Hơn 14.700 ca mắc, 6 ca tử vong do sốt xuất huyết trên toàn quốc
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng chống sốt xuất huyết.
Theo Bộ Y tế, trong những tuần gần đây, số mắc sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương và đã ghi nhận các trường hợp tử vong.
Báo cáo của các địa phương từ đầu năm đến nay cho thấy: Cả nước ghi nhận 14.704 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 6 ca tử vong tại Bình Dương (3), Đồng Tháp (1), Tây Ninh (1), Đồng Nai (1). So với cùng kỳ năm 2021 số mắc giảm nhẹ, tuy nhiên số tử vong tăng 1 trường hợp.
Bộ Y tế dự báo trong thời gian tới số mắc có xu hướng gia tăng do đang bắt đầu vào thời điểm mùa dịch, để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, không để dịch bùng phát, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo xây dựng và ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 12 (15/6/2022) và triển khai các hoạt động thiết thực nhằm truyền thông phòng chống sốt xuất huyết trước mùa dịch và phát huy vai trò của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống sốt xuất huyết.
Các địa phương giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền có nhiệm vụ chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành Y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng bọ gậy.
Ngành Y tế triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương. Tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch. Đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể. Xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động phòng chống sốt xuất huyết.
Các địa phương tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, lồng ghép với truyền thông phòng chống COVID-19 và các hoạt động khác để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi lăng quăng bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt.
Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện.
Tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát, lồng ghép công tác chỉ đạo phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch với công tác phòng chống COVID-19, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch...
Đồng thời bố trí kinh phí cho công tác phòng chống sốt xuất huyết.
(vtv.vn)
Người phụ nữ hơn 10 năm phải chịu nhiều biến chứng của căn bệnh nguy hiểm
Các bác sĩ nhiều chuyên khoa của Bệnh viện E vừa cùng điều trị thành công cho một người bệnh mắc bệnh viêm tủy thị thần kinh.
Bệnh nhân nữ (44 tuổi, trú tại Hải Hòa, Hải Hậu, Nam Định) nhập viện với lý do yếu tái phát 2 chi dưới, rối loạn đại tiểu tiện, mắt nhìn mờ...
Khai thác tiền sử bệnh án, bệnh nhân được chẩn đoán mắc lupus ban đỏ và viêm tủy thị thần kinh cách đây 10 năm nhưng không điều trị thường xuyên, khiến bệnh tái phát nhiều lần. Điển hình, căn bệnh đã từng gây ra các biến chứng nguy hiểm như tràn dịch màng phổi.
Theo người nhà bệnh nhân chia sẻ, cách đây 6 tháng, bệnh nhân tiếp tục khởi phát bệnh với những biểu hiện tê 2 chân lên đến rốn, yếu dần 2 chân. Bệnh nhân được đưa đi cấp cứu và điều trị ở bệnh viện tuyến huyện nhưng không đỡ, sau đó, được chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh để điều trị tiếp.
Khoảng 2 tuần sau, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện triệu chứng liệt 2 chân không cử động được, nhìn mờ, bí tiểu... và được chuyển lên Bệnh viện E.
Tại đây, bệnh nhân được chuyển vào Khoa Phẫu thuật thần kinh, các bác sĩ chỉ định các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết. Sau khi loại trừ các nguyên nhân do mắc khối u hoặc do chấn thương, các bác sĩ nghĩ đến bệnh nhân mắc một loại bệnh tự miễn nào đó gây nên tổn thương này.
Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn với các bác sĩ của Khoa Dị ứng miễn dịch và Da liễu, xác định, bệnh nhân mắc căn bệnh viêm tủy thị thần kinh trên nền bệnh lý lupus ban đỏ hệ thống. Bệnh nhân được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc để lọc máu và điều trị corticoid liều cao.
Sau 1 tuần, bệnh nhân cải thiện, được chuyển xuống Khoa Dị ứng miễn dịch và Da liễu tiếp tục điều trị theo phác đồ của căn bệnh viêm tủy thị thần kinh và tiến hành phục hồi chức năng.
