Bí thư Thành ủy Hà Nội: Không tụ tập liên hoan, tổ chức lễ hội không an toàn dịp Tết
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị, người dân không chủ quan, tụ tập liên hoan, tổ chức lễ hội không bảo đảm an toàn.
Kết luận hội nghị Thường trực Thành ủy chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch COVID-19, chiều 25/1, ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội ghi nhận, đánh giá cao kết quả công tác điều trị F0 tuần qua với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chủ động, tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp. Số người dân khỏi bệnh đạt tỷ lệ cao. Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục bám sát địa bàn và nhiệm vụ, không vì Tết mà giảm hiệu quả phòng, chống dịch.
Báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Cán sự đảng UBND thành phố cho biết, trong tuần từ ngày 16/1 đến 24/1, toàn thành phố ghi nhận hơn 20.400 ca mắc SARS-CoV-2 mới nhưng số người được điều trị khỏi cũng lên tới hơn 17.600 ca. Tổng số người bệnh được chữa khỏi từ đầu đợt dịch thứ tư đến nay là hơn 69.400 ca. Toàn thành phố đang quản lý, điều trị 40.040 ca, trong đó, hơn 93% bệnh nhân thể nhẹ được điều trị ở tầng 1 (39.167 người), 3,25% đang điều trị ở tầng 2 (2.225 người) và chỉ có 1,55% đang điều trị ở tầng 3 (648 người).
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp, ngành căn cứ diễn biến thực tế dịch bệnh, tiếp tục bám sát chủ trương chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Cán sự đảng UBND thành phố để triển khai nhiệm vụ.
Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Ban Cán sự đảng UBND thành phố, cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về công tác phòng, chống dịch và thực hiện nghiêm "5K"; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến xã, phường, thị trấn, thôn, xóm, khu dân cư và người dân, nhất là người về từ tỉnh, thành khác, khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao tự giác thực hiện nghiêm quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh, tránh để lây lan ra cộng đồng.
Cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch đồng bộ, hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc "4 tại chỗ", không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; tổ chức hướng dẫn các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện công tác y tế phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng các quy định của Trung ương và thành phố; tăng cường kiểm tra, giám sát nhắc nhở cơ quan, đơn vị, tổ chức và người dân không chủ quan, tụ tập liên hoan, tổ chức lễ hội không bảo đảm an toàn...
Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo Công an thành phố chủ trì triển khai kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, tổ chức phân luồng, phân làn; có kế hoạch chủ động đối với một số điểm thường tập trung đông người trong dịp lễ, Tết.
Từng địa phương tiếp tục rà soát các cơ sở để thành lập các trạm y tế hoặc tổ y tế lưu động trên địa bàn; triển khai đồng bộ việc thu dung điều trị F0 triệu chứng nhẹ, không triệu chứng tại các khu thu dung điều trị theo mô hình trạm y tế lưu động và tổ chức cách ly điều trị tại nhà; tổ chức hoạt động có hiệu quả Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà, phối hợp chặt chẽ với Mạng lưới thầy thuốc đồng hành để giảm tải cho y tế cơ sở.
Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo ngành Y tế tăng cường kiểm dịch y tế quốc tế, phối hợp cách ly, giám sát chặt người nhập cảnh, đặc biệt người về từ các vùng đã ghi nhận biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 (Omicron). Tiếp tục đặt trọng tâm vào công tác tiêm chủng vắc xin, đẩy nhanh tiến độ tiêm vét mũi 1, mũi 2 và triển khai tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế; phối hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 xuyên Tết tại các điểm tiêm cố định, lưu động theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm bao phủ một cách nhanh nhất mũi nhắc lại cho người dân trên địa bàn thành phố.
Ngành Y tế chủ trì, chỉ đạo tăng cường việc cung cấp gói thuốc C (thuốc kháng vi rút) cho các bệnh nhân, đặc biệt là những người điều trị tại nhà để hạn chế người bệnh chuyển tầng điều trị; liên tục cập nhật số liệu và nắm chắc tình hình bệnh nhân chuyển tầng để tổ chức thu dung, điều trị và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bảo đảm an toàn tối đa cho người dân; hoàn thiện phương án tăng cường nhân lực hỗ trợ cho y tế cơ sở, để tránh bị quá tải và hoàn thành tốt nhiệm vụ bao gồm cả lực lượng y tế tư nhân, huy động sự hỗ trợ của cộng đồng, các cán bộ y tế đã nghỉ hưu, lực lượng đoàn viên, thanh niên, sinh viên các trường đại học trên địa bàn.
Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ chi trả hỗ trợ các lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch dịp Tết Nguyên đán, bảo đảm xong trước Tết để động viên kịp thời.
Baodansinh.vn
30 quận, huyện tại Hà Nội ghi nhận ca mắc COVID-19 mới
Tối 26/1, Sở Y tế Hà Nội thông tin, trong 24h qua trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.884 ca bệnh mới
Bệnh nhân phân bố tại 439 xã phường thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Gia Lâm (112); Đông Anh (108); Chương Mỹ (97); Đống Đa (90); Nam Từ Liêm (84); Hoài Đức (82)
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 120.419 ca.
Trên địa bàn thành phố có 69.075 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly. Trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (142), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (223), tại các bệnh viện của Hà Nội là (3.394), cơ sở thu dung điều trị thành phố (745), cơ sở thu dung quận, huyện (4.956), theo dõi cách ly tại nhà (59.615).
Số ca tử vong trong ngày hôm qua (25/1) là 19 trường hợp, tổng số người tử vong do COVID-19 từ ngày 29/4/2021 đến nay là 506 người.
Trong ngày toàn thành phố tiêm được 82.281 mũi tiêm, nâng tổng số mũi tiêm toàn thành phố đã thực hiện được từ khi triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là 14.541.317 mũi tiêm; 241.072 mũi bổ sung và 2.193.061 mũi vaccine nhắc lại.
Hiện tại các hoạt động phòng chống dịch bệnh COVID-19 như giám sát nhập cảnh, xét nghiệm, tiêm chủng, tổ chức điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung và hỗ trợ người bệnh điều trị tại nhà vẫn đang được ngành y tế thực hiện và phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.
Baophapluat.vn
Hà Nội: Ca mắc biến thể Omicron ngoài cộng đồng đã khỏi bệnh
Ngày 26/1, Sở Y tế Hà Nội cho biết trường hợp nhiễm biến chủng Omicron ghi nhận tại cộng đồng ở Hà Nội đã khỏi bệnh.
Thống kê cho thấy, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 14 ca nhiễm biến chủng Omicron gồm 13 trường hợp nhập cảnh và 1 người ngoài cộng đồng (tiếp xúc với 13 người nhập cảnh trên).
Bệnh nhân đầu tiên mắc Omicron ngoài cộng đồng ở Hà Nội là nữ, sinh năm 1980 tại quận Đống Đa. Bệnh nhân là nhân viên vệ sinh buồng phòng tại khách sạn Grand Vista Hà Nội. Đây là khách sạn thực hiện cách ly người nhập cảnh theo quy định của thành phố.
Trong khoảng thời gian từ 28/12/2021 đến ngày 9/1/2022, bệnh nhân làm việc tại khách sạn và có phục vụ cho các đoàn khách nhập cảnh cách ly tại khách sạn trong đó có 7 trường hợp nhiễm Omicron là khách nhập cảnh (do Bệnh viện Bạch Mai xét nghiệm và thông báo ngày 21/1/2022).
Bệnh nhân được cách ly tại khách sạn trong quá trình làm việc, được xét nghiệm PCR định kỳ hàng tuần và có kết quả âm tính vào ngày 3/1 và dương tính vào ngày 9/1.
Bệnh nhân được cách ly điều trị tại khách sạn từ ngày 9-18/1, hiện đã khỏi bệnh. Kết quả điều tra dịch tễ sơ bộ chưa phát hiện thêm người nhiễm thứ phát, toàn bộ nhân viên khách sạn và người nhà đều có kết quả xét nghiệm âm tính. Sở Y tế Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tích cực, chủ động trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, tiếp tục kiểm soát chặt người nhập cảnh, tăng cường giám sát phát hiện biến chủng mới Omicron…
Trong kỳ báo cáo gần đây Hà Nội trung bình ghi nhận 2.902 ca/ngày; số lượng ca mắc cơ bản đang được kiểm soát tốt ở ngưỡng 3.000 ca mắc/ngày. Trong tuần tiếp theo có thể ghi nhận mức giảm giả tạo do người dân về quê đón tết và sẽ tăng trở lại ngưỡng 3.000 ca/ngày sau Tết, thậm chí cao hơn nếu người dân không tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là 5K.
