Hà Nội: Đảm bảo tốt công tác cấp cứu, khám chữa bệnh dịp Tết
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị tổ chức tốt công tác cấp cứu, khám chữa bệnh cho người dân, bảo đảm người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ.
Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc ngành chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo tốt công tác cấp cứu, khám chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Sở Y tế yêu cầu các đơn vị thường trực 4 cấp gồm trực lãnh đạo, xử lý đường dây nóng; trực chuyên môn; trực hành chính – hậu cần; trực bảo vệ - tự vệ. Có kế hoạch phòng chống cháy nổ, thảm họa, tai nạn hàng loạt; phòng chống rét cho người bệnh. Đồng thời, các đơn vị tuyến trên sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới khi cần thiết.
Các đơn vị cần chủ động ứng phó với dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là biến chủng mới Omicron. Đồng thời có kế hoạch cụ thể về dự trữ thuốc, dịch truyền, oxy, vật tư, hóa chất, giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng, đảm bảo tốt công tác thu dung, cấp cứu điều trị, cách ly người bệnh.
Tổ chức tốt công tác cấp cứu, khám chữa bệnh cho người dân, bảo đảm người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ. Trong trường hợp trái tuyến, trái chuyên khoa thì cơ sở y tế phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định mới chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế khác. Từng đơn vị chuẩn bị thuốc, máu, dịch truyền, trang thiết vị và nguồn nhân lực để cấp cứu, khám chữa bệnh, đặc biệt là cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm.
Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm chế độ báo cáo hàng ngày và kịp thời báo cáo mọi diễn biến bất thường về Sở Y tế để có phương án chỉ đạo giải quyết kịp thời.
Trước đó, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và thuộc trường Đại học; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành; Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành về việc tăng cường công tác cấp cứu, khám chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022
Tại công văn Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, để bảo đảm tốt công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong dịp Tết, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị các đơn vị trên chỉ đạo, thực hiện bảo đảm thường trực 4 cấp: trực lãnh đạo, xử lý thông tin Đường dây nóng; trực chuyên môn; trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ.
Có kế hoạch về phòng chống cháy nổ, thảm hoạ, tai nạn hàng loạt; phòng chống rét cho người bệnh; sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới, tham vấn về chuyên môn khi cần thiết.
Chủ động đối phó với dịch bệnh đặc biệt dịch Covid-19, tai nạn, ngộ độc, cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra: Tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và ngành y tế về phòng chống dịch Covid-19. Xây dựng phương án thường trực, dự trữ cơ số thuốc, dịch truyền, ôxy, vật tư, hóa chất, bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng, đảm bảo tốt công tác thu dung, cấp cứu điều trị, cách ly người bệnh theo đúng các hướng dẫn hiện hành về phòng chống dịch.
Đồng thời tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bệnh: Dự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám chữa bệnh, đặc biệt là cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm.
Bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ. Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cơ sở y tế cần xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng đề nghị các đơn vị cần tổ chức thăm hỏi và tổ chức đón Tết cho người bệnh còn điều trị tại bệnh viện trong dịp Tết: chú ý đối tượng người bệnh nghèo, người bệnh thuộc đối tượng chính sách.
Đặc biệt chú ý nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, ứng xử ân cần, hòa nhã. Thực hiện đúng các quy định liên quan và các quy trình chuyên môn kỹ thuật. "Bộ Y tế sẽ tổ chức kiểm tra đột xuất công tác chuẩn bị và thực hiện thường trực của một số bệnh viện/viện có giường bệnh trực thuộc Bộ và bệnh viện ở các địa phương trước và trong dịp Tết"- Cục Quản lý Khám chữa bệnh thông tin.
Tại văn bản này, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đề nghị các đơn vị thực hiện báo cáo trực tuyến hàng ngày về tình hình cấp cứu, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, ngộ độc trong dịp Tết; danh sách ca bệnh tai nạn do pháo, vũ khí, vật liệu nổ tự chế và danh sách ca tử vong do tai nạn giao thông dịp Tết Nhân Dần 2022 theo hệ thống báo cáo trực tuyến của Cục Quản lý khám chữa bệnh.
