13 địa phương đã ghi nhận biến thể Omicron
13 địa phương tại Việt Nam đã ghi nhận 163 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó, TP Hồ Chí Minh là địa phương nhiều nhất với 92 trường hợp.
Theo Bộ Y tế, cập nhật đến chiều 24/1, Việt Nam đã ghi nhận 163 ca nhiễm Covid-19 do biến thể Omicron tại Hà Nội (14), Quảng Nam (27), TP Hồ Chí Minh (92), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (8), Khánh Hòa (11), Long An (1), Quảng Ninh (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Kiên Giang (2), Bình Dương (1).
Bộ Y tế cho biết, Bộ đang tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này.
Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.
Những ngày qua, số ca nhiễm mới có phần giảm nhẹ, quanh mốc 1.500 ca nhiễm/ngày. TP Hồ Chí Minh là địa phương có số ca nhiễm và số ca tử vong thấp nhất kể từ đầu đợt dịch thứ tư. Ngày 24/1, số ca mới xuống còn 97 người.
TP Hồ Chí Minh hiện có tổng cộng 92 bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron, nhiều nhất cả nước, tăng 24 ca so với ngày 23/1. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, hiện tất cả F1 và F2 khác do cơ quan này truy vết đều có xét nghiệm âm tính.
Hà Nội vẫn là địa phương ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất cả nước liên tiếp kể từ đầu tháng 1 tới nay.
Tính trong đợt dịch lần thứ 4 từ ngày 29/4/2021 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 114.578 ca dương tính với SARS-CoV-2 (không tính ca ghi nhận tại các bệnh viện trước ngày 30/9/2021 và các ca nhập cảnh), trong đó có 31.234 ca cộng đồng và 83.344 ca khu cách ly.
Trên địa bàn thành phố hiện có 68.541 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly. Trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (142), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (223), tại các bệnh viện của Hà Nội là (3436), cơ sở thu dung điều trị thành phố (822), cơ sở thu dung quận, huyện (5049).
Toàn thành phố đangcó 58.869 trường hợp theo dõi cách ly tại nhà. Ngày 24/1, thành phố không có bệnh nhân chuyển độ tại cơ sở thu dung.
Số ca tử vong trong ngày 24/1 là 18 trường hợp, nâng tổng số người tử vong do Covid-19 từ ngày 29/4 đến nay là 487 người.
Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện tại các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như giám sát nhập cảnh, xét nghiệm, tiêm chủng, tổ chức điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung và hỗ trợ người bệnh điều trị tại nhà vẫn đang được ngành y tế thực hiện và phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân.
Nhandan.vn
Hà Nội chuẩn bị cho học sinh quay lại trường: Ứng phó với COVID-19
Các trường học tại Hà Nội đang hối hả chuẩn bị cơ sở, mua thêm test nhanh, máy đo nồng độ ô xy... để ứng phó với các tình huống bất thường khi cho học sinh quay lại trường.
Trước đó, UBND TP Hà Nội đồng ý với đề xuất của Sở GD&ĐT về việc cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trên địa bàn đi học trực tiếp từ ngày 8/2.
Giáo viên chưa tiêm đủ không được dạy trực tiếp
Sau khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn yêu cầu các địa phương quyết liệt, nhanh chóng mở cửa trường học cho học sinh từ lớp 7 đến lớp12 quay trở lại trường học, TP Hà Nội đã thống nhất với đề xuất mở cửa trường THCS - THPT từ ngày 8/2. Theo đó, Hà Nội cho phép học sinh lớp từ 7 đến lớp 12 tới trường học trực tiếp. Học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 học trực tuyến, trẻ mầm non tiếp tục nghỉ ở nhà.
Tuy nhiên, theo phương án được phê duyệt, học sinh chỉ trở lại trường học trực tiếp ở địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2. Các địa bàn mức độ dịch ở cấp độ 3, cấp độ 4 tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến.
Hà Nội cũng yêu cầu giáo viên chưa tiêm đủ vắc xin phòng chống COVID-19 theo quy định chỉ dạy học trực tuyến, không được đến lớp dạy trực tiếp; các trường học không tổ chức bán trú, căng tin ăn uống trong trường, chỉ tổ chức dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày. Hà Nội giao các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình, diễn biến dịch tại các địa phương để quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho học sinh đi học trở lại trên địa bàn.
