Sáng 28/2: Tập trung nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4; trung bình 7 ngày qua số mắc COVID-19 mới gần 68.000 ca/ngày
Phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 tổ chức tối qua 27/2 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu tập trung nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4. Từ ngày 21-27/2, Việt Nam ghi nhận có hơn 476.000 ca mắc mới COVID-19, trung bình mỗi ngày gần 68.000 ca...
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 3.321.005 ca mắc COVID-19, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 33.619 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 3.313.653 ca, trong đó có 2.409.095 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (532.303), Bình Dương (297.055), Hà Nội (259.100), Đồng Nai (101.130), Tây Ninh (90.175).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 67.986 ca/ngày
Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.411.912 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.190 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 2.526 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 285 ca; Thở máy không xâm lấn: 109 ca; Thở máy xâm lấn: 259 ca; ECMO: 11 ca
Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 92 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.144 ca, chiếm tỷ lệ 1,2% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN)
Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 33.586.793 mẫu tương đương 79.078.763 lượt người, tăng 91.637 mẫu so với ngày trước đó.
Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 193.408.292 liều, trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 176.651.604 liều: Mũi 1 là 70.856.765 liều; Mũi 2 là 67.205.932 liều; Mũi 3 là 1.442.190 liều; Mũi bổ sung là 13.699.350 liều; Mũi nhắc lại là 23.447.367 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.756.688 liều: Mũi 1 là 8.621.505 liều; Mũi 2 là 8.135.183 liều.
Hơn 476.000 ca mắc mới COVID-19 trong tuần qua
Theo Bộ Y tế, ngày 27/2, Việt Nam ghi nhận 86.990 F0 mới. Trong đó, 86.966 trường hợp ghi nhận trong nước, tăng 8.996 F0 so với ngày trước đó. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp số ca mắc mới tại Việt Nam ở ngưỡng hơn 70.000.
Hà Nội tiếp tục lập "đỉnh" mới với 11.517 ca bệnh trong ngày. Đây là số lượng ca bệnh nhiều nhất từ trước đến nay ghi nhận tại địa phương này.Ngoài Hà Nội có 28 tỉnh, thành khác ghi nhận từ 1.000 ca- gần 6.000 ca gồm: Quảng Ninh (5.997), Lạng Sơn (4.960), Hưng Yên (3.225), Bắc Ninh (3.037), Nghệ An (2.941), Nam Định (2.764), Vĩnh Phúc (2.758), Phú Thọ (2.565), Sơn La (2.509), Tuyên Quang (2.350), Hòa Bình (2.298), Lào Cai (2.272), Hải Dương (2.226), Hải Phòng (2.114), Ninh Bình (2.031), Đắk Lắk (2.012), Bắc Giang (1.999), Yên Bái (1.994), TP HCM (1.969), Thái Bình (1.733), Hà Giang (1.708), Thái Nguyên (1.496), Quảng Bình (1.351), Khánh Hòa (1.260), Cao Bằng (1.141), Bình Phước (1.118), Điện Biên (1.118), Bình Định (1.048).
Từ ngày 21-27/2, Việt Nam ghi nhận có hơn 476.000 ca mắc mới COVID-19. Hà Nội vẫn là địa phương có số mắc mới cao nhất cả nước với 60.856 ca trong tuần qua.
Số ca nhiễm tăng mạnh liên tục trong nhiều ngày nhưng lượng bệnh nhân tử vong vẫn duy trì ở mức thấp. Trong ngày 27/2, cả nước ghi nhận 94 ca tử vong, tăng 6 ca so với ngày trước đó. Trong đó, Hà Nội nhiều nhất với 17 trường hợp. TP.HCM ghi nhận 2 trường hợp, trong đó một ca từ tỉnh Sóc Trăng chuyển đến.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 92 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.144 ca, chiếm tỷ lệ 1,2% so với tổng số ca nhiễm.
Khoảng 10% học sinh ở Hà Nội mắc COVID-19
Trong ngày 27/2, Sở GD&ĐT Hà Nội có tờ trình gửi UBND TP Hà Nội về việc cho học sinh khối lớp 1 đến 6 thuộc 18 huyện, thị xã chuyển sang học trực tuyến.
Tờ trình nêu, qua khảo sát nắm bắt tình hình học tập học sinh lớp 1 đến 6: Học sinh chưa được tiêm phòng vaccine phòng, chống dịch; số lớp phải ngừng dạy học trực tiếp chuyển sang trực tuyến chiếm 45,2%; tỷ lệ học sinh trực tuyến đạt 91,14%; số lớp đang học trực tiếp chiếm tỷ lệ 54,8%.
Trong thời gian qua, tỷ lệ học sinh mắc COVID-19 đạt xấp xỉ 10% so với tổng số người mắc trên địa bàn thành phố tương đương với 17.384 ca mắc. Trong đó, có 597 ca phải điều trị tại bệnh viện, chiếm tỷ lệ xấp xỉ 3,4% bao gồm: trẻ sơ sinh, có bệnh nền cấp tính, trẻ có triệu chứng mức độ trung bình, nặng, nguy kịch, còn lại đa số ca bệnh không có triệu chứng và nhẹ.
UBND TP Hà Nội đồng ý đề xuất của Sở GD&ĐT Hà Nội cho học sinh thuộc các khối lớp từ 1 đến 6 của 18 huyện thị xã chuyển từ học trực tiếp sang học online kể từ ngày 28/2.
(Báo Sức khỏe & đời sống)
Giải pháp giúp hạn chế di chứng Covid-19
Không chỉ hạn chế lây nhiễm nCoV, vaccine còn được các chuyên gia đánh giá có thể làm giảm di chứng kéo dài sau khi khỏi Covid-19.
Nhiều người mắc Covid-19 sau khi nhận kết quả âm tính vẫn tồn tại các triệu chứng của bệnh, thậm chí xuất hiện thêm những biểu hiện bất thường khác, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống.
Hậu Covid-19 là gánh nặng với người bệnh và cần được can thiệp
Trao đổi bên lề Hội thảo Tiếp cận và xử trí các bệnh lý hậu Covid-19, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết các triệu chứng xuất hiện sau khi người bệnh âm tính với SARS-CoV-2 đang được giới khoa học chia làm 2 giai đoạn.
“Trong khoảng thời gian từ 4 đến 12 tuần sau khi người bệnh khỏi Covid-19, các triệu chứng này được xếp vào giai đoạn Covid-19 kéo dài hay còn gọi là ‘on going’. Với các triệu chứng mới xuất hiện hoặc tồn tại sau 12 tuần tính từ thời điểm khỏi bệnh, chúng sẽ được xếp vào nhóm hậu Covid-19”, bác sĩ Cấp nói.
Vị chuyên gia nhận định cả 2 giai đoạn này đều là gánh nặng với bệnh nhân cũng như quá trình chăm sóc và điều trị. Do đó, dù là Covid-19 kéo dài hay hậu Covid-19, bệnh nhân đều cần sớm được tiếp cận và giải quyết.
Bác sĩ Cấp nói thêm: “Tùy thuộc vào số liệu thống kê với 55 triệu chứng khác nhau của hậu Covid-19 cũng như cách phân loại, chúng ta có thể đánh giá tỷ lệ bệnh nhân gặp vấn đề nào. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đến nay ghi nhận khoảng 70-80% bệnh nhân sau khi khỏi Covid-19, dù từng diễn biến nặng hay nhẹ, đều xuất hiện một vài biểu hiện trong nhóm 55 triệu chứng đó”.
Ông cũng đánh giá các ảnh hưởng của hậu Covid-19 rất hiện hữu. Người bệnh có thể cảm thấy chúng hàng ngày. Một số triệu chứng thực sự nghiêm trọng như mệt mỏi, mất khả năng làm việc hoặc rối loạn trí nhớ, hành vi, giấc ngủ,...
“Đây là các vấn đề ngành y tế cần đồng hành với bệnh nhân để giải quyết sớm nhất có thể. Mặt khác, một số vấn đề nhẹ hơn cũng có thể tự khắc phục tại nhà. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng tìm hiểu, nghiên cứu để hướng dẫn bệnh nhân”, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ.
Cũng tại hội thảo, thạc sĩ, bác sĩ Trần Văn Giang, Phó trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho hay một số triệu chứng của hậu Covid-19 có thể kéo dài từ 6 tháng trở lên. Y học thế giới cũng đang coi đây là các biểu hiện bệnh lý của hậu Covid-19, ảnh hưởng tới chất lượng đời sống người bệnh, cần can thiệp từ y bác sĩ mới có thể cải thiện.
