Cả nước có thêm hơn 1.000 ca nhiễm Covid-19, riêng Hà Nội có 245 ca
Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua (tính từ 16h ngày 31-5 đến 16h ngày 1-6), trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 1.047 ca nhiễm mới tại 40 tỉnh, thành phố (tăng 37 ca so với ngày trước đó). Như vậy, có 23 tỉnh, thành phố không có ca nhiễm mới trong 24 giờ qua; đồng thời cả nước không ghi nhận ca mắc Covid-19 tử vong.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Bắc Ninh (tăng 44 ca), Quảng Bình (tăng 25 ca), Lai Châu (tăng 23 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Nam Định (giảm 38 ca), Hải Phòng (giảm 18 ca), Phú Thọ (giảm 17 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 1.108 ca/ngày.
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (245), Yên Bái (67), Vĩnh Phúc (61), Nghệ An (56), Bắc Ninh (44), Phú Thọ (42), Quảng Ninh (38), Quảng Bình (37), Tuyên Quang (34), Đà Nẵng (33), Lào Cai (32), Quảng Trị (28), thành phố Hồ Chí Minh (26), Bắc Kạn (25), Lai Châu (23), Thái Nguyên (23), Thái Bình (20), Hà Nam (20), Hòa Bình (20), Bình Định (18), Ninh Bình (17), Hưng Yên (14), Hải Dương (14), Lâm Đồng (13), Hà Tĩnh (12), Nam Định (11), Bà Rịa - Vũng Tàu (10), Sơn La (9), Cao Bằng (8 ), Hà Giang (7), Bình Thuận (7), Lạng Sơn (6), Thanh Hóa (6), Gia Lai (5), Bình Phước (5), Thừa Thiên - Huế (4), Bắc Giang (4), Bình Dương (1), Vĩnh Long (1), Đồng Tháp (1).
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.720.426 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.276 ca nhiễm).
Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27-4-2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.712.668 ca, trong đó có 9.469.023 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là Hà Nội (1.600.730), thành phố Hồ Chí Minh (609.426), Nghệ An (484.654), Bắc Giang (387.580), Bình Dương (383.775).
Về tình hình điều trị, có thêm 9.542 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 9.471.840. Ngoài ra, hiện có 60 bệnh nhân đang thở ô xy.
Hiện, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.079 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong 24 giờ qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận 245 ca bệnh. Các bệnh nhân phân bố tại 103 xã, phường, thị trấn thuộc 28/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (24), Đông Anh (23), Hoàng Mai (22), Long Biên (21), Nam Từ Liêm (20). Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong hơn 1 năm qua, tính từ ngày 29-4-2021 đến nay là hơn 1,6 triệu ca.
(Hà Nội mới)
Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải tổ chức tiêm ngay mũi 4 theo hướng dẫn
Ngày 1-6, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương kiểm điểm tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đã đề cập tiến độ tiêm vắc xin Covid-19 tại một số địa phương còn chậm, đồng thời nhấn mạnh đến việc phải tổ chức triển khai tiêm ngay mũi 4 cho các đối tượng theo hướng dẫn.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 31-5, cả nước đã triển khai tiêm được hơn 221 triệu liều. Qua báo cáo theo dõi và giám sát công tác tiêm chủng cho thấy, hiện vẫn còn một số địa phương tiêm chậm, còn để vắc xin đã được phân bổ tồn tại trong kho bảo quản vắc xin của khu vực và kho của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) của địa phương. Thậm chí, một số tỉnh chưa cập nhật đầy đủ dữ liệu tiêm chủng, làm ảnh hưởng đến việc cập nhật tiến độ chung của toàn quốc.
Cụ thể, tỷ lệ bao phủ tiêm chủng cho người tiêm nhắc lại mũi 3 ở một số nơi chưa đạt yêu cầu, trong đó, có 11 tỉnh đạt tỷ lệ trên 80%; 21 tỉnh đạt tỷ lệ từ 60% đến dưới 80%; 31 tỉnh đạt dưới 60%. Về tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, đến nay có 12/63 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ mũi 1 trên 50%; 20/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm dưới 30%.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên một lần nữa nhắc lại việc các địa phương phải hoàn thành tiêm mũi 3 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý II-2022. Đối với tiêm mũi 4, các địa phương phải tổ chức triển khai tiêm ngay cho các đối tượng theo hướng dẫn.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các đối tượng được tiêm mũi 4 là người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19, cán bộ y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch, công nhân, người làm việc tại các khu công nghiệp.
“Địa phương nào có đầy đủ các đối tượng nêu trên thì tiến hành tiêm theo hướng dẫn. Địa phương nào không đủ thì tiêm theo đối tượng thực có. Cần thiết lập các điểm tiêm lưu động, đến trường học, cụm công nghiệp để tiêm…”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên lưu ý.
Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên giao Cục Y tế dự phòng khẩn trương tham mưu cho Bộ Y tế kiện toàn lại hội đồng định giá mức tiêu hao vắc xin, đồng thời, đơn vị này phải đôn đốc các địa phương, bộ, ngành liên quan báo cáo về tiến độ tiêm; tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ tiêm.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng giao Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đôn đốc các địa phương báo cáo về nhu cầu vắc xin. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với đơn vị chức năng liên quan vận chuyển ngay vắc xin đến các tỉnh, thành phố để bàn giao. Không trông chờ các tỉnh, thành đến nhận vắc xin.
Đối với 13 tỉnh chưa nhận vắc xin đã được phân bổ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên giao thời hạn tiếp nhận vắc xin đến ngày 3-6. Trong trường hợp địa phương nào không nhận, đề nghị UBND tỉnh có văn bản cam kết với Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế ghi rõ là hết đối tượng tiêm nên không nhận vắc xin và chịu trách nhiệm nếu để dịch bùng phát.
(Hà Nội mới)
Triển khai mô hình ATTP tại bếp ăn trường học: Kiểm soát chặt từng khâu
Vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) bếp ăn tập thể trong các trường học đang là mối quan tâm lớn của gia đình, nhà trường và toàn xã hội, đặc biệt là khối Mầm non, Tiểu học và THCS, nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm, hậu quả sẽ rất lớn.
Thời gian qua, Hà Nội đã chỉ đạo sát sao các địa phương, ngành GD&ĐT Thủ đô, cùng các nhà trường nghiêm túc thực hiện kiểm tra, giám sát đảm bảo ATTP trong học đường, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Trường Tiểu học Lê Văn Tám, quận Hai Bà Trưng có 50 lớp ăn bán trú với 15 nhân viên phục vụ bếp ăn, mỗi ngày cung cấp hơn 1.000 suất ăn bán trú. Nhà trường ký hợp đồng với Công ty TNHH Hương Việt Sinh cung cấp suất ăn bán trú cho học sinh, đồng thời chủ động kiểm soát tổng thể về công tác ATTP.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hảo – Hiệu trưởng trường Lê Văn Tám cho biết, với bếp ăn tập thể, nhà trường đã bố trí khu vực chế biến bảo đảm nguyên tắc một chiều, có tủ lưu mẫu thực phẩm hàng ngày, được dán tem nhãn niêm yết ngày giờ rõ ràng, dụng cụ chế biến, bát đĩa vệ sinh sạch sẽ; có phân khu thức ăn chín - sống riêng biệt. Việc lưu mẫu thức ăn, kiểm thực 3 bước được thực hiện đúng quy định… Chất lượng dầu ăn luôn được kiểm tra đảm bảo.
Đồng thời, nhà trường xuất trình đầy đủ các giấy tờ về nguồn gốc thực phẩm, hóa đơn chứng từ... Nguồn nguyên liệu đầu vào được giám sát chặt chẽ từ khâu nhận thực phẩm chế biến món ăn chia suất cho học sinh bán trú đảm bảo vệ sinh. Nhân viên chế biến, phục vụ bán trú thường xuyên được trang bị kiến thức về vệ sinh ATTP.
Bếp ăn tập thể trường Tiểu học Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm nấu 1.600 suất ăn bán trú với 90% số học sinh tham gia. Đơn vị không trực tiếp nấu mà ký hợp đồng với công ty chuyên nấu ăn nhưng tổ chức nấu ăn tại bếp nhà trường.
“Với bếp ăn tập thể trường học, khâu kiểm soát nguồn gốc ngay từ đầu là khâu quan trọng nhất, sau đó đến việc đảm bảo vệ sinh trong nhà bếp. Vì vậy, nhà trường luôn chủ động kiểm soát công tác bảo đảm ATTP từ nhập nguyên liệu cho đến khâu chia đồ ăn cho các học sinh” - cô giáo Nguyễn Thị Kim Thu – Hiệu trưởng trường Tiểu học Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm cho hay.
Qua kiểm tra của các cơ quan chuyên môn và địa phương, các bếp ăn trên địa bàn đều tuân thủ quy định về ATTP và đầy đủ thủ tục pháp lý.
