* Tăng tốc, hoàn thành tiêm vắc xin mũi 3 trong tháng 3/2022
Thực tế cho thấy, tiêm vắc xin là một trong những biện pháp hiệu quả, chủ động để phòng mắc bệnh Covid-19. Mặc dù, không có một loại vắc xin nào có hiệu lực bảo vệ 100% sau tiêm chủng mà vẫn còn một tỷ lệ nhất định bị mắc bệnh, nhưng các triệu chứng thường nhẹ và không để lại di chứng, biến chứng nặng nề... Nếu tỷ lệ tiêm chủng cao, độ bao phủ trong cộng đồng đạt từ 70% đến 85% trở lên thì sẽ giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh và bảo vệ cộng đồng hiệu quả trước các tác nhân gây bệnh, đồng thời giúp cuộc sống sớm trở lại bình thường và phát triển kinh tế. Do đó, các địa phương của Hà Nội đang nỗ lực tập trung hoàn thành tiêm phủ vắc xin mũi 3 trong tháng 3/2022.
Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng
Đến nay, hơn 84% số người từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn thành phố đã được tiêm mũi nhắc lại vắc xin phòng Covid-19. Bên cạnh đó, gần 100% người cần tiêm mũi bổ sung đã được tiêm chủng. Khi tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 tại Hà Nội đạt mức cao thì người dân mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà, nơi cư trú được xem là mô hình điều trị phù hợp nhằm giảm tải áp lực cho các cơ sở y tế tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn mới.
Chủ tịch UBND phường Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng) Kim Thị Thu cho biết, ngày 25-3, UBND phường phối hợp với Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng tổ chức tiêm vắc xin Moderna mũi 1, 2, 3 cho 98 người tại điểm tiêm Trường Mầm non Việt - Bun, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phòng dịch. Phường có 132 người trên địa bàn đã tiêm mũi nhắc lại tại nơi khác. Tính đến ngày 26-3, toàn phường có 5.837/5.855 người đã tiêm mũi 1, đạt tỷ lệ 99,7%; 5.828/5.837 người đã tiêm mũi 2, đạt tỷ lệ 99,8%; 4.942/5.855 người đã tiêm mũi nhắc lại, đạt tỷ lệ 84,4%.
Phó Chủ tịch UBND phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng) Dư Thị Thư cho biết, ngay sau khi được chia 800 mũi vắc xin Moderna, UBND phường đã liên hệ đơn vị tiêm, lực lượng hỗ trợ điểm tiêm, rà soát các tổ dân phố để nắm bắt số lượng người dân chưa được tiêm để chuyển giấy mời công dân ra tiêm. Phường cũng quyết tâm tiêm vét mũi 3 vào chiều các ngày 28, 29-3.
Tính đến nay, thị xã Sơn Tây đã triển khai tiêm được 307.107 mũi vắc xin phòng Covid-19 trên tổng số 115.759 đối tượng từ 12 đến trên 65 tuổi (trong đó tổng số mũi 1 là 115.535, đạt 99,8%; mũi 2: 110.805 đạt 95,9%; mũi 3: 80.767, đạt 72,9%). Thời gian tới, thị xã tiếp tục triển khai tiêm chủng cho người dân để sớm đạt miễn dịch cộng đồng, trong đó đặc biệt lưu ý đến các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bảo đảm không bỏ sót người thuộc nhóm này.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, tính đến ngày 25-3, huyện Ba Vì đã tiêm 586.990 liều vắc xin phòng Covid-19 cho người từ 12 tuổi trở lên. Thực hiện chỉ đạo của các cấp, các ngành, huyện đã xây dựng kế hoạch, phấn đấu từ ngày 24 đến 29-3, sẽ tiêm 52.620 liều vắc xin cho những người chưa tiêm mũi nhắc lại, mũi bổ sung, tiêm mũi thứ ba cho người từ 18 tuổi trở lên...
Trung tâm Y tế huyện đã tăng cường 40 nhân viên y tế hỗ trợ các xã, thị trấn thực hiện chiến dịch tiêm chủng. Các xã, thị trấn đã cử nhân viên y tế đến tiêm vắc xin tại nhà cho 1.374 người già yếu, tàn tật... không thể đến cơ sở tiêm chủng; đồng thời, tăng cường tuyên truyền người dân theo dõi sức khỏe sau tiêm chủng...
"Huyện Ba Vì đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác tiêm chủng Covid-19 tại các điểm tiêm của 31 xã, thị trấn để kịp thời nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chỉ đạo quyết liệt các địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch, bảo đảm công tác tiêm chủng diễn ra an toàn...”, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh thông tin thêm.
Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn cũng thông tin, quận vừa ra văn bản số 155/KH-UBND ngày 23-3 về Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Với mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thực hiện nếp sống “Văn hóa phòng, chống dịch Covid-19”, các phường trên địa bàn đều quán triệt tập trung nhân rộng các điển hình, mô hình tích cực phòng, chống dịch, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm như không đeo khẩu trang nơi công cộng, không giữ khoảng cách…
Hỗ trợ F0 điều trị, chuẩn bị đón học sinh trở lại trường học
Hiện nay, người dân có thể tự xác định mắc Covid-19 bằng test nhanh thay vì nhân viên y tế thực hiện. Do đó, để bảo đảm người dân khi mắc bệnh được tiếp cận nhanh nhất với hệ thống y tế, người dân có thể nhắn tin đến trạm y tế các phường, xã, thị trấn. Sau khi tiếp nhận thông tin, cán bộ trạm y tế sẽ liên hệ lại với người dân để xác minh và nhanh chóng chuyển thông tin tới UBND địa phương để ban hành quyết định cách ly y tế, có hướng dẫn điều trị cho người mắc bệnh. Các thành viên Tổ hỗ trợ chăm sóc người mắc Covid-19 điều trị tại nhà tham gia nhập dữ liệu thông tin ca bệnh F0 vào phần mềm quản lý của Sở Y tế Hà Nội.
Tại huyện Hoài Đức, các xã, thị trấn đã củng cố, tăng cường lực lượng tham gia nhằm quản lý, theo dõi sức khỏe, các mức độ biểu hiện của người nhiễm bệnh; bảo đảm mọi người dân được tiếp cận nhanh nhất với hệ thống y tế. Các tổ chăm sóc, điều trị F0 tại nhà tại các xã, thị trấn đã đồng hành cùng lực lượng y tế trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là tích cực hỗ trợ người mắc Covid-19 điều trị tại nhà nhanh chóng phục hồi sức khỏe, sớm khỏi bệnh.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết, trên địa bàn huyện có 201 Tổ chăm sóc, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà với sự tham gia tích cực của 1.547 thành viên, có nhiệm vụ nhập thông tin F0 lên hệ thống phần mềm sau khi nhận dữ liệu từ y tế cơ sở; chỉnh sửa dữ liệu F0 đã đăng ký trên phần mềm để thông tin của F0 chính xác với thực tế; hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà biết cách khai báo thông tin sức khỏe hằng ngày vào phần mềm, khai hộ thông tin cho người không có điện thoại thông minh hoặc người già yếu.
Tại huyện Ba Vì, cùng với nhiệm vụ hoàn thành tiêm vắc xin mũi 3, huyện đã ban hành kế hoạch và phương án bảo đảm an toàn cho học sinh trở lại trường học sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19; chỉ đạo các đơn vị, trường học chuẩn bị các điều kiện; xây dựng kịch bản tình huống cụ thể sẵn sàng ứng phó trong trường hợp xuất hiện các ca F0, F1.