Kinhtedothi.vn
Bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết
Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Ðể bảo đảm cho người dân đón Tết vui tươi, nhất là an toàn về thực phẩm, các cơ quan chức năng tại các địa phương đang tập trung thanh tra, kiểm tra nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm trên địa bàn.
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn TP Hà Nội có hơn 83 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Năng lực sản xuất thực phẩm của thành phố hiện mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại nhập từ các tỉnh, thành phố và từ nước ngoài. Thành phố đã phối hợp 21 tỉnh, thành phố xây dựng được 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đồng thời đã xây dựng được hơn 140 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, sản phẩm được cấp mã truy xuất nguồn gốc, kiểm soát an toàn của thành phố. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Trần Thị Nhị Hà cho biết: Thực hiện kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết dương lịch, Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân năm 2022 của UBND thành phố Hà Nội, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan đã thành lập 676 đoàn, trong đó có 14 đoàn thanh tra, kiểm tra tuyến thành phố, 83 đoàn tuyến quận, huyện, thị xã và 579 đoàn kiểm tra tuyến xã, phường, thị trấn. Ðến nay, các đoàn đã thanh tra, kiểm tra được 9.173 cơ sở, trong đó phát hiện 947 cơ sở vi phạm, phạt 366 cơ sở, với tổng số tiền gần 2,8 tỷ đồng. Các vi phạm chủ yếu là cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; thiếu giấy khám sức khỏe người lao động; giấy phép kinh doanh...
Qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy: Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, làm đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm cho nên lượng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm cung cấp đến các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm bị ảnh hưởng. Trong khi đó, số doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi cửa hàng có trung tâm trung chuyển, kho hàng lớn để tập trung hàng hóa cung cấp đến các điểm bán lẻ còn ít. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phần lớn có quy mô nhỏ lẻ, phân tán, hoạt động ngoài giờ, phân phối qua nhiều khâu trung gian, nguồn lực cho phát triển còn hạn chế, trình độ quản lý thấp, liên kết sản xuất, tiêu thụ còn lỏng lẻo, chưa quan tâm nhiều đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn được quy định như: VietGAP, VietGHAP, GMP, HACCP, ISO 22000...
Ðáng chú ý, một bộ phận chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn chưa có ý thức về sức khỏe cộng đồng, chạy theo lợi ích trước mắt mà thực hiện các hành vi không bảo đảm an toàn thực phẩm. Một số địa phương chưa thật sự chú trọng đến công tác an toàn thực phẩm, nhất là cấp xã, phường, cho nên việc kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế, chưa nghiêm minh, chủ yếu là nhắc nhở cho nên tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm ít được cải thiện...
Tại TP Hồ Chí Minh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ: Ðể bảo đảm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, thành phố đã sớm thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành tập trung kiểm tra những doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Các đoàn sẽ kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như: thịt, các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh mứt, kẹo, rau củ, phụ gia thực phẩm, thực phẩm đông lạnh nhập khẩu… Hoạt động thanh tra, kiểm tra phải bảo đảm tuân thủ quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Tương tự, các lực lượng chức năng trên địa bàn TP Ðà Nẵng cũng đang tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, với các nội dung cụ thể như: giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; giấy cam kết sản xuất thực phẩm an toàn; giấy chứng nhận sức khỏe, xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, thực phẩm; điều kiện về trang thiết bị, dụng cụ, con người theo quy định hiện hành… Thành phố phấn đấu không để xảy ra tình trạng mất an toàn thực phẩm cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Phó Chủ tịch UBND thành phố Ðà Nẵng, Ngô Thị Kim Yến yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối; kiên quyết đình chỉ tiêu thụ hàng hóa thực phẩm không bảo đảm an toàn; có biện pháp giải quyết triệt để việc kinh doanh hàng rong ở các tuyến đường chung quanh các chợ, tăng cường quản lý thực phẩm bảo vệ sức khỏe cho người dân dịp này. Các đơn vị tiếp tục lấy mẫu giám sát ô nhiễm thực phẩm nhằm cảnh báo, ngăn chặn kịp thời các sản phẩm không bảo đảm an toàn lưu thông trên thị trường, truy xuất nguồn gốc; đồng thời thanh tra và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Trong chuyến khảo sát kiểm tra nguồn cung và bảo đảm an toàn thực phẩm trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trần Thanh Nam đề nghị TP Hồ Chí Minh và các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về thực phẩm an toàn, thực phẩm có nguồn gốc của các doanh nghiệp cũng như những quy định về nhãn mác hàng hóa... để người dân dễ dàng nhận biết khi mua, sử dụng. Ðồng thời, chủ động trong việc xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, không đúng quy định về ghi nhãn hoặc có các vi phạm khác lưu thông trên thị trường...