Đề cập đến vấn đề này, Phó trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, địa phương sẽ tập trung vào việc kiểm soát, đánh giá nguồn gốc thực phẩm cung cấp vào trường học. Đồng thời quận sẽ kiểm tra đột xuất các điều kiện đảm bảo ATTP trong trường học kèm theo công tác phòng, chống dịch.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, TP hiện có 4.538 trường học có bếp ăn bán trú, căng tin. Trong đó, khối Mầm non có 3.736 trường; Tiểu học có 535 trường, còn lại là khối các trường THCS, THPT. Theo thống kê, có 3.967 trường học tự tổ chức nấu ăn; 484 trường liên kết ký hợp đồng nhà thầu; 87 trường ký hợp đồng cung cấp suất ăn sẵn đưa từ bên ngoài vào. Trung bình một ngày, các trường học cung cấp 117.024 suất ăn cho học sinh.
Trưởng phòng Chuyên môn nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội Lê Thị Hằng cho biết, những năm qua, công tác bảo đảm ATTP tại các bếp ăn tập thể trường học đã được chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ trong quản lý. Nhờ đó, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhận thức, thực hành của người chế biến tại các bếp ăn tập thể đã được nâng lên.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vấn đề bảo đảm ATTP tại bếp ăn trường học vẫn còn tồn tại những hạn chế. Điển hình là nguồn gốc thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ, ý thức của nhân viên trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm chưa cao, dụng cụ chứa đựng chất thải không có nắp đậy, không được vận chuyển thu dọn hằng ngày… Do đó, tình trạng ngộ độc vẫn xảy ra tại bếp ăn tập thể trường học.
Trước thực tế đó, Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình kiểm soát ATTP (giai đoạn năm 2022 và 2023) tại 100% bếp ăn tập thể của 215 trường tiểu học thuộc 10 quận, huyện: Đống Đa, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Ba Vì, Đông Anh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Quốc Oai. Với mô hình này, Sở Y tế Hà Nội đặt mục tiêu, 100% bếp ăn tập thể trường tiểu học được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, ký cam kết trách nhiệm bảo đảm ATTP; niêm yết công khai địa chỉ nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm tại bảng tin nhà trường.
Ngoài ra, 100% người lãnh đạo quản lý, người chế biến, người kinh doanh, cô nuôi tại các trường tiểu học xây dựng mô hình được bồi dưỡng kiến thức về ATTP; 100% bếp ăn tập thể trường tiểu học được kiểm tra, giám sát theo quy định và thành lập tổ tự giám sát ATTP, có phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.
Ngoài tiêu chí về hồ sơ, thủ tục pháp lý như giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, bản cam kết trách nhiệm, niêm yết công khai nguồn gốc nguyên liệu tại trường, theo hướng dẫn của Sở Y tế Hà Nội, khi tham gia vào mô hình kiểm soát ATTP, các bếp ăn tập thể trường Tiểu học còn phải đáp ứng 11 tiêu chí về điều kiện ATTP.
Liên quan đến mô hình này, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, để tăng cường công tác quản lý ATTP trong tình hình mới, năm nay, các đoàn kiểm tra liên ngành đã tập trung, chú trọng đến bếp ăn tập thể. Vì thời gian nghỉ dịch kéo dài, khi học sinh quay trở lại trường, các bếp ăn tập thể có sự thay đổi về nhân lực, cơ sở vật chất hay bếp ăn xuống cấp... Vì vậy, TP Hà Nội đặc biệt quan tâm đến các bếp ăn tập thể.
Thời gian tới, cơ quan chuyên môn sẽ tiếp tục tập trung vào việc rà soát quy trình chuẩn, từ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, quy trình chế biến, quy trình bếp ăn 1 chiều, yếu tố con người… Nhất là xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc thực phẩm tận nơi sản xuất và cung cấp thực phẩm cho các trường học.
“Đây là năm đầu tiên Hà Nội triển khai mô hình này. Để mô hình hoạt động hiệu quả, vấn đề đầu tiên đặt ra vẫn phải là con người. Chúng tôi phải tập huấn kiến thức ATTP cho những người quản lý, những người tham gia vào bếp ăn tập thể. Nhất là Ban Giám hiệu nhà trường cũng phải được tập huấn, có đánh giá, chấm điểm. Trước khi thực hiện mô hình này, các địa phương đã có đánh giá với 215 bếp ăn tập thể, tập huấn và kiểm tra thường xuyên vào các tháng, quý. Cuối năm, chúng tôi sẽ tổng kết, đánh giá để thấy mô hình này hiệu quả ra sao, sau đó sẽ tiếp tục nhân rộng ở các quận, huyện khác” – ông Đặng Thanh Phong nhấn mạnh.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, với mô hình này, TP đặt mục tiêu, tăng cường công tác quản lý, chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, từ đó khống chế không để ngộ độc thực phẩm đông người mắc và tử vong. Mô hình sau khi được triển khai tại 10 quận, huyện sẽ làm cơ sở để nhân rộng tại các bếp ăn tập thể trường học trên địa bàn.
