*Số trẻ mắc Covid-19 gia tăng nhanh từng ngày
Tuy phần lớn trẻ mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, hồi phục trong 1-2 tuần nhưng có 4% trẻ có thể trở nặng hoặc nguy kịch, thời gian nguy cơ thông thường là vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 8.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, cùng với số ca mắc Covid-19 trên cả nước gia tăng mạnh, số trẻ em mắc Covid-19 cũng tăng lên hằng ngày, đặc biệt là nhóm trẻ dưới 12 tuổi.
Nếu như trước ngày 1/2/2022 con số này là 14,1%, thì sau ngày 1/2/2022 đã tăng lên 24,3%.
Tuy phần lớn trẻ mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ (viêm đường hô hấp trên hoặc rối loạn tiêu hóa, hồi phục trong 1-2 tuần) nhưng theo các chuyên gia y tế, có 4% trẻ có thể trở nặng hoặc nguy kịch, thời gian nguy cơ thông thường là vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 8.
Lứa tuổi này có thể có biến chứng hậu Covid-19, bao gồm các triệu chứng của hội chứng viêm đa hệ thống hoặc "Covid-19 kéo dài" ở trẻ em.
Các chuyên gia cũng cho biết thêm trẻ dưới 12 tháng tuổi và trẻ có các bệnh lý nền có nguy cơ diễn tiến nặng cao gồm: trẻ sinh non, cân nặng thấp; béo phì, thừa cân; đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa; các bệnh lý ung thư, tim mạch, thần kinh; bệnh hô hấp, gan, thận mạn tính; suy giảm miễn dịch; các bệnh hệ thống và đang dùng corticoid, thuốc ức chế miễn dịch.
Khi số lượng ca mắc trong cộng đồng tăng nhanh, số trẻ em diễn biến nặng cũng sẽ tăng lên
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Lê, Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết, những ngày gần đây, số lượng trẻ mắc Covid-19 nhập viện tăng đột biến.
Nếu như trước đây chỉ lẻ tẻ vài ca là trẻ em phải nhập viện, thì đợt này, số lượng bệnh nhi tăng nhanh từng ngày; có những ngày cao điểm có tới hơn 20 bệnh nhi được chuyển vào Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để điều trị.
Các bệnh nhi đến đây hầu như thuộc phân tầng 2, đã cần sự can thiệp của y tế. Đa phần trẻ mắc Covid-19 phải nhập viện có triệu chứng như: Sốt cao liên tục, li bì, bỏ ăn, bỏ bú, co giật, một số trẻ suy hô hấp…
Cũng theo Bác sĩ Nguyễn Thành Lê, tỷ lệ diễn biến nặng ở trẻ mắc Covid-19 thấp hơn so với người lớn. Tuy nhiên, khi số lượng ca mắc trong cộng đồng tăng nhanh, số trẻ em diễn biến nặng cũng sẽ tăng lên.
BS. Nguyễn Thành Lê khuyến cáo, đa số các trường hợp trẻ mắc Covid-19 trong những ngày đầu thường có biểu hiện sốt; cha mẹ cần bình tĩnh theo dõi, không nhất thiết phải đưa con đến cơ sở y tế ngay mà cần làm theo các cách hướng dẫn của Bộ Y tế.
Khi trẻ sốt thì cho uống hạ sốt, nếu ho thì dùng các chế phẩm điều trị ho thông thường và tích cực chăm sóc về dinh dưỡng cho trẻ. Đặc biệt, cha mẹ không nên mua bất cứ các sản phẩm nào khác mà không theo hướng dẫn của bác sĩ, không được Bộ Y tế cấp phép để tránh tiền mất tật mang. Vì hiện nay, trẻ mắc Covid-19 thường diễn biến khá nhẹ và không dùng bất kỳ loại thuốc kháng virus nào.
Về cách theo dõi trẻ tại nhà, cha mẹ không cần thiết phải sử dụng kẹp đo SpO2 vì thiết bị sử dụng tại nhà này đôi khi sẽ không cho kết quả chính xác nếu không biết cách đo. Tốt nhất, cha mẹ nên theo dõi nhịp thở của trẻ theo hướng dẫn, theo dõi xem trẻ có bị thở rút lõm ngực hay không để sớm phát hiện các dấu hiệu về đường hô hấp.
Về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ, trẻ mắc Covid-19 khi sốt sẽ bị mất nước nên cha mẹ cần phải bù nước đủ cho trẻ. Cha mẹ cố gắng duy trì chế độ dinh dưỡng cho con như bình thường. Nếu trẻ không ăn uống được thì có thể chia nhỏ các bữa hoặc ăn các chế phẩm dễ tiêu như cháo, sữa, cố gắng đảm bảo chế độ như trước khi trẻ mắc bệnh.
(Báo Giáo dục và Thời đại)
*96% người dân, phụ huynh đồng tình tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi
Theo khảo sát, tỷ lệ người dân, phụ huynh "đồng tình cao" chiếm 78%, "đồng tình" chiếm 17%, tổng có khoảng 96% đồng ý tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi.
Trả lời các cơ quan báo chí liên quan đến tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi đang được dư luận quan tâm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trước khi xây dựng kế hoạch, Bộ đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và được cho ý kiến. Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế cũng đã báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin ý kiến về nội dung này, sau đó Bộ đã tổng hợp ý kiến trình Chính phủ.
Chính phủ đã có Nghị quyết cho mua vaccine này với số lượng 21,9 triệu liều, tiêm cho khoảng 11,8 triệu trẻ em, nhân hai mũi nhân 98%. Thủ tướng đã có quyết định cho Bộ Y tế mua theo cơ chế đặc biệt, theo điều 26 của Luật Đấu thầu.
Cùng với đó, căn cứ ý kiến của các thành viên Chính phủ, Bộ Y tế đã phối hợp rất chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương để lấy ý kiến cộng đồng, đặc biệt là phụ huynh học sinh từ 5 - 11 tuổi. Theo đó, tỷ lệ "đồng tình cao" khoảng 78%. Tỷ lệ "đồng tình" khoảng 18%, tổng cộng đạt 95 - 96%.
"Như vậy, với khảo sát của Ban Tuyên giáo, cùng với việc Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để khảo sát thi thấy cơ bản là người dân quan tâm, đồng tình", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên thông tin.
Ngoài ra, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng cho biết, Bộ Y tế đã họp và thống nhất với Pfizer để xây dựng dự toán và kế hoạch đấu thầu, phấn đấu trong quý I (tháng 3/2022) đưa được 7 triệu liều vaccine về tiêm cho trẻ em; trong quý IV đưa về nốt 14,9 triệu liều.
(Báo Sức khoẻ và đời sống)
*Họp báo Chính phủ: Bộ Y tế trả lời nhiều vấn đề 'nóng'
Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, lãnh đạo Bộ Y tế đã trả lời một loạt vấn đề nóng, được dư luận quan tâm liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, báo chí nêu câu hỏi: Trong những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 tăng rất cao, đề nghị Bộ Y tế công bố dự đoán diễn biến dịch và khả năng sẵn sàng đáp ứng của ngành Y tế trong trường hợp số ca mắc tiếp tục tăng cao?
Vì số ca nhiễm tăng cao, nhu cầu về kit xét nghiệm những ngày qua tăng mạnh dẫn đến chuyện khan hiếm hàng, cháy hàng, nâng giá, xuất hiện tình trạng nhiều hàng hóa trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Vậy Bộ Y tế và các cơ quan quản lý có giải pháp gì để hạn chế tình trạng này?
Báo chí cũng đề nghị Bộ Y tế cho biết quan điểm về ý nghĩa và tính cần thiết của việc thống kê số ca nhiễm mỗi ngày cũng như việc cách ly F1 trong bối cảnh số ca F0 đang quá nhiều, ví dụ việc cách ly 5 ngày đối với F1 đã tiêm đủ vaccine dẫn đến thực tế nhiều cơ quan, đơn vị đang thiếu nhân lực trầm trọng để làm việc?
Bên cạnh đó, báo chí cũng đề nghị Bộ Y tế nói rõ về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi trong thời gian sắp tới.
Vì sao F0 tăng cao?
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Từ khi Việt Nam xuất hiện COVID-19, virus SARS-CoV-2 thường xuyên có biến chủng: Alpha, Beta, Gamma, Delta và Omicron.
Chủng Delta đã gây ra đợt dịch thứ 4 trong Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam có tốc độ lây lan trên 3 lần so với chủng cũ. Chủng Omicon lây lan tăng trên 2 lần so với chủng Delta, như vậy tốc độ lây lan của chủng Omicon gấp 5 lần chủng cũ. Đây là nguyên nhân gây tăng cao ca F0.
Thứ hai, chúng ta đã có tỷ lệ bao phủ vaccine rất cao, từ 18 tuổi trở lên cơ bản mũi 1 đã tiêm xong, mũi 2 đạt xấp xỉ 98%, trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm mũi 1 đạt 98%, mũi 2 khoảng 96-97%. Với độ bao phủ vaccine như vậy, một số bộ phận người dân cho rằng đã tiêm vaccine rồi nên tư tưởng chủ quan.
