*Việt Nam cho phép thêm 1 vắc xin Covid-19 tiêm cho trẻ 6-11 tuổi ngoài Pfizer
Theo đó, vắc xin Covid-19 của Pfizer sẽ dùng cho trẻ từ 5-11 tuổi, vắc xin Covid-19 của Moderna dành cho trẻ từ 6 -11 tuổi.
Chiều 31/1, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, Việt Nam sẽ sử dụng 2 loại vắc xin Covid-19 trong chiến dịch tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Bao gồm vắc xin của Pfizer và Moderna.
Cụ thể, Bộ Y tế sẽ cho phép sử dụng vắc xin Covid-19 của Moderna cho trẻ em từ 6-11 tuổi. Đối tượng này khác so với vắc xin do Pfizer sản xuất là trẻ từ 5-11 tuổi.
Cụ thể, vắc xin Moderna tiêm cho trẻ em từ 6-11 tuổi liều bằng một nửa người lớn, mỗi liều 0,25 ml chứa 50mcg vắc xin mRNA. Mỗi lọ đóng 10 liều 0,5ml, tương đương với 20 liều cho trẻ nhỏ. Vắc xin này không dành cho trẻ 5 tuổi. Ở nhiệt độ từ 2-8 độ C, vắc xin bảo quản được 30 ngày.
Với vắc xin Covid-19 của Pfizer cho trẻ từ 5-11 tuổi, có hàm lượng 10mcg/ liều, bằng 1/3 hàm lượng so với liều dành cho người từ 12 tuổi trở lên. Mỗi lọ chứa 10 liều.
Ở nhiệt độ từ 2-8 độ C, vắc xin được dùng tối đa trong 10 tuần. Như vậy, sẽ rất thuận lợi cho việc triển khai tiêm chủng do thời gian bảo quản lâu hơn so với vắc xin Pfizer của người lớn (tối đa 4 tuần). Liều tiêm cho trẻ là 2 mũi cách nhau 3 tuần, tiêm bắp, mỗi liều 0,2 ml. Các quốc gia khác hiện đang triển khai cách 3-8 tuần.
Các phản ứng hay gặp khi tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ nhỏ gồm đau đầu, đau khớp, tiêu chảy, đau tại vị trí tiêm, đau cơ, tỷ lệ phản ứng ở liều tiêm thứ 2 nhiều hơn. Có khoảng 1/10.000 đến 1/1.000.000 có thể bị viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim. Tuy nhiên đến nay, các quốc gia đang triển khai tiêm cho trẻ 5-11 tuổi vẫn chưa ghi nhận báo cáo nào về phản ứng này.
Bà Hồng khuyến cáo, tuyệt đối không tiêm trộn vắc xin mRNA Covid-19 cho trẻ từ 5-12 tuổi, mà chỉ dùng 1 loại vắc xin cho cả 2 mũi. Nghĩa là trẻ đã tiêm mũi 1 Pfizer sẽ chỉ tiêm mũi 2 của Pfizer.
Hiện, Bộ Y tế đang tổ chức tập huấn chuyên môn để triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ nhỏ ở các địa phương. Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chủ trì.
(Báo Vietnamnet)
*Không thể quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh
Thời gian qua dù các bộ, ngành liên quan cũng như chính quyền các địa phương đã vào cuộc xử lý, nhưng tình trạng vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe như thuốc chữa bệnh giảm không đáng kể.
Tại hội nghị “Phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2022” Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ: tình trạng vi phạm chủ yếu là doanh nghiệp quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, tạo hiểu lầm cho người dân. Các quảng cáo không đúng thường xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội.
Qua công tác giám sát, hậu kiểm và thanh, kiểm tra, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát hiện không ít trường hợp thuê địa điểm tại nhà dân để đào tạo sinh viên, bán thực phẩm chức năng trái phép; một số ca sĩ, diễn viên... tham gia quảng cáo sản phẩm không đúng công dụng; có đơn vị giả mạo các đài truyền hình, lồng ghép video tinh vi để quảng cáo sai...
