Đồng hành cùng trẻ tự kỷ: Cha mẹ đóng vai trò then chốt
Nhiều trường hợp, khi bác sĩ chẩn đoán trẻ bị tự kỷ, cha mẹ trẻ vẫn không tin đó là sự thật; việc không thừa nhận hay sự xao nhãng của cha mẹ trong điều trị khiến hiệu quả điều trị không cao.
Hành trình gian nan
Suốt 5 năm qua, chị N.T.L (ở Ba Đình, Hà Nội) đã cùng con trải qua một một cuộc chiến đấu đầy gian nan và nước mắt với chứng tự kỷ. Con trai chị sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng đến khi bé 3 tuổi, đi nhà trẻ, thấy bé không nói được như trẻ bình thường, đưa con đi khám, cha mẹ mới phát hiện ra con mắc bệnh tự kỷ.
“Khi nghe bác sĩ nói con có những biểu hiện của trẻ tự kỷ, tôi như sụp đổ vì không nghĩ điều đó lại xảy ra với con mình, nghĩ đến tương lai của con phía trước tôi lo thắt ruột. Nhưng những lời động viên, đưa ra phương hướng điều trị của bác sĩ đã kéo tôi ra khỏi sự tuyệt vọng, tôi tự nhủ phải cố gắng tuân thủ để con được điều trị tốt nhất”, chị N.T.L cho biết.
Cũng phát hiện con bị tự kỷ từ khi trẻ 2 tuổi, chị T.T.H (ở Nam Định) cũng đã phải cùng con nỗ lực từng ngày. Ngay khi sinh được vài tháng, chị H. để ý thấy con rất sợ những âm thanh bình thường như: Tiếng máy sấy tóc, tiếng máy xay sinh tố… mỗi lần nghe bé thường có biểu hiện khóc thét. Đến tuổi biết đi, bé thường xuyên đi kiễng chân, luôn né tránh nhìn vào mắt người khác, hay cáu giận; hơn hai tuổi bé vẫn chưa biết nói…
“Rất may khi tôi đưa con khám kịp thời, nên tận dụng được “thời gian vàng” trong điều trị tự kỷ, nếu không phát hiện ra mà cứ để con ở nhà thì sẽ mất đi cơ hội cho trẻ được điều trị tốt nhất. Theo lời khuyên của bác sĩ, từ chỗ tôi không biết gì về chứng tự kỷ, đã bắt đầu phải học các kỹ năng, phương pháp chăm sóc và trị liệu cho con. Đó là quá trình cực kỳ gian nan, nhiều khi tưởng như muốn bỏ cuộc. Nhưng rất may, nhìn con tiến bộ từng ngày, tôi lại thêm cố gắng. Giờ đây cháu đã nói được cả câu, đi học ngoan hơn rất nhiều, biết chơi với bạn”, chị H. tâm sự.
Với những đứa trẻ bình thường, khi đến tuổi, trẻ bi bô tập nói và nói được từ đơn là chuyện hết sức tự nhiên; nhưng với trẻ tự kỷ là điều vô cùng khó khăn, cần sự nỗ lực rất lớn, sự đồng hành của cha mẹ.
BS. Thành Ngọc Minh, Trưởng khoa Tâm thần (Bệnh viện Nhi trung ương) chia sẻ: “Không ít phụ huynh, khi bác sĩ chẩn đoán con bị tự kỷ, họ vẫn không tin đó là sự thật. Cũng có những trường hợp, cha mẹ đã đưa con đến điều trị nhưng khi về nhà không có thời gian đồng hành cùng con, xao nhãng với con khiến kết quả điều trị không cao; thậm chí, có cha mẹ bỏ cuộc, đến khi trẻ thấy có hành vi bất thường lại quay lại điều trị thì rất khó".
"Có những cha mẹ phát hiện trẻ mắc bệnh sớm nhưng không tìm được nguồn hướng dẫn điều trị, để đến khi trẻ lớn hơn đã bị rơi vào trạng thái tăng động, gào thét, đập đầu vào tường... Hoặc rất nhiều phụ huynh tưởng con ổn rồi nhưng đến tuổi dậy thì con lại nặng thêm hoặc thụt lùi. Vì vậy kiến thức và sự đồng hành của cha mẹ trong điều trị cho trẻ tự kỷ là vô cùng quan trọng”, BS. Thành Ngọc Minh cho biết thêm.
Cần sự đồng hành, kiên trì của cha mẹ
Theo BS. Thành Ngọc Minh, hiện chưa có một nghiên cứu khoa học nào chỉ ra chính xác nguyên nhân mắc tự kỷ, tất cả mới ở dạng giả thuyết hoặc nhóm nguyên nhân; tự kỷ có thể do đa nguyên nhân như: Yếu tố gen, gia đình, môi trường sống... Đây là một tình trạng khiếm khuyết phức tạp về các khả năng phát triển của não bộ, tiến triển trong ba năm đầu đời của trẻ. Chứng tự kỷ làm cho trẻ mất khả năng giao tiếp, nhất là về phương diện ngôn ngữ và có thể gây tổn thương cho chính bản thân vì các hành động tự gây hại và quậy phá.
Tự kỷ là một rối loạn phát triển kéo dài suốt đời ảnh hưởng đến cách giao tiếp và quan hệ của một người đối với người xung quanh. Trẻ tự kỷ bị tổn thuơng trong tương tác xã hội, giao tiếp xã hội và tưởng tượng. Trẻ cũng có hành vi lặp đi lặp lại và nhạy cảm giác quan. Những trẻ này có khuynh hướng có khó khăn trong học tập và nhiều trẻ bị khiếm khuyết về trí tuệ.
BS. Thành Ngọc Minh cho rằng: “Cơ hội vàng” của trẻ mắc chứng tự kỷ là phát hiện sớm và trị liệu vào giai đoạn trẻ 24 tháng tuổi. Đây là thời điểm chẩn đoán rõ nhất, vì vậy trẻ từ 24 đến 36 tháng luôn được ưu tiên điều trị vì nếu để muộn hơn, việc can thiệp sẽ rất khó. Hiện nhận thức về chứng tự kỷ đã phổ biến trong cộng đồng, nếu trước đây rất nhiều trường hợp đến viện muộn khi đã có biểu hiện nặng thì gần đây, nhiều cha mẹ đã sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường của con, đưa trẻ đi khám từ khi mới 17-18 tháng tuổi.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, khi cha mẹ phát hiện trẻ có các biểu hiện như: Chậm nói, giao tiếp không nhìn vào mắt người đối diện, chơi một mình, lặp đi lặp lại một hành vi… cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đặc biệt, trẻ tự kỷ cần được can thiệp càng sớm càng tốt; nhất là trong giai đoạn “vàng”. Để can thiệp hiệu quả, cần có sự tham gia của cha mẹ và các nhà chuyên môn như bác sĩ, nhà tâm lý, các nhà giáo dục đặc biệt. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn đóng vai trò then chốt. Sự hiểu biết về các rối loạn phát triển của trẻ tự kỷ sẽ giúp cha mẹ tham gia vào quá trình điều trị tốt hơn và đưa ra các quyết định đúng đắn cho con mình.
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, để nâng cao chất lượng điều trị cho trẻ tự kỷ, cần xây dựng một chương trình giáo dục, can thiệp dựa vào gia đình, bằng các lớp đào tạo cho cha mẹ và giúp họ trở thành giáo viên cho chính con mình. Đây là cách tiếp cận tốt nhất trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi ít kinh phí nhất nhưng có thể giúp cho nhiều trẻ em ở nông thôn, miền núi, các gia đình có thu nhập thấp tiếp cận được các phương pháp can thiệp hiện đại.
(baotintuc.vn)
Hà Nội qua đỉnh Covid-19 hơn 10 ngày, chống dịch sẽ thay đổi thế nào?
Theo chuyên gia, nếu không xuất hiện các biến chủng mới từ nước ngoài xâm nhập, Omicron vẫn là chủng SARS-CoV-2 lưu hành chính tại Hà Nội thì số mắc và số ca nặng sẽ tiếp tục giảm dần về mức thấp.
Từ đầu đợt dịch thứ tư (từ ngày 29/4) tới hết ngày 1/4, địa bàn Hà Nội đã ghi nhận hơn 1,48 triệu ca Covid-19, dẫn đầu cả nước, vượt xa địa phương xếp thứ hai là TP.HCM (trên 595.000 ca). Giai đoạn “đỉnh điểm” nhất của dịch bệnh tại Thủ đô rơi vào khoảng nửa cuối tháng 2, đầu tháng 3 khi nhiều ngày liên tiếp ghi nhận trên dưới 30.000 ca Covid-19.
Tuy nhiên thời gian trở lại đây, số nhiễm mới tại Hà Nội liên tục đi xuống. Tại bản tin ngày 1/4, Hà Nội chỉ ghi nhận 7.734 F0 mới, với 2.076 ca cộng đồng và 5.658 ca đã cách ly. Đem so với giai đoạn “cao điểm” trước đó thì số nhiễm trong ngày đã giảm gần 4 lần.
Trao đổi với VietNamNet, một lãnh đạo ngành y tế Hà Nội cho biết, đỉnh dịch Hà Nội đã đi qua hơn 10 ngày. Hiện số lượng ca nhiễm mới giảm rất nhiều so với giai đoạn trước, những ngày gần đây chỉ dưới 10.000. Về tình hình tiêm chủng, tỷ lệ tiêm phủ vắc xin của Hà Nội đang ở mức cao so với cả nước: tỷ lệ tiêm đủ mũi cơ bản là khoảng 99,6 - 99,7%, các liều tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại cũng đạt tỷ lệ rất cao. Đặc biệt, có 88% người thuộc nhóm đối tượng nguy cơ đã tiêm mũi 3 vắc xin.
Theo vị đại diện, trong tình hình mới, một trong những vấn đề rất quan trọng là tiếp tục rà soát, đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin Covid-19. “Cần tiếp tục tuyên truyền, rà soát tới cả những người di cư, di dân từ vùng khác về Hà Nội hoặc những bệnh nhân bị liệt, nằm ở nhà mà chưa tiêm thì phải tiêm vét cho họ. Tiêm đủ mũi cơ bản nếu chưa tiêm và tiêm mũi bổ sung, tăng cường nếu đã hoàn thành mũi cơ bản”, vị này nói.
Về vấn đề xét nghiệm, hiện chủ yếu chỉ khuyến cáo xét nghiệm với những người trong nhóm nguy cơ và có triệu chứng thay vì xét nghiệm tràn lan. Những người thuộc nhóm nguy cơ gồm: người trên 65 tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ có thai, người bị suy giảm miễn dịch, người mắc các bệnh nặng mạn tính giai đoạn cuối, người có bệnh gây suy giảm miễn dịch,…
Vị lãnh đạo cũng cho hay đến thời điểm này, có một số vấn đề trong phòng chống dịch đã không còn phù hợp như lấy mã số ca bệnh hàng ngày hay đánh giá cấp độ dịch.
Cụ thể, với vấn đề đánh giá cấp độ dịch, nếu theo quan điểm trước đây, khuyến khích đánh giá xuống từng xã phường thì rất nhiều nơi sẽ thuộc cấp độ 4 khi xét số F0 mới, kéo theo hàng loạt vấn đề phía sau như phải dừng cho học sinh đi học, giảm các tương tác xã hội. Điều này sẽ khó khăn khi chúng ta đã “mở cửa” với quốc tế và bắt đầu cho học sinh đi học trở lại. Bên cạnh đó, về tiêu chí liên quan đến điều trị như tỷ lệ giường ICU thì tuyến xã, y tế cơ sở cũng không thể đáp ứng.
Được biết, hiện nhiều địa phương đã có các đề xuất lên Bộ Y tế và chờ hướng dẫn cụ thể để có những thay đổi tiếp theo trong phòng chống dịch.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, Hà Nội đã đi qua đỉnh dịch, bởi vậy điều tất yếu là số F0 sẽ đi xuống và thời gian tới còn tiếp tục giảm nếu không xuất hiện biến chủng mới. Theo PGS Nga, hơn 1,4 triệu ca mắc Hà Nội đã công bố là con số khá lớn. Tuy nhiên, dựa trên các quy tắc về dịch tễ học thì đây chỉ là “tảng băng nổi”. Khi dịch đã lây lan mạnh ra cộng đồng, số F0 thực tế có thể vượt nhiều lần.
PGS so sánh với một dịch bệnh phổ biến là sốt xuất huyết, theo quy tắc về dịch tễ học, 1 người mắc sốt xuất huyết tức có thể 4 -5 người khác đã bị muỗi cắn, có virus trong người nhưng không phát bệnh.