Khi có độ bao phủ vaccine như vậy, chúng ta lại có những yếu tố cơ bản như thuốc điều trị, do vậy đã chuyển hướng, từ phát hiện, ngăn chặn, khoanh vùng, dập dịch, chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt và mở các hoạt động, nhưng vẫn tuân thủ các nguyên tắc mà Thủ tướng đã chỉ đạo đó là 5K+vaccine, thuốc, công nghệ và ý thức của người dân.
Tuy nhiên, khi chúng ta mở ra như vậy, một bộ phận người dân có tư tưởng chủ quan, không thực hiện nghiêm nguyên tắc trên. Từ đó, tốc độ F0 tăng cao.
Không quá lo lắng
Tổ chức Y tế thế giới đã nhận định chủng Omicron đang lây lan rất nhanh, chưa từng thấy. Năm 2022, tình dịch dịch vẫn diễn biến phức tạp, chưa thể chấm dứt. Nhưng chúng ta cũng không quá lo lắng. Việt Nam là một nước được đánh giá là Top 10 thế giới, đứng top 5 ở Châu Á, top 2 Đông Nam Á về tốc độ bao phủ vacine.
Thứ ba, hiện nay thế giới đã, đang nghiên cứu và đưa một số thuốc vào điều trị. Tại Việt Nam, ngày 17/2, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã cấp phép cho 3 giấy phép cho thuốc Molnupiravir để đưa vào điều trị.
Ngoài ra, chúng tôi đang tiếp tục làm việc với hãng Pfizer và một số hãng khác để đưa những thuốc được cấp phép trên thế giới vào lưu hành tại Việt Nam.
Thứ tư, chúng ta bước đầu có kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch. Lúc đầu ở Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), Trúc Bạch (Hà Nội), Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh và miền Nam…
Từ đó, Chính phủ đã đưa ra giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bằng Nghị quyết 128/NQ-CP. Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 4800, gần đây nhất, là ban hành Quyết định 218.
F0 tăng cao như vậy, đề nghị các cơ quan báo chí, các địa phương tuyên truyền vận động, các địa phương căn cứ vào đó để đánh giá cấp độ dịch để tổ chức các hoạt động mở trường học hay du lịch; nâng cao ý thức cho người dân, tham gia tích cực vào công tác tiêm chủng, tuân thủ hướng dẫn về dùng thuốc điều trị của Bộ Y tế.
Xử lý nghiêm các nhà thuốc găm hàng, tăng giá kit-test
Đối với kit xét nghiệm, cách đây 2 tuần, Bộ Y tế đã chủ động họp với các bộ ngành có liên quan: Bộ Công Thương, Tài chính, Kế hoạch đầu tư bàn về việc này; họp với gần 100 doanh nghiệp được Bộ Y tế cấp phép để cung cấp kit xét nghiệm.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã gửi công văn tới UBND các tỉnh để triển khai tăng cường công tác kiểm tra giám sát, tránh việc găm hàng, nâng giá và thực hiện không đúng.
Trong đó, Bộ yêu cầu doanh nghiệp phải nghiêm túc thực hiện công khai giá bán buôn, bán lẻ trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế, yêu cầu đại lý thứ cấp như nhà thuốc, hiệu thuốc, quầy thuốc…phải thực hiện niêm yết giá bán lẻ.
Những cơ sở nào không niêm yết giá bán lẻ, thì doanh nghiệp không cung cấp kit xét nghiệm nữa, đồng thời chính quyền địa phương vào cuộc kiểm tra, xử lý.
Để tránh tăng giá, cũng cần ý thức của người dân, phải tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế, chỉ mua khi cần, không quá nôn nóng mà mua dự trữ, làm mất cân bằng cung cầu. Dùng đến đâu mua đến đấy.
Bộ Y tế cũng có hướng dẫn xét nghiệm mẫu gộp. Trong một gia đình, có thể xét nghiệm nhanh mẫu gộp 2 người.
Như chủng Omicron, 2-3 ngày mới có 1 chu kỳ lây nhiễm, như vậy khoảng 2-3 ngày xét nghiệm 1 lần, như vậy giảm được nhu cầu sử dụng. Và cuối cùng là tăng cường kiểm tra, thanh tra để xử lý các trường hợp vi phạm.
Việc thống kê số F0 là vẫn phải làm bình thường
Về công bố số ca F0 hàng ngày, chúng ta qua 3 đợt dịch