Lưu tâm các hội chứng hậu Covid-19
Mệt mỏi, khó thở, giảm tập trung, rối loạn giấc ngủ, thậm chí rối loạn nhận thức, gặp phải các vấn đề về tim mạch..., đó là những hệ lụy sau khi mắc Covid-19 khiến bệnh nhân lo lắng.
Ác mộng kéo dài
Khỏi Covid-19 đã 2 tháng nay nhưng ông Hà Văn Đăng (quận Hà Đông, Hà Nội) cảm thấy làm việc gì cũng hụt hơi. Trước kia ngày nào ông cũng đi bộ tầm 10km, vậy mà sau khi mắc Covid-19 chỉ đi bộ vài trăm mét cũng thở dốc. Tương tự, sau khi đã có xét nghiệm âm tính nhưng ông Đặng Văn Thanh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn ôm ngực ho từng tràng dài, hay khó thở, mất ngủ...
Không chỉ người cao tuổi mà người trẻ cũng bất an vì di chứng hậu Covid. Chị Nguyễn Bình An (quận Ba Đình, Hà Nội) bị rụng tóc, đau mỏi người, ăn không ngon, mất ngủ thường xuyên, người luôn uể oải, thâm quầng hai mắt, da sạm đi. Đặc biệt, khi quay lại công việc, chị thường không tập trung, làm việc kém hiệu quả.
Nói về hội chứng hậu Covid-19, bác sĩ Đinh Thế Tiến (khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho hay: Hội chứng hậu Covid-19 có thể xảy ra với bất kỳ ai. Ngay cả người bị bệnh nhẹ, thậm chí trong thời gian mắc bệnh không có triệu chứng thì vẫn có thể bị khó thở, hụt hơi, mệt mỏi, chóng mặt, ho kéo dài, đau ngực, thay đổi giọng nói, đau cơ, rối loạn cảm giác vị giác, khứu giác, đau đầu, đau khớp, sốt... Theo bác sĩ Tiến, phần lớn người mắc di chứng đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang ở tuổi trưởng thành và có nhiều bệnh nền, số ít là trẻ em, trong đó có những người từng mắc Covid-19 thể nhẹ nhưng sau khi khỏi vẫn bị mệt mỏi, khó thở, bồn chồn... Một số người có bệnh nền như cao huyết áp, tiểu đường thì các bệnh này có xu hướng nặng lên và khó kiểm soát hơn.
Lý giải về tình trạng này, chuyên gia y tế cho hay, Covid-19 gây viêm tế bào và làm tổn thương mất - bù, kiệt năng lượng ở các tế bào cơ tim, tế bào hô hấp... Hệ quả là cơ thể trở nên mệt mỏi sau khi khỏi Covid-19. Kết hợp với tâm lý căng thẳng, lo lắng khi trở thành F0, các ảnh hưởng này bị khuếch đại và gây ra nhiều triệu chứng như hụt hơi, mệt mỏi, cảm giác thiếu năng lượng. Bác sĩ Nguyễn Hồng Bách (Trung tâm Tâm lý lâm sàng Dr Bee, Hà Nội) lo ngại: Những triệu chứng này nếu không điều trị sớm, dứt điểm sẽ là nguyên nhân gián tiếp dẫn tới bệnh tim mạch, tiêu hóa, dạ dày.
Bác sĩ Bách phân tích, Covid-19 gây sang chấn tâm lý cho xã hội, kể cả những người chưa từng mắc. Với những người yếu thế về tài chính, bệnh tật, về vị trí xã hội... thì sang chấn tâm lý càng lớn, tạo nên áp lực vô cùng lớn trong não bộ của mỗi người. Chưa kể, những cú sốc về mặt tâm lý như mất người thân do đại dịch, chứng kiến các bệnh nhân qua đời, bản thân phải đối mặt với bệnh tật, cái chết, cô đơn khi đi điều trị một mình... nhưng không thể điều hòa được cảm xúc, điều đó sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn tâm lý, mất ngủ, trầm cảm ở F0 khỏi bệnh.