Theo ông, hậu Covid-19 có thể ảnh hưởng tới nhiều cơ quan như hô hấp, huyết học, tim mạch, thần kinh, thận tiết niệu, nội tiết, tiêu hóa và gan mật, da liễu hay hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em.
Một số triệu chứng phổ biến có thể kể tới là khó thở, hụt hơi, mệt mỏi, chóng mặt,... Các vấn đề này có thể nặng nề hơn khi hoạt động thể lực, trí óc cường độ cao. Hậu Covid-19 cũng gây ảnh hưởng về trí nhớ, sự tập trung, giấc ngủ, ho kéo dài, đau tức ngực,...
Tuy nhiên, bác sĩ Giang nhấn mạnh các mẫu nghiên cứu đến nay có thể vẫn chưa đại diện được hết những triệu chứng của hậu Covid-19 khi số ca mắc đang tăng lên từng ngày. Chúng ta vẫn cần những bằng chứng tiếp theo để đưa ra vấn đề nổi bật nhất của hậu Covid-19.
Bệnh nhân nào dễ gặp di chứng hậu Covid-19?
Bác sĩ Trần Văn Giang khẳng định Covid-19 là bệnh lý có biểu hiện toàn thân. Các trường hợp nhiễm virus có thể không xuất hiện triệu chứng, diễn biến nhẹ, nặng, nguy kịch, biểu hiện đa dạng. Các nhóm bệnh nhân cũng ở nhiều độ tuổi khác nhau, nhiều nhất là người trưởng thành.
Từ đây, ông cho biết tất cả trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, dù có phải nhập viện hay không, ở mọi lứa tuổi, đều có thể xuất hiện các biểu hiện của hậu Covid-19. Nhóm trẻ em mắc Covid-19 thường diễn biến nhẹ, các di chứng hậu Covid-19 ít gặp hơn nhưng vẫn xuất hiện.
Bác sĩ Giang lưu ý: “Các trường hợp mắc Covid-19 diễn biến nặng, nguy kịch, cần can thiệp nhiều khi điều trị và phải nhập viện ở khoa hồi sức tích cực thường gặp vấn đề về hậu Covid-19 nhiều, trầm trọng hơn”.
Trong bối cảnh đó, vị chuyên gia này cho biết đến nay, vaccine vẫn là cách tốt nhất để phòng bệnh Covid-19. Mặt khác, những người đã tiêm vaccine khi nhiễm virus, các di chứng hậu Covid-19 cũng sẽ diễn ra nhẹ nhàng hơn.
Một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Lancet mới đây cho thấy nồng độ kháng thể kháng SARS-CoV-2 thấp có thể tăng nguy cơ xuất hiện các vấn đề hậu Covid-19.
Do đó, Phó trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng khuyến cáo người dân nên tiêm đủ mũi vaccine để phòng bệnh cũng như hạn chế được các vấn đề hậu Covid-19.
Về chẩn đoán và điều trị, vị chuyên gia cho biết đến nay, các bác sĩ vẫn phải chẩn đoán lâm sàng và sử dụng phương pháp loại trừ đối với trường hợp có di chứng hậu Covid-19.
“Chúng ta chưa có phương pháp xét nghiệm để khẳng định người bệnh có tình trạng hậu Covid-19. Việc dương tính với SARS-CoV-2 hay kháng thể của virus không có ý nghĩa quyết định để chẩn đoán bệnh. Do đó, việc chẩn đoán và điều trị hậu Covid-19 lúc này vẫn thực sự khó khăn”, bác sĩ Giang nói.
Liên quan vấn đề này, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch danh dự Hội Truyền nhiễm Việt Nam, cho rằng đến nay, Việt Nam cũng như thế giới vẫn tiếp tục nghiên cứu về hậu quả các di chứng sau Covid-19 để lại. Nhiều cơ chế bệnh sinh vẫn chưa được hiểu rõ.
Do đó, ông cho rằng cách dự phòng các di chứng hậu Covid-19 tốt nhất hiện nay vẫn là tránh để bản thân nhiễm SARS-CoV-2. Mọi người cần tập trung tuân thủ khuyến cáo 5K và nhanh chóng tiêm vaccine phòng bệnh.
“Trong thời gian này, ngành y tế vẫn nỗ lực tìm giải pháp, sản xuất thêm các loại thuốc nhằm khống chế triệu chứng của bệnh”, GS Kính nói.