Ông Đặng An Bình, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề công nghệ Hà Nội cho biết, trước khi học sinh vào kỳ học mới, nhà trường đã tổ chức test nhanh cho giáo viên và học sinh toàn trường. Trong quá trình kiểm tra y tế, đã phát hiện một số giáo viên và học sinh bị F0, đến nay, những ca bệnh này đã khỏi bệnh, tiếp tục lao động, học tập. Với cơ sở vật chất đáp ứng đủ yêu cầu, nhà trường đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 để hằng ngày theo dõi tình hình.
Để chuẩn bị các điều kiện đón học sinh trở lại học trực tiếp, huyện Thanh Trì yêu cầu 100% giáo viên dạy học trực tiếp phải tiêm đủ 3 mũi vắc xin phòng dịch. Tổ chức đo thân nhiệt học sinh trước khi vào trường, bố trí máy đo thân nhiệt tự động cho học sinh tại các lối đi vào từ cổng, cầu thang các tòa nhà, 100% lớp học được trang bị máy đo thân nhiệt; chuẩn bị mọi điều kiện bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 để sẵn sàng cho các con đến trường.
Tương tự, UBND phường Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng) cũng đã thành lập Tổ chỉ đạo và hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại 4/4 trường học trên địa bàn với 18 thành viên, gồm: Lãnh đạo UBND, Công an, Quân sự phường, Hiệu trưởng các trường học, y tế, cảnh sát khu vực, cán bộ chuyên trách phòng, chống dịch của Ủy ban, Y tế, Bí thư chi bộ tổ dân phố khu vực có trường học.
Theo đó, UBND phường yêu cầu và hướng dẫn các nhà trường xây dựng phương án phòng, chống dịch trong tình hình mới với 4 cấp độ; kiện toàn cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch để sẵn sàng cho học sinh học trực tiếp. Cung cấp tài liệu hướng dẫn chăm sóc F0 là trẻ em để đăng tải trên cổng thông tin điện tử và các nhóm Zalo của từng trường, từng khối, từng lớp học.
Trong khi đó, Thiếu tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 6, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, phát huy tinh thần xung kích trong Tháng thanh niên, Chi đoàn đơn vị phối hợp với phường Mai Dịch tổ chức cấp phát thuốc hỗ trợ cho hơn 100 F0 đang điều trị tại nhà. Món quà tuy không lớn về vật chất nhưng mang giá trị động viên tinh thần to lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, người dân và các tổ chức chính trị, xã hội càng cần đoàn kết, chung sức, đồng lòng cùng Thủ đô chiến thắng dịch.
(Báo Hà Nội Mới)
*Australia viện trợ 13,7 triệu liều vaccine Covid-19 tiêm cho trẻ 5-11 tuổi
Chính phủ Australia đã chính thức cam kết viện trợ cho Việt Nam khoảng 13,7 triệu liều vaccine Pfizer và Moderna để tiêm cho trẻ 5-11 tuổi ngay trong tuần đầu tháng 4/2022.
Đây là thông tin mới nhất được Bộ Y tế cho biết sau khi đơn vị này đã làm việc với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam về việc hỗ trợ vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi ngày 22/3.
Hiện nay, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đang tích cực phối hợp với Đại sứ quán Australia để đưa vaccine về Việt Nam trong tuần tới.
Trong tháng 3/2022, Chương trình Tiêm chủng mở rộng tiến hành tập huấn chuyên môn triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi cho các địa phương trên toàn quốc và hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức các điểm tiêm chủng.
Ngay sau khi vaccine về tới Việt Nam và được kiểm định chất lượng an toàn, vaccine sẽ được chuyển tới các địa phương và tổ chức tiêm chủng vào đầu tháng 4/2022.
Bên cạnh nguồn vaccine hỗ trợ của Chính phủ Australia, Bộ Y tế và Chương trình Tiêm chủng mở rộng cũng đã và đang chủ động, tích cực tìm kiếm các nguồn hỗ trợ vaccine khác từ các Tổ chức quốc tế như USAID, COVAX Facility và Chính phủ các nước,… để sớm có cam kết tài trợ khoảng 8-10 triệu liều vaccine phòng Covid-19, đáp ứng đủ nhu cầu tiêm chủng đủ 2 liều cơ bản cho tất cả trẻ em từ 5-11 tuổi của Việt Nam.