Thăm khám kịp thời
Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 quận Hoàng Mai, Hà Nội đã thành lập khoa Hồi phục chức năng hậu Covid-19 với 40 giường bệnh. Đây cũng là đơn vị hồi phục chức năng hậu Covid-19 đầu tiên tại phía Bắc nhằm chăm sóc, khôi phục sức khỏe và tinh thần cho những bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh. Bác sĩ Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 cho biết, hiện nay, bệnh viện chưa tiếp nhận người dân có mong muốn điều trị hồi phục chức năng hậu Covid-19 ở ngoài khu vực bệnh viện.
Còn Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thì đã thành lập Phòng khám hậu Covid-19. Bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện cho biết, đây là nơi thăm khám và điều trị chuyên sâu dành cho người bệnh sau mắc Covid-19 với sự hỗ trợ của các chuyên gia về Covid-19, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, dinh dưỡng. Người bệnh sẽ được khám, tầm soát và điều trị toàn diện các di chứng của bệnh, đồng thời đánh giá nhu cầu can thiệp về dinh dưỡng, vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, nhất là những người từng bị Covid-19 mức độ nặng, nguy kịch hoặc suy giảm sức khỏe sau khi khỏi bệnh. "Tất cả bệnh nhân Covid-19, bao gồm người bệnh nhẹ, nặng hay nguy kịch, đều cần được theo dõi, đánh giá và điều trị toàn diện các biến chứng và di chứng kéo dài của bệnh" - Giám đốc Thường cho biết.
Theo bác sĩ Tiến, các triệu chứng của hội chứng hậu Covid-19 thường dễ nhầm lẫn với các biểu hiện của bệnh nền khác. Vì vậy, bác sĩ Tiến khuyến cáo, mọi người cần lắng nghe cơ thể sau khi mắc Covid-19. Nếu có triệu chứng bất thường liên quan tới hệ hô hấp, tim mạch, stress, người dân nên đi khám để được tư vấn các bài tập, phương pháp hồi phục chức năng. Trường hợp chưa tiêm đủ liệu trình vắc xin thì nên đăng ký tiêm bổ sung, tuân thủ 5K phòng tái nhiễm và tuân thủ điều trị để sớm trở lại cuộc sống bình thường. “Hiện nay, chưa có định nghĩa chính xác rằng còn triệu chứng bao lâu sau nhiễm Covid-19 thì được gọi là hậu Covid-19. Tuy nhiên, những bệnh nhân xuất hiện triệu chứng hậu Covid-19 sau 1 tháng nên đi khám để kiểm tra sức khỏe tổng quát. Đặc biệt, nếu triệu chứng kéo dài đến 3 tháng và khác thường so với các vấn đề của bệnh nền vốn có thì cần đi khám sớm nhất có thể để điều trị kịp thời” - bác sĩ Tiến khuyến cáo.
Dùng thuốc hỗ trợ rõ nguồn gốc, đúng liều và tập thể dục, ăn uống lành mạnh theo tư vấn chuyên môn từ bác sĩ sẽ giúp các triệu chứng nhanh chóng được cải thiện. Bởi vậy, người bệnh cần bình tĩnh, không nên quá lo sợ để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe.
(Báo Hà nội mới)
Chuyên gia: Bỏ ngay tâm lý chủ quan “ai cũng thành F0”
Theo chuyên gia, dù tỷ lệ tiêm chủng vaccine ở Việt Nam cao nhưng người dân vẫn không nên chủ quan, nghĩ “ai rồi cũng thành F0” làm lây bệnh cho mình và người thân.
Nhiều người đang có tâm lý bản thân và những người xung quanh có thể trở thành F0 bất cứ lúc nào mà chủ quan phòng dịch. Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo suy nghĩ đó có thể khiến số ca COVID-19 tăng cao, kéo theo số bệnh nhân nặng tăng, rồi tỷ lệ tử vong nhiều hơn, gây quá tải cho hệ thống y tế.
Tâm lý chủ quan "sống chung với lũ"
Nhìn hàng xóm xung quanh treo biển thông báo nhà có F0, thay vì hoảng loạn, lo sợ như những lần trước, anh Vũ Văn Hà., 34 tuổi, ở Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội “bình thản” hơn với suy nghĩ hầu như những người trong gia đình đều đã tiêm vaccine đủ.