Nhandan.vn
Người dân ở Hà Nội được yêu cầu cách ly tại nhà đúng cách dịp cận Tết
Làm thế nào để giảm tải cho hệ thống y tế cơ sở trong dịp Tết khi số ca mắc mới tại Hà Nội vẫn xấp xỉ 3000 ca/ngày là vấn đề đang được quan tâm.
Chỉ còn ít ngày nữa là tới Tết Nguyên đán, nhưng số ca mắc mới tại Hà Nội vẫn xấp xỉ 3000 ca mỗi ngày. Số lượng người dân Hà Nội được tiêm đủ 2 mũi vắc xin đã ở mức gần 90% và thành phố đang triển khai tiêm vaccine mũi thứ ba, song thực tế số ca F0 tăng nhanh đã khiến hệ thống y tế của Hà Nội không khỏi bị động trong quản lý xét nghiệm phân loại bệnh nhân điều trị.
Chỉ còn khoảng chưa đầy một tuần nữa là tới Tết Nguyên đán, Hà Nội vẫn dẫn đầu trong số các địa phương có ca mắc Covid-19 cao nhất với mức trên dưới 3.000 trường hợp mắc mới một ngày. Con số này được nhận định là có thể chưa phản ánh hết thực tế số ca nhiễm. Đặc biệt, những ngày cận Tết, người dân đi lại, gặp gỡ nhiều hơn. Đây là “cơ hội” để Covid-19 bùng phát mạnh hơn nữa nếu người dân không tự thực hiện nghiêm quy định 5K. Theo TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tới thời điểm này, đeo khẩu trang được coi là biện pháp quan trọng nhất để giảm nguy cơ lây nhiễm.
“Việc đếm ca nhiễm vào thời điểm này không còn quá quan trọng. Vấn đề là bảo vệ sức khỏe cho những người có bệnh nền, người già, đề kháng kém, dễ tử vong. Không gì khác là người dân phải tự bảo vệ mình thôi, “sức khỏe là vàng”, vậy thì không ai có thể bảo vệ tài sản sinh mạng của mình được cả”, TS Nguyễn Huy Nga cho hay.
Hà Nội là địa phương có mật độ dân cư rất cao ở các xã, phường, trong đó có những phường có tới 9 vạn dân trong khi trạm y tế cơ sở chỉ có đến chục nhân viên y tế, dẫn đến quá tải trong quản lý, nhiều nơi người bệnh mòn mỏi chờ y tế phường. Chính vì vậy, việc điều trị tại nhà được xem là việc tất nhiên phải làm.
Trong bối cảnh số ca mắc tại Hà Nội vẫn tăng cao, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải xem lại việc tuân thủ cách ly tại nhà của người dân có tốt hay không. Rõ ràng nếu tuân thủ không tốt việc cách ly giữa những người trong gia đình thì việc điều trị tại nhà vô hình chung lại là một trong những nguyên nhân làm gia tăng số ca lây nhiễm.
Số ca nhiễm nhiều lên cũng có nghĩa là xác xuất số ca trở nặng cũng tăng theo khiến cho việc thu dung điều trị gặp nhiều khó khăn, nguy cơ dẫn đến tình trạng vì quá tải mà dẫn đến sự chậm trễ trong tiếp cận với các dịch vụ y tế khi bệnh nhân trở nặng.
Theo TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nhiễm khuẩn Hà Nội, đây cũng là cảnh báo cần được lưu tâm điều chỉnh kịp thời để vừa đảm bảo an toàn cho người dân, vừa duy trì hoạt động kinh tế xã hội của thành phố.
