Hà Nội chủ động ứng phó với biến chủng Omicron
Ngày 28/12, Việt Nam ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên. Để chủ động kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, TP Hà Nội đã đưa ra thêm nhiều giải pháp ứng phó với biến chủng Omicron, trong đó, tăng cường kiểm soát người nhập cảnh từ các quốc gia có biến chủng Omicron.
Biến chủng Omicron lây lan gấp 5 - 6 lần Delta
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến nay, biến thể Omicron đã được ghi nhận ở hơn 100 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Myanmar. Hiện tại những nghiên cứu đều cho thấy, sự lây lan mạnh mẽ và nguy hiểm của biến chủng này không hề kém biến chủng Delta mà thế giới đang phải đối mặt. Minh chứng là cứ 1,5 - 3 ngày, số ca nhiễm Covid-19 lại tăng gấp đôi ở những nơi có lây nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng. Theo các nhà nghiên cứu, biến chủng Omicron có nhiều đột biến so với biến thể Vũ Hán ban đầu, lo ngại có thể lây lan nhanh. WHO đánh giá Omicron là biến chủng "đáng lo ngại", bởi 80% ca nhập viện là những người trẻ tuổi, nguy cơ tái nhiễm với Omicron cao hơn 3 lần so với Delta và Beta. Omicron lây lan gấp 5 - 6 lần Delta. Đặc biệt, Omicron có khả năng gây tái nhiễm cao gấp 3 - 8 lần so với Delta.
Hiện đại dịch Covid-19 trên thế giới cũng như trong nước vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường. Ngày 28/12, Bộ Y tế đã thông tin về trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam. Cụ thể, ngày 19/12/2021, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 tiếp nhận 1 trường hợp là hành khách trên chuyến bay QH9028 từ Anh Quốc về Việt Nam. Khi về đến sân bay Nội Bài (tối 19/12/2021), hành khách có kết quả xét nghiệm test nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2. Hành khách được vận chuyển bằng xe chuyên dụng từ sân bay về khu cách ly cho ca nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 và được cách ly ở phòng riêng. Khoa Sinh học phân tử của Bệnh viện đã thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR cho kết quả dương tính.
Với yếu tố dịch tễ của bệnh nhân là hành khách trở về từ Anh Quốc, ngày 20/12/2021, Bệnh viện đã tiến hành giải trình tự bộ gene SARS-CoV-2 nhiễm trên bệnh nhân này bằng công nghệ Oxford Nanopore (ONT), kết quả là nghi ngờ nhiễm biến chủng Omicron. Tuy nhiên, do biến chủng Omicron có chứa đến 36 đột biến trong gai protein, trong đó có một số đột biến điểm, đột biến mất đoạn trong lần giải trình tự này còn chưa rõ ràng. Do vậy, ngày 21/12/2021 Bệnh viện tiếp tục tiến hành lấy mẫu, giải trình tự lại cho bệnh nhân. Kết quả giải trình tự gene của Bệnh viện cho thấy bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron (B.1.1.529).
Do đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tuyệt đối không lơ là, chủ quan, bám sát tình hình, sớm phát hiện các chủng mới xâm nhập vào Việt Nam, tăng cường các biện pháp giám sát, truy vết, điều tra, xử lý ổ dịch. Người dân tiếp tục nâng cao tinh thần chủ động phòng, chống dịch bệnh và tiêm vaccine phòng Covid-19 đầy đủ. Cùng với đó, các đơn vị, địa phương nâng cao năng lực y tế cơ sở, chủ động và sẵn sàng trang bị, nhân lực, thuốc điều trị, oxy y tế để bảo đảm người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa. Đồng thời, quản lý chặt chẽ nhóm nguy cơ cao trên địa bàn, tổ chức tiêm vét vaccine, thực hiện tiêm lưu động ngay tại nhà, bảo đảm không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ...
Nâng cao năng lực y tế cơ sở
Để chủ động kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 do biến chủng Omicron, tối 27/12, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch ứng phó với biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 (chủng Omicron) trên địa bàn TP. Theo đó, TP yêu cầu tăng cường giám sát kiểm dịch tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài; thực hiện nghiêm các quy định về kiểm dịch y tế quốc tế, đặc biệt yêu cầu hành khách nhập cảnh phải có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ khi nhập cảnh vào Việt Nam; tăng cường việc kiểm soát giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính, việc khai báo y tế của hành khách nhập cảnh. Cùng với đó, tăng cường rà soát các hành khách nhập cảnh có tiền sử đến/về từ các quốc gia, khu vực đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới như khu vực Nam châu Phi.
