Hà Nội có 36.000 F0 khỏi bệnh, 174 trường hợp tử vong
Sở Y tế Hà Nội thông tin, trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay), trên địa bàn thành phố ghi nhận 53.000 ca mắc Covid-19, trong đó 18.365 ca tại cộng đồng; 28.625 ca trong khu cách ly tập trung và cách ly tại nơi cư trú, 5.697 ca tại khu phong tỏa; 100 ca nhập cảnh; 213 ca mắc tại các bệnh viện trước ngày 30.9.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, đến nay, tổng số bệnh nhân đã điều trị là 66.668 người; bệnh nhân đang điều trị là 30.555 người. Trong đó, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đang điều trị 121 bệnh nhân; Bệnh viện Đại học Y Hà Nội điều trị 211 bệnh nhân.
Tại các bệnh viện của Hà Nội đang điều trị 2.583 bệnh nhân. Số F0 đang điều trị tại các cơ sở thu dung điều trị thành phố là 1.884; cơ sở thu dung quận/huyện 5.352 ca; số bệnh nhân đang được theo dõi cách ly tại nhà 20.404 ca.
Tổng số bệnh nhân đã điều trị khỏi là 36.271 người. Số bệnh nhân chuyển tầng điều trị 243 người. Tổng số người tử vong do Covid-19 (từ 27.4 đến nay) là 174 người.
Tính đến chiều 2.1, toàn thành phố đã tiêm được 12.363.767 mũi vaccine phòng Covid-19. Tổng số mũi bổ sung đã tiêm 165.377 mũi; tổng số mũi nhắc lại đã tiêm 346.810 mũi.
Daibieunhandan.vn
Cả nước có gần 1.000 ca Covid-19 thở máy, 24 ca dùng ECMO
Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đang điều trị hơn 6.700 ca nặng. Trong số này có gần 1.000 ca phải thở máy, ECMO.
Bộ Y tế cho biết, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.763.040 ca mắc Covid-19, đứng thứ 31/224 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 138/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 17.878 ca nhiễm).
Tính riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.757.254 ca, trong đó có 1.369.879 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (504.197), Bình Dương (290.921), Đồng Nai (98.060), Tây Ninh (77.002), Hà Nội (49.631).
Theo Bộ Y tế, tính đến sáng 3/1, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.746 ca. Trong đó, gần 1.000 ca phải thở máy, can thiệp ECMO cho 24 ca.
Về số tử vong, cả nước ghi nhận 32.831 ca, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 131/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Về tình hình xét nghiệm, từ ngày 27/4 đến nay, cả nước xét nghiệm được 30.497.557 mẫu tương đương 75.084.610 lượt người, tăng 83.487 mẫu so với ngày trước đó.
Về tình hình tiêm vắc xin phòng Covid-19, tổng số liều đã thực hiện à 152.818.575 liều. Trong đó tiêm mũi 1 là 77.716.536 liều, tiêm mũi 2 là 69.065.759 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc xin Abdala) là 6.036.280 liều.
Vietnamnet.vn
Những dữ liệu ban đầu về tỷ lệ nhập viện liên quan đến biến thể Omicron
Biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đang dẫn tới làn sóng dịch bệnh mới ở nhiều nước trên thế giới.
Kể từ khi những ca đầu tiên nhiễm biến thể này được Nam Phi thông báo vào ngày 25/11/2021, Omicron đã trở thành mối quan ngại trong cuộc chiến chống đại dịch của toàn cầu.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá nguy cơ lây lan dịch do biến thể Omicron là "rất cao", song cũng cho rằng những dữ liệu ban đầu dường như cho thấy biến thể này không gây ra tình trạng mắc bệnh nặng như biến thể Delta.
Cơ quan an ninh y tế Anh (HSA) mới đây công bố một nghiên cứu phân tích 528.176 ca nhiễm biến thể Omicron và 573.012 ca nhiễm biến thể Delta. Kết quả cho thấy nguy cơ ca nhiễm Omicron phải đưa vào chăm sóc cấp cứu hoặc nhập viện bằng một nửa so với nhiễm Delta, nếu chỉ tính riêng nguy cơ nhập viện thì bằng 1/3. Bên cạnh đó, số ca cần đến giường trợ thở cũng không tăng lên như giai đoạn đỉnh của các làn sóng dịch trước. Tác dụng của vaccine là khá rõ ràng. HSA nhấn mạnh: "Trong phân tích này, nguy cơ nhập viện thấp hơn đối với các ca nhiễm Omicron có triệu chứng hoặc không có triệu chứng sau khi tiêm chủng 2 và 3 mũi vaccine, với tỷ lệ giảm 81% nguy cơ nhập viện sau 3 mũi tiêm so với các ca nhiễm Omicron chưa tiêm chủng".