Tienphong.vn
Bộ Y tế tiếp tục hỏa tốc đề nghị không 'ngăn sông cấm chợ' dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần
Trong văn bản hỏa tốc gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, Bộ Y tế nhấn mạnh, các tỉnh, thành phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê dịp Tết, không 'ngăn sông cấm chợ' và sau Tết cần hỗ trợ người lao động trở lại các thành phố lớn làm việc...
Bộ Y tế vừa có văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước về việc tăng cường phòng chống dịch dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội đầu năm 2022.
Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê dịp Tết, không ngăn sông cấm chợ
Trong văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ký ban hành, Bộ Y tế nêu rõ tước diễn biến dịch COVID-19 phức tạp và để tăng cường phòng chống dịch trong mùa Đông- Xuân nhất là dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và mùa lễ hội đầu năm 2022; sự gia tăng đi lại giao lưu của người dân sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo UBND các cấp, các Sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị triển khai các giải pháp "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch" theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Thực hiện nghiêm công văn số 357 của Bộ Y tế, "tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê dịp Tết, không ngăn sông cấm chợ, tổ chức chăm lo cho người dân đón Tết, vận động người dân trở lại làm việc ngay sau kỳ nghỉ, nhất là việc hỗ trợ người lao động trở lại thành phố lớn đảm bảo an toàn, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội".
Cũng tại văn bản này, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo Sở Y tế xây dựng trình UBND tỉnh, thành phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2022 tổ chức triển khai thực hiện sớm nhất có thể, phân công cụ thể các đơn vị liên quan theo từng nội dung và địa bàn phụ trách.
Tăng cường triển khai công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh mùa đông –xuân, tập trung giám sát các trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là COVID-19 và biến thể mới, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán sớm tác nhân gây bệnh, triển khai xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch phát triển lây lan trong cộng đồng.
"Thần tốc hơn nữa" tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho người 18 tuổi trở lên và mũi 2 cho trẻ em từ 12-17 tuổi
Sở Y tế tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai "thần tốc" và "thần tốc hơn nữa" trong việc tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho người 18 tuổi trở lên và mũi 2 cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Đặc biệt chú ý tổ chức tiêm an toàn, thuận lợi cho người có nguy cơ cao, rà soát không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa được tiêm đủ liều vaccine để tập trung tiêm đủ liều cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên trong thời gian ngắn nhất.
Tổ chức công tác thu dung, cấp cứu, phân tuyến điều trị bệnh nhân, thực hiện phân luồng khám chữa bệnh, thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị bệnh nhân để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Sở Y tế phải tham mưu tổ chức các đoàn công tác liên ngành để kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng phòng bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm để phát hiện sớm, chấn chỉnh kịp thời việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp, kiên quyết không để xảy ra các hành vi vi phạm trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh, thành chỉ đạo Sở Giáo dục Đào tạo triển khai quyết liệt các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại cơ sở giáo dục, phối hợp với ngành y tế tổ chức tốt chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ em tại trường học. Xây dựng kế hoạch và chuẩn bị kỹ các hoạt động để mở cửa các cơ sở giáo dục, đạo tạo, các trường học trở lại trong thời gian tới đảm bảo an toàn.
Các tỉnh, thành cũng được yêu cầu phải chỉ đạo Sở Tài chính bổ sung kịp thời kinh phí theo đề xuất của Sở Y tế và các đơn vị liên quan để đảm bảo sẵn sàng trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc đáp ứng kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh…
Đối với các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công thương, văn bản hỏa tốc của Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện các công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao liên quan. Trong đó, Bộ Y tế lưu ý việc kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển và buôn bán gia cầm, các sản phầm từ gia cầm qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép...