Thuốc Molnupiravir nội bán tràn lan trên mạng, người dân không nên tự ý mua về điều trị
Sau khi 3 loại thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir sản xuất trong nước được cấp phép và công khai giá bán, theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, loại thuốc này đang được rao bán tràn lan trên mạng xã hội. Để sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả, chiều 25-2, Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo, việc sử dụng thuốc Molnupiravir cần phải có sự thăm khám, kê đơn và hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế.
Người dân không nên lo lắng, tích trữ và tự ý sử dụng loại thuốc này. Bởi vì việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định sẽ ảnh hưởng tới việc điều trị bệnh, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe.
Rao bán tự do trên Facebook, chợ thuốc online…
Để đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch Covid-19 của người dân, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã cấp giấy phép lưu hành có điều kiện cho thuốc điều trị Covid-19 chứa Molnupiravir sản xuất trong nước phục vụ phòng, chống dịch cho 3 loại thuốc, gồm: Molnupiravir Stella 400mg do Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm Việt Nam sản xuất; thuốc Molravir 400mg của Công ty cổ phần dược phẩm Boston Việt Nam và Movinavir của Công ty cổ phần dược phẩm Mekorpha.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, ngay trong chiều 25-2, trên nhiều Facebook cá nhân, chợ thuốc online đã rao bán công khai thuốc Molravir 400mg của Công ty cổ phần dược phẩm Boston Việt Nam với giá từ 270.000 đến 280.000 đồng/hộp.
Chị Lê Huyền (ở quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, trước tình hình dịch bệnh gia tăng, chị cũng đã mua dự trữ loại thuốc này để có thể sử dụng ngay khi cần. Mua bán trên mạng đơn giản, người dân không cần đơn thuốc của bác sĩ vẫn có thể mua được thuốc với số lượng lớn.
Trong khi đó, tại hiệu thuốc lại yêu cầu rất nghiêm ngặt về đơn chỉ định của bác sĩ khi mua loại thuốc này. Cụ thể, chiều 25-2, tại Hệ thống nhà thuốc Long Châu (thành phố Hồ Chí Minh) - một trong những nhà thuốc bán rộng rãi thuốc chứa Molnupiravir sản xuất trong nước với giá 240.000 đồng/hộp.
Bên ngoài các cửa hàng bán loại thuốc này, đều có biển đề rõ: “Đã có thuốc điều trị dành cho F0. Khi mua thuốc, khách hàng phải có đơn chỉ định của bác sĩ hoặc chứng nhận là F0 đang điều trị tại nhà”. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa chú ý đến quy định này.
Bước ra khỏi một nhà thuốc trên đường Lâm Văn Bền (quận 7, thành phố Hồ Chí Minh), chị Đỗ Kim Yến, ngụ tại hẻm 66 đường Lâm Văn Bền, cho biết: “Tôi cầm giấy chứng nhận xét nghiệm dương tính của người nhà ra cửa hàng mua thuốc, nhưng không được. Dược sĩ nói cần có kê đơn của bác sĩ hoặc là F0 đang được phường quản lý”.
Còn khi tìm mua thuốc Molravir 400mg tại một tài khoản trên chợ thuốc online, phóng viên được chủ tài khoản tư vấn: “Giá bán lẻ thuốc này là 280.000 đồng/hộp, đắt hơn 40.000 đồng so với giá ở nhà thuốc Long Châu. Thế nhưng, mua tại nhà thuốc thì phải có đơn thuốc mới mua được, còn mua trên mạng không cần đơn thuốc. Nếu mua thuốc với số lượng lớn là 10 hộp, thì giá là 260.000 đồng/hộp; mua 20 hộp sẽ có giá là 250.000 đồng/hộp".
Không được bán, sử dụng tùy tiện
Theo Bộ Y tế, thuốc chứa Molnupiravir là thuốc mới, được cấp phép có điều kiện, là thuốc kê đơn, cần tiếp tục theo dõi về chất lượng, hiệu quả, an toàn của thuốc trong quá trình lưu hành. Việc sử dụng thuốc Molnupiravir cần phải có sự thăm khám, kê đơn và hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế.
Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, theo quy định, thuốc kháng vi rút có hoạt chất Molnupiravir là biệt dược, phải thực hiện theo kê đơn, bác sĩ phải chẩn đoán bệnh mới được sử dụng, chứ không phải xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 là có thể ra nhà thuốc mua dùng.
“Hơn nữa, không phải ai nhiễm Covid-19 cũng có thể dùng thuốc này. Các quy định nêu trên nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh và phát huy triệt để tác dụng của thuốc”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai nói.
Tuy nhiên, trên thực tế tại thành phố Hồ Chí Minh, vẫn có tình trạng một số nơi, việc người nhiễm Covid-19 có đơn thuốc chỉ định của bác sĩ hoặc giấy chứng nhận là F0 đang điều trị tại địa phương vẫn chưa thuận tiện. Để khắc phục vấn đề này, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các bác sĩ tại trạm y tế, các bệnh viện tư nhân hay công lập... đều có thể kê đơn thuốc điều trị Covid-19, nhưng phải chịu trách nhiệm với đơn thuốc của mình.
“Các nhà thuốc khi bán thuốc theo đơn, sẽ chụp ảnh đơn thuốc và đưa lên hệ thống chung để Sở Y tế theo dõi, quản lý. Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 2.500/hơn 6.000 nhà thuốc tham gia tư vấn, quản lý điều trị F0 tại cơ sở. Chúng tôi đang đề xuất Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể hơn để phát huy vai trò của các nhà thuốc và các nhân viên y tế tại đây trong việc tư vấn và cung ứng các gói thuốc điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà (thuốc gói A là thuốc bổ; gói thuốc B là thuốc kháng đông, kháng viêm; gói thuốc C là thuốc kháng vi rút)”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin thêm.
Để bảo đảm sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) lưu ý, Molnupiravir được sử dụng để điều trị Covid-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.
Về các giới hạn sử dụng thuốc, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho rằng, Molnupiravir được dùng trên bệnh nhân có thời gian khởi phát triệu trứng dưới 5 ngày. Khi sử dụng loại thuốc này, người bệnh không được sử dụng quá 5 ngày liên tiếp. Molnupiravir không được sử dụng để dự phòng sau hay trước phơi nhiễm để phòng Covid-19.
(Báo Hà nội mới)
Tổng đài nóng vì sự bình an của người bệnh, người bị nạn
Cùng lúc, hàng chục tiếng chuông điện thoại cũng reo lên. Người điều dưỡng trực đường dây nóng vội vàng bắt máy. Ánh mắt sắt lại, anh nhanh chóng hướng dẫn người nhà nạn nhân sơ cứu, rồi điều phối xe cứu thương đến hiện trường. Cũng trong lúc đó, đội bác sĩ và lái xe tức tốc mặc đồ bảo hộ rồi lên đường. Mãi cho đến khi tiếng còi xe đã đi xa hẳn, anh mới thở phào, hai tay xoa lên thái dương để thư giãn, nhưng chưa đến 5 giây, tiếng chuông điện thoại khác lại reo lên. Đó là một ngày làm việc tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội.
Những cuộc gọi không mong muốn
115 là số điện thoại đường dây nóng mà hầu như bất kì ai cũng nghĩ đến khi có những trường hợp cần được cấp cứu khẩn trương. Thế nhưng, không phải như mọi người vẫn thường lầm tưởng: 115 không phải là số điện thoại một bệnh viện, cơ sở chăm sóc y tế nào đó, mà là đường dây nóng của Trung tâm Cấp cứu 115. Đây là đơn vị có vai trò cấp cứu người bệnh tại hiện trường và trung chuyển bệnh nhân đến các bệnh viện phù hợp, gần nhất và nhanh nhất.
“115 là đơn vị cấp cứu ngoài bệnh viện, không chỉ những vấn đề liên quan đến y tế, mà cả những vấn đề liên quan đến thảm họa, tai nạn, thiên tai... 115 cũng đều có mặt. Trong quy trình cấp cứu của Trung tâm Cấp cứu 115, bước đầu tiên sẽ là tiếp nhận cuộc gọi của các trạm y tế địa phương hoặc của bệnh nhân. Sau khi xác định được thông tin bệnh nhân, điều phối viên sẽ điều xe cứu thương đến hiện trường để cấp cứu cho bệnh nhân, sau đó chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất”, Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Anh Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội chia sẻ.
Có mặt tại phòng điều hành của Trung tâm, vừa bước đến cửa, chúng tôi đã nghe thấy tiếng đổ chuông của hàng chục chiếc điện thoại trên bàn. Các nhân viên nhanh chóng nhấc máy bằng câu chào quen thuộc: “Cấp cứu 115 xin nghe”. Đầu dây bên kia có thể là các nạn nhân đang gặp nạn, những người bệnh bỗng dưng chuyển biến xấu đang chờ cấp cứu hay các ca F0 cần sự hỗ trợ của các y bác sĩ.
Sau khi hỏi thăm tình hình bệnh nhân, các nhân viên trực điện thoại sẽ hướng dẫn người nhà hoặc người đang ở bên cạnh bệnh nhân những thao tác sơ cứu nếu cần thiết. Sau đó, tổng đài sẽ dò tìm trên hệ thống định vị những chiếc xe cứu thương đang trong trạng thái sẵn sàng và điều xe đến vị trí của người bệnh.
Theo bác sĩ Thắng, hiện nay Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội có 14 xe cứu thương trực luân phiên 24 tiếng và nghỉ 48 tiếng, nên không đủ nhân lực và xe để đáp ứng nhu cầu người dân. Thành phố Hà Nội đã đồng ý thông qua đề án yêu cầu sự phối hợp và hỗ trợ từ các bệnh viện trên địa bàn thành phố. Theo đó, các nhân viên phòng điều hành của Trung tâm Cấp cứu 115 sẽ đóng vai trò điều phối và yêu cầu sự hỗ trợ từ các bệnh viện trên địa bàn.
Mặc dù đã có sự hỗ trợ, nhưng trong tình hình đại dịch Covid-19 bùng phát với nhiều diễn biến phức tạp, các xe cứu thương cũng không thể nào đáp ứng được, dẫn đến tình trạng quá tải. Cũng tại thời điểm nhạy cảm này, đã có nhiều nhân viên y tế của Trung tâm xét nghiệm cho ra kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, thế nên nhân sự lại càng hiếm hoi hơn. Bước vào phòng điều hành, trước mắt chúng tôi là khoảng 7 nhân sự đang trực với hàng chục chiếc điện thoại bàn thi nhau réo gọi.
Alo, cấp cứu nghe ạ! Anh có biểu hiện ho sốt gì không? Anh có bệnh nền gì không? Anh cố gắng bình tĩnh nhé, hít thở thật đều, hiện tại các xe cấp cứu đều bận. Tôi đang cố gắng tìm xe gần nhất. Anh thật bình tĩnh nhé!”. Nói xong, anh điều dưỡng đưa mắt nhìn màn hình theo dõi chuyến xe rồi lại ngay tức khắc nhận một cuộc điện thoại khác. Tầm 5 phút sau, anh gọi lại cho bệnh nhân lúc nãy để tiếp tục cập nhật tình trạng và thông báo: “Chúng tôi đã điều được xe, bác sĩ đang trên đường đến, anh chị thật bình tĩnh và giữ điện thoại nhé”.
Tranh thủ vài phút ít ỏi ăn trưa, điều dưỡng Lê Đức Lam, người có thâm niên 18 năm công tác tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, cho biết: “Nhiều lúc chưa điều kịp xe, người nhà bệnh nhân không hiểu nên mắng mình bằng những lời lẽ cọc cằn, khó nghe là chuyện thường. Nhưng mỗi ngày, mình nghe cả ngàn cuộc điện thoại, chẳng lẽ cuộc nào mình cũng phản ứng với họ? Mà mình là nhân viên y tế, nên cũng hiểu tâm lý người nhà bệnh nhân. Những lúc như vậy, họ thật sự cần những lời an ủi, trấn tĩnh nhiều hơn”.
Điều dưỡng Lam cũng cho biết thêm, có ngày cao điểm, tổng đài 115 nhận gần 2.000 cuộc gọi. Trong đó, không thiếu những cuộc gọi cấp cứu do…đứt tay chảy máu hay trầy chân. Chẳng những vậy, không ít người gọi liên tục chỉ để...trêu chọc những nhân viên y tế.
“Tôi không giận họ. Tôi chỉ lo cho những người thật sự cần cấp cứu lại chẳng thể gọi được vì kẹt đường dây do những người quấy phá”, điều dưỡng Lam chia sẻ.
Cũng là nghe điện thoại, nhưng với một vài ngành nghề khác, người trực sẽ cảm thấy vui mừng, hoan hỉ vì cứ mỗi lần có điện thoại thì lại có thêm doanh thu. Thế nhưng, ở phòng điều hành của tổng đài đường dây nóng 115, chẳng ai mong điện thoại, vì mỗi cuộc điện thoại reo lên đều là một tình huống nguy cấp.
Có mặt trên mọi nẻo đường
Nhận được lệnh báo từ phòng điều hành, đội trực gồm một bác sĩ, một điều dưỡng và bác tài bỏ vội chén cơm đang ăn dở, khử khuẩn cơ thể, khoác lên mình bộ trang phục bảo hộ rồi lao thẳng lên chiếc xe cấp cứu đang chờ sẵn. Không một động tác thừa, ê-kíp cấp cứu và chiếc xe cứu thương rời khỏi cổng Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội trong chưa đầy 5 phút kể từ khi nhận thông tin.
Đây là một ca chuyển F0 có chuyển biến xấu, cần được đưa tới bệnh viện. Trường hợp này ở ngoại thành Hà Nội, nên bác tài phải tìm được con đường ngắn nhất để đi.
“Lái xe cứu thương rất đặc thù, vì vừa phải đến nơi kịp lúc để cấp cứu cho bệnh nhân, vừa phải bảo đảm an toàn giao thông trên đường, nên công việc nhiều lúc rất căng thẳng”, ông Vũ Huy Thành, người có thâm niên lái xe cứu thương hơn 30 năm chia sẻ.
Trên xe, lực lượng y tế đang vô cùng sốt ruột để tới chỗ bệnh nhân, thế nhưng khi chiếc xe rẽ đến gần cầu Chương Dương để đi sang khu ngoại thành, một vài người dân thiếu ý thức gây cản trở giao thông của xe cứu thương dù còi đang kêu và đèn đang chiếu sáng. Ông Thành cho biết: “Tình trạng này xảy ra thường xuyên lắm, nhiều người còn mắng chúng tôi vì thấy trên xe không có người bệnh. Nhưng họ không biết rằng, khi không có người bệnh trên xe, lúc ấy mới là lúc khẩn cấp. Vì đây là lúc chúng tôi phải nhanh chóng đến cấp cứu cho bệnh nhân. Còn khi có người bệnh đã ở trên xe rồi thì tình hình đã được kiểm soát ổn hơn rồi”.
Xe đến nơi, các nhân viên y tế nhanh chóng vào nhà, hỏi thăm tình hình và cấp cứu bệnh nhân. Tuy là cấp cứu nhưng không khí không quá căng thẳng, các nhân viên y tế liên tục trấn an, động viên và dặn dò bệnh nhân và người nhà, giúp mọi người trở nên bình tĩnh hơn.
“Nhiều trường hợp, tại hiện trường có 2 bệnh nhân, một người chảy máu còn một người thì không. Chúng tôi chia nhau ra thăm khám, sơ cứu rồi quyết định đưa người không chảy máu lên xe trước. Những người ở hiện trường không hiểu chuyện, liền chửi bới rồi định hành hung chúng tôi, nhưng thực tế là đôi khi những vết thương hở có chảy máu lại không nguy hiểm bằng những vết thương bên trong, bệnh nhân có thể tử vong bất cứ lúc nào. Những điều này chỉ có người biết về chuyên môn mới có thể nhận ra, nên mình không thể trách họ, cứ tiếp tục công việc cứu người của mình thôi”, Bác sĩ chuyên khoa 1 Hoàng Văn Hải, Trạm trưởng Trạm cấp cứu chia sẻ.
Gọi là cấp cứu, nhưng các y bác sĩ ở đây cho biết họ không chỉ làm chuyên môn y tế, mà còn làm cả những công việc “không tên”. Bên cạnh thăm khám ban đầu, họ cũng phải vận chuyển bệnh nhân từ nhà ra xe. Trong nhiều trường hợp, nhà bệnh nhân ở tầng cao nhưng không có thang máy, các y bác sĩ cũng phải làm công tác vận chuyển, đôi lúc còn chuyển luôn cả đồ đạc.
Kết thúc ca cấp cứu F0 tại ngoại thành, chiếc xe lại quay về Trung tâm, lại được tẩy rửa, khử khuẩn và rồi các nhân viên y tế lại tiếp tục bữa ăn trưa của mình còn dang dở lúc 4 giờ chiều. Lẽ ra, là những nhân viên y tế, họ là những người ý thức được tầm quan trọng của bữa ăn đúng giờ. Thế nhưng, khi có những ca cấp cứu dồn dập giống như hôm nay, nhiều bữa trưa của các y bác sĩ, tài xế xe cứu thương của Trung tâm Cấp cứu 115 bắt đầu lúc 4 giờ chiều và bữa tối bắt đầu lúc 11 giờ đêm.
Các bác sĩ, điều dưỡng và lái xe cùng nhau ngồi vào bàn ăn cũng là lúc chúng tôi nói lời chào và ra về. Bước qua khỏi dãy xe cấp cứu đã được khử trùng nằm đợi sẵn, chúng tôi đi qua cánh cửa Trung tâm, bất giác trong phòng nghỉ của ê-kíp cấp cứu lại réo lên một tiếng chuông gấp gáp...
115 trong công tác chống dịch
Trong đợt dịch Covid-19, Trung tâm Cấp cứu 115 là đơn vị nòng cốt tham gia phòng, chống dịch. Từ tháng 12 năm 2019, khi ca bệnh đầu tiên xuất hiện trên thế giới, 115 đã được Bộ Y tế yêu cầu hỗ trợ chuyển các bệnh nhân nhập cảnh từ nước ngoài về đến các bệnh viện, khu vực cách ly.
Qua từng cấp độ dịch, từ khi dịch nổ ra đến khi bùng phát dữ đội, 115 đều nhận nhiệm vụ vận chuyển và cấp cứu bệnh nhân. Vào thời điểm số lượng F0 tăng lên hàng nghìn ca mỗi ngày tại Hà Nội, đơn vị được giao nhiệm vụ chỉ vận chuyển các bệnh nhân F0 đã chuyển nặng thuộc tầng 2 hoặc 3. Điều này đồng nghĩa với việc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội có trách nhiệm nặng nề hơn, phải trang bị kiến thức nhiều hơn và gia tăng năng suất làm việc trong mùa dịch.
Trung tâm Cấp cứu 115 là một đơn vị cấp cứu ngoài bệnh viện. Họ không phải là một bệnh viện nào cả. Thế nhưng, 115 đã trở thành một trong ba số điện thoại quan trọng nhất của người dân. Bất cứ khi nào rơi vào tình huống nguy cấp có liên quan đến sức khoẻ, người ta sẽ nhớ đến 115, cũng như phương châm làm việc của 115: “Không để bệnh nhân nào không được cấp cứu”.