*Không tùy tiện sử dụng thuốc điều trị Covid-19
Không chỉ được bán tại các nhà thuốc, 3 loại thuốc điều trị Covid-19 chứa Molnupiravir sản xuất trong nước (Molnupiravir Stella 400mg, Molravir 400 và Movinavir) còn đang được mời chào tràn lan trên mạng xã hội, chợ thuốc trực tuyến... Theo quy định của Bộ Y tế, không sử dụng thuốc Molnupiravir cho người mắc Covid-19 không triệu chứng. Việc sử dụng loại thuốc này cần phải có sự thăm khám, kê đơn và hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế. Thế nhưng, nhiều người đã phớt lờ quy định, tìm đến nhà thuốc để mua Molnupiravir về tích trữ, sử dụng một cách tùy tiện.
Giá thuốc “mỗi nơi một kiểu”
Tại nhà thuốc Long Châu (phố Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm) ngày 1-3, có rất đông người dân đến mua thuốc, test xét nghiệm nhanh Covid-19… Chị Vũ Thùy Trang (phố Hào Nam, quận Đống Đa) cho biết, chị đã tìm mua thuốc Molnupiravir về dự trữ, để chẳng may người trong gia đình mắc bệnh, có thể sử dụng ngay khi cần...
Trong vai khách hàng, phóng viên Báo Hànộimới được nhân viên nhà thuốc Long Châu hướng dẫn: “Khách hàng muốn mua thuốc Molnupiravir phải có đơn thuốc của bác sĩ, giấy xác nhận F0 điều trị tại nhà của phường, video xét nghiệm nhanh có kết quả dương tính hoặc kết quả xét nghiệm RT-PCR. Molnupiravir 400mg được bán đúng với giá niêm yết là 12.500 đồng/viên”.
Nếu như tại nhà thuốc yêu cầu nghiêm ngặt về đơn chỉ định của bác sĩ khi mua loại thuốc này, thì việc mua trên mạng xã hội Facebook lại rất dễ dàng. Người dân không cần đơn thuốc của bác sĩ vẫn có thể mua được thuốc với số lượng lớn và giá thuốc “mỗi nơi một kiểu”, gấp nhiều lần so với giá mà Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) công bố.
Tại tài khoản có tên “H.N.” rao bán thuốc Molnupiravir 400mg với giá 380.000 đồng/hộp/20 viên (19.000 đồng/viên). Chủ tài khoản này cho biết, giá tuy đắt hơn nhà thuốc, nhưng người dân khi mua không cần có đơn thuốc, không cần giấy xác nhận F0… Trong khi cùng loại thuốc này, một tài khoản khác có tên “Dược sĩ P.L.” lại rao bán với giá 300.000 đồng/hộp/20 viên (15.000 đồng/viên), kèm lời quảng cáo: “Thuốc có tác dụng giảm tải lượng vi rút khi sử dụng ở giai đoạn đầu mắc bệnh, từ đó giảm nguy cơ trở nặng và tử vong”.
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Ô xy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), việc bán thuốc điều trị Covid-19 vẫn chưa chặt chẽ. Người dân nên coi việc có đơn thuốc của bác sĩ, giấy xác nhận của phường khi mua thuốc là việc hết sức bình thường. Thậm chí, nhà thuốc nên đóng dấu xác nhận đã mua vào đơn thuốc hoặc giấy xác nhận F0 điều trị tại nhà để tránh tình trạng người dân đã mua ở hiệu thuốc này, lại tiếp tục sang hiệu thuốc khác mua...
Không phải ai mắc Covid-19 cũng dùng Molnupiravir
Hiện tại, nhu cầu sử dụng thuốc điều trị Covid-19 của người dân là khá lớn. Tất cả các công ty dược phẩm trong nước vừa được Bộ Y tế cấp phép đều có dây chuyền hiện đại, đủ khả năng sản xuất và cung ứng đầy đủ thuốc bảo đảm chất lượng cho người dân. Đơn cử như Công ty cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam - đơn vị sản xuất thuốc Molravir 400 (Molnupiravir 400mg), sản xuất số lượng khoảng 30 triệu viên/tháng; Công ty TNHH liên doanh Stellapharm Việt Nam - đơn vị sản xuất thuốc Molnupiravir Stella 400mg, công suất đạt khoảng 100 triệu viên/tháng…
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) Khổng Minh Tuấn cho rằng, thuốc điều trị Covid-19 chứa Molnupiravir sản xuất trong nước đã được bán tại các nhà thuốc, đáp ứng nhu cầu của người dân, nhưng không phải ai khi mắc Covid-19 cũng cần dùng loại thuốc này. Ngoài ra, nên sử dụng loại thuốc này sớm khi khởi phát triệu chứng dưới 5 ngày. Khi sử dụng loại thuốc này, người bệnh không được sử dụng quá 5 ngày liên tiếp. Molnupiravir không được sử dụng để dự phòng sau hay trước phơi nhiễm để phòng Covid-19.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Văn Đán, Phụ trách khoa Nội tổng hợp - đơn vị hiện đang đảm nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang lưu ý, trên 80% bệnh nhân mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Khi bị nhiễm Covid-19, người dân cần liên hệ với trung tâm y tế gần nhất để được hỗ trợ, hướng dẫn sử dụng thuốc đúng mục đích. Bởi, việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định sẽ ảnh hưởng tới việc điều trị bệnh và sức khỏe.
Tại hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 vừa được sửa đổi, bổ sung, Bộ Y tế lưu ý, không dùng thuốc Molnupiravir cho người không có triệu chứng bệnh. Thuốc Molnupiravir chỉ được sử dụng để điều trị Covid-19 nhẹ đến trung bình, có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng. Ở người mức độ nhẹ, dùng thuốc khi có các triệu chứng: SPO2 lớn hơn 96%, nhịp thở thấp hơn 20 lần/phút. Người mức độ trung bình, dùng thuốc khi SPO2 từ 94% đến 96%, nhịp thở 20-25 lần/phút, tổn thương trên x-quang nhỏ hơn 50%; hoặc người bệnh Covid-19 mức độ nhẹ có bệnh lý nền, được coi như mức độ trung bình.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo, Molnupiravir không được sử dụng trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Ngoài ra, thuốc này không được phép sử dụng cho bệnh nhân dưới 18 tuổi, vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn. Riêng với nam giới, Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng, mặc dù rủi ro được coi là thấp.
(Báo Hà Nội Mới)
*Cảnh báo nguy cơ nhiều trẻ mắc Covid-19 nặng khi số F0 ở trẻ gia tăng
Thời điểm này, tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, có khoảng hơn 100 bệnh nhi mắc Covid-19. Số lượng trẻ nhập viện tăng đột biến từ trước đến nay, cao điểm là hơn 20 trẻ/ngày.
Chiều 1/3, bé Nguyễn Quang Anh (3 tuổi), ở Kim Chung, Đông Anh (TP Hà Nội) được bác sĩ cho xuất viện sau 10 ngày điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Chị Trịnh Huyền Linh, mẹ của bé Quang Anh chia sẻ, cả gia đình chị có 8 người đều bị mắc Covid-19, riêng cháu Quang Anh có tiền sử bị viêm đường hô hấp trên nên khi dương tính với SARS-CoV-2, cháu có biểu hiện sốt cao gần 40 độ, co giật, lịm người.
“Khi đưa cháu đến bệnh viện, bác sĩ cho cháu nhập viện ngay. Tôi cũng bị nên ở lại để chăm sóc con. Khi phát hiện con còn nhỏ bị mắc COVID-19, gia đình tôi cũng lo lắng vì cháu nhỏ chưa được tiêm vaccine. Gia đình cũng lo các triệu chứng hậu COVID-19 về sau này với trẻ nhưng các bác sĩ cũng động viên, quan tâm chăm sóc đầy đủ chất dinh dưỡng khi cháu khỏi bệnh và nếu có dấu hiệu bất thường cần phải đi khám ngay lập tức”- chị Linh cho biết.
Tại một phòng bệnh khác, bé Trịnh An Nhi (17 tháng tuổi, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng bị mắc Covid-19 và phải nhập viện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Chị Nguyễn Thị Nguyệt Quỳnh, mẹ của bệnh nhi cho hay, khi phát hiện bé bị dương tính, cháu có biểu hiện sốt cao liên tục, khó thở, thở rút lõm ngực, sốt mê man. Gia đình ngay lập tức đưa cháu vào BV Đa khoa Xanh Pôn và sau đó được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. “Khi vào viện, cháu được theo dõi, điều trị, đến nay các triệu chứng đã đỡ, sức khỏe cháu đã ổn định hơn”- chị Nguyễn Thị Nguyệt Quỳnh nói.
Chia sẻ với phóng viên VOV.VN, BS Nguyễn Thành Lê, Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, Khoa được Bệnh viện giao cho 80 giường điều trị các bệnh nhân mắc Covid-19, tuy nhiên hiện nay đã có khoảng hơn 100 bệnh nhi. Số lượng trẻ nhập viện rất đông, tăng đột biến từ trước đến nay. “Trước chỉ lẻ tẻ vài ca, đợt này số lượng bệnh nhi tăng nhanh. Có những ngày cao điểm là hơn 20 trẻ”- BS Nguyễn Thành Lê cho biết.
Cũng theo BS Lê, đa phần trẻ nhập viện là có triệu chứng sốt cao liên tục, kèm theo dấu hiệu li bì, bỏ ăn, bỏ bú, co giật, một số trẻ suy hô hấp. Các bệnh nhi đều được phân ở tầng 2 cần sự can thiệp của y tế.
BS Lê cũng cho rằng, mặc dù tỷ lệ trẻ mắc Covid-19 diễn biến nặng thấp hơn so với người lớn. Tuy nhiên, số lượng tăng nhanh nên số trẻ em diễn biến nặng cũng sẽ tăng, thường xảy ra ở trẻ có bệnh nền như thận, bệnh về huyết học, cơ địa béo phì. “Hầu hết các trẻ mắc Covid-19 những ngày đầu là sốt. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo cha mẹ hãy bình tĩnh, không nhất thiết phải đưa con đến cơ sở y tế ngay lập tức mà hãy làm theo các cách hướng dẫn của Bộ Y tế như sốt thì dùng hạ sốt. Theo dõi nếu trẻ có những dấu hiệu nặng thì cần đến ngay cơ sở y tế”- BS Lê khuyến cáo.
Theo BS Nguyễn Thành Lê, khi trong gia đình có người bị F0, cần hướng dẫn trẻ thực hiện tốt 5K để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Nếu trẻ sốt thì cho uống hạ sốt, ho thì dùng các chế phẩm ho thông thường và chăm sóc trẻ đảm bảo ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Tuyệt đối không nên tự mua thuốc kháng virus hoặc các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, không được Bộ Y tế cấp phép cho trẻ uống để tránh tiền mất tật mang.
(Báo VOV)
*Hai phương án cung ứng thuốc Molnupiravir
Ngày 2/3, Bộ Y tế đề xuất 2 phương án cung ứng 3 thuốc điều trị COVID-19 chứa hoạt chất Molnupiravir.
Thận trọng dùng Molnupiravir
Theo cập nhật hướng dẫn sử dụng thuốc Molnupiravir của Bộ Y tế, Molnupiravir được chỉ định cho bệnh nhân COVID-19 người lớn từ 18 tuổi trở lên mức độ nhẹ đến trung bình và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng. Liều dùng là 800 mg/lần, uống 2 lần/ngày.
Mới nhất, Bộ Y tế bổ sung quy định, Molnupiravir không chỉ định cho trường hợp nhiễm không triệu chứng, người bệnh ở mức độ nặng, nguy kịch. Thuốc được khuyến cáo không sử dụng cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em dưới 18 tuổi do quan ngại nguy cơ độc tính trên thai nhi, trên xương, sụn của thuốc. Không dùng Molnupiravir cho phụ nữ có khả năng mang thai; phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên dùng biện pháp tránh thai phù hợp và có hiệu quả trong quá trình điều trị và trong vòng 4 ngày sau khi sử dụng liều Molnupiravir cuối cùng. Không khuyến cáo cho con bú trong thời gian điều trị và trong vòng 4 ngày sau khi sử dụng liều Molnupiravir cuối cùng. Đối với nam giới trong độ tuổi sinh sản, sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp và hiệu quả trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Monulpiravir cuối cùng
Bộ Y tế thông tin, thuốc chứa Molnupiravir là thuốc mới, được cấp phép có điều kiện, là thuốc kê đơn, cần tiếp tục theo dõi về chất lượng, hiệu quả, an toàn của thuốc trong quá trình lưu hành. Việc sử dụng thuốc Molnupiravir cần phải có sự thăm khám, kê đơn và hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế. Đồng thời khuyến cáo, Molnupiravir không được sử dụng quá 5 ngày liên tiếp. Đặc biệt Molnupiravir không được sử dụng để dự phòng sau hay trước phơi nhiễm để phòng COVID-19.
Về việc người dân mua thuốc Molnupiravir để uống dự phòng COVID-19, bác sĩ Nguyễn Duy Tùng, thành viên Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, khẳng định: “Quan điểm này là hoàn toàn sai, vì thuốc kháng virus Molnupiravir chỉ có hiệu quả khi sử dụng cho bệnh nhân phát hiện sớm, trong 5 ngày đầu có triệu chứng bệnh để giảm sự nhân lên của virus, giảm số ngày điều trị, giảm nguy cơ tăng nặng. Do vậy, khi bệnh nhân đã chuyển nặng, thường vào ngày 7-10 từ ngày khởi phát, thì dùng thuốc không còn hiệu quả, không có tác dụng. Cơ chế của thuốc Molnupiravir là cơ chế gây đột biến, làm gián đoạn sao chép RNA dẫn đến ức chế sự nhân lên của virus. Bộ Y tế hướng dẫn kĩ cách dùng, người bệnh cần tuân thủ uống thuốc một cách nghiêm ngặt theo chỉ định và hướng dẫn của nhân viên y tế”.
2 phương án cung ứng thuốc
Ngày 2/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định, thuốc điều trị bệnh truyền nhiễm nhóm A như COVID-19 sẽ được cấp phát miễn phí. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng F0 không triệu chứng và nhẹ đang gia tăng, người dân tự xét nghiệm và được cách li theo dõi tại nhà nên cần có thêm kênh tiếp cận thuốc kháng virus bên cạnh cấp miễn phí theo luật.
Cắt giảm ngay thủ tục mua thuốc
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có ý kiến về phản ánh của báo chí liên quan thủ tục mua thuốc phòng, chống COVID-19. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cắt giảm ngay thủ tục hành chính liên quan việc mua thuốc phòng, chống COVID-19; căn cứ tình hình thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm các nước để khẩn trương quyết định việc cấp phép nhập khẩu và sử dụng thuốc điều trị COVID-19.
Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường công tác quản lý giá thuốc, xử lý nghiêm trường hợp đầu cơ, buôn lậu thuốc theo quy định; tạo điều kiện thuận lợi, không để nhân dân vất vả với quá nhiều thủ tục trong việc tiếp cận và mua thuốc điều trị COVID-19.
Thành Nam
Thứ trưởng thông tin Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ 2 phương án phân phối thuốc Molnupiravir gồm: cấp phát thuốc miễn phí tại cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 và bán tại các cơ sở đăng kí, kinh doanh về thuốc để người dân tự mua. Trước đó, Bộ Y tế báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị về phương án người dân tự chi trả tiền thuốc Molnupiravir và được Bộ Chính trị cho phép. Bộ Y tế đang tiếp tục trình Chính phủ xin ý kiến các nội dung liên quan đến việc người dân tự mua thuốc. Khi được Thủ tướng cho ý kiến, Bộ Y tế sẽ triển khai cụ thể.
Trươc đó, Bộ Y tế có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường các biện pháp quản lí đối với việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị COVID-19. Để tránh việc mua, bán thuốc điều trị COVID-19 không có nguồn gốc, xuất xứ, không đúng quy định về bán thuốc theo đơn, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bất hợp lí nhằm trục lợi, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các đơn vị có biện pháp quản lí đối với việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị COVID-19.
Người mắc COVID-19 từ mức độ nhẹ đến trung bình uống Molnupiravir cách 12 giờ/lần trong 5 ngày. Uống hai lần/ngày. Thuốc nên được uống nguyên viên với đủ lượng nước (khoảng 150-200 ml nước). Có thể uống thuốc bất kì thời điểm nào so với bữa ăn, trước ăn hoặc sau ăn, nhưng không nên nhai hoặc nghiền viên thuốc.