“Việc cách ly điều trị tại nhà không đơn thuần là của ngành y tế được khi một nhà mà có người bị F0 thì có nghĩa cả nhà đó gần như phải cách ly. Như vậy để tuân thủ nghiêm không có người ra vào, chúng ta cần có sự hỗ trợ từ bên ngoài trong vấn đề ăn uống. Cùng với đó là những biện pháp phòng ngừa đảm bảo trong gia đình để không lây lan ra người khác trong gia đình, lây lan ra người xung quanh; rồi quản lý chất thải lây nhiễm… Tất cả những cái đó cần phải có sự tham gia của cá nhân, cộng đồng rồi cả những người tình nguyện”, TS Hùng nhấn mạnh.
Giảm tải cho y tế cơ sở bằng việc cách ly điều trị tại nhà là kinh nghiệm mà nhiều nước đã triển khai, đặc biệt là TP.HCM trong thời kỳ đỉnh dịch giữa năm ngoái. Theo TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, vấn đề là phải tổ chức làm sao cho hiệu quả bằng việc chuyển hướng tiếp cận mới: thay vì xây thêm nhiều bệnh viện dã chiến hay tăng cường nhân lực y tế, những việc không thể thực hiện “một sớm,một chiều”, phải làm sao để mỗi người dân phải trực tiếp tham gia vào công cuộc chống dịch.
“Chúng tôi đã lên kế hoạch phối hợp với các lực lượng tư vấn cho các gia đình có người nhiễm cách chăm sóc và điều trị bản thân khi không may nhiễm bệnh. Tinh thần là hỗ trợ tốt các trường hợp điều trị tại nhà để họ bảo vệ được sức khỏe cho bản thân và gia đình mình”, bà Hà cho biết.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, để chủ động cách ly và điều trị tại nhà khi có triệu chứng, người dân cũng phải biết cách để theo dõi như biết sử dụng những thuốc ho, hạ sốt, chống viêm nhiễm thông thường, chứ không nên thụ động chờ cán bộ y tế cơ sở. Mặt khác, chính quyền địa phương khi nhận được yêu cầu hỗ trợ từ người dân cũng phải sẵn sàng trợ giúp, chứ không thể bỏ mặc để bệnh diễn tiến nặng lên.
Vov.vn
Ngày 26-1: Hà Nội ghi nhận 2.957 ca Covid-19, có gần 2,4 triệu người được tiêm mũi 3
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 25-1 đến 18h ngày 26-1, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.957 ca Covid-19.
Cụ thể, 2.957 bệnh nhân phân bố tại 358 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Gia Lâm (184); Hoàng Mai (146); Đông Anh (128); Chương Mỹ (118); Đống Đa (107); Nam Từ Liêm (104); Thanh Trì (84).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 29-4-2021 đến nay) là 117.535 ca.
Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 25-1, trên địa bàn thành phố có 68.541 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly, trong đó, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 có 142 người, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là 223 người, tại các bệnh viện của Hà Nội là 3.436 người, cơ sở thu dung, điều trị thành phố là 822 người, cơ sở thu dung quận, huyện là 5.049 người và còn lại 58.869 người theo dõi cách ly tại nhà (tăng 217 người so với ngày trước đó). Trong ngày, không có bệnh nhân chuyển độ tại cơ sở thu dung; số ca tử vong trong ngày là 18 trường hợp. Như vậy, tổng số người tử vong do Covid-19 từ ngày 29-4-2021 đến nay là 487 người.
Về công tác tiêm chủng, đến nay, thành phố đã thực hiện tiêm được gần 14,5 triệu mũi vắc xin phòng Covid-19. Ngoài ra, thành phố cũng đã triển khai tiêm mũi 3 (gồm mũi bổ sung và mũi nhắc lại) cho gần 2,4 triệu người.
Hiện tại, các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như giám sát nhập cảnh, xét nghiệm, tiêm chủng, tổ chức điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung và hỗ trợ người bệnh điều trị tại nhà vẫn đang được ngành Y tế thực hiện và phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân.