trung tâm Cấp cứu 115” tới một số Trung tâm Y tế, bệnh viện tầng 2, tầng 3 trên địa bàn Hà Nội.
Theo đại diện Trung tâm Y tế quận Hà Đông, thông thường, người mắc Covid-19 khi khai báo với các trạm y tế sẽ được hướng dẫn khai báo trên phần mềm quản lý F0 điều trị tại nhà. F0 cập nhật thông tin sức khỏe trên phần mềm 2 ngày/lần để trạm y tế nắm được thông tin.
Ngay khi F0 có diễn tiến bất thường, cần cập nhật vào phần mềm, nhân viên y tế sẽ nắm bắt được và phát “báo động đỏ” để liên hệ chuyển viện. “Nếu đã khai báo rồi nhưng chưa thấy lực lượng y tế liên hệ ngay tức thì, bệnh nhân có thể kiên nhẫn chờ đợi một chút, vì nếu thấy báo động đỏ trên phần mềm, chắc chắn nhân viên y tế sẽ liên hệ lại xác nhận sớm nhất”, vị đại diện cho biết.
Trường hợp F0 chưa khai báo với trạm y tế, nếu không may trở nặng nhưng vẫn không thể liên hệ y tế địa phương, bệnh nhân có thể tới thẳng các bệnh viện trên địa bàn để cấp cứu. Ví dụ, tại quận Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông tiếp nhận điều trị cả F0 thuộc tầng 2 và tầng 3.
Tại quận Nam Từ Liêm, theo đại diện Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận, địa phương đã thành lập một trạm cấp cứu gồm 3 tổ cấp cứu và 3 xe cứu thương (tổng số 22 người) luôn thường trực 24/24 để tiếp nhận tất cả thông tin cấp cứu của F0 nặng trên địa bàn.
Tổ cấp cứu vừa có nhiệm vụ cấp cứu tại chỗ, vừa vận chuyển người bệnh lên tuyến trên. Trường hợp tuyến trên quá tải, chưa thể sắp xếp giường bệnh, F0 nặng sẽ được theo dõi, chăm sóc tại trạm y tế lưu động thuộc địa bàn phường Tây Mỗ. Như vậy, việc tổ chức cấp cứu bệnh nhân do quận chủ động thực hiện, không phụ thuộc vào Cấp cứu 115.
Chia sẻ về thực trạng F0 tăng nhanh trong giai đoạn này, người dân rất khó khăn để liên hệ được với đường dây nóng của các trạm y tế hay số điện thoại cá nhân của lãnh đạo, nhân viên trạm, đại diện Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận Nam Từ Liêm cho biết đã có phương án phân cấp rõ ràng, giúp người dân tiếp cận được với lực lượng y tế.
Theo đó, mỗi nhân viên trạm y tế sẽ phụ trách 1 tổ dân phố. Tại mỗi tổ dân phố lại có một tổ Chăm sóc người nhiễm tại nhà gồm 5-7 người, mỗi người phụ trách một cụm dân cư và sẽ kết nối với F0 thuộc khu vực của mình.
“Như vậy, khi phát hiện nhiễm Covid-19, người dân cần báo ngay cho thành viên tổ Chăm sóc người nhiễm tại nhà phụ trách cụm dân cư của mình, hàng ngày trao đổi thông tin với họ. Nếu F0 nào diễn tiến bất thường, người phụ trách sẽ nắm được ngay và báo cho nhân viên trạm y tế phụ trách. Nhân viên này có nhiệm vụ đánh giá bước đầu để thông tin tới tới trạm y tế, trạm cấp cứu, từ đó xử trí kịp thời”, vị đại diện cho hay.
Đại diện Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận Nam Từ Liêm nhấn mạnh, phân chia công việc theo hệ thống như trên sẽ giúp thông tin của F0 tới được với lực lượng y tế sớm nhất trước thực tế số F0 tăng nhanh như hiện nay. Bởi nếu mọi F0 đều liên hệ với đường dây nóng của trạm y tế, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng quá tải, tắc nghẽn.
“Tại quận chúng tôi, phường nào cũng có các tổ Chăm sóc người nhiễm như vậy để người dân có thể liên hệ. Hệ thống trạm y tế cố định, trạm y tế lưu động và trạm cấp cứu đều được kết nối liên thông với nhau, đảm bảo xử lý nhanh nhất khi có trường hợp cần hỗ trợ”, vị đại diện thông tin.
Tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa - đơn vị tiếp nhận điều trị F0 cả ở tầng 2, tầng 3 và tầng 1 (cơ sở thu dung Đền Lừ do BV quản lý), theo lãnh đạo bệnh viện, việc đầu tiên F0 cần làm ngay khi phát hiện dương tính là khai báo ngay cho y tế xã phường để được quản lý, phân tuyến. Đa số F0 sẽ diễn tiến từ không triệu chứng tới nhẹ, có thể điều trị nhà, do y tế cơ sở chịu trách nhiệm theo dõi, chăm sóc cũng như cấp thuốc.
Trường hợp “có cần thiết phải đi viện hay không, tới bệnh viện thuộc tầng mấy” cũng do y tế cơ sở phân loại, quyết định dựa vào điều kiện cách ly, tiền sử bệnh nền, triệu chứng lâm sàng.
“Trong những trường hợp liên hệ y tế cơ sở không được do quá tải, quá đông thì người dân có thể đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu. Tất cả các bệnh viện đều tham gia công tác phòng chống dịch. Ngay cả bệnh viện tuyến quận huyện cũng có các khu thu dung điều trị bệnh nhân ở mức độ vừa, ngoài ra còn có những bệnh viện tầng 3 chuyên tiếp nhận bệnh nhân nặng”, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho biết.
Tuy nhiên, vị này cũng đưa ra lưu ý, chỉ nên tới thẳng các bệnh viện trong trường hợp liên hệ y tế xã phường không được. Nếu có thể, người bệnh nên cố gắng liên hệ từ y tế cơ sở để được phân loại đúng với tầng điều trị của mình.
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn - cơ sở y tế tầng 3 chuyên tiếp nhận F0 nặng, trao đổi với VietNamNet, lãnh đạo bệnh viện nhấn mạnh, F0 vẫn nên qua sự sàng lọc của tuyến dưới (tổ Covid-19 cộng đồng, các trạm y tế, các bệnh viện tầng dưới) trước khi tới cơ sở y tế tuyến cao nhất.
“Nhiều trường hợp nói là nặng, xin nhập viện nhưng khi bác sĩ thăm khám thì vẫn ở mức độ nhẹ, bình thường, như vậy chúng tôi không thể nhận được vì phải để giường điều trị F0 nặng. Người dân tốt nhất nên liên hệ qua y tế tuyến cơ sở, để nhân viên y tế đánh giá chính xác tình trạng bệnh. Nếu nặng, y tế tuyến dưới sẽ chuyển ngay lên tầng 3, chúng tôi sẽ tiếp nhận và điều trị tích cực. Nếu chưa nặng, họ sẽ phân loại tới các cơ sở y tế phù hợp”, vị này thông tin.
Lãnh đạo Bệnh viện Thanh Nhàn cho rằng, việc F0 “ồ ạt” tới cơ sở y tế tầng 3 mà không qua phân tuyến sẽ khiến nhân viên y tế không thể chủ động trong công tác phòng hộ cũng như cấp cứu, gây quá tải. Bởi vậy, theo vị này, các tổ Covid-19 tại mỗi địa phương cần hoạt động tích cực hơn để kết nối chặt chẽ với người dân, nếu thiếu nên huy động, thành lập, kêu gọi lực lượng tình nguyện viên tham gia hỗ trợ.
(Báo Vietnamnet)
*Sau cấp phép 3 thuốc Molnupiravir nội, Bộ Y tế đề nghị tăng cường kiểm tra
Bộ Y tế đề nghị kiểm tra hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm thuốc trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán thuốc điều trị Covid-19 bất hợp lý trong đó có Molnupiravir.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên vừa ký công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường các biện pháp quản lý đối với việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị Covid-19.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhu cầu sử dụng thuốc điều trị tăng cao. Mới đây, Bộ Y tế đã cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cho 3 thuốc kháng virus có dược chất Molnupiravir điều trị Covid-19.
Để tránh việc mua, bán thuốc điều trị Covid-19 không có nguồn gốc xuất xứ, không đúng quy định về bán thuốc theo đơn, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý nhằm trục lợi, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các đơn vị những biện pháp quản lý đối với việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị Covid-19.
Bộ đề nghị các tỉnh/thành chỉ đạo Sở Y tế chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến cho các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược và người dân về việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị Covid-19 đúng quy định.
Ngoài việc tăng cường tập huấn cho các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược trên địa bản các quy định về kê đơn, bán thuốc theo quy định, Bộ Y tế đề nghị chỉ đạo hệ thống kiểm nghiệm tăng cường lấy mẫu để giám sát chất lượng thuốc, phát hiện thuốc không đạt chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ và xử lý nghiêm theo quy định; báo cáo kết quả về Bộ Y tế.