Tại Mỹ, Omicron lây lan nhanh chóng đồng thời có một tỷ lệ tăng mạnh số ca trẻ em phải nhập viện điều trị. Trong khi tình trạng này khiến các chuyên gia lo ngại, mức độ nặng do biến thể này gây ra dường như không đáng báo động. Theo các dữ liệu chính thức, trong tuần lễ kết thúc ngày 28/12/2021, nhóm tuổi từ 0-17 chứng kiến mức tăng 66% số ca phải nhập viện. Mức tăng này cao hơn con số ở đỉnh dịch do biến thể Delta gây ra. Mặc dù vậy, dữ liệu ban đầu cho thấy các ca nhiễm Omicron ở trẻ em có triệu chứng bệnh nhẹ hơn so với nhiễm biến thể Delta.
Tại Nam Phi, các nghiên cứu từ khi phát hiện Omicron cũng cho thấy nguy cơ bệnh trở nặng hay phải nhập viện do nhiễm biến thể này là thấp hơn so với nhiễm biến thể Delta. Các nhà khoa học tại Viện quốc gia về dịch bệnh truyền nhiễm của Nam Phi (NICD) đã phân tích các ca nhiễm Omicron từ tháng 10-11/2021 với các ca nhiễm Delta từ tháng 4-11/2021 và kết luận nguy cơ phải nhập viện vào khoảng 80%. Với các ca nhập viện, nguy cơ mắc bệnh nặng ở những người bị nhiễm Omicron thấp hơn khoảng 30% so với Delta.
Trong khi đó, tại Delhi (Ấn Độ), dữ liệu từ ngày đầu của năm 2022 so với từ tháng 3/2021 cho thấy tỷ lệ nhập viện giảm khá nhiều. Khi số ca nhiễm hàng ngày hồi tháng 3/2021 vào khoảng 6.000 ca thì số bệnh nhân phải sử dụng giường trợ thở là 1.150 ca. Ngày 1/1 vừa qua, ở Delhi chỉ có 82 ca phải sử dụng giường trợ thở. Số ca phải sử dụng máy thở cũng giảm từ 145 ca hồi tháng 3/2021 xuống 5 ca trong ngày đầu Năm mới.
Baotintuc.vn
Các chuyên gia nói gì về tình hình biến thể Omicron tại TP.HCM?
Hiện nay, Việt Nam ghi nhận 20 ca nhiễm Omicron là người nhập cảnh, TP.HCM có 5 trường hợp. Đa số đều có triệu chứng nhẹ, âm tính nhanh. Dù vậy, nguy cơ gây áp lực lên hệ thống điều trị vẫn đáng lo ngại.
4 hàng rào kiểm soát Omicron
PGS. TS Vũ Minh Phúc, Đại học Y dược TP.HCM cho rằng, hiện TP.HCM đang làm tốt các giải pháp ứng phó với Covid-19 nói chung và biến thể Omicron nói riêng.
Theo PGS Phúc, Omicron gây bệnh nhẹ hơn, không tăng tỷ lệ nhập viện và tử vong, có thể do biến thể này xuất hiện khi tỷ lệ chủng ngừa đã rất cao. Điều đáng ngại nhất với Omicron là lây lan nhanh.
“Nếu lây lan kéo dài, thì chúng ta không lo lắng. Nhưng vì Omicron có tốc độ lây rất nhanh, khi số mắc quá cao trong một thời gian ngắn, hệ thống y tế sẽ không đáp ứng kịp. Chúng ta phải từng bước chặn đường lây”, PGS Phúc chia sẻ.
Theo đó, kiểm soát chủ động các ca nhiễm ngay từ cửa ngõ sân bay, biên giới, hàng hải là ưu tiên số 1. Những ca nhiễm Omicron cần được cách ly cho đến khi hết nguy cơ lây nhiễm ra xung quanh. Tuy nhiên, vẫn còn tỷ lệ xâm nhập từ nhập cảnh trái phép bằng đường tiểu ngạch.
Hàng rào thứ 2 là tuyệt đối 5K. Khi 5K thực sự tốt, các ca nhiễm không lây lan được cho người khác và giới hạn được số mắc mới. “Mặc dù vậy, trong số 100 người làm tốt vẫn có một vài ca vượt rào. Chúng ta phải nhìn nhận rất rõ nguy cơ này”, PGS Phúc chia sẻ.