“Covid-19 cũng như vậy. Rất nhiều người mắc bệnh nhưng không khởi phát triệu chứng. Hoặc có triệu chứng nhưng họ không test, không phát hiện ra bản thân nhiễm. Cũng có những người test dương mà không khai báo, chỉ tự điều trị tại nhà; có người lại không khai báo vì khó liên lạc với y tế địa phương”, PGS Nga nói.
Ông khẳng định, khi số mắc đã “qua đỉnh” thì việc đi xuống là điều tất yếu.
Bên cạnh đó, hiện không có yêu cầu bắt buộc người dân khai báo y tế nên nhiều F0 sẽ không báo, trừ người cần xin giấy chứng nhận để hưởng bảo hiểm hoặc F0 có bệnh nền muốn được y tế địa phương theo dõi. Bởi vậy, thời gian tới, số F0 được công bố sẽ tiếp tục giảm.
Dự báo tình hình dịch tại Hà Nội trong giai đoạn tới, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng nếu không xuất hiện các biến chủng mới từ nước ngoài xâm nhập, Omicron vẫn là chủng SARS-CoV-2 lưu hành chính tại Thủ đô thì số mắc và số nặng sẽ tiếp tục giảm dần về mức thấp. Thậm chí, Covid-19 có thể trở thành “bệnh lưu hành”.
“Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra nếu không xuất hiện biến chủng mới. Bởi vậy, người dân vẫn nên cố gắng phòng bệnh, tuân thủ 5K, đeo khẩu trang, rửa tay với xà phòng thường xuyên. Những người sức khỏe yếu, có bệnh nền, người cao tuổi nếu chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ mũi thì cần tiếp tục tiêm chủng”, PGS Nga nói.
Theo ông, chính quyền vẫn cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe, không chỉ với riêng Covid-19 mà còn nhiều bệnh truyền nhiễm khác. Với nhóm nguy cơ diễn tiến nặng cao nhưng không tiêm được vắc xin, cần có những biện pháp bảo hệ họ.
VietNamNet đặt vấn đề, trong giai đoạn cao điểm dịch tại Hà Nội vừa qua, hệ thống y tế cơ sở (y tế xã phường) gặp tình trạng quá tải. Hệ lụy là nhân viên y tế kiệt sức, “cả trạm F0”, trong khi người dân cũng rất khó khăn để tiếp cận lực lượng y tế. Vậy khi dịch đang trên đà đi xuống, nên có những sự chuẩn bị thế nào để tránh lặp lại tình trạng đó nếu xuất hiện đợt dịch mới?
Bày tỏ quan điểm về vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng số lượng nhân lực của y tế tuyến cơ sở vốn theo chuẩn mực từ trước tới nay. Khi dịch bùng phát, họ “cáng đáng” thêm nhiều nhiệm vụ dẫn tới quá tải. Nhưng nếu dịch bệnh giảm dần, mọi công việc trở về bình thường, số biên chế như vậy là phù hợp.
Bởi vậy, theo PGS, nên có chính sách chế độ để đào tạo, phát triển nguồn lực bác sĩ gia đình. Hệ thống này là lực lượng tốt để trực tiếp điều trị, quan tâm đến từng gia đình, từng F0, khám chữa bệnh theo yêu cầu, phục vụ người bệnh tận nhà; còn y tế xã phường chủ yếu hoạt động theo tính chất y tế công cộng, làm nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh.
Tại các nước có nền y tế phát triển, lĩnh vực bác sĩ gia đình đã khá phổ biến, nhưng với người dân Việt Nam vẫn còn khá mới lạ. Họ có thể hoạt động tự do, cũng có thể tham gia vào một mạng lưới, phòng khám tư nhân,…
“Hiện nay ở Việt Nam, lực lượng này còn rất ít. Bác sĩ gia đình cần được đào tạo theo ngành riêng, là một chuyên khoa độc lập. Họ cũng học trường y như các chuyên ngành khác, là bác sĩ đa khoa nhưng công việc gắn với từng hộ dân nên sẽ đảm bảo được việc chăm sóc sức khỏe cho từng F0”, PGS Nga cho hay.
Theo ông, để phát huy tốt nhất lực lượng này, về cách tổ chức cần nghiên cứu kỹ lưỡng để hài hòa được giữa hệ thống y tế cơ sở đang có và hệ thống y tế gia đình. Bên cạnh đó, có chính sách đào tạo và có cơ chế cụ thể, hợp lý cho lực lượng y tế gia đình.