Hà Nội đề nghị tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch. Với các chuyến bay xuất phát hoặc có hành khách đến từ các quốc gia đang có sự xuất hiện của biến thể Omicron, bắt buộc thực hiện cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ các quốc gia này, bất kể tiền sử đã tiêm vaccine hoặc đã mắc Covid-19 trước đó.
Các địa phương, đơn vị cần tăng cường giám sát, quản lý, theo dõi sức khỏe với người nhập cảnh, người lao động về lưu trú tại địa phương, đặc biệt là người trở về từ các quốc gia đã ghi nhận sự có mặt của biến chủng Omicron.
TP cũng đề nghị các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai vaccine phòng Covid-19 liều bổ sung, liều nhắc lại ngay từ tháng 12 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, ưu tiên các đối tượng nguy cơ. Ngoài ra, TP Hà Nội cũng lưu ý, khi phát hiện các trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên tại địa bàn, tập trung điều tra truy vết tìm nguồn lây ban đầu và người tiếp xúc gần để khẩn trương xử lý dập dịch, cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Tùy theo mức độ nguy hiểm về khả năng lây lan và gây bệnh nặng của biến thể Omicron được cập nhật, kịp thời triển khai các biện pháp kiểm soát dịch tương ứng như truy vết, cách ly tập trung nghiêm ngặt đối với F1. Đồng thời, theo dõi, phân tích dữ liệu theo nhóm, chuỗi người nhiễm Omicron để đánh giá mức độ lây nhiễm, mức độ nặng, tử vong...
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế cho rằng, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán sắp đến, hoạt động đi lại, vui chơi… gia tăng trong khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp, sẽ có nhiều ca bệnh tăng lên. Vì vậy, các địa phương phải xây dựng kế hoạch, kịch bản phòng, chống cũng như điều trị chi tiết khi chủng này xuất hiện trên địa bàn. Ngoài nâng, cao năng lực của hệ thống y tế, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế; tăng cường y tế cơ sở, tiếp cận với F0 để tư vấn, phân tầng hợp lý, can thiệp y tế kịp thời.
“Hà Nội phải kiên định với những giải pháp phòng, chống dịch như điều tra, truy vết, khoanh vùng, cách ly, dập dịch. Nhưng các giải pháp trong “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả” phải thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Người dân phải luôn phòng bệnh, không chủ quan, tuân thủ 5K, hạn chế đi lại, tụ tập, giao lưu… khi không cần thiết. Có như vậy mới bảo vệ được sức khỏe cho mình, cho gia đình và cộng đồng” - PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến nghị, người dân cần nghiêm túc đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn liên tục vì đây là những yếu tố then chốt để phòng ngừa lây nhiễm. Biện pháp phòng lây nhiễm tiếp theo là tăng tối đa độ phủ vaccine, không để quá tải hệ thống y tế trên diện rộng. “Đặc biệt, Hà Nội cần tập trung điều trị cho các bệnh nhân nặng, giảm thiểu số lượng người tử vong và nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện tốt 5K" - PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.
(kinhtedothi.vn)
Tăng cường giám sát các trường hợp đến, đi về từ các quốc gia ghi nhận biến chủng mới Omicron
Sáng 29-12, tại Hội nghị giao ban công tác quý IV-2021 của UBND thành phố, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đã báo cáo công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố tính đến hết ngày 28-12.
Theo đó, đến nay, thành phố có 8/30 quận thuộc cấp độ 3 (cam) chiếm 26,7%, gồm các quận: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ; 21 quận, huyện thuộc cấp độ 2 (vàng) chiếm 70% và 1 đơn vị thuộc cấp độ 1 (xanh) chiếm 3,3%.
Trong tuần (từ ngày 22 đến 28-12), Hà Nội ghi nhận 12.230 ca F0, trong đó, có 4.127 ca cộng đồng, 7.394 ca trong khu cách ly, 696 ca tại khu phong tỏa và 13 ca nhập cảnh. Đặc biệt, ngày 28-12, Bộ Y tế thông tin về trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron tại Việt Nam là người nhập cảnh.
Sau khi có kết quả xét nghiệm test nhanh, bệnh nhân được chuyển bằng xe chuyên dụng từ sân bay về khu cách ly tại bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và xét nghiệm RT-PCR khẳng định dương tính với vi rút SARS-CoV-2.