Đáng chú ý, có nhiều doanh nghiệp là chủ sở hữu bản công bố sản phẩm nhưng không thừa nhận và không đứng tên thực hiện các quảng cáo vi phạm, do vậy cơ quan chức năng không xác định được đối tượng vi phạm, nên gần như không thể xử lý.
Theo đánh giá của Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan thì “chúng ta có cả một rừng văn bản”, nhưng xử phạt đối với hình thức kinh doanh mới trên mạng điện tử còn khó khăn, nhiều lỗ hổng. Điều đó làm cho nhiều người bỏ lỡ thời gian vàng điều trị theo hướng dẫn chuyên môn của thầy thuốc vì tin dùng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng. Đến khi không khỏi bệnh, mới quay lại làm theo hướng dẫn thì đã muộn.
Bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, cần khắc phục triệt để tình trạng khi cơ quan quản lý phát hiện về quảng cáo của một sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào đó vi phạm nhưng liên hệ đến đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thì lại bảo “không phải doanh nghiệp của tôi”, “không phải chúng tôi làm”...
Cần có những quy định rõ ràng trách nhiệm của đơn vị sản xuất, kinh doanh, nếu quảng cáo đó không phải do đơn vị làm thì khi phát hiện cần báo ngay cho cơ quan quản lý, tránh trường hợp khi kiểm tra thì lại báo là do ai đó quảng cáo chứ không phải mình, trong khi sản phẩm bán đi vẫn nhận lợi nhuận. Lãnh đạo Thanh tra Bộ Thông tin và truyền thông cho rằng cần quy định không được đặt mẫu quảng cáo sản phẩm cùng bài viết nghiên cứu, giới thiệu tính năng tác dụng của hoạt chất có trong sản phẩm quảng cáo để ngăn chặn việc lợi dụng kẽ hở để lách luật.
Cục trưởng An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết, tới đây đề nghị khi sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính cần quy định: Nếu doanh nghiệp nào đang vi phạm về quảng cáo thì tạm dừng tiếp nhận hồ sơ công bố, quảng cáo mới.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị rà soát lại những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề quảng cáo, trong đó có quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng để có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn hiện nay. Việc quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng không phải do riêng một bộ, ngành nào thực hiện mà cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Bộ Công thương tiếp tục tăng cường quản lý sàn giao dịch điện tử, bán hàng đa cấp; có biện pháp giám sát các buổi tuyên truyền, phát triển thành viên bán hàng đa cấp qua các buổi hội thảo, hội nghị; có chế tài xử phạt sàn thương mại điện tử vi phạm. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi quảng cáo sai sự thật, quảng cáo khi chưa được cơ quan chức năng thẩm định; quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm việc quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội.
Rà soát, quản lý chặt việc hoạt động của các tên miền, tránh tình trạng xin cấp phép một đằng, hoạt động một nẻo; phối hợp với cơ quan chức năng xử phạt nghiêm các đơn vị sở hữu tên miền vi phạm, nếu tái phạm thì có thể rút tên miền, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường tuyên truyền các quy định về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, các văn nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm sai sự thật, quá công dụng của sản phẩm, gây hiểu nhầm của người tiêu dùng như là thuốc chữa bệnh.
Bộ Công an chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố xử lý nghiêm các vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe; phối hợp Bộ Y tế, Bộ Công thương xử lý nghiêm doanh nghiệp có hành vi quảng cáo lừa dối người tiêu dùng. Về phía người tiêu dùng, cần tỉnh táo không nên tin những quảng cáo quá lời về công dụng của thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
(Báo Nhân dân)
*Dịch COVID-19 "hạ nhiệt", nhà thuốc tại Hà Nội không còn cảnh tranh giành mua thuốc, kit test
Hà Nội những ngày qua số ca mắc Covid-19 mới liên tục giảm sâu, từ ngày 26/3 đến nay F0 trong ngày đã giảm xuống dưới 10.000 ca/ngày. Theo đó, tình trạng người mua thuốc điều trị Covid-19, kit test, nước muối sinh lý… dần "hạ nhiệt".
Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội ngày 25/3, Sở Y tế Hà Nội nhận định thành phố Hà Nội đã bước qua đỉnh dịch. Theo đó, giai đoạn cuối tháng 2 đầu tháng 3, Hà Nội nhiều ngày liền ghi nhận trên dưới 30.000 ca Covid-19 mới. Đỉnh điểm là vào ngày 8/3, Thủ đô có thêm 32.650 F0 chỉ trong 24 giờ.
Tuy nhiên, sau khi đạt đỉnh, số ca mắc mới của Hà Nội đã liên tục hạ nhiệt. Kể từ ngày 26/3, F0 trong ngày tại Hà Nội đã giảm xuống dưới 10.000 ca/ngày. Nhờ đó, tình trạng người mua thuốc điều trị Covid-19, kit test nhanh, nước muối sinh lý… cũng "hạ nhiệt", các nhà thuốc không còn cảnh cháy hàng như trước.
Nếu như cách đây hơn nửa tháng, các mặt hàng kit test nhanh, nước muối sinh lý hay thuốc ho bổ phế... tại các nhà thuốc ở Hà Nội luôn cháy hàng, tăng giá thì giờ đây cảnh tượng này đã không còn. Các mặt hàng đều sẵn và giảm giá mạnh.
Cách đây hơn nửa tháng, người dân phải chật vật đi hàng chục nhà thuốc mới có thể tìm mua được kit test nhanh, nước muối sinh lý, bổ phế,… thì nay những mặt hàng này đều sẵn có.
Ghi nhận sáng ngày 31/3, tại một nhà thuốc ở khu chung cư HH Linh Đàm, giá kit test đã giảm xuống còn 50.000-60.000 đồng/bộ so với giá 85.000 đồng/bộ. Nước muối sinh lý trước đó tại đây bị cháy hàng thì nay dễ dàng mua với giá 3.000 đồng/chai.
Chị Thu Hoài (35 tuổi, ở chung cư HH1A Linh Đàm) cho biết, những ngày trước chị phải rất khó khăn khi tìm mua kist test nhanh, các loại thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19.
"Trước đó, tôi đi khắp các hiệu thuốc không mua nổi chai nước muối sinh lý. Sau không còn cách nào tôi mua loại muối viên với giá 39.000 đồng/hộp về pha theo tỉ lệ nhân viên nhà thuốc hướng dẫn cho cả gia đình sử dụng.
Ngoài ra, một số loại bổ phế cần mua không có nên phải dùng loại nhân viên đưa. Giờ các loại mặt hàng này đều sẵn có và chi phí rẻ hơn rất nhiều", chị Hoài chia sẻ.
Những ngày trước, gia đình mấy người ốm khiến anh Tuấn (quận Đống Đa, Hà Nội) mất vài triệu đồng cho chi phí mua test nhanh. Nay mua bộ kit test chỉ 40.000 - 50.000 đồng anh Tuấn cười bảo "đỡ xót ruột hẳn".
"Trước cứ đi làm về tôi lại test cái cho yên tâm. Mà khổ khi đó tìm mua rất khó, đi mấy nơi may mắn mua được kit thì giá khi đó khoảng hơn 100.000 đồng/bộ. Giờ cũng không dùng test vô tội vạ nữa. Khi nào thấy biểu hiện khác lạ trong người tôi mới test. Giá test nhanh hiện chỉ còn khoảng 40.000-50.000 đồng/bộ nên cũng đỡ xót ruột", anh Tuấn nói.
Tại chuỗi nhà thuốc Long Tâm trên đường Giải Phóng (Hà Nội) không còn cảnh xếp hàng như những ngày trước. Nếu như trước tại đây bộ kit test được bán với giá 65.000 đồng/bộ thì nay có giá 38.000 đồng/hộp 5 chiếc với số lượng không giới hạn, tức giảm gần một nửa. Ngoài ra các mặt hàng phục vụ điều trị Covid-19 đều sẵn có.