(Báo Nhân dân)
*Đầu tháng 4/2022, tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi
Thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng sáng ngày 27/3 cho biết: Chính phủ Australia đã chính thức cam kết viện trợ cho Việt Nam khoảng 13,7 triệu liều vaccie Pfizer và Moderna để triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi ngay trong tuần đầu tháng 4/2022
Trước đó, ngày 22/3/2022, Bộ Y tế đã làm việc với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam về việc hỗ trợ vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi.
Theo đó, Chính phủ Australia đã chính thức cam kết viện trợ cho Việt Nam khoảng 13,7 triệu liều vaccine Pfizer và Moderna để tiêm cho trẻ 5-11 tuổi ngay trong tuần đầu tháng 4/2022.
Hiện nay, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đang tích cực phối hợp với Đại sứ quán Australia để đưa vaccine về Việt Nam trong tuần tới.
Trong tháng 3/2022, Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ tiến hành tập huấn chuyên môn triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi cho các địa phương trên toàn quốc và hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức các điểm tiêm chủng.
Ngay sau khi vaccine về tới Việt Nam và được kiểm định chất lượng an toàn, vaccine sẽ được chuyển tới các địa phương và tổ chức tiêm chủng vào đầu tháng 4/2022.
Cũng theo Chương trình tiêm chủng mở rộng, bên cạnh nguồn vaccine phòng COVID-19 hỗ trợ của Chính phủ Australia, Bộ Y tế và Chương trình Tiêm chủng mở rộng cũng đã và đang chủ động, tích cực tìm kiếm các nguồn hỗ trợ vaccine khác từ các Tổ chức quốc tế như USAID, COVAX Facility và Chính phủ các nước,… để sớm có cam kết tài trợ khoảng 8-10 triệu liều vaccine phòng COVID-19, đáp ứng đủ nhu cầu tiêm chủng đủ 2 liều cơ bản cho tất cả trẻ em từ 5-11 tuổi của Việt Nam.
Trước đó, ngày 26/3, Bộ Y tế có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em do Australia viện trợ.
Tại báo cáo, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế và Đại sứ quán Australia đã có buổi họp chiều ngày 22/3. Tại buổi làm việc này, phía Australia khẳng định có thể viện trợ khoảng 13,7 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em.
Đợt 1 có khoảng 9,7 triệu liều vaccine, bao gồm: 0,7 triệu liều vaccine do Pfizer sản xuất; 9 triệu liều vaccine do Moderna sản xuất. Số vaccine này đều có hạn sử dụng đến tháng 7/2022, đang sẵn có tại Australia và có thể vận chuyển về Việt Nam vào đầu tháng 4/2022 ngay sau khi hoàn thiện các thủ tục.
Đợt 2 có khoảng 4 triệu liều vaccine do Pfizer sản xuất, được Chính phủ Australia viện trợ thông qua UNICEF. Phía Australia đang hoàn thiện các thủ tục và dự kiến cung cấp trong tháng 4/2022.
Phía Australia sẽ sớm cung cấp các hồ sơ của vaccine để Bộ Y tế khẩn trương cấp phép sử dụng theo quy định và vận chuyển về Việt Nam khi được phê duyệt.
Tại báo cáo, Bộ Y tế kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Y tế tiếp nhận viện trợ 13,7 triệu liều vaccine phòng COVID-19 do Chính phủ Australia viện trợ để triển khai tiêm từ đầu tháng 4/2022.
(Báo Sức khoẻ đời sống)
*Bác sĩ 9X và hàng vạn cuộc gọi cứu F0
Thời gian Hà Nội có hàng chục nghìn ca F0 mỗi ngày, bác sĩ Đỗ Doãn Bách lại tiếp tục căng mình chiến đấu, giống như 2 tháng xung phong vào Nam.
Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành - vốn đã giúp tiếp cận với trên 150.000 F0, gọi được 450.000 cuộc gọi thành công - do anh tham gia sáng lập, vận hành, lại tiếp tục hỗ trợ các F0, cứu chữa kịp thời ca trở nặng.
Từ lời căn dặn của ông nội…
Phòng C3, nơi bác sĩ Đỗ Doãn Bách (SN 1991) công tác là một trong những khoa đầu vào của Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai. Tất cả bệnh nhân vào viện sẽ được sàng lọc Covid-19tại đây và chuyển lên các khoa, phòng.
Từ khi Hà Nội trở thành điểm nóng Covid-19, bác sĩ Bách cùng các đồng nghiệp tiếp tục bước vào cuộc chiến, hỗ trợ tư vấn bệnh nhân F0 vượt qua giai đoạn khó khăn.
Dù cuộc chiến lần này không khốc liệt như hồi anh cùng đoàn bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai chiến đấu tại Bệnh viện Dã chiến số 16, TP.HCM, song nỗi vất vả không hề kém.
“Giờ đây, trở lại với công việc thường ngày ở C3, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, tôi vẫn tâm niệm rằng: Tất cả những gì đã qua đều là những trải nghiệm đáng quý, để tôi thêm yêu thương, dấn thân hơn với nghề và cống hiến cho cộng đồng" Bác sĩ Đỗ Doãn Bách Mặc dù sinh ra trong gia đình có truyền thống ngành Y, nhưng đã có thời điểm chàng trai trẻ Đỗ Doãn Bách chọn ngã rẽ vào trường Đại học Giao thông vận tải.
“Vì một lý do đặc biệt nên cha Bách từ bỏ ước mơ được trở thành kế nghiệp ông nội, vốn là một bác sĩ tim mạch giỏi để vào chiến trường phía Nam và trở thành giảng viên đại học sau khi giải ngũ.
Dù mong mỏi con trai nối nghiệp truyền thống của gia đình nhưng cha tôi luôn tôn trọng ý kiến của con cái. Tuy nhiên, ông nội mới chính là người động viên tôi đến với ngành Y”, anh chia sẻ.
Và Đỗ Doãn Bách chính thức quyết tâm dấn thân theo học chuyên ngành bác sĩ đa khoa tại Trường Đại học Quảng Tây, Trung Quốc. Trở về nước, anh tiếp tục theo học chuyên sâu ngành Tim mạch tại Đại học Y Hà Nội và về công tác tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai.
Với anh, lời căn dặn của ông nội luôn là kim chỉ nam để bản thân phấn đấu trong sự nghiệp: “Là một bác sĩ, điều tiên quyết là phải giàu lòng thương người, tinh thần trách nhiệm và sự tỉ mỉ… Làm được những điều đó sẽ thành công và giúp ích được cho người khác”.
Đến Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành
Trong suốt 5 năm công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Bách tham gia rất nhiều chuyến tình nguyện khám, sàng lọc tim bẩm sinh cho đồng bào, trẻ em ở vùng cao.
“Bác sĩ Bách luôn tận tâm với người bệnh, nhiệt tình trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Anh là cán bộ có trình độ chuyên môn tốt, đã tham gia các công trình khoa học của Viện Tim mạch và Bệnh viện Bạch Mai. Đặc biệt, anh luôn rất tích cực tham gia các hoạt động của Hội Tim mạch học Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam trong việc tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho người dân…" TS. BS. Phan Đình Phong, Phó Phòng C3, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai Gom góp những niềm hạnh phúc chữa lành những trái tim lỗi nhịp nho nhỏ ấy, hành trình thiện nguyện của anh cùng các đồng nghiệp cứ nối dài.