“Cũng nghe đài báo nói nhiều về tình hình dịch căng thẳng, số ca bệnh tăng nhưng đặc thù công việc của tôi làm nghề xây dựng nên đi lại, gặp gỡ nhiều. Tôi cũng xác định tâm lý có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào. Tránh sao được khi xung quanh bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp, thậm chí cả người thân cũng nhiễm rồi. Tôi từng là F1 của nhiều người nên xác định sẽ nhận kết quả “2 vạch”. Với lại xem ti vi, đọc báo thì thấy tiêm vaccine đủ rồi thì nếu mắc cũng nhẹ nên tôi cũng yên tâm hơn”, anh Hà kể.
Chị Nguyễn Trang, 38 tuổi, ở Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội cũng xác định bản thân và người nhà có thể nhiễm SARS-CoV-2 bất cứ lúc nào. Xung quanh hàng xóm và bạn bè đều mắc COVID-19 nhưng không triệu chứng gì, hoặc có cũng chỉ là hắt hơi, đau đầu, ho, uống thuốc vài ba hôm là hết nên chị cũng không quá lo lắng.
“Người nhà với cơ quan tôi nhiều người F0, F1 rồi, tôi nghĩ mình không tránh được. Đúng là đến lúc sống chung với lũ thôi, chứ ở trong nhà mãi sao được”, chị T. nói.
Nam sinh viên Hoàng Thanh Tuấn, 22 tuổi, quê Giao Thủy, Nam Định chia sẻ, em từng ăn uống với cùng 3 F0 nhưng đi test COVID-19 toàn nhận kết quả âm tính. Thời gian đầu khi tiếp xúc với F0, M. còn cẩn thận đi xét nghiệm PCR ở bệnh viện. Nghĩ bản thân miễn dịch tốt nhờ tiêm3 mũi vaccine nên hàng ngày M. vẫn gặp gỡ, giao lưu với rất nhiều bạn bè, bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng là hạn chế tụ tập nơi đông người.
"Mấy ai quan tâm tới chuyện F0 hay F1 nữa đâu. Với lại em cũng tiêm rồi, nhiễm cũng nhẹ lắm. Em cũng xác định tâm lý có thể trở thành F0 bất cứ lúc nào. Có chăng là thời điểm này không về quê nữa để tránh lây nhiễm bệnh cho bố mẹ và người thân ở nhà thôi”, M. nói.
Nên bỏ tâm lý “ai rồi cũng F0”
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, hiện tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ ở Hà Nội đang chiếm khoảng 97%. Tuy nhiên, hàng ngày, Hà Nội vẫn ghi nhận bệnh nhân tử vong vì COVID-19, nên người dân không nên có tâm lý nghĩ rằng “ai rồi cũng thành F0”. Khi số ca COVID-19 tăng cao sẽ kéo theo số bệnh nhân nặng tăng, rồi tỷ lệ tử vong cũng từ đó nhiều hơn, gây quá tải cho hệ thống y tế.
“Tâm lý ai rồi cũng trở thành F0 rất nguy hiểm. Chúng ta thử đặt tình huống dù thanh niên trẻ khỏe đến đâu cũng có tỷ lệ nhất định mắc bệnh diễn tiến nặng. Đó còn chưa kể đến trường hợp nếu chúng ta mắc bệnh rồi về lây cho người già, người mắc bệnh nền hay trẻ em, phụ nữ mang thai lại càng nguy hiểm hơn. Đây đều là đối tượng chưa tiêm vaccine, nguy cơ bệnh nặng, thậm chí tử vong. Do đó, người dân cần loại bỏ tâm lý ai rồi cũng mắc COVID-19”, ông Phu nhấn mạnh.
Hiện một số bộ phận người dân có tâm lý đã tiêm nhiều vaccine bệnh sẽ nhẹ, rồi buông xuôi, thả lỏng. Theo ông Phu, đây là suy nghĩ sai lầm, cần phải thay đổi. Vaccine chỉ giúp giảm nguy cơ lây lan và giảm nguy cơ bệnh diễn biến nặng chứ không hoàn toàn chống lại được SARS-CoV-2.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, quan điểm của nước ta là sống chung với dịch, nhưng sống chung thế nào cho an toàn phải tính toán hợp lý. Nếu buông xuôi, thả lỏng, nghĩ “ai rồi cũng thành F0” thì rất nguy hiểm, kéo theo vô số những hệ lụy, trong đó có quá tải hệ thống y tế, khiến số ca bệnh nặng, tử vong tăng vọt.