Không chỉ que test nhanh, nước muối sinh lý, vitamin C… "hạ nhiệt", thuốc điều trị Covid-19 cũng giảm sức mua. Các loại thuốc liên quan đến điều trị Covid-19 như kháng đông, kháng viêm và kháng sinh cũng giảm đi trông thấy.
Các nhân viên bán thuốc cho biết, do dịch bệnh tại Hà Nội bắt đầu giảm nhiệt, bên cạnh đó người dân không còn tâm lý hoang mang mua các loại thuốc tích trữ nên thị trường bình ổn hơn.
Không chỉ giảm sức mua, giá của Molnupiravir cũng giảm. Cụ thể, thuốc Molnupiravir trước đây có giá 250.000 đồng/liệu trình nay còn 230.000 đồng. Người bán vẫn yêu cầu mua phải có đơn của bác sĩ. Tình trạng hạ giá thuốc trị Covid-19 cũng xảy ra trên chợ online.
(Báo Tổ quốc)
*Xử lý nghiêm vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Công thương; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công An; UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.
Theo Bộ Y tế, để thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện thủ tục hành chính, toàn bộ thủ tục đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thực hiện trên môi trường mạng (Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4).
Bên cạnh những tổ chức, cá nhân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vẫn còn tồn tại rất nhiều những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quảng cáo, chủ yếu tập trung vào các hành vi như quảng cáo không đúng bản chất của sản phẩm, quảng cáo khi chưa được thẩm định nội dung và quảng cáo không đúng nội dung đã được thẩm định.
Với vai trò là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo sai sự thật, quảng cáo chưa có thẩm định của cơ quan chuyên môn hoặc không đúng với nội dung đã được thẩm định.
Có biện pháp xử lý mạnh với các trang mạng xã hội như facebook, tiktok, twitter,… các nền tảng quảng cáo trên google ads như: Youtube, coccoc, chrome... và yêu cầu thực hiện nghiêm túc pháp luật của Việt Nam về quảng cáo. Rà soát quản lý chặt điều kiện cho phép mở các trang website, tên miền hoạt động nhằm đảm bảo khi phát hiện sai phạm về quảng cáo cần kịp thời tạm đóng hoặc đóng vĩnh viễn tên miền vi phạm; tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo xuyên biên giới.
Bộ Y tế đề nghị Bộ Công thương tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, các công ty bán hàng đa cấp kinh doanh các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.
Có biện pháp giám sát các hoạt động đa cấp, đặc biệt là các buổi hội thảo phát triển thành viên của các công ty để tránh việc quảng cáo truyền miệng sai sự thật. Có biện pháp, chế tài xử lý mạnh các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Bộ Y tế đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng, nêu các thông tin chưa được kiểm chứng, quảng cáo các thông tin chưa được cơ quan chuyên môn thẩm định gây ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế cho người tiêu dùng.
Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm để làm gương các chủ tên miền quảng cáo trên các trang mạng xã hội vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo. Chủ trì phối hợp với các cơ quan của Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND các tỉnh, thành phố điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.
Bộ Kế hoạch và đầu tư cần quy định, quản lý chặt chẽ hơn về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Tại văn bản này, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương (Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Y tế; Sở Công thương; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ban Quản lý An toàn thực phẩm; Thanh tra tỉnh, thành phố) tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn.
Tuyên truyền để người dân không tham gia vào các clip, video quảng cáo sai tác dụng, công dụng của thực phẩm bảo vệ sức khoẻ; quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe như thuốc chữa bệnh.
Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ quan chủ quản các đơn vị kinh doanh dịch vụ phát hành quảng cáo thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý quyết liệt những hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe của các đơn vị kinh doanh dịch vụ phát hành quảng cáo thuộc lĩnh vực mình quản lý.
Các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân chỉ mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe khi có nhu cầu, không mua qua phương thức truyền miệng. Khi mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải có nguồn gốc rõ ràng, có hóa đơn, chứng từ làm căn cứ, bằng chứng để các cơ quan chức năng xử lý khi có yêu cầu.