Bộ Y tế đề nghị các tỉnh/thành chỉ đạo các cơ quan chức năng, quản lý thị trường tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và ngăn chặn các hoạt động mua, bán thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc giả, thuốc nhập lậu; mua bán thuốc không đúng quy định về bán thuốc.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán thuốc đúng giá niêm yết; kiểm tra hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm thuốc trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán thuốc điều trị Covid-19 bất hợp lý.
"Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì kịp thời lập hồ sơ chuyển sang cơ quan công an để xử lý theo quy định" - công văn của Bộ Y tế nêu rõ.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ sở tham gia chuỗi cung ứng thuốc điều trị Covid-19 có trách nhiệm hướng dẫn đầy đủ cho người dân về sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn.
Tuân thủ đầy đủ các quy định về mua, bán thuốc điều trị Covid-19 và bán theo đúng giá thuốc đã niêm yết, kê khai; thực hiện đầy đủ các yêu cầu thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP), thực hành tốt phân phối thuốc (GDP), thực hành tốt bán lẻ thuốc (GPP) theo đúng quy định của Bộ Y tế và các quy định khác trong kinh doanh dược...
Trước đó, ngày 17-2, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã cấp phép lưu hành có điều kiện cho thuốc điều trị Covid-19 cho 3 loại thuốc sản xuất trong nước chứa hoạt chất Molnupiravir gồm: thuốc Molravir 400 của Công ty CP Dược phẩm Boston Việt Nam; thuốc Movinavir (Molnupiravir 200 mg) của Công ty Cổ phần hóa - dược phẩm Mekophar và thuốc Molnupiravir Stella 400mg (Molnupiravir 400 mg) của Công ty TNHH liên doanh Stellapharm chi nhánh 1.
Giá thuốc bán lẻ trên thị trường của 3 loại thuốc kháng virus trên có giá từ 8.675 đồng đến 12.500 đồng/viên.
(Báo Người lao động)
*Hà Nội huy động bệnh viện tư, bác sĩ nghỉ hưu tham gia chống dịch
Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa ban hành thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh tại phiên họp giao ban ngày 27-2.
Về nhiệm vụ thời gian tới, để triển khai hiệu quả chủ trương, chỉ đạo của trung ương, các kết luận, chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP; Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thủ đô đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo đã ban hành.
Theo đó, yêu cầu Sở Y tế TP chủ trì phối hợp với các quận, huyện, thị xã, các bệnh viện trung ương đóng trên địa bàn thống nhất triển khai để bảo đảm dành 50% số giường điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 trên địa bàn trong tình huống số ca nhiễm tiếp tục tăng cao.
"Các quận, huyện, thị xã phát huy mạnh mẽ phương châm "4 tại chỗ", tăng cường vai trò người đứng đầu chính quyền các cấp, huy động thêm các đoàn thể chính trị - xã hội tại cơ sở, lực lượng thanh niên, phụ nữ... để kịp thời bổ sung thành phần các tổ COVID-19 cộng đồng, tổ hỗ trợ quản lý và điều trị F0 tại nhà, là cánh tay nối dài của chính quyền cơ sở và phù hợp với tình hình của địa phương", thông báo Văn phòng UBND TP Hà Nội ghi rõ.
Tổ chức phân công các lực lượng phối hợp nhịp nhàng, hỗ trợ thêm để giảm bớt áp lực cho lực lượng y tế cơ sở; tập trung vào công tác chuyên môn, quản lý, tư vấn, điều trị những người nguy cơ cao, phụ nữ có thai và trẻ em chưa được tiêm vắc xin.
Riêng những địa bàn có mật độ dân cư đông, Văn phòng UBND TP Hà Nội yêu cầu cần đánh giá ngay khả năng đáp ứng tư vấn, chăm sóc người nhiễm COVID-19 của mỗi cán bộ, nhân viên y tế.
Có biện pháp huy động thêm lực lượng tình nguyện, bác sĩ đã nghỉ hưu, các cơ sở y tế ngoài công lập cùng tham gia, bảo đảm người dân được đáp ứng y tế sớm nhất, kịp thời chuyển tầng và hạn chế tối đa các ca chuyển nặng.
"Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP giao giám đốc Sở Y tế chủ trì phối hợp với Sở Thông tin - truyền thông và các đơn vị liên quan thành lập tổ công tác liên ngành của Ban chỉ đạo TP là đầu mối thường xuyên nắm bắt thông tin, khó khăn, vướng mắc của các địa phương đến cấp cơ sở", thông báo nêu rõ.
Về việc cho học sinh các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5 và 6 thuộc 18 huyện, thị xã chuyển học trực tiếp sang học trực tuyến, UBND TP giao Sở Giáo dục và đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Y tế khẩn trương cập nhật chỉ đạo của Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Y tế hướng dẫn triển khai công tác phòng, chống dịch.