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ giai đoạn 2010 - 2021, trên địa bàn TP xảy ra 27 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số 640 người mắc, nhưng không ghi nhận trường hợp tử vong, trong đó ngộ độc tại bếp ăn tập thể là 17 vụ (chiếm 63,0%), bếp ăn tập thể trường học 8 vụ (chiếm 47,1%). Nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm chủ yếu là do vi sinh vật chiếm trên 40%.
"Hà Nội luôn là một trong những địa phương đi đầu trong việc bảo đảm ATTP tại bếp ăn tập thể trường học. Việc Hà Nội triển khai mô hình kiểm soát ATTP tại bếp ăn trường học vào thời điểm này là vô cùng phù hợp." - Phó Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế Nguyễn Hùng Long
(Kinh tế đô thị)
Chuyên gia lý giải tại sao bệnh đậu mùa khỉ khó có khả năng thành đại dịch
Bệnh đậu mùa khỉ đang xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng đậu mùa khỉ không có khả năng phát triển thành đại dịch.
Hiện nay đậu mùa khỉ đã xuất hiện ở 30 quốc gia trên thế giới, với hơn 550 ca mắc, nghi mắc được ghi nhận. Trong đó có hơn 100 ca nghi mắc xảy ra ở các nước vốn hiếm khi ghi nhận căn bệnh này. Tuy nhiên, các chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng người dân nên bình tĩnh vì đậu mùa khỉ ít có khả năng bùng phát thành dịch như COVID-19.
Theo BS. Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm, Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), đậu mùa khỉ không phải bệnh hiếm và không phải là bệnh mới được phát hiện. Đậu mùa khỉ đã xuất hiện những đợt dịch cục bộ, rải rác ngoài vùng Châu Phi từ lâu nhưng cũng tự ổn định mà không cần can thiệp nhiều.
Virus gây bệnh đậu mùa khỉ cũng khó lây lan, chỉ lây qua tiếp xúc cơ thể, giọt dịch bắn... đặc biệt là chỉ khi các ca bệnh bắt đầu khởi phát triệu chứng mới có khả năng lây lan. Do đó tính lây lan của bệnh không thể như các loại virus có khả năng phát tán trong không khí. Vậy nên việc đậu mùa khỉ bùng phát thành dịch là rất thấp".
Cùng ý kiến, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục Trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho rằng, đậu mùa khỉ rất khó bùng phát thành đại dịch như COVID-19, nếu bùng phát thì cũng chỉ ở phạm vi hẹp, cấp quốc gia hoặc bé hơn theo từng vùng.
Các chuyên gia khuyên rằng, người dân không cần quá lo lắng và nên lắng nghe các thông tin, khuyến cáo chính thống từ Bộ Y tế để chủ động trong phòng và kiểm soát dịch bệnh.
Bệnh chỉ lây truyền từ người này sang người khác khi tiếp xúc gần với tổn thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các bề mặt bị nhiễm virus như chăn, ga, gối, đệm... từ người bệnh.
Thời gian ủ bệnh của bệnh đậu mùa khỉ thường từ 6 đến 13 ngày nhưng cũng có thể từ 5 đến 21 ngày. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ), triệu chứng phát ban của bệnh đậu mùa khỉ liên quan đến mụn nước hoặc mụn mủ nằm sâu, chắc hoặc cứng, các tổn thương có thể lõm xuống hoặc tụ lại và tiến triển thành vảy theo thời gian.
Các triệu chứng biểu hiện thường bao gồm sốt, ớn lạnh, nổi các nốt mụn nước, phát ban đặc biệt là sưng hạch bạch huyết… Bệnh đậu mùa khỉ thường tự giới hạn nhưng có thể nghiêm trọng ở một số đối tượng như trẻ em, phụ nữ có thai hoặc những người bị suy giảm miễn dịch do các tình trạng sức khỏe khác.
BS. Trương Hữu Khanh cho rằng: "Theo các nghiên cứu cho thấy, vaccine phòng đậu mùa có khả năng chống lại virus gây bệnh đậu mùa khỉ tới 80%. Loại vaccine này đã có từ rất lâu và đa số người dân đều đã được tiêm chủng đầy đủ vậy nên người dân không cần quá lo lắng".
Cho tới hiện nay trên thế giới vẫn chưa có vaccine phòng đậu mùa khỉ. Các chuyên gia cũng cho rằng việc tiêm vaccine phòng đậu mùa khỉ thời điểm này là chưa thực sự cần thiết vì hiện nay bệnh chỉ mới xuất hiện ở một số nước Châu Phi và Châu Âu. Người dân không nên quá lo lắng nhưng cũng không được chủ quan trước bệnh đậu mùa khỉ.