Không cách li tập trung F1
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, đến nay tỉ lệ tiêm vắc xin cho cán bộ, giáo viên học sinh cả mũi 1 và mũi 2 đạt tỉ lệ rất cao (trên 97%). Để các trường chuẩn bị kỹ các phương án, điều kiện đón học sinh đi học sau Tết Nguyên đán, các trường học đều diễn tập tình huống như: phân luồng đón học sinh giãn cách; đo thân nhiệt; xử lý khi phát hiện F0; nghi ngờ có F0…
Chiều qua (24/1), tại các trường THCS Lê Quý Đôn (Hà Đông); THCS Đại Vương (Mê Linh); THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm); THPT Đan Phượng (Đan Phượng)… các Phòng GD&ĐT diễn tập xử lý các tình huống phát sinh khi học sinh đi học.
Theo hướng dẫn mới nhất của ngành Y tế trong việc đón học sinh tới trường, khi phát hiện học sinh có biểu hiện ho, sốt, mỏi mệt, mất vị giác, khứu giác nghi nhiễm COVID-19, giáo viên tạm dừng việc giảng dạy, tạm thời cách ly học sinh tại chỗ và báo cáo BGH nhà trường. BGH chỉ đạo cán bộ Y tế trường đưa học sinh về phòng cách ly tạm thời được bố trí sẵn lấy mẫu xét nghiệm xác định đối tượng F (hoặc điều tra dịch tễ nếu đã xác định thông tin học sinh là F0). Thực hiện xác định các đối tượng có tiếp xúc gần với F0 trong lớp học để đánh giá nguy cơ. Tổ chức thực hiện khử khuẩn lớp học và những nơi học sinh có tiếp xúc theo quy định. Tuy nhiên, học sinh F1 liên quan sẽ không phải cách li tập trung.
Bà Đỗ Việt Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết giáo viên được cắt cử đến trường tổng vệ sinh lại các phòng học, kiểm tra hệ thống máy chiếu, đèn điện, quạt trần… đảm bảo lớp học, sân trường sạch đẹp trước khi nghỉ Tết. Các phòng học sau khi khử khuẩn, làm sạch được niêm phong.
Nhà trường được yêu cầu chuẩn bị 2 phòng y tế, trong đó 1 phòng dành cho những học sinh cần chăm sóc y tế mà không có dấu hiệu dịch và phòng cách ly y tế tạm thời dành cho những học sinh có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, nghi nhiễm bệnh. Trường cũng sẽ chuẩn bị một số phòng học lắp thiết bị để có thể kết hợp dạy trực tuyến và trực tiếp trong trường hợp lớp có học sinh F1, F0 . “Nhà trường lo lắng sau một thời gian dài nghỉ học, một số em sẽ có tâm lý ngại đến trường. Do đó, từ các giờ học trực tuyến cuối năm, giáo viên đã thông báo, làm công tác tư tưởng để học sinh sẵn sàng đi học cũng như đảm bảo an toàn giao thông.”, bà Hiền nói.
Theo bà Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng, phương án cho học sinh ở vùng có dịch cấp độ 1-2 đi học, cấp độ 3-4 học trực tuyến có thể là tạm thời để đánh giá tình hình dịch. Đến nay, các trường đã sẵn sàng “đóng - mở” cửa bất cứ khi nào nên không quá gây xáo trộn.
Trưởng phòng GD&ĐT Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng cho biết các trường đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất để đón học sinh. Lần này, phòng Y tế được yêu cầu bổ sung thêm test nhanh, máy đo nồng độ ô xy… Khi phát hiện trường hợp nghi nhiễm, phòng y tế sẽ test nhanh để có biện pháp xử lý nhanh nhất.
Cũng theo bà Hằng, phương án cho học sinh ở vùng có dịch cấp độ 1-2 đi học, cấp độ 3-4 học trực tuyến có thể là tạm thời để đánh giá tình hình dịch. Đến nay, các trường đã sẵn sàng “đóng - mở” cửa bất cứ khi nào nên không quá gây xáo trộn. Thậm chí, các trường được yêu cầu chuẩn bị các tình huống như: tuần này học trực tiếp, tuần sau chuyển trực tuyến; trong một trường chỉ có một số lớp học trực tiếp, một số lớp trực tuyến, thậm chí trong 1 lớp học sinh F1, F0 học trực tuyến các bạn vẫn học trực tiếp.
Tienphong.vn
Ngày 24-1: Hà Nội có thêm 2.801 ca Covid-19, hơn 85% F0 điều trị tại nhà
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 23-1 đến 18h ngày 24-1, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.801 ca Covid-19 (giảm 170 ca so với ngày trước đó). Huyện Gia Lâm là địa bàn ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất trong 24 giờ qua.
Cụ thể, 2.801 bệnh nhân phân bố tại 384 xã, phường, thị trấn thuộc 25/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Gia Lâm (113); Đống Đa (110); Đông Anh (98); Hoàng Mai (98); Nam Từ Liêm (91); Thanh Trì (90).
Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 29-4-2021 đến nay) là 114.578 ca.
Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 23-1, trên địa bàn thành phố có 68.560 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly, trong đó tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 là 142 người, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là 223 người, tại các bệnh viện của Hà Nội là 3.497 người, cơ sở thu dung điều trị thành phố là 878 người, cơ sở thu dung quận, huyện là 5.222 người và có 58.598 người theo dõi cách ly tại nhà (chiếm hơn 85%). Trong ngày có 2 bệnh nhân chuyển độ tại cơ sở thu dung. Số ca tử vong trong ngày là 17 trường hợp. Tổng số người tử vong do Covid-19 từ ngày 29-4-2021 đến nay là 469 người.
Về vấn đề tiêm chủng, đến nay thành phố đã triển khai tiêm được hơn 14,3 triệu mũi vắc xin phòng Covid-19. Ngoài ra, thành phố đã có gần 2,3 triệu người tiêm mũi 3 (gồm: 238.406 mũi bổ sung và 2.038.545 mũi vắc xin nhắc lại).
Hanoimoi.com.vn
Lãnh đạo thành phố thăm, động viên CDC Hà Nội
Chiều 24/1, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã đến thăm, chúc Tết và kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) thuộc Sở Y tế Hà Nội.
Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, trong năm 2021, TP đã trải qua 3 đợt bùng phát dịch Covid-19 và hiện đang bước sang giai đoạn bình thường mới. Tham gia công tác phòng, chống dịch, CDC Hà Nội đã triển khai 15 đội cơ động và hơn 300 cán bộ y, bác sĩ lưu động thực hiện hàng triệu ca xét nghiệm để phát hiện, bóc tách F0 khỏi cộng đồng. Qua đó góp phần cùng toàn TP khống chế thành công đại dịch Covid-19 trên địa bàn TP.
Bên cạnh nỗ lực vượt bậc trong công tác phòng, chống dịch, CDC Hà Nội đã liên tục triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động y tế và các nhiệm vụ chuyên môn được giao. CDC Hà Nội đã nỗ lực kiểm soát chặt chẽ các bệnh theo mùa, không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch. Các hoạt động phòng, chống dịch bệnh không lây nhiễm; phòng, chống tác động của các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe; quản lý sức khỏe cộng đồng, tiêm chủng mở rộng; truyền thông giáo dục sức khỏe; khám phát hiện; điều trị dự phòng đều được duy trì.
Thay mặt lãnh đạo TP, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến trân trọng ghi nhận và biểu dương những nỗ lực đặc biệt của tập thể cán bộ, nhân viên CDC Hà Nội đã làm việc không quản ngày đêm để có kết quả xét nghiệm nhanh, truy vết thần tốc, góp phần bảo đảm an toàn cho người dân trong các đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Thủ đô Hà Nội.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khẳng định, kết quả có được trong công tác phòng, chống dịch bệnh của Thủ đô Hà Nội thời gian qua có sự đóng góp tích cực của đội ngũ cán bộ, nhân viên CDC Hà Nội. Với sự nỗ lực không ngừng, CDC Hà Nội đã góp phần cùng các lực lượng chức năng triển khai chiến dịch tiêm chủng diện rộng tại Thủ đô; tư vấn, khám, chữa bệnh phục vụ Nhân dân, góp phần kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
“Chỉ với gần 500 cán bộ, y, bác sĩ và sự nỗ lực vượt bậc, CDC Hà Nội đã gồng mình nỗ lực triển khai các nhiệm vụ chuyên môn và thu được những kết quả đáng tự hào. Thành phố ghi nhận, đánh giá cao và biết ơn những nỗ lực vượt bậc của lực lượng cán bộ y tế, nhất là các y, bác sĩ của CDC Hà Nội” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.