Về công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, đến nay, thành phố đã tiêm được 11.767.691 mũi (không tính của Trung ương), bao gồm cả mũi tiêm bổ sung và tiêm nhắc lại. Trong công tác quản lý, điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung và tại nhà, tính từ ngày 27-4 đến nay, đã tiếp nhận quản lý, điều trị tổng số 42.888 bệnh nhân; đang điều trị 20.211 người…
Nhằm hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, thành phố đã huy động nhân lực từ mạng lưới thầy thuốc trẻ, sinh viên từ các trường đại học, cao đẳng khối ngành Y tế với 2.234 người. Mạng lưới thầy thuốc đồng hành tham gia trực tổng đài tư vấn hỗ trợ người bệnh điều trị tại cộng đồng với tổng số 400 bác sĩ, tình nguyện viên chia làm 28 đội phục vụ tại các quận, huyện, thị xã. Ngoài ra, Sở Y tế cũng tiếp nhận giải quyết trả lời, tư vấn người bệnh qua tổng đài 1022 nhánh 3…
Nhận định tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương đề nghị các đơn vị liên quan của thành phố không được chủ quan; tiếp tục rà soát điều kiện nhà ở để thực hiện cách ly tại nhà đối với F0 thể nhẹ và không triệu chứng.
Về các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố trong dịp trước, trong, sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đại diện Sở Y tế đề nghị các cơ quan, đơn vị của thành phố tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là giới trẻ thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, thực hiện thông điệp “5K”; không tụ tập đông người, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Đồng thời, bám sát chỉ đạo của trung ương, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đánh giá cấp độ dịch tại địa phương trên quy mô xã, phường, thị trấn và nhỏ nhất để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các biện pháp hành chính phù hợp.
Cùng với đó, tăng cường quản lý, giám sát các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, đặc biệt các trường hợp đến, đi về từ các quốc gia đã ghi nhận biến chủng mới Omicron. Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo kế hoạch để phấn đấu hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 đến 17 tuổi; thực hiện khẩn trương tiêm mũi nhắc lại và mũi bổ sung cho người từ 18 tuổi trở lên theo tiến độ cấp vắc xin của Bộ Y tế. Thực hiện tốt công tác điều trị tại các tầng điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế; nâng cao năng lực điều trị tại các tầng, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong.
Bên cạnh đó, tập trung nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là hệ thống y tế cơ sở và tăng cường thành lập mới các trạm y tế lưu động; huy động sự tham gia của các bệnh viện, cơ sở y tế của các bộ, ngành trung ương đóng trên địa bàn, các cơ sở y tế ngoài công lập, lực lượng y, bác sĩ đã nghỉ hưu, lực lượng sinh viên ngành Y tế của thành phố và sự chủ động tại các quận, huyện, thị xã.
(hanoimoi.com.vn)
Việt Nam xuất hiện Omicron: Nguy cơ dịch lây lan mạnh, tăng áp lực điều trị
Việc siêu biến thể Omicron xuất hiện ở Việt Nam dấy lên lo ngại về một làn sóng Covid-19 mới trong bối cảnh tình hình dịch ở nhiều địa phương, đặc biệt là Hà Nội đang rất nóng.
Có thể còn có những ca nhiễm Omicron khác
Trưa 28/12, Bộ Y tế công bố ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên tại Việt Nam. Đây là hành khách trên chuyến bay QH9028 từ Anh Quốc về Việt Nam. Đáng chú ý, theo điều tra có 165 người đi cùng chuyến bay với bệnh nhân này. Tất cả cũng đã được cách ly tập trung theo quy định. Trong đó, chủ yếu là người ở Hà Nội và 3 địa phương khác.
Việc siêu biến thể Omicron xuất hiện ở Việt Nam dấy lên lo ngại về một làn sóng Covid-19 mới trong bối cảnh tình hình dịch ở nhiều địa phương, đặc biệt là Hà Nội đang rất nóng.
Trao đổi với Dân trí, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhận định, việc xuất hiện biến thể Omicron là điều không nằm ngoài dự báo, khi Việt Nam dần mở cửa trở lại với các nước.
PGS Phu phân tích: "Biến thể Omicron có 36 đột biến trong protein gai, thứ giúp virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào người dẫn đến tốc độ lây lan nhanh. Việt Nam đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm Omicron nhưng có thể đây không phải là trường hợp duy nhất ở thời điểm hiện tại. Nhiều nước trên thế giới cũng đã có tình trạng Omicron xâm nhập nhưng không phát hiện. Do đó chúng ta cần đề phòng những trường hợp có thể chưa được phát hiện".