“Dù số ca bệnh hiện nay tăng nhiều, nhưng người dân vẫn cần tuân thủ 5K. Những ai không thực hiện tốt 5K thì nguy cơ lây nhiễm rất cao. F0 đang có xu hướng nhiều hơn F1 và hầu hết đều không triệu chứng. Ngoài ra, vì số F0 không triệu chứng hiện nay vẫn đang đi làm và ra ngoài bình thường nên đây sẽ là nguồn phát tán virus.
Vì vậy, người dân nếu không may bị nhiễm bệnh cần bình tĩnh, không quá lo lắng. Không riêng gì F0 hay F1, mà tất cả mọi người cần tuân thủ tốt 5K, hạn chế đi lại, tiếp xúc nhiều. Khi thấy dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe cần test COVID-19 tại nhà. Nếu dương tính, nên báo cho lực lượng y tế nơi mình cư trú để được tư vấn điều trị”, ông Nga nói.
Để hạn chế tình hình dịch bệnh trong thời gian tới, theo ông Trần Đắc Phu, Hà Nội nên tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp dự phòng bằng việc xây dựng phương án phù hợp cho từng hoạt động như tổ chức dạy học trực tiếp ra sao; các lễ hội tổ chức thế nào. Song song với đó là củng cố thêm cho hệ thống y tế tuyến cơ sở, tránh tình trạng quá tải.
Ngoài ra, thành phố cũng cần tuyên truyền hơn nữa cho người dân về việc tuân thủ thông điệp 5K trong giai đoạn hiện nay.
“Nước ta đang thực hiện giai đoạn bình thường mới, từng bước nởi lỏng các hoạt động. Thay vì “Zero COVID-19”, Việt Nam nam chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, quản lý rủi ro. Vì vậy, ý thức của người dân rất quan trọng, đóng vai trò rất lớn quyết định hiệu quả của công tác chống dịch. Nếu mỗi người đều tuân thủ 5K và nhắc nhở nhau thực hiện tốt việc này sẽ giúp cho dịch bệnh bớt nóng hơn, từ đó tránh được sự quá tải cho hệ thống y tế, từng bước đưa cuộc sống trở lại bình thường”, ông Phu nhận định.
(Báo điện tử vtc.vn)
Ngày đầu bán thuốc điều trị Covid-19: Không mua được vì vướng quy định
Sáng 24-2, một số hệ thống nhà thuốc lớn đã mở bán thuốc điều trị Covid-19 chứa hoạt chất Molnupiravir cho F0 điều trị theo chỉ định. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, trong ngày đầu mở bán, rất nhiều người không thể mua được loại thuốc này vì quy định phải có giấy xác nhận F0.
Không giấy xác nhận F0 phải về tay không
Ghi nhận của phóng viên trong ngày đầu bán thuốc điều trị Covid-19 có chứa hoạt chất Molnupiravir trên địa bàn TPHCM, không xảy ra tình trạng đông đúc bởi quy định mua thuốc khá chặt chẽ. Tại Trung tâm thương mại dược phẩm và trang thiết bị y tế (đường Tô Hiến Thành, quận 10), chỉ có một số ít quầy bán thuốc điều trị Covid-19 có chứa hoạt chất Molnupiravir, giá bán lẻ 290.000 đồng/hộp và giá sỉ khoảng 250.000 đồng/hộp, tùy số lượng.
Một nhân viên quầy thuốc cho biết, phải đặt trước từ 3-5 ngày mới có hàng. Tại nhà thuốc Pharmacity cạnh đó, khi phóng viên hỏi mua thuốc điều trị Covid-19 thì nhân viên từ chối bán và cho biết do thuốc có nhiều tác dụng phụ, chỉ dùng cho một số đối tượng nhất định, không phải bệnh nhân F0 nào cũng có thể uống. Do vậy, chỉ bán khi có toa thuốc hoặc chỉ định của bác sĩ, các cơ sở y tế có thẩm quyền theo đúng quy định.
Tương tự, tại nhà thuốc Long Châu (đường Thống Nhất, quận Gò Vấp), nhân viên quầy thuốc cho hay, đến chiều tối 24-2 mới bắt đầu có thuốc để bán cho người dân, với giá khoảng 290.000 đồng/hộp và chỉ bán theo chỉ định của bác sĩ. Còn tại một nhà thuốc trên đường Cống Quỳnh, quận 1, nhiều người đến xếp hàng mua thuốc kháng virus do Việt Nam sản xuất cho người nhà nhưng đều không mua được vì không có giấy chứng nhận F0 và không có đơn của bác sĩ.
Chị Đức Hạnh, ngụ quận 3, cho biết, người nhà chị có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, nhưng hiện phường chưa xuống kiểm tra và chưa có giấy xác nhận nên mất thời gian xếp hàng nhưng không mua được thuốc.
Cùng phải ra về tay không khi không mua được thuốc điều trị Covid-19, chị Trần Thị Lan (quận Phú Nhuận) cho biết, do thuốc không được bán đại trà nên chị phải quay về địa phương xin giấy xác nhận. Mặc dù đã năn nỉ hết lời, nhưng nhân viên vẫn yêu cầu có giấy xác nhận F0 mới bán hàng.
Mua bán tràn lan trên mạng xã hội
Nhiều người dân khi đến mua thuốc mà không được tỏ ra thất vọng khi gặp khó khăn về mặt thủ tục, thậm chí nhiều F0 chưa được phường cấp giấy xác nhận nên không thể mua thuốc dù thật sự mắc bệnh. Trả lời vấn đề này, một nhân viên tư vấn tại cửa hàng trên đường Hai Bà Trưng (quận 3) cho rằng, không phải cứ mua thuốc điều trị Covid-19 về đề phòng là tốt, thuốc dùng không đúng sẽ độc hại cho sức khỏe và chỉ bán theo đơn của bác sĩ.
Để mua được thuốc điều trị Covid-19 chứa hoạt chất Molnupiravir, bên cạnh cung cấp đơn thuốc, người mua (thường là người thân của F0) phải ký vào giấy xác nhận do nhà thuốc cung cấp. Những giấy tờ này sẽ được lưu và nộp về Bộ Y tế. Mỗi đơn thuốc/giấy xác nhận F0 chỉ mua được 1 hộp/1 liệu trình.
Trái với việc mua thuốc điều trị Covid-19 gặp khó tại các cửa hàng, việc mua bán thuốc trên mạng xã hội khá sôi động, mỗi nơi mỗi giá. Nguy hiểm hơn khi người dân có thể đặt mua các loại thuốc điều trị mà không cần toa thuốc, không hướng dẫn cụ thể, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Chị N.C., ngụ quận Bình Tân giới thiệu, đang bán thuốc Molravir 400 do Việt Nam sản suất với giá 380.000 đồng/hộp và Molnupiravir Capsules 200mg (hộp 40 viên) của Ấn Độ với giá 2,8 triệu đồng.
Hỏi về cách sử dụng, chị C. nói: “Chỉ cần uống thuốc theo hướng dẫn, ngày 2 lần sáng và tối, thời gian từ 3-5 ngày là khỏi hẳn và không để lại tác dụng phụ, không để lại di chứng”.
Trước thực trạng nhiều người dân không mua được thuốc điều trị Covid-19 trong sáng 24-2, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM, cho biết, đây là thuốc kháng virus, loại thuốc đặc biệt, nên phải thực hiện theo kê đơn. Muốn kê đơn thì bác sĩ phải khẳng định là có bệnh, còn nếu dương tính chạy ra mua thuốc là không đúng quy định.
Hiện Sở Y tế có công văn gửi Bộ Y tế để xin hướng dẫn kê đơn cho bệnh dịch loại A (bệnh Covid-19). Sở hy vọng sẽ có hướng dẫn cụ thể trong thời gian sớm nhất để không bị vướng và nhà thuốc có thể yên tâm bán thuốc cho người dân.
“Việc mua bán thuốc không theo kê đơn rất nguy hiểm. Nếu người dân sử dụng bừa bãi kháng sinh sẽ dẫn đến kháng thuốc. Sở Y tế sẽ kiểm tra và nhắc nhở các nhà thuốc bán thuốc cho người dân khi chưa có hướng dẫn”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai lưu ý.