Thành phố đã bước sang giai đoạn bình thường mới, ứng phó linh hoạt với dịch bệnh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh vai trò tư vấn của CDC Hà Nội nhằm tham mưu, giúp TP tiếp tục vững vàng triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch; nhất là hỗ trợ cho ngành Giáo dục và các địa phương khi học sinh đi học trở lại.
Nhân dịp xuân Nhâm Dần 2022, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến chúc tập thể cán bộ, nhân viên CDC Hà Nội và gia đình một mùa xuân mới an lành, hạnh phúc; dồi dào sức khỏe để vững vàng vượt qua đại dịch.
Trân trọng cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo TP, Phó Giám đốc phụ trách CDC Hà Nội Trương Quang Việt khẳng định, sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉ đạo, phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe phục vụ Nhân dân.
Kinhtedothi.vn
Đưa học sinh trở lại trường học, không ràng buộc điều kiện tiêm vắc xin với trẻ 5- 11 tuổi
Việc đưa trẻ trở lại trường phải căn cứ vào cấp độ dịch, bảo đảm quyền lợi của học sinh và không ràng buộc với điều kiện tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.
Chiều 24/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp bàn về lộ trình mở cửa trường học; phương án, kế hoạch và lộ trình mở cửa đón khách du lịch an toàn, hiệu quả.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết đã tổ chức một số cuộc hội thảo, tham vấn ý kiến với các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, y tế về phương án đưa trẻ trở lại trường, và nhận được các ý kiến đồng thuận. Nếu để trẻ ở nhà quá lâu sẽ ảnh hưởng tiêu cực về tâm sinh lý.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong triển khai kế hoạch đưa trẻ trở lại trường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ."Theo kiến nghị của các địa phương, đến ngày 7/2, dự kiến có 49 tỉnh, thành phố triển khai học trực tiếp, 14 tỉnh dự kiến cho trẻ trở lại trường vào ngày 12/2”, bà Minh cho biết.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định đã có những điều kiện, căn cứ để đưa trẻ trở lại trường học an toàn. "Quan điểm của Bộ Y tế cơ bản ủng hộ kế hoạch đưa trẻ trở lại trường sau Tết. Sau Tết, Bộ Y tế sẽ có đánh giá cụ thể tình hình dịch để góp ý cho Bộ GD&ĐT về kế hoạch đưa trẻ trở lại trường", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn bày tỏ.
Tại cuộc họp, các ý kiến cho rằng Bộ Y tế cần sớm ban hành hướng dẫn mới về xác định cấp độ dịch để các địa phương căn cứ triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp khi đưa trẻ trở lại trường hay mở lại hoạt động du lịch. Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương thực hiện các biện pháp quản lý hành chính, hoạt động kinh tế-xã hội phù hợp theo Nghị quyết 128/NQ-CP, trong đó có việc đưa trẻ trở lại trường, mở lại hoạt động du lịch.
Việc đưa học sinh sớm trở lại trường, không ràng buộc với điều kiện tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Bộ GD&DTD, Bộ Y tế phải chỉ đạo các địa phương tổ chức diễn tập các phương án xử lý khi có ca nhiễm COVID-19 trong trường học, lớp học. Bộ GD&ĐT hướng dẫn ngành giáo dục các địa phương xây dựng lộ trình chi tiết về thi cử, học bù, củng cố kiến thức. Việc đưa trẻ trở lại trường phải căn cứ vào cấp độ dịch, bảo đảm quyền lợi của học sinh.
Về mở lại hoạt động du lịch, đón khách quốc tế, các ý kiến tại cuộc họp cho rằng, phải đồng bộ cả đường bộ, đường biển, đường hàng không với sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao… Bộ VHTTDL cần tích cực mở rộng hoạt động thí điểm đón khách quốc tế thời gian qua, nếu điều kiện chín muồi có thể đẩy sớm hơn.