Thời điểm manh nha thông tin dịch Covid-19 lan rộng và nhanh tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, anh cùng các đồng nghiệp trong Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã nhanh chóng tìm cách hỗ trợ người bệnh từ xa, nhằm giảm tải cho hệ thống y tế đang oằn mình chống đỡ.
Từ ý tưởng đến vận hành gói gọn trong đúng 10 ngày, “Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành” ra đời.
Suốt 10 ngày đó, nhóm thầy thuốc trẻ quên ăn, quên ngủ để tạo lập quy trình tư vấn, điều trị cho bệnh nhân, giúp họ yên tâm hơn.
“Rất may mắn là khi đó, chúng tôi nhận được sự ủng hộ, phối hợp tích cực của Bộ Y tế và Bộ KH&CN, sự đồng lòng, nhiệt huyết của các thầy thuốc trẻ khắp cả nước.
Chỉ trong tuần đầu tiên, mạng lưới đã thu hút 2.000 bác sĩ, tình nguyện viên tham gia. Đến thời điểm hiện nay, con số đã là 16.000”, bác sĩ 9X kể.
Qua hoạt động của Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, các thầy thuốc trẻ đã nhanh chóng tiếp cận được hàng vạn F0 để tư vấn, hỗ trợ trong giai đoạn nhiều người dân hoảng loạn vì dịch bùng phát dữ dội.
Được ví như «trận chiến trên mây», ở mạng lưới đó, mỗi ngày, mỗi bác sĩ tiếp cận hàng trăm bệnh nhân thông qua điện thoại.
Chỉ tính riêng trong đợt bùng phát dịch Covid-19 tại TPHCM và các tỉnh phía Nam (từ tháng 7 - 10/2021), Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành đã huy động hơn 10.000 bác sĩ và tình nguyện viên trên khắp cả nước tham gia tư vấn từ xa cho hàng nghìn F0.
Riêng Mạng lưới Thầy thuốc Đồng hành tại tỉnh Bình Dương do bác sĩ Đỗ Doãn Bách trực tiếp điều hành đã hỗ trợ khoảng 90.000 bệnh nhân.
Đến nay, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành được chuyển giao cho Bộ Y tế và bàn giao cho Sở Y tế của các địa phương tiếp quản như: TP.HCM, Cần Thơ, Bình Dương, Đà Nẵng, Hà Nội… góp phần kiểm soát dịch bệnh trong giai đoạn “bình thường mới” với hàng vạn ca F0 điều trị tại nhà mỗi ngày.
Tâm huyết với Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, bác sĩ Bách hy vọng, đây sẽ là tiền đề để phát triển thành mạng lưới Thầy thuốc gia đình, góp phần nâng cao chất lượng y tế cơ sở, góp phần giải quyết hiệu quả tình trạng quá tải trong các bệnh viện Trung ương.
Ký ức những trận chiến nơi tâm dịch
Nói về lý do gửi đơn xung phong lên đường vào hỗ trợ miền Nam khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, bác sĩ Bách chia sẻ: “Vì tham gia Mạng lưới đồng hành, nên tôi hiểu rất rõ trận chiến ấy sôi sục đến nhường nào và người bệnh cần chúng tôi đến thế nào. Không thể chần chừ, phải lên đường thôi”.
Đầu tháng 8/2021, trở về nhà sau nhiều ngày “dầm” mình với Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, anh xách balô lên đường theo đoàn y, bác sĩ đầu tiên của Bệnh viện Bạch Mai vào TP.HCM gây dựng cơ sở Bệnh viện Dã chiến số 16 để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân Covid-19. Lúc rời chân đi, anh chỉ kịp gọi điện về cho gia đình thông báo.
Đến khi Bệnh viện Dã chiến 16 mở cửa, đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai thật sự choáng ngợp bởi số lượng bệnh nhân nặng. Gần 500 giường bệnh dường như được phủ kín chỉ trong ít ngày.
Đường dây nóng đổ chuông suốt ngày đêm không ngớt, bởi tình hình dịch thời điểm đó vô cùng cấp thiết. Nhiều xe cấp cứu chở bệnh nhân đi trên đường mà không thể vào bất kỳ bệnh viện nào vì cơ sở y tế nào cũng đã kín giường.
“Ngày cũng như đêm, liên tục bệnh nhân nặng hôn mê, thở máy được chuyển đến, khiến các bác sĩ luôn trong tình trạng căng mình để chăm sóc, điều trị và cố gắng cứu bệnh nhân hết sức có thể”, anh nhớ lại.
Tại Bệnh viện Dã chiến số 16, bác sĩ Bách được phân công làm ở phòng Hồi sức 3, nơi chuyên làm ECMO cho người bệnh nguy kịch. Do vậy tỷ lệ tử vong tại đây luôn cao nhất và đó chính là áp lực lớn đối với các bác sĩ.
“Nhiều khi “lực bất tòng tâm”, chúng tôi xót xa khi chứng kiến quá nhiều người bệnh ra đi. Tôi và nhiều đồng nghiệp không tránh khỏi stress, căng thẳng và day dứt.
Nhưng thời gian không cho phép chúng tôi dừng lại, nhiều bệnh nhân khác vẫn đang chờ. Và guồng quay của công việc cứ thế miệt mài cuốn chúng tôi đi…”, giọng anh như trùng xuống.
Không chỉ chăm sóc, điều trị người bệnh, anh cùng các đồng nghiệp còn làm cầu nối kết nối với người bệnh với người thân. Đó cũng như liều thuốc tinh thần với chính các bệnh nhân Covid-9 nặng trong thời điểm mà nếu không trong ở hoàn cảnh đó, ít ai tưởng tượng được ra sao…
Những ngày tháng đó, bệnh nhân để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho bác sĩ Bách là một sản phụ vừa sinh con thứ hai, được chuyển đến từ Bệnh viện Hùng Vương khi phổi đã bị tổn thương, phải đặt ống thở máy.
Khi mới được chỉ định cai máy thở, chị không nói được, có biểu hiện hoảng loạn. Giây phút đó, bác sĩ cố gắng trấn an sản phụ và đưa cho chị một tờ giấy để viết thông tin liên lạc của người nhà.
“Tôi nhớ lúc ấy chị viết nguệch ngoạc lên tờ giấy số điện thoại của chồng, sau đó tôi cố gắng đưa được điện thoại vào bên trong phòng cách ly để hai vợ chồng gọi điện gặp nhau, để chị được nhìn thấy chồng và con gái đầu lòng.
Cuộc gọi đó là động lực để chị dũng cảm chiến thắng Covid-19 và ra viện. Đến bây giờ, chị vẫn nhắn tin liên lạc và cảm ơn bác sỹ. Tôi hiểu rằng được gặp người nhà là một trong những nguồn động viên rất lớn với người bệnh,” bác sĩ Bách kể.
Top 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2021
Hiện nay, bác sĩ Đỗ Doãn Bách đã lập gia đình và có con trai 4 tuổi. Gia đình anh có truyền thống ngành Y, ông nội là GS. Đỗ Doãn Đại, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và bà nội là bác sĩ Phạm Thị Hoan, cùng nhiều người thân đều công tác trong ngành Y.
Với thành tích là thành viên sáng lập và tham gia vận hành mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, tiếp cận với 150.000 bệnh nhân F0, gọi được 450.000 cuộc gọi thành công, phát hiện 1.415 bệnh nhân nguy cơ cao được hỗ trợ cấp cứu, chuyển viện, bác sĩ Đỗ Doãn Bách vinh dự được Trung ương Đoàn, Hội đồng xét tặng Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021 chọn vào top 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021. Lễ tuyên dương diễn ra ngày 26/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Trong năm 2021, bác sĩ Bách cũng nhận được giấy khen của Bộ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; nhận Giải thưởng “Thanh niên sống đẹp năm 2021” của Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam.