Khám hậu Covid-19: Tránh lạm dụng, phát sinh tiêu cực
Khi nỗi lo về đại dịch Covid-19 giảm thì mối lo về sức khỏe hậu Covid-19 lại tăng.
Để công tác khám, chữa bệnh hậu Covid-19 cho người dân được hiệu quả, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tránh tình trạng lạm dụng chỉ định hoặc chỉ định không phù hợp, không cần thiết với khám hậu Covid-19, vừa để người dân không hoang mang lo lắng, vừa tránh phát sinh tiêu cực tại cơ sở y tế.
Không phải cứ mắc là khám hậu Covid-19
Thời gian qua, nhiều người dân sau mắc Covid-19 đã gặp một số vấn đề về sức khỏe như mệt mỏi, ho kéo dài, mất ngủ, rụng tóc, triệu chứng tim mạch... và đã đi khám hậu Covid-19.
Kể từ đầu dịch đến ngày 24/4, Việt Nam có 10.563.502 ca nhiễm Covid-19; 9.086.075 ca khỏi bệnh, con số này còn tăng lên, hậu Covid-19 sẽ tiếp tục là mối quan tâm không nhỏ. Xuất phát từ thực tế, một số phòng khám, cơ sở y tế đã quảng cáo, mở rộng thăm khám hậu Covid-19 với giá cả khá chênh lệch và nhiều dịch vụ đi kèm khiến người dân hoang mang như rơi vào "ma trận". Trước thực trạng đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần bình tĩnh để lựa chọn đúng nơi khám bệnh khi có nhu cầu thực sự.
Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho hay, sau khi bị cúm hoặc nhiễm một loại virus nào đó, người bệnh có thể mệt mỏi kéo dài một vài tuần. Đây là tình trạng rất bình thường. Nếu các triệu chứng của bệnh không gây rối loạn, không gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hay sinh hoạt hàng ngày, khả năng lao động thì người dân không cần phải đi khám hậu Covid-19.
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm oxy cao áp Việt - Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng, người bệnh chỉ nên đi khám hậu Covid-19 nếu gặp các triệu chứng gây ảnh hưởng nhiều đến việc sinh hoạt, làm việc thường ngày; hoặc đã từng nhập viện để điều trị Covid-19; hoặc có bệnh nền, dùng thuốc ức chế miễn dịch hay chưa tiêm đủ 2 liều vaccine. Nếu không thuộc một trong các trường hợp trên, thì không cần phải đi khám hậu Covid-19. Tuy nhiên nên đi kiểm tra sức khỏe sau khi âm tính khoảng 6 - 8 tuần.
“Vậy khám hậu Covid là sẽ khám những gì? Các bác sĩ sẽ khám, xét nghiệm một hoặc vài nhóm chuyên khoa như sau: Đánh giá chức năng hô hấp; tim mạch; đánh giá các triệu chứng thần kinh; triệu chứng tiêu hóa; cơ, xương, khớp và các triệu chứng khác nếu có; đồng thời xét nghiệm công thức máu, chức năng gan, thận và xét nghiệm các chỉ số về đông máu, các chỉ số về tình trạng viêm” - bác sĩ Hoàng cho biết.
Tránh lạm dụng, khám tràn lan
PGS.TS Nguyễn Văn Chi - Phụ trách Trung tâm Cấp cứu A9, BV Bạch Mai cho rằng, sau khi mắc Covid-19, không phải bệnh nhân nào cũng cần phải khám hậu Covid-19. Người dân tự theo dõi, lắng nghe cơ thể xem có những thay đổi bất thường nào như tức ngực, khó thở, ho hay không… Đặc biệt, những người có bệnh nền về tim mạch, huyết áp, tiểu đường… nên đi khám ngay và khám ở những nơi thuộc chuyên khoa. Còn những bệnh nhân sau khi khỏi Covid-19, không có triệu chứng bất thường, là người trẻ, khỏe, không nên rơi vào thái cực quá lo lắng, lạm dụng hoặc quá chủ quan nếu đã có triệu chứng.