ThS.BS Nguyễn Lê Hà, Khoa Dị ứng miễn dịch và Da liễu giải thích: Viêm tủy thị thần kinh hay các rối loạn phổ viêm tủy thị thần kinh là bệnh tự miễn gây viêm hủy myelin của hệ thần kinh trung ương, thường tổn thương dây thần kinh thị giác và tủy sống. Bệnh tiến triển từng đợt với nhiều di chứng nặng nề về cảm giác, vận động, thị lực, rối loạn đại tiểu tiện tích lũy theo thời gian, gây ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống và có thể gây suy hô hấp, tử vong.
Theo bác sĩ Hà, trong đợt cấp, triệu chứng tiến triển nhanh đạt đỉnh trong vài ngày, sau đó chỉ có 1/3 bệnh nhân phục hồi hoàn toàn. Bệnh nhân này còn được chẩn đoán lupus ban đỏ hệ thống. Sự phối hợp 2 bệnh lý viêm tủy thị thần kinh và lupus trên cùng một bệnh nhân rất hiếm gặp (tỷ lệ khoảng 1/5 triệu người).
Triệu chứng đặc trưng của viêm tủy thị thần kinh là viêm thị thần kinh hoặc viêm tủy. Viêm thị thần kinh là viêm dây thần kinh thị giác, gây đau nhức trong mắt, đau tăng khi cử động mắt và thường tiến triển nhanh tới giảm thị lực hoặc mù lòa. Triệu chứng thông thường khởi phát từ 1 mắt, tuy nhiên cũng có thể xảy ra đồng thời cả 2 mắt hoặc tiến triển từ một bên sang 2 bên. Rất khó để phân biệt viêm thị thần kinh trong bệnh viêm tủy thị thần kinh với viêm thị thần kinh trong bệnh xơ cứng rải rác, hoặc viêm thị thần kinh vô căn.
Viêm tủy thường gây ra triệu chứng về vận động, cảm giác hoặc triệu chứng thần kinh tự động ở phần cơ thể dưới mức tổn thương. Bệnh nhân có thể đau lưng, liệt 2 chân hoặc liệt tứ chi, kèm tê bì giảm cảm giác hoặc đau các chi, bí tiểu, bí đại tiện. Buồn nôn, nôn hoặc nấc, có thể kéo dài, đôi khi là những triệu chứng đầu tiên của bệnh.
"Để việc điều trị đạt được hiệu quả, thời gian phát hiện bệnh sớm rất quan trọng. Điều quan trọng nữa là bệnh lý này có thể tái phát ở một số bệnh nhân nên việc điều trị dự phòng là rất cần thiết" - bác sĩ Hà nhấn mạnh.
Đến nay, sau 1 thời gian điều trị tại Bệnh viện E, từ người liệt 2 chi dưới, mắt mờ do biến chứng của căn bệnh quái ác viêm tủy thị thần kinh gây nên, bệnh nhân đã có thể đi lại được, mắt nhìn thấy được và tự chăm sóc bản thân.
(vtv.vn)
Đã tiêm hơn 1 triệu liều vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi
Sau gần 2 tuần triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, đến nay đã có 57/63 tỉnh, thành phố thực hiện tiêm và có báo cáo kết quả hàng ngày về Bộ Y tế.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy đến hết ngày 27/4 số liều vaccine phòng COVID-19 đã tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là 1.008.414 liều (mũi 1).
Như vậy sau gần 2 tuần triển khai tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi này, đến nay đã có 57/63 tỉnh, thành phố tiến hành tiêm và có báo cáo kết quả hàng ngày về Bộ Y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các địa phương phải đẩy nhanh tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, bởi hiện nay tốc độ tiêm đang chậm.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, cả nước có hơn 11,8 triệu trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong đó 3,6 triệu trẻ đã mắc COVID-19 thuộc đối tượng trì hoãn tiêm sau 3 tháng kể từ ngày mắc (dự kiến sẽ tiêm khoảng tháng 7-8/2022), có 8,2 triệu trẻ còn lại bắt đầu tiêm từ ngày 14/4 và trong quý 2/2022 sẽ tiêm xong 2 mũi cho trẻ.
Công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế trong năm 2022.
Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 4,6 triệu liều vaccine để tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phân bổ hơn 2,3 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho trẻ trong độ tuổi này.
(vietnamplus.vn)
Tại sao ăn nhiều muối lại gây ung thư dạ dày?
