Người tài xế ngành y và những chuyến xe đặc biệt
Giữa những con phố của Hà Nội, có một chuyến xe vô cùng đặc biệt, người tài xế trên chuyến xe này chuyên chở những nỗi lòng, sự mong ước, niềm tin, đôi khi cũng là những giọt nước mắt chia xa. Dù ngày mưa hay ngày nắng, chuyến xe cứu thương của Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội vẫn nháy đèn, phi nhanh tới nơi những người dân đang mong đợi…
(Báo Nhân dân)
Loạn giá kit test Covid-19, Bộ Y tế nói gì?
Trước nhu cầu sử dụng của người dân và nguồn lợi khổng lồ, nhiều cá nhân, cửa hàng đã rao bán các sản phẩm bộ kit test nhanh Covid-19 với các mức giá khác nhau. Giá cả của sản phẩm kit test, máy đo SpO2 tăng chóng mặt, nhiều nơi cháy hàng.
Tại Hà Nội, số ca nhiễm Covid-19 liên tục tăng cao, riêng ngày 22/2 lên đến gần 7.000 ca nhiễm mới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, số ca nhiễm trong cộng đồng có thể cao hơn rất nhiều. Nhiều người dân mua kit test nhanh để tự test tại nhà thay vì đến cơ sở y tế như trước đây.
Tại các cửa hàng, hiệu thuốc, lượng người đến mua các vật dụng phòng chống Covid-19 nượp nượp, một số mặt hàng khan hiếm. Trên sàn thương mại điện tử và trang mạng xã hội rất nhiều các loại kit test nhanh được rao bán với các mức giá và nguồn gốc khác nhau khiến người tiêu dùng hoang mang. Người dân không thể phân biệt loại nào đã được cấp phép, loại nào chưa, lo ngại mua phải hàng trôi nổi, kém chất lượng.
Trước tình trạng loạn giá lit test cũng như các vật tư phòng chống Covid-19 khác, trao đổi với báo chí, ông Vũ Minh Lợi - Vụ trưởng Vụ Trang Thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã nắm được sự việc một số nơi tăng giá vật tư y tế. Vụ đang báo cáo lãnh đạo Bộ đồng thời làm việc với các bộ, ngành để đảm bảo khả năng cung ứng vật tư y tế. Vụ Trang Thiết bị và Công trình y tế sẽ thông tin cụ thể sau.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế đã có các văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương mua sắm sinh phẩm xét nghiệm theo đúng quy định hiện hành và xử lý vi phạm nghiêm các hành vi lợi dụng đấu thầu, mua sắm để tham nhũng, hưởng lợi. Đối với quản lý giá các loại sinh phẩm xét nghiệm, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị công khai giá trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.
Bộ Y tế đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm tăng nguồn cung test xét nghiệm. Theo đó, Bộ Y tế chủ động liên hệ hoặc thông qua kênh ngoại giao để họp, trao đổi, đàm phán trực tuyến với các nhà sản xuất test kit có uy tín trên thế giới để có thể mua lại test xét nghiệm với số lượng lớn và giá thấp nhất có thể.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị sản xuất, phân phối, nhập khẩu và kinh doanh test xét nghiệm thực hiện công khai giá, cập nhật giá để các đơn vị và người dân dễ dàng tra cứu.
Bộ Y tế đã thực hiện tăng cường công tác hậu kiểm, kiểm tra, thanh tra để phát hiện các trường hợp vi phạm, trục lợi ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch bệnh.
Theo danh sách cập nhật của Vụ Trang thiết bị & Công trình y tế, tính đến ngày 11/2/2022, cả nước có 30 loại test nhanh kháng thể và 83 loại test nhanh kháng nguyên đã được Bộ Y tế cấp phép. Đối với test nhanh kháng nguyên, trong nước có 03 sản phẩm hàng Việt Nam và 80 loại nhập khẩu từ nước ngoài (trong đó có 69 test nhanh, 11 test chạy máy miễn dịch).
Độ chính xác của test nhanh phụ thuộc vào kỹ thuật lấy mẫu và cách thực hiện, tất nhiên là cũng có sai số nhất định so với thể trạng của từng người. Vì thế, người thực hiện cần thực hiện kỹ theo hướng dẫn.
Bộ Y tế vừa có công văn đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường phối hợp, liên thông cung cấp thông tin về giá nhập khẩu trang thiết bị y tế, trong đó có giá nhập khẩu test xét nghiệm nhanh và xét nghiệm kháng nguyên chẩn đoán SARS-CoV-2. Đồng thời, chủ trì phối hợp với Bộ Y tế sớm nghiên cứu, xem xét trình Chính phủ đưa mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm kit test xét nghiệm) vào diện bình ổn giá trong thời kỳ phòng, chống dịch Covid-19 và ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm Covid-19 đối với cơ sở y tế tư nhân.
(Báo Kinh tế & đô thị)
Cẩn trọng khi mua thuốc chữa Covid-19
Khi số ca F0 được ghi nhận ngày càng tăng thì thị trường thuốc, trang thiết bị y tế cũng trở nên nhộn nhịp, sôi động thêm.
Mọi người lo lắng mình có thể trở thành F0 nên đã nhanh tay tìm mua các loại thuốc được quảng cáo, bán trôi nổi trên mạng. Điều này vô cùng nguy hiểm, vừa lãng phí, vừa có thể để lại hậu quả khôn lường.
Không mua, dùng thuốc tùy tiện
Từ những kinh nghiệm truyền tai nhau trên mạng xã hội, rất nhiều người nhiễm Covid-19 hay người có nguy cơ nhiễm Covid-19 đã nhanh tay tìm mua các sản phẩm được quảng cáo có công dụng "điều trị, dự phòng" SARS-CoV2. Mặc dù chưa được cấp phép tại Việt Nam, có nhiều sản phẩm quảng cáo dưới mác "hàng xách tay" nhanh chóng chiếm được lòng tin của khách hàng bởi "thấy bảo bên nước ngoài họ dùng tốt lắm".
Chị D, 50 tuổi, ở Hà Nội chia sẻ, nhà có F0 nên chị nhanh tay mua được 1 hộp thuốc đỏ Abidol của Nga với giá 200.000 đồng/hộp để uống dự phòng. Theo hướng dẫn của nhà cung cấp, 1 hộp thuốc Abidol có 10 viên. Ai là F1 thì uống 1 viên/ngày. "Mấy ngày gần đây, số ca nhiễm tăng nhanh, khi tôi hỏi mua thêm thì đã tăng lên 500.000 đồng/hộp" - chị D. cho biết.
Trường hợp khác là chị T, 45 tuổi vốn có bệnh về đường hô hấp nên rất lo lắng mình bị nhiễm sẽ nặng, dù đã tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19. Vì thế, chị T, đã dự phòng 10 hộp Abidol màu xanh trong nhà. Khi nghe tin đồng nghiệp là F0 chị T, đã vội vàng uống ngay "liều dự phòng" như lời quảng cáo sản phẩm trên mạng.
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đây là những sản phẩm xách tay, không rõ nguồn gốc. Vì vậy, người dân không nên tự ý sử dụng. Việc này vừa gây lãng phí tiền bạc, vừa tiếp tay cho các nhóm buôn lậu thuốc.
Còn theo dược sĩ Hà Quang Tuyến - Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, "thuốc xanh, thuốc đỏ" hay Arbidol (Umifenovir) là thuốc kháng virus phổ rộng được cấp phép sử dụng để dự phòng và điều trị cúm mùa tại Trung Quốc và Nga từ năm 2006. Thử nghiệm tiền lâm sàng cho thấy thuốc Arbidol có hoạt tính kháng virus đối với một số virus đường hô hấp ở người như virus cúm A, B, C, adenovirus, rhinovirus…
Tại Trung Quốc, Umifenovir cũng được thử nghiệm trên bệnh nhân Covid-19 ngay giai đoạn đầu bùng phát dịch, tuy nhiên kết quả về hiệu quả không đồng nhất giữa các nghiên cứu. Một nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt về hiệu quả giữa việc dùng Arbidol và không dùng Arbidol ở bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, sử dụng Arbidol có nguy cơ cao gặp tác dụng phụ hơn như rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, nôn.
Các chuyên gia khuyến cáo, mỗi thuốc kháng virus có chỉ định trên một số đối tượng bệnh nhân Covid-19 nhất định. Vì thế, việc dùng các thuốc kháng virus này cần đúng chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, các thuốc trị Covid-19 này có khá nhiều chống chỉ định, đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ, trong quá trình sử dụng cần giám sát cẩn thận tác dụng phụ để tránh xảy ra rủi ro. Hiện nay, thuốc Arbidol và Areplivir đều chưa được cấp phép lưu hành và nhập khẩu chính thức tại Việt Nam.
Chảy máu tiêu hóa do dùng Corticoid
Cùng với việc săn lùng các loại thuốc ngoại theo lời truyền miệng, người dân cũng có thói quen chữa bệnh theo kinh nghiệm của người từng mắc hơn là theo chỉ dẫn của bác sĩ. Đối với Covid-19, đây là bệnh mới nên người bệnh càng lo lắng, khi vào mạng xã hội để tham khảo thông tin đã tuỳ tiện áp dụng mà không có sự chắt lọc một cách tỉnh táo. Có những thông tin tư vấn theo kinh nghiệm nhưng cũng có người thông qua tư vấn để bán hàng. Điều này đã dẫn đến tình trạng sử dụng thuốc bừa bãi và gặp phải hậu quả đáng tiếc.
Điển hình là trường hợp mà bác sĩ Nhật Minh Thắng, chuyên khoa Tiêu hóa - thành viên nhóm Bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc và điều trị F0 tại nhà chứng kiến. Bác sĩ Nhật Minh Thắng chia sẻ: "Mấy ngày gần đây, khi thăm khám cho bệnh nhân đã phát hiện F0 bị chảy máu tiêu hóa do tự ý dùng Corticoid (loại Medrol 16mg) để điều trị Covid-19".