“Khi bệnh nhân đến khám, một số nơi đưa ra các gói khám hoặc đưa ra những đánh giá quá mức cần thiết, điều đó làm ảnh hưởng tới chi phí của người dân. Chúng tôi khuyến cáo, nếu người dân có những dấu hiệu bất thường về những vấn đề nào của cơ thể thì nên tập trung vào giải quyết những vấn đề đó. Đặc biệt, người dân có vấn đề về bệnh nền cũ nên lưu ý tập trung kiểm tra, đánh giá lại xem có sự liên quan giữa bệnh nền và hậu Covid-19 hay không như tức ngực, khó thở, mất ngủ… để tránh khám tràn lan, lạm dụng” - PGS.TS Nguyễn Văn Chi khuyến cáo.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, ngành y tế cần đẩy mạnh giải thích cho người dân hiểu rõ bản chất của hậu Covid-19, đồng thời cụ thể hóa các F0 nên tầm soát sau khi khỏi bệnh, xử lý cơ sở y tế gợi ý hay ép buộc người dân tham gia gói dịch vụ khám sức khỏe hậu Covid-19.
Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh cho người bệnh khi mắc và hậu Covid-19 theo đúng hướng dẫn chuyên môn do bộ đã ban hành, như: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, trong đó có hướng dẫn phục hồi chức năng cho người bệnh Covid-19 sau ra viện, chăm sóc sức khỏe tâm thần; hướng dẫn phục hồi chức năng bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do SARS-CoV-2...
Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở KCB tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức để người dân hiểu đúng và đầy đủ về các dấu hiệu, triệu chứng hậu Covid-19, thời điểm người dân cần đi và thực hiện khám chữa bệnh phù hợp, tránh để người dân lo lắng, hoang mang quá mức. Bộ khuyến cáo người dân không sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc không được cấp phép lưu hành, các bài thuốc truyền miệng để chữa bệnh...
Bộ Y tế giao Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Thanh tra Bộ, Sở Y tế các tỉnh, TP, Y tế các bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế trực thuộc và cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn về hoạt động chuyên môn, thông tin, quảng cáo khám chữa bệnh để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh, xử lý nếu có vi phạm...
"Hậu Covid-19 xảy ra ở người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 có các triệu chứng xuất hiện trong hoặc sau khi mắc Covid-19, kéo dài 12 tuần và không thể lý giải bằng các chẩn đoán khác." - PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc BV Nhi T.Ư
(kinhtedothi.vn)
Đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 3, tiêm cho trẻ và cấp 'Hộ chiếu vắc xin'
Sáng 26-4, tại Hội nghị trực tuyến quán triệt việc 'làm sạch' dữ liệu tiêm chủng Covid-19 và hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ của Tổ công tác triển khai Đề án 06, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 đến nay cơ bản đã thành công. Công tác triển khai tiêm mũi 1, mũi 2 cho người trên 18 tuổi đạt tỷ lệ 100% nhưng việc tiêm mũi 3 còn rất chậm.
Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, tại hội nghị, Bộ Y tế cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ cấp “Hộ chiếu vắc xin” và chuyển đổi số trong ngành Y tế.
Tiêm vắc xin Covid-19 mũi 3, tiêm cho trẻ vẫn… chậm
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam đã tiêm hơn 212 triệu liều vắc xin phòng Covid-19. Tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên mũi 1 là gần 100%, mũi 2 là 100% nhưng tỷ lệ người đã tiêm mũi 3 chỉ đạt hơn 55%. Riêng đối với trẻ từ 12 đến 17 tuổi, tỷ lệ mũi 1 là 100% và mũi 2 là 96,3%.
Đánh giá chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, chiến dịch cơ bản đã thành công. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tốc độ tiêm chủng mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên còn chậm. Bộ Y tế đã liên tục trao đổi với các địa phương và được biết không thiếu vắc xin để tiêm cho các đối tượng theo hướng dẫn. Vậy, vấn đề đặt ra với các địa phương, đó là khó khăn, vướng mắc ở đâu, từ đó cần tập trung giải quyết và đẩy nhanh tiến độ này.
Cũng theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến hết ngày 25-4, đã có 48 địa phương triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi mũi 1 với tổng số tiêm là 667.978 liều.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đặt ra vấn đề, công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi dù diễn ra được gần nửa tháng nhưng tốc độ tiêm cho trẻ còn chậm. Tư lệnh ngành Y tế bày tỏ sự trăn trở và đề nghị các địa phương phải đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin Covid-19 mũi 3, tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các tỉnh, thành phố cũng cần đẩy nhanh hơn nữa công tác tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi thời gian tới.
Xác thực thông tin tiêm chủng trước ngày 1-6
Cũng theo báo cáo từ Bộ Y tế, trong tổng số hơn 212 triệu mũi vắc xin đã được tiêm đến thời điểm hiện tại có khoảng 7,6 triệu mũi chưa được nhập lên hệ thống.
Bên cạnh đó, trong số hơn 73,4 triệu người có CCCD/CMTND với khoảng hơn 180 triệu mũi tiêm còn có gần 43,5 triệu mũi tiêm đã xác minh nhưng còn sai thông tin gồm: Số định danh, ngày sinh, họ tên và thông tin khác.
Ngoài ra, có hơn 8,8 triệu người không có CCCD/CMTND hoặc sai định dạng CCCD/CMTND với hơn 20 triệu mũi tiêm, trong đó có hơn 3,36 triệu mũi tiêm không xác định được với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Về quy trình “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng vắc xin Covid-19, theo ông Nguyễn Bá Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu y tế, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), Tổ công tác triển khai Đề án 06 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo việc triển khai “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng.
Cụ thể, Tổ công tác triển khai Đề án 06 cấp xã/phường chỉ đạo Trạm y tế lập danh sách đối tượng tiêm chủng Covid-19 thường trú trên địa bàn sai thông tin, bao gồm các trường hợp sau: Không có số CCCD/CMTND; sai định dạng số CCCD/CMTND; sai thông tin cá nhân cơ bản: Số CCCD/CMTND, họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính.
Cùng với đó, Tổ công tác triển khai Đề án 06 cấp xã/phường giao Tổ công tác triển khai Đề án 06 cấp thôn/ấp thực hiện rà soát, bổ sung, điều chỉnh thông tin. Sau đó, danh sách được chuyển tới Công an xã/phường để thực hiện đối chiếu, xác thực, cập nhật, bổ sung thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Công an xã/phường ký và bàn giao danh sách cho Trạm y tế để lưu trữ và cập nhật, bổ sung thông tin đối tượng trên nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19.
Đối với những trường hợp không có CCCD/CMTND hoặc sai định dạng số CCCD/CMTND và sai thông tin cá nhân, Trạm y tế thực hiện cập nhật lại thông tin trên nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19. Sau khi thực hiện cập nhật thông tin, cán bộ Trạm y tế sử dụng chức năng lập danh sách xác minh thông tin để xem kết quả. Ngoài ra, các cơ sở tiêm chủng hằng ngày phải thực hiện kiểm tra, ký xác nhận “Hộ chiếu vắc xin”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu, các cơ sở tiêm chủng, các địa phương phải kết thúc xác thực thông tin tiêm chủng trước ngày 1-6, thông tin tiêm chủng của người dân phải chính xác và đồng bộ với Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Bên cạnh đó, cơ sở khám, chữa bệnh triển khai dùng CCCD thay thế dần thẻ bảo hiểm y tế, tiến tới dần dần chỉ còn một thẻ duy nhất là CCCD và mã định danh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ, việc liên thông dữ liệu, việc xác thực thông tin cá nhân không chỉ phục vụ tiêm chủng Covid-19, cấp “Hộ chiếu vắc xin” mà cả cho tương lai sau này, như trong vấn đề quản lý sức khỏe toàn dân. Đến năm 2025, 95% người dân phải được quản lý sức khỏe. Sau đó là đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số với ngành Y tế như khám, chữa bệnh không giấy tờ, bệnh án điện tử, bệnh viện thông minh…
Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn bỏ khai báo y tế, không khai báo y tế nội địa nữa, đã giao Cục Y tế dự phòng từng bước thực hiện. Khai báo nhập cảnh cũng sẽ trở lại bình thường, theo đúng điều lệ y tế quốc tế.
- Đối với người Việt Nam: Bắt buộc sử dụng số CCCD/CMTND. Chỉ những đối tượng đã được xác minh đúng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mới ký được xác nhận “Hộ chiếu vắc xin”.
- Đối với người nước ngoài tiêm tại Việt Nam: Sử dụng số hộ chiếu, không cần xác minh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ sở tiêm chủng chịu trách nhiệm về tính chính xác.
- Đối với các mũi tiêm mới, hoàn thành nhập dữ liệu và ký số xác nhận trong ngày theo Công văn số 1815/BYT-CNTT ngày 8-4-2022: Thực tế triển khai, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) nhận được phản ánh của một số đơn vị về việc không ký xác nhận được trong ngày vì phải chờ kết quả xác minh thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
(hanoimoi.com.vn)
'Hơn 43 triệu mũi tiêm vaccine COVID-19 chưa được đồng bộ dữ liệu'
Đây là số liệu đã được Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra tại Hội nghị trực tuyến Quán triệt việc 'làm sạch' dữ liệu tiêm chủng COVID-19 và hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ của Tổ công tác triển khai Đề án 06.
Theo thông tin của Bộ Y tế đến ngày 25/4, cả nước đã tiêm hơn 212,6 triệu mũi vaccine Covid-19. Tuy nhiên, khoảng 7,6 triệu mũi chưa được nhập lên hệ thống.
Bên cạnh đó, trong số hơn 73,4 triệu người có CCCD/CMND, còn 43.491.814 mũi tiêm đã xác minh nhưng còn sai thông tin gồm số định danh, ngày sinh, họ tên và thông tin khác.
Với hơn 8,8 triệu người không có CCCD/CMND hoặc sai định dạng CCCD/CMND, 3.364.726 mũi tiêm không xác định được với cơ sở dữ liệu về quốc gia về dân cư.
Sáng 26/4, phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua với sự giúp đỡ của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, và một số đơn vị liên quan, Bộ Y tế đã tích cực triển khai được dữ liệu phần mềm tiêm chủng quốc gia. Phần mềm đã phát huy hiệu quả, tuy nhiên trong thực tiễn triển khai cũng nảy sinh nhiều vấn đề và còn những hạn chế nên kết quả cũng chưa đạt được như mong muốn.
Theo Bộ trưởng, mặc dù Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhiều lần chỉ đạo đẩy mạnh việc cập nhật phần mềm tiêm chủng nhưng vẫn còn hơn 43 triệu mũi tiêm mà chưa đồng bộ được vấn đề tiêm chủng với dữ liệu dân cư quốc gia. “Vẫn còn những thông tin chúng ta nhập vào còn thiếu, chưa phù hợp, chưa đúng và chưa đảm bảo được việc liên thông dữ liệu này. Đây chính là khó khăn, hạn chế không chỉ của các địa phương mà còn Trung ương”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ. Ngay kể cả các bộ phận kỹ thuật chưa có thể kết nối được.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ, việc liên thông dữ liệu, xác thực các thông tin không những chỉ phục vụ cho việc tiêm chủng COVID-19 có ý nghĩa mà còn có lợi ích, ý nghĩa quan trọng về lâu dài khi triển khai những ứng dụng khác như: quản lý sức khỏe toàn dân. Bởi muốn quản lý sức khỏe thì phải thông qua hệ thống liên thông dữ liệu mới có thể quản lý được. Vì vậy, Bộ trưởng cho rằng thời gian tới cần đẩy nhanh tiến trình ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh việc chuyển đổi số với ngành y tế như khám chữa bệnh không dùng sổ y bạ giấy mà dùng bệnh án điện tử...
“Nếu chúng ta không có nền tảng ngay từ bây giờ thì rất khó triển khai đồng bộ. Chúng tôi mong muốn thúc đẩy nhanh chuyển đổi số với ngành y tế, ứng dụng công nghệ thông tin với ngành y tế, tạo mọi tiện ích cho người dân trong vấn đề tiếp cận các dịch vụ y tế”- GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng chia sẻ, hiện nay chúng ta đã tổ chức thành công Chiến dịch tiêm chủng. Tuy nhiên thời gian gần đây tốc độ tiêm chủng đang chậm lại. Việc tiêm mũi 1, mũi 2 với người lớn cơ bản đã hoàn thành 100% nhưng việc tiêm mũi 3 hiện đang chậm. Trong khi không có tình trạng thiếu vaccine tại các địa phương. Vì vậy, Bộ trưởng Long đề nghị các địa phương triển khai nhanh Chiến dịch tiêm chủng vaccine, phải hoàn thành tiêm mũi 3, hoàn thành việc tiêm cho trẻ từ 5- dươí12 tuổi trong quý II.
"Hiện nay tốc độ tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi rất chậm, được khoảng gần 1 triệu mũi tiêm mặc dù đã triển khai hơn nửa tháng. “Chúng ta còn rất ít thời gian nên cần phải đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.