*Rà soát, lập danh sách trẻ đang đi học từ 5- dưới 12 tuổi để tiêm vắc xin Covid-19
Để sẵn sàng chuẩn bị triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi vào đầu tháng 4/2022, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đang đi học từ lớp 1 đến lớp 6 thuộc độ tuổi từ 5- dưới 12 tuổi.
Đối với trẻ thuộc lứa tuổi này không đi học, Sở Y tế phối hợp với chính quyền địa phương lập danh sách xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đủ điều kiện tiêm chủng để có thể triển khai ngay khi được phân bổ vắc xin.
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch, miễn phí tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học (đối với những nơi tổ chức học tập trung tại trường).
Bộ Y tế cũng đề nghị cha mẹ, người giám hộ thực hiện ký Phiếu đồng ý tiêm chủng theo mẫu ban hành; điểm tiêm chủng thực hiện khám sàng lọc trước tiêm theo hướng dẫn và theo dõi, chăm sóc sau tiêm theo quy định.
Liên quan đến tiêm chủng cho trẻ em lứa tuổi nêu trên, Bộ Y tế ngày 28/3 đã có công văn số 1535/BYT-DP gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5-dưới 12 tuổi.
Bộ Y tế cho biết ngày 5/2/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 14/NQ-CP về việc mua vắc xin phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Để sẵn sàng tiêm chủng và đạt hiệu quả sử dụng tối đa vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em thuộc lứa tuổi này, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng tiêm chủng đến lịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế tại các văn bản trước đó.
(Báo Giáo dục và Thời đại)
*Ca mắc COVID-19 giảm, cấp độ dịch mới nhất của các tỉnh, thành thế nào?
Số ca mắc COVID-19 cả nước đang giảm liên tục trong 10 ngày qua, cập nhật đánh giá cấp độ dịch COVID-19 mới nhất của Bộ Y tế cho thấy cả nước còn 5 tỉnh thuộc 'vùng cam', 21 tỉnh, thành thuộc 'vùng vàng', số còn lại thuộc 'vùng xanh'...
Cập nhật đánh giá cấp độ dịch COVID-19 tại địa phương theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ trên Cổng thông tin Bộ Y tế đến 12h ngày 28/3 cho thấy, 5 tỉnh thuộc cấp độ dịch COVID-19 thứ 3- tương đương với 'vùng cam'. 21 tỉnh, thành thuộc cấp độ dịch thứ 2- tương đương 'vùng vàng'.
37 tỉnh, thành còn lại là cấp độ dịch 1- tương đương vùng xanh, trong đó có 2 đô thị lớn nhất cả nước là TP Hà Nội và TP HCM.
Về chi tiết cấp độ dịch theo quy mô xã, phường, đến trưa ngày 28/3 cho thấy, cả nước hiện có có 4.482 xã, phường thuộc 'vùng xanh', chiếm 42,3% trong tổng số xã, phường đánh giá; 2.709 xã, phường thuộc 'vùng vàng', chiếm 25,5%; số xã, phường thuộc 'vùng cam' là 3.135 chiếm 29,6%; số xã, phường thuộc 'vùng đỏ' là 257 chiếm khoảng 2,4%.
Như vậy, so với đánh giá cấp độ dịch cách đây 10 ngày, số xã, phường thuộc 'vùng xanh' đã tăng 145 xã, phường; số đơn vị thuộc 'vùng đỏ' giảm 146 xã, phường; số đơn vị thuộc 'vùng vàng' và 'vùng cam' không có sự thay đổi nhiều.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, số ca mắc mới COVID-19 có xu hướng giảm nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong thời gian gần đây. Nếu như ngày 18/3, số ca mắc mới là 163.174 ca thì các ngày sau đó, số mắc mới giảm liên tục, đến ngày 27/3 còn 91.916 ca mới.
Số ca mắc mới trong ngày giảm, kéo theo số ca mắc trung bình trong 7 ngày qua cũng giảm xuống còn 116.330 ca/ngày.
Bộ Y tế cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP và Quyết định số 218/QĐ-BYT; Căn cứ kết quả đánh giá, các địa phương tổ chức thực hiện linh hoạt các biện pháp đáp ứng phù hợp, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên địa bàn. Linh hoạt tăng cấp độ phòng, chống dịch (từ cấp độ 3 lên cấp độ 4) ở một số khu vực có diễn biến dịch phức tạp để nhanh chóng kiểm soát tình hình, ngăn chặn hiệu quả lây nhiễm. Thực hiện hiệu quả nguyên tắc: 5K+ vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân.
Để biết được nơi mình đang sống, sẽ đến thuộc cấp độ dịch nào, người dân truy cập vào bản đồ COVID-19 https://capdodich.yte.gov.vn/map. Đây là trang web do Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế) quản lý.
Tại đây, người dân tìm kiếm địa phương đang sinh sống, làm việc bằng cách chọn trong danh sách ở góc trên của màn hình. Tiếp đến, chọn cấp độ hành chính quận/huyện/thành phố/thị xã và theo dõi chi tiết bên bảng thống kê cấp độ dịch theo từng xã/phường/thị trấn phía bên trái
(Báo Sức khỏe đời sống)
*Hà Nội tích cực chuẩn bị, sẵn sàng tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi
Sáng 28/3, Thường trực Thành ủy Hà Nội họp cho ý kiến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, trong tuần qua, điều đáng mừng là số ca mắc SARS-CoV-2 tiếp tục giảm sâu, tỷ lệ tử vong ở mức rất thấp. Tuy nhiên, cần quán triệt sâu sắc quan điểm là không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch; xác định rõ đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trước hết là của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu.
Các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn tiếp tục củng cố các tổ Covid-19 cộng đồng, các tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà; duy trì phân cấp, giao quyền cho các quận, huyện, thị xã, như chịu trách nhiệm đối với việc tổ chức học bán trú trên địa bàn vừa qua; kiểm soát chặt chẽ bệnh nhân chuyển nặng, chuyển tầng, tỷ lệ tử vong; tăng cường công tác tuyên truyền, yêu cầu duy trì đeo khẩu trang, khử khuẩn...
Ban Cán sự đảng UBND thành phố và Đảng đoàn HĐND thành phố phối hợp khẩn trương tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ cho các lực lượng phòng, chống Covid-19, trong đó có hàng nghìn người tham gia các tổ Covid-19 cộng đồng, các tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà... Đây là lực lượng rất quan trọng đối với công tác phòng, chống dịch cả trước mắt và lâu dài.
Về thuốc điều trị, Bí thư Thành ủy lưu ý ngành y tế và các ngành phải phối hợp chặt chẽ để bảo đảm số lượng, kiểm soát giá cả theo quy định, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, những hành vi trục lợi gây bức xúc cho người dân. Đồng chí Đinh Tiến Dũng đề nghị ngành Y tế quan tâm nghiên cứu, xem xét ứng dụng cả các phương thuốc nam cho bệnh nhân Covid-19 bởi y học dân tộc rất phong phú, các phương thuốc có thể vừa đem lại hiệu quả, vừa hạn chế được tác dụng phụ, hậu Covid-19...
Ngành Y tế và các địa phương phải rà soát công tác chuẩn bị, bảo đảm sẵn sàng phương án, tổ chức diễn tập tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi, để khi có thuốc, có phác đồ là triển khai tiêm nhanh, hiệu quả như đợt tiêm cho trẻ 12-17 tuổi như năm 2021. “Phải tiêm được vaccine mới yên tâm đưa trẻ đến trường, nếu có nhiễm SARS-CoV-2 thì cũng nhẹ và giảm thiểu rủi ro”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nói.
Cũng theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, qua chuyến kiểm tra công tác chuẩn bị Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 31 vừa qua, các địa điểm tổ chức tại Hà Nội cơ bản bảo đảm tiến độ, chất lượng. Thường trực Thành ủy chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố bám sát thực tế công tác chuẩn bị SEA Games 31, thường xuyên rà soát, thúc đẩy tiến độ, bảo đảm chất lượng mọi công việc chuẩn bị phục vụ tổ chức sự kiện quan trọng này. Trong đó, phải hết sức coi trọng công tác phòng, chống Covid-19 và có kế hoạch cụ thể; đồng thời đẩy mạnh quảng bá văn hóa, du lịch Thủ đô với bạn bè quốc tế, cán bộ, vận động viên, huấn luyện viên đến tham dự; để lại trong lòng bạn bè những tình cảm tốt đẹp về một Hà Nội thân thiện, mến khách, văn minh, hiện đại.
(Báo Nhân dân)
*Phát hiện sản phẩm nghi làm giả thuốc điều trị viêm khớp
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có công văn số 2066/QLD-CL về thuốc giả Actemra 400mg/20ml gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là thuốc có tác dụng làm giảm tình trạng viêm nên được bác sĩ chỉ định dùng trong các trường hợp viêm khớp dạng thấp hoặc phối hợp với methotrexate hoặc thuốc chống thấp khớp để điều trị thấp khớp.
Trước đó, Cục Quản lý dược đã nhận được các văn thư số RA/01/03/2022 đề ngày 3-3-2022 và số RA/04/03/2022 đề ngày 10-3-2022 của Văn phòng đại diện Công ty F. Hoffmann-La Roche Ltd Thụy Sĩ tại Hà Nội thông tin về việc phát hiện mẫu sản phẩm nghi ngờ là thuốc giả, trên nhãn ghi: Actemra 400mg/20ml, số lô B2101B32.
Mẫu sản phẩm nghi ngờ là thuốc giả do khách hàng cung cấp (được mua từ website https://alomuathuoc.vn/san-pham/thuoc-actemra-400mg-20ml-gia/), đã được Công ty F. Hoffmann-La Roche Ltd so sánh, đối chiếu và xác nhận có các dấu hiệu khác biệt so với mẫu lô thuốc Actemra 400mg/20mL, số lô B2101B32 do Công ty F. Hoffmann-La Roche Ltd phân phối và chỉ lưu hành tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Công ty F. Hoffmann-La Roche Ltd là chủ sở hữu các thuốc Actemra, trong đó có thuốc Actemra 200mg/10ml và Actemra 162mg/0,9ml đã đăng ký lưu hành tại Việt Nam (số giấy đăng ký lưu hành tương ứng SP-1189-20 và QLSP-1120-18); thuốc Actemra 400mg/20ml chưa đăng ký lưu hành tại Việt Nam.
Cục Quản lý dược nêu rõ: Sản phẩm Actemra 400mg/20ml chưa được Cục Quản lý dược cấp phép nhập khẩu, chưa cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam.
Để tránh việc sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng và để an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý dược đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố, y tế các ngành tăng cường việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn bảo đảm kinh doanh thuốc có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ; kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc nhập lậu.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý dược cũng đề nghị các địa phương phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tin tới người dân biết để không mua thuốc qua các thông tin trên mạng internet, chỉ mua thuốc tại các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp, có đầy đủ hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của thuốc.
Trước đó, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có công văn số 2050/QLD-CL gửi sở y tế các tỉnh, thành phố về việc phát hiện mẫu thuốc trên nhãn ghi Stivarga 40mg và Xarelto 10mg/15mg/20mg nghi ngờ là thuốc giả. Đây là các thuốc có chỉ định điều trị ung thư và đông máu.