Lo ngại dịch lây lan mạnh trong dịp cuối năm
PGS Phu bày tỏ lo ngại về việc dịch có thể lan nhanh trong các dịp lễ tết cuối năm, do đây là thời điểm người dân đi lại tiếp xúc nhiều, trong khi chúng ta đang phải đối phó với chủng Delta, giờ lại xuất hiện thêm Omicron. Thậm chí, theo chuyên gia này, việc người dân về quê dịp Tết khiến nguy cơ lây lan không chỉ trong nội tỉnh mà có thể là giữa các tỉnh thành, cả nước.
Do đó, các địa phương phải thực hiện đánh giá nguy cơ, xây dựng sẵn các kịch bản chi tiết, để đáp ứng với các tình huống có thể xảy ra. Tùy diễn biến dịch để xem xét có thể mở hoạt động nào, tạm dừng hoạt động nào.
"Trong tình hình hiện nay, nguy cơ đến đâu, đáp ứng đến đó. Tránh việc đáp ứng không tới khiến dịch không được kiểm soát hay ngược lại là đáp ứng thái quá ảnh hưởng đến đời sống và kinh tế của người dân", PGS Phu nhấn mạnh.
Về phía người dân, theo chuyên gia này, cần thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Người dân nên hạn chế đi lại, xuất hiện ở nơi đông người nếu không cần thiết.
Nguy cơ tăng áp lực lên hệ thống điều trị
PGS Phu nhấn mạnh việc Omicron có khả năng lây lan nhanh có thể khiến số lượng bệnh nhân tăng vọt trong thời gian ngắn. Tình trạng này gây áp lực lớn lên hệ thống điều trị, đặc biệt là các địa phương dịch vốn đã rất căng thẳng.
"Nếu việc phân tầng điều trị không chuẩn sẽ dẫn đến tình trạng các ca bệnh nhẹ được can thiệp y tế, trong khi đó ca bệnh nặng lại không được can thiệp, từ đó làm tăng nguy cơ bệnh nhân tử vong", PGS Phu nhấn mạnh.
Theo chuyên gia này, các địa phương cần đẩy nhanh việc tiêm phòng vaccine Covid-19. Mặc dù vấn đề Omicron có vô hiệu hóa hay làm giảm hiệu quả vaccine Covid-19 hay không vẫn chưa thực sự sáng tỏ, nhưng một số nghiên cứu của quốc tế cho rằng, tiêm vaccine mũi 3 sẽ có tác dụng bảo vệ tốt hơn trước chủng mới.
Đặc biệt, PGS Phu lưu ý việc ưu tiên bảo vệ các đối tượng yếu thế trước Covid-19 như người cao tuổi, người có bệnh nên cần được đặt lên hàng đầu.
"Đây là những đối tượng có nguy cơ diễn biến nặng cao. Việc hạn chế các ca bệnh nặng sẽ giúp giảm tải cho hệ thống y tế, đặc biệt là đơn vị cấp cứu - hồi sức, từ đó giảm tỷ lệ tử vong", PGS Phu nhấn mạnh.
(dantri.com.vn)
Test nhanh COVID-19 tại nhà làm sao cho kết quả đúng nhất?
Từ ngày 28-12, Bộ Y tế cho phép các địa phương, đơn vị dùng kết quả test nhanh kháng nguyên để xác định ca mắc COVID-19. Người dân khi tự test nhanh cần lưu ý những gì?
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, ca bệnh nghi ngờ nếu có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 được coi là ca bệnh COVID-19. Điều kiện cho việc khẳng định này là test nhanh do Bộ Y tế cấp phép; việc test do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.
Theo khuyến cáo của CDC Hà Nội, tất cả thành phần bộ sinh phẩm được để ở nhiệt độ phòng 15-30 độ C trước khi xét nghiệm khoảng 30 phút. Bộ sinh phẩm bị nhiễm ẩm có thể làm giảm độ ổn định của chất thử. Vì vậy, người dân cần sử dụng ngay khi mở khay thử ra khỏi giấy bạc.
CDC Hà Nội hướng dẫn 6 bước thực hiện test nhanh:
1. Trước khi lấy mẫu: Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng test nhanh của nhà sản xuất. Người lấy mẫu thực hiện vệ sinh, sát khuẩn tay.
2. Chuẩn bị lấy mẫu:
Lấy khay thử ra khỏi túi đựng và sử dụng càng nhanh càng tốt trong vòng 1 giờ. Đặt khay thử trên bề mặt phẳng sạch nằm ngang. Lấy que ngoáy tỵ hầu ra khỏi túi và tiến hành thu thập mẫu xét nghiệm.
3. Lấy mẫu bệnh phẩm (Lưu ý: bệnh phẩm được lấy không đúng cách sẽ cho kết quả không chính xác)
a) Lấy mẫu dịch tỵ hầu (đối với các bộ kit test yêu cầu lấy mẫu dịch tỵ hầu)
Tư thế ngồi lấy mẫu: Ngồi yên, xì nhẹ dịch mũi vào khăn giấy, đầu nghiêng về phía sau một góc 70 độ. Đối với trẻ nhỏ: đặt ngồi trên đùi của cha/mẹ, lưng của trẻ đối diện với phía ngực cha/mẹ. Cha/mẹ cần ôm trẻ giữ chặt cơ thể và tay trẻ. Yêu cầu cha/mẹ ngả đầu trẻ ra phía sau.
- Cầm que lấy mẫu đưa nhẹ nhàng vào mũi, vừa đẩy vừa xoay giúp que lấy mẫu đi dễ dàng vào sâu 1 khoảng bằng ½ độ dài từ cánh mũi đến dái tai cùng phía.
- Giữ que lấy mẫu tại chỗ lấy mẫu trong vòng 5 giây để đảm bảo dịch thấm tối đa. Từ từ xoay và rút que lấy mẫu ra và cho vào ống đã chứa sẵn đệm chiết mẫu.
b) Lấy mẫu dịch mũi (đối với các bộ kit test yêu cầu lấy mẫu dịch mũi)
Tư thế người được lấy mẫu giống như lấy mẫu dịch tỵ hầu. Cầm que lấy mẫu nhẹ nhàng đưa vào mũi sâu khoảng 2cm, xoay que lấy mẫu vào thành mũi trong khoảng 3 giây. Sau khi lấy xong 1 bên mũi thì dùng đúng que lấy mẫu này để lấy mẫu với bên mũi còn lại và thao tác như lỗ mũi thứ nhất. Nhẹ nhàng xoay và rút que mẫu ra rồi cho vào ống đã chứa sẵn đệm chiết mẫu.
4. Tách chiết mẫu:
- Nhúng đầu que lấy mẫu vào ống chiết. Xoay và miết đầu que vào thành và đáy ống 10 lần.
- Để đầu que ngâm trong dung dịch 1 phút. Bóp 2 thành ống ép vào đầu que. Từ từ xoay que và ép đầu que khi rút để thu dịch càng nhiều càng tốt. Đậy chặt ống bằng nắp nhỏ giọt.
- Lắc mạnh ống theo chiều ngang 10 lần để trộn đều mẫu. Tránh để dung dịch chạm tới đầu lọc trong nắp nhỏ giọt. Nhỏ 3 giọt mẫu chiết từ ống vào ô nhận mẫu (S) của khay thử và bắt đầu đếm thời gian.
5. Đọc kết quả:
Tùy theo hướng dẫn của từng loại sinh phẩm, thời gian đọc kết quả khác nhau. Thông thường thời gian đọc kết quả từ 15-30 phút. Không được đọc kết quả trước hoặc sau thời gian quy định của hướng dẫn sinh phẩm. Kết quả âm tính: Chỉ xuất hiện vạch chứng C (vạch đỏ).
Kết quả dương tính: Xuất hiện cả vạch chứng C và vạch kết quả T.
Kết quả không có giá trị: Cả vạch chứng C và vạch kết quả T không xuất hiện hoặc chỉ xuất hiện vạch kết quả T.
Người dân cần lưu ý, nếu vạch chứng C không xuất hiện có thể do thiếu mẫu hoặc khay thử bị hỏng. Lúc này, phải thực hiện lại test thử xét nghiệm hoặc liên hệ với cơ quan y tế để được tư vấn hỗ trợ.
6. Thu gom và xử lý vật liệu xét nghiệm đã sử dụng:
Tất cả các vật liệu xét nghiệm đã qua sử dụng được xem như là chất thải lây nhiễm, cần thu gom và xử lý đúng quy định. Rác thải được thu gom vào túi màu vàng, buộc chặt miệng túi và cho vào một túi màu vàng khác, tiếp tục buộc chặt miệng túi.
Các túi màu vàng đều phải dán nhãn "CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2", để nơi cố định và thông báo cho đơn vị chức năng tại địa phương thu gom, xử lý theo quy định đối với chất thải lây nhiễm. Không cho chung các vật liệu xét nghiệm đã qua sử dụng vào rác thải sinh hoạt thông thường.