Lùi thời điểm thanh toán thuốc chống lao sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm y tế
Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 9662/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chấm dứt bệnh lao, đồng ý điều chỉnh lùi thời điểm thanh toán thuốc chống lao sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm y tế tới ngày 1-7-2022.
Bộ Y tế tiếp tục sử dụng lượng thuốc chống lao được mua từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2021 để bảo đảm cung cấp thuốc lao cho các nhóm đối tượng gồm: Người bệnh lao phát hiện trên toàn quốc được đề xuất sử dụng thuốc chống lao tới hết tháng 6-2022; người bệnh lao không có thẻ bảo hiểm y tế, người bệnh lao điều trị tại các cơ sở y tế chưa đủ điều kiện thanh toán bảo hiểm y tế được sử dụng thuốc chống lao tới hết 31-12-2022.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính cân đối, bổ sung kinh phí mua thuốc lao để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
(Hanoimoi.com.vn)
Thêm ca nhiễm Omicron, Bộ Y tế đề nghị tăng cường năng lực điều trị
Đồ thị số ca nhiễm nCoV mới tại Việt Nam có xu hướng giảm nhẹ, tuy nhiên, nhiều địa phương tiếp tục ghi nhận thêm F0 mới trong cộng đồng.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong ngày 3/1, Việt Nam có thêm 15.916 ca mắc Covid-19 ghi nhận tại 60 tỉnh, thành phố. Số lượng này giảm nhẹ so với vài ngày trước đó song một số nơi như Hà Nội, Hải Phòng tiếp tục gia tăng số ca mắc.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.778.976 ca nhiễm, đứng thứ 31/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, bình quân cứ 1 triệu người có 18.040 ca nhiễm.
Hà Nội, Hải Phòng tăng nhanh số ca mắc
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 3/1, thành phố ghi nhận 2.106 ca Covid-19 mới, trong đó có 366 ca tại cộng đồng; 1.454 ca tại khu cách ly và 286 ca tại vùng phong tỏa. 366 ca cộng đồng ghi nhận tại 146 xã, phường thuộc 26/30 quận, huyện.
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết Hà Nội đang theo dõi, điều trị cho hơn 31.000 F0, trong đó có hơn 21.000 trường hợp nhẹ và không triệu chứng được điều trị tại nhà.
Thành phố này đang huy động nhiều nguồn lực để giảm tải hệ thống y tế, chăm sóc F0 tại nhà. Các y bác sĩ nghỉ hưu, tình nguyện viên là sinh viên trường y cũng được huy động.
Trong 10 ngày qua, Hà Nội có đến 19.096 ca mắc Covid-19 mới, theo công bố của Bộ Y tế. Trung bình mỗi ngày, thành phố có thêm 1.909 ca nhiễm. So với giai đoạn đầu dịch Covid-19 hoặc giai đoạn "bình thường mới" sau ngày 1/10, số ca nhiễm đợt này gia tăng rất nhanh.
Nhiều ngày qua, Hải Phòng nằm trong số các tỉnh, thành phố có ca nhiễm cao nhất cả nước. Đặc biệt 2 ngày qua, thành phố này có khoảng 1.700-1.800 ca nhiễm. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Y tế TP Hải Phòng, số liệu Bộ Y tế công bố có sự chênh lệch lớn với thành phố do cộng dồn lại từ những ngày trước đó.
Lãnh đạo Hải Phòng đã trao đổi với Bộ Y tế để thống nhất con số công bố trùng khớp nhau nhằm tránh gây hiểm nhầm và hoang mang cho người dân.
Tính đến tối 3/1, Hải Phòng đã triển khai tiêm 3.289.436 mũi vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Trong đó, người lớn 2.942.955 mũi (mũi 1 đạt 102,57%, bao gồm cả người ngoại tỉnh, mũi 2 đạt 97,9%); trẻ em 12-17 tuổi: 346.481 mũi (mũi 1 đạt 100%).
Trong 5 ngày gần đây, tổng ca F0 ở tỉnh Đồng Tháp liên tiếp giảm sâu, dao động từ 590 đến 132 ca mắc. Trong khi từ cuối tháng 11/2021 đến hết tháng 12/2021, Đồng Tháp luôn duy trì số ca mắc từ 600 đến 700 ca. Hiện tại, đồ thị số ca nhiễm theo ngày của tỉnh này có xu hướng giảm dần (tỉnh này có thêm 132 F0 ngày 3/1).
Tính đến ngày 3/1, tỉnh đã tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên được 2.697.802 liều, đạt 99,59% dân số tỉnh; tiêm mũi 2 đạt 1.162.729 liều, đạt 93,38% dân số tỉnh; tiêm mũi nhắc lại đạt 62.017 liều, đạt 4,98% dân số tỉnh. Người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi cũng được tiêm vaccine với 297.326 liều, tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vaccine đạt 87,71% dân số tỉnh.
Đồ thị số ca nhiễm ở tỉnh Bến Tre đang có chuyển biến tích cực khi ca mắc Covid-19 trong ngày liên tiếp giảm. Trong 5 ngày (từ 30/12/2011 đến 3/1), tỉnh này có tổng cộng 1.111 F0. Trong khi đó, tháng trước, từ ngày 29/11/2011 đến 3/12/2011, số ca nhiễm gấp 2 lần, khoảng 2.271 ca mắc.
Nhiều ngày qua, số ca nhiễm ở tỉnh Sơn La cũng có dấu hiệu tăng, nhiều nhất ở các huyện: Mộc Châu, Mai Sơn, Mường La, Thành phố, Vân Hồ, Yên Châu, Sông Mã và Phù Yên.
Các bệnh nhân mới là trường hợp F1 liên quan ca dương tính phát hiện trước đó. Một số trường hợp phát hiện tại cộng đồng và liên quan các ổ dịch, F0 lịch trình di chuyển phức tạp, tiếp xúc nhiều người, nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng ở mức cao.
Các địa phương đang khẩn trương truy vết những trường hợp tiếp xúc gần để quản lý và cách ly, khoanh vùng các địa điểm có nguy cơ cao.
Số ca nhiễm mới ở Hải Dương ngày 3/1 là 177 người, giảm nhiều so với ngày 2/1 (545 người). Hầu hết ca nhiễm mới đều là F1 đã được cách ly, 25 người về từ tỉnh khác và còn lại từ sàng lọc cộng đồng và nhân viên y tế.
Một số ổ dịch trong tỉnh vẫn ghi nhận nhiều ca mắc mới như ổ dịch Công ty TNHH GFT Việt Nam, Công ty TNHH Sky Dragon Việt Nam (huyện Tứ Kỳ); ổ dịch phường Sao Đỏ (Chí Linh).
Từ đầu tháng 12/2021 đến nay, số ca mắc ở tỉnh Khánh Hòa liên tiếp tăng cao. Hiện tại, tổng số ca mắc Covid-19 ở tỉnh này đã vượt Tiền Giang, trở thành một trong 10 địa phương ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất cả nước.
Việt Nam phát hiện 24 ca nhiễm biến chủng Omicron
Đầu tháng 12, Bộ Y tế liên tiếp phát đi nhiều cảnh báo về nguy cơ xâm nhập của biến chủng Omicron. Cơ quan này cũng có nhiều văn bản đề nghị các địa phương chủ động các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới. Theo nhiều chuyên gia, việc Omicron lây lan đến Việt Nam là tất yếu sự giao thương quốc tế.
Trong thông tin tối 3/1, Bộ Y tế thống kê Việt Nam đã ghi nhận 24 ca mắc Covid-19 bởi biến chủng Omicron. Tất cả đều là người trở về từ nước ngoài, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Các trường hợp này được ghi nhận tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP.HCM (5), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).
Bệnh nhân ở Hà Nội đã được xuất viện ngày 2/1. Năm trường hợp ở TP.HCM cũng có kết quả xét nghiệm âm tính. Các bệnh nhân này không có triệu chứng lâm sàng, nồng độ virus thấp và nhanh khỏi bệnh.
Theo CDC Hải Dương, ca nhiễm Omicron tại tỉnh này đã âm tính và được xuất viện. Những người có liên quan tại khu cách ly (2 người cùng phòng, người phục vụ cơm nước, 2 cán bộ chăm sóc tại Trung đoàn 125, 2 cán bộ y tế Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Hải Dương) đều âm tính với SARS-CoV-2.
Trong tình hình mới, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn cho nhân viên y tế và chính quyền cơ sở để tổ chức tốt điều trị tại nhà, tại cơ sở cho người nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ thấp và trung bình.
Điều này nhằm tránh tình trạng dồn F0 lên bệnh viện các tuyến gây quá tải. Đặc biệt, Bộ Y tế đề nghị các địa phương rà soát, chủ động tăng cường năng lực hệ thống y tế, có kế hoạch rõ ràng với các kịch bản cụ thể, không để bị động.
Về phía Bộ, cơ quan này đang tiếp tục chủ động bám sát diễn biến dịch do chủng Omicron gây ra, thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế Thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này.
Tiến độ tiêm chủng tại Việt Nam
Theo cập nhật của Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 của Bộ Y tế, tính đến chiều 3/1, cả nước đã tiêm hơn 153,5 triệu liều vaccine phòng Covid-19.
Về tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại vaccine phòng Covid-19, đến ngày 2/1, khu vực phía Bắc đã tiêm hơn 1,94 triệu liều, trong đó, Hà Nội tiêm nhiều nhất với hơn 493.000 liều.
Khu vực miền Trung tiêm được hơn 210.000 liều, Ninh Thuận tiêm nhiều nhất khu vực này với gần 65.000 liều.
Khu vực Tây Nguyên hiện có duy nhất tỉnh Gia Lai triển khai tiêm, đạt tiến độ 1.028 liều. Khu vực phía Nam tiêm được hơn 2,65 triệu liều, trong đó, TP.HCM tiêm nhiều nhất với hơn 1,23 triệu liều.
Hiện tại, có 31/63 tỉnh, thành phố đạt trên 90% tỷ lệ bao phủ đủ liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên, 26/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ từ 80% đến dưới 90%; 6/63 tỉnh, thành phố còn lại có tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều dưới 80%.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm 12.810.104 liều vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi, trong đó có 7.689.216 mũi 1 và 5.120.888 mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vaccine cho trẻ 12-17 tuổi là 85,6% và tỷ lệ bao phủ đủ liều cơ bản là 57%.
(zing.vn)
1.200 bình ô xy đã chuyển về 'ATM ô xy'
Thực hiện thông điệp 'Trao ô xy - nối dài sự sống', Thành đoàn - Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội phối hợp với Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam xã hội hóa 1.200 bình ô xy và một số vật dụng y tế để cung cấp các trang thiết bị hỗ trợ công tác chăm sóc sức khỏe cho hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế được thuận lợi hơn, giúp bệnh nhân đang điều trị Covid-19 tại nhà sớm hồi phục.
Đến sáng ngày 3-1-2022, 1.000 bình ô xy loại 8 lít, 200 bình ô xy loại 40 lít, 800 đồng hồ đo, 30 máy ô xy loại 7 lít, 20 máy ô xy loại 10 lít, 500 bộ chia ô xy đã được lực lượng đoàn viên thanh niên vận chuyển, tập kết tại Trung tâm Dịch vụ việc làm và hỗ trợ thanh thiếu niên Hà Nội (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh).
Lễ ra mắt khởi động trạm "ATM ô xy" và các hoạt động điều phối ô xy hỗ trợ điều trị F0 tại nhà trên địa bàn thành phố Hà Nội được tổ chức vào ngày 5-1-2022.
Ngay sau khi chương trình được khởi động, Câu lạc bộ Xe bán tải địa hình Việt Nam sẽ phụ trách việc vận chuyển bình ô xy đến các trạm ATM cấp huyện và trạm y tế lưu động cấp xã trên địa bàn thành phố Hà Nội. Sau đó, các quận, huyện, thị đoàn sẽ triển khai vận hành trạm "ATM ô xy"; điều phối ô xy hỗ trợ điều trị F0 tại nhà.