Còn theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, dù các bác sĩ liên tục cảnh báo nhưng tình trạng lạm dụng Corticoid (Medrol) vẫn xảy ra rất nhiều. "Người già, trẻ con cứ ho sốt, sợ ăn xuống phổi, là các dược sĩ bán thuốc, "lang vườn" kê cho người bệnh Medrol. Tác dụng đúng là có đỡ sốt, đỡ ho, đỡ sưng nề nhưng hậu quả thì vô cùng. Cụ thể, Medrol làm ức chế hệ miễn dịch, tiếp tay cho virus nhân lên, dễ bội nhiễm vi khuẩn, làm bùng phát tiểu đường, huyết áp và nhiều tác dụng phụ nguy hiểm khác" - bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng cho biết.
(Báo Kinh tế & đô thị)
F0 tăng nhanh, cấp độ dịch COVID-19 mới nhất của các tỉnh, thành thế nào?
Cập nhật đánh giá cấp độ dịch COVID-19 mới nhất của Bộ Y tế, cả nước hiện đã có 45 tỉnh, thành 'vùng xanh'; 18 tỉnh, thành là 'vùng vàng'; số xã, phường thuộc 'vùng đỏ' là 244...
Cập nhật đánh giá cấp độ dịch tại địa phương theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ trên Cổng thông tin Bộ Y tế đến tối ngày 22/2 cho thấy, số tỉnh, thành 'vùng xanh' - cấp độ 1 về dịch COVID-19 là 45 địa phương; 18 tỉnh, thành còn lại là 'vùng vàng'- cấp độ 2 về dịch COVID-19. Hiện cả nước không còn tỉnh, thành nào là 'vùng cam' và 'vùng đỏ'.
So với cập nhật cấp độ dịch ngày 9/2, ở thời điểm đó cả nước có 48 tỉnh, thành thuộc 'vùng xanh'; 15 còn lại tỉnh, thành thuộc 'vùng vàng'; thì đến ngày 22/2, số tỉnh, thành 'vùng xanh' đã giảm 3 địa phương, tỉnh, thành 'vùng vàng' sẽ tăng thêm 3 địa phương.
Về tỷ lệ đánh giá cấp độ dịch, cả nước hiện cơ bản là 'vùng xanh' với 6.597 xã, phường là 'vùng xanh', chiếm 62,2% (cập nhật ngày 9/2, cả nước có 8.106 chiếm 76,4%); Có 2.668 xã, phường thuộc 'vùng vàng', chiếm 25,2% (tăng thêm 531 xã, phường so với ngày 9/2); Có 1.076 xã, phường là 'vùng cam', chiếm 10,1% (tăng 745 xã, phường so với ngày 13/2). Đến nay, cả nước có 244 xã, phường thuộc vùng đỏ, chiếm 3,3% (tăng thêm 210 xã, phường so với đánh giá ngày 9/2).
Danh sách 45 tỉnh, thành thuộc 'vùng xanh' - cấp độ 1 về dịch COVID-19
Phía Bắc có 19 tỉnh, thành gồm: Bắc Kạn, Bắc Ninh, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Lạng Sơn, Lào Cai, Lai Châu, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang.
Miền Trung và Tây Nguyên có 10 tỉnh gồm: Bình Định, Bình Thuận, Khánh Hòa, Nghệ An, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai
Phía Nam có 16 tỉnh, thành gồm: An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Cà Mau, TP Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, TP HCM, Trà Vinh.
18 tỉnh, thành thuộc 'vùng vàng'- cấp độ 2 về dịch COVID-19
Bình Phước, Bắc Giang, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Hưng Yên, TP Hải Phòng, Hậu Giang, Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Trị, Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, Yên Bái, TP Đà Nẵng, Đắk Lắk và Đắk Nông.
Theo quy định, 'vùng xanh' sẽ được nới lỏng nhiều dịch vụ; 'vùng cam' phải hạn chế một số.
Bộ Y tế cho biết, đến nay dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Tuy vậy, số mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong 02 tuần qua.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP và Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022; linh hoạt tăng cấp độ phòng, chống dịch (từ cấp độ 3 lên cấp độ 4) ở một số khu vực có diễn biến dịch phức tạp để nhanh chóng kiểm soát tình hình, ngăn chặn hiệu quả lây nhiễm.
Thực hiện hiệu quả nguyên tắc: 5K+ vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân.
Theo hướng dẫn tạm thời mới nhất của Bộ Y tế về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết 128, các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch COVID-19 gồm:
Tiêu chí 1: Tỷ lệ ca mắc mới trên địa bàn/số dân/thời gian. Tiêu chí 2: Độ bao phủ vaccine. Tiêu chí 3: Đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.
Về cách xác định các tiêu chí, Bộ Y tế cho biết theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có 2 nhóm để xác định cấp độ dịch gồm có: Nhóm chỉ số về mức độ lây nhiễm và Nhóm chỉ số về khả năng đáp ứng.