Hàng rào thứ 3 là bao phủ vắc xin. Hiện nay, cả nước đã tiêm gần 153 triệu liều với khoảng 6 triệu mũi vắc xin thứ 3. Riêng TP.HCM thực hiện 16,5 triệu liều, với 1,5 triệu mũi 3. Theo thời gian, vắc xin Covid-19 có thể giảm bớt hiệu lực bảo vệ, ngành y tế đang đẩy mạnh tối đa việc tiêm mũi bổ sung, tăng cường cho người dân.
“Cả 3 giải pháp trên theo tôi, chúng ta đều làm tốt nhưng Omicron vẫn sẽ lây lan, chúng ta không chặn được tuyệt đối. Do đó hàng rào cuối cùng chính là hệ thống điều trị”, PGS Phúc phân tích.
PGS Vũ Minh Phúc cho rằng, số ca nhiễm của TP.HCM hiện đang thấp nhưng nếu Omicron lưu hành thì hoàn toàn có thể tăng vọt. Điều cần thiết nhất là F0 tại nhà phải được uống thuốc kháng virus sớm trong giai đoạn đầu. “Thuốc phải thật đầy đủ để F0 không chuyển nặng, tải lượng virus hạ, tránh lây lan”, PGS Phúc nói.
Hiện nay, thuốc kháng virus Molnuporavir vẫn là thuốc cấp phát miễn phí, sử dụng có kiểm soát. Nhiều F0 cách ly tại nhà vẫn chưa tiếp cận đầy đủ túi thuốc C. Trong khi đó, thuốc kháng virus công khai buôn bán trên mạng xã hội với giá hàng triệu đồng/hộp. Rất nhiều F0 đã mua thuốc này tự điều trị.
“Bênh nhân khi cần thở máy hay ECMO đều rất tốn kém. Nếu người dân được chủ động dùng thuốc chất lượng, hợp pháp, chúng ta có thể ngăn ngừa việc chuyển nặng, giảm bớt áp lực cho các bệnh viện khi Omicron lây lan. Đây là hàng rào cuối cùng”, PGS Phúc bày tỏ.
Giám sát Omicron bằng giải trình tự geneBộ Y tế vừa có công điện gửi các địa phương về việc thực hiện nghiêm việc tổ chức quản lý người nhập cảnh theo quy định, điều trị kịp thời, thực hiện giải trình tự gen nhằm phát hiện kịp thời biến thể mới của virus.
Tại TP.HCM, công việc trên vẫn được duy trì suốt thời gian Covid-19 xuất hiện nhằm đánh giá và định hình tốt hơn bức tranh dịch tễ trên địa bàn. Ngày 31/12 vừa qua, Viện Pasteur TP.HCM đã có báo cáo kết quả ghi nhận 5 ca nhiễm biến thể Omicron từ khách nhập cảnh, thông qua giải trình tự gene.
Trên địa bàn TP.HCM, ngoài Viện Pasteur còn có Bệnh viện Bệnh nhiệt đới phối hợp cùng Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) thực hiện nhiệm vụ quan trọng trên. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM sẽ điều phối mẫu.
“Thông qua giải mã gene, chúng ta có thể hiểu thêm về tiến hóa của SARS-CoV-2 theo thời gian, xác định mối liên quan về dịch tễ giữa các ổ dịch, cũng như đánh giá mức độ ảnh hưởng của các biến thể…”, PGS. TS Lê Văn Tấn, Trưởng nhóm nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng mới nổi, OUCRU, nhận định.
Hiện nay, TP.HCM giải mã gene với F0 là người nhập cảnh, F0 trong cộng đồng và các bệnh viện nếu có các yếu tố bất thường, nghi ngờ nhiễm Omicron (tử vong nhanh, ủ bệnh ngắn, siêu lây nhiễm...)
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, việc biết được chủng virus nào đang lưu hành là một câu hỏi quan trọng để đối phó với mọi tác nhân gây dịch bệnh, không chỉ Covid-19.
"Ví dụ, với bệnh cúm, hàng năm, Tổ chức Y tế thế giới và CDC Mỹ đều giám sát loại biến thể chiếm ưu thế, cung cấp công thức để các công ty bào chế vắc xin. Đối với Covid-19, có lẽ sau này cũng sẽ điều chỉnh vắc xin theo biến thể mới", TS Châu cho hay.
Phó giám đốc Sở Y tế TP khẳng định, giám sát phát hiện các biến chủng SARS-CoV-2 được xem là công cụ không thể thiếu trong công cuộc chống đại dịch Covid-19. Sở Y tế cũng xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực giám sát sự lưu hành các chủng virus gây bệnh của HCDC, đào tạo nguồn nhân lực đủ năng lực giải mã gene. Mục tiêu là sẵn sàng ứng phó với những thách thức tiềm tàng của dịch bệnh Covid-19 cũng như của các bệnh nhiễm trùng mới nổi trong tương lai.