Ăn nhiều muối sẽ làm cho vi khuẩn HP phát triển nhanh, hoạt động mạnh hơn. Vi khuẩn HP có thể gây viêm loét dạ dày tá tràng, từ đó làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
Muối là loại gia vị chủ yếu trong món ăn hàng ngày và là một khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên việc sử dụng quá nhiều muối gây ra nhiều hệ lụy khôn lường đối với sức khỏe.
Thông tin từ Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện K cho biết, tiêu thụ nhiều muối sẽ dẫn đến những tác động xấu đối với cơ thể như sau:
Ung thư dạ dày: Có nhiều tranh luận về mối quan hệ giữa muối và ung thư dạ dày. Qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học kết luận rằng, việc tiêu thụ muối ở mức trung bình hoặc cao sẽ làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày, tương tự như ăn nhiều các thực phẩm ngâm giấm, muối chua. Một số cơ chế được cho là muối làm tăng nguy cơ nhiễm Helicobacter Pylori (vi khuẩn HP) dai dẳng, hiệp đồng với loại vi khuẩn này làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Ngoài ra, nghiên cứu thử nghiệm cũng cho thấy, muối làm tăng tốc độ sinh tế bào và đột biến nội sinh, làm tổn thương hàng rào niêm mạc dạ dày với nồng độ cao.
Bệnh lý tim mạch: Tiêu thụ nhiều muối có liên quan chặt chẽ với tăng huyết áp. Khi ăn quá nhiều muối sẽ làm tăng lượng natri trong máu và phá hủy đi sự cân bằng của natri và kali, từ đó làm giảm khả năng lọc nước của thận. Tất cả đều tác động đến huyết áp. Từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến các bệnh lý về tim mạch. Các nghiên cứu cũng cho thấy khi giảm 2,5g muối tiêu thụ/ngày, cũng giảm đến 20% các biến cố tim mạch.
Bệnh lý thận: Ăn nhiều muối dẫn đến nhiều thay đổi như tăng huyết áp, tăng protein niệu, stress oxy hóa, rối loạn chức năng nội mô. Các thay đổi này là những yếu tố nguy cơ dẫn đến tiến triển các bệnh lý về thận. Một số nghiên cứu tiến hành giảm muối trong chế độ ăn giúp làm giảm bài tiết albumin và protein trong nước tiểu của những người tăng huyết áp, suy thận, tiểu đường. Giảm muối có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh thận mãn tính.
Loãng xương: Ăn nhiều muối dẫn đến tăng bài tiết canxi qua nước tiểu, cơ thể bị thiếu hụt canxi nên tăng hấp thu canxi ở ruột và huy động canxi từ xương, từ đó dẫn đến loãng xương. Nghiên cứu trên nhóm phụ nữ sau mãn kinh thấy mật độ xương hông bị giảm ở những người bài tiết nhiều natri trong nước tiểu.
Thừa cân và béo phì: Cơ sở của mối liên quan là do khi ăn nhiều muối sẽ khiến cơ thể bị khát, có thể dẫn đến tăng sử dụng các đồ uống có đường. Ngoài ra, các loại thức ăn chứa nhiều muối thường có nhiều chất béo và đậm độ năng lượng cao, có vị hấp dẫn khiến người ăn sẽ ăn nhiều hơn. Từ đó trực tiếp làm tăng năng lượng ăn vào gây thừa cân béo phì. Mặt khác, thực nghiệm trên động vật cũng cho thấy ăn nhiều muối làm phì đại mô mỡ, tăng leptin máu, góp phần làm tăng khối mỡ trắng. Các nghiên cứu quan sát ở trẻ em và người lớn cũng cho thấy sử dụng nhiều muối làm tăng tỉ lệ thừa cân béo phì, tăng khối mỡ trong cơ thể.
Tóm lại, người dân nên ăn muối với lượng vừa phải. Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo, lượng muối cho người trưởng thành là dưới 5g/ngày. Các nghiên cứu cho thấy hầu hết mọi người tiêu thụ trung bình 9-12g muối/ngày.
Mỗi cá nhân có thể giảm lượng muối trong chế độ ăn tại nhà bằng cách không thêm muối khi sơ chế thực phẩm, không để sẵn muối trên bàn ăn, giảm ăn các loại đồ ăn nhiều muối, chọn các loại thực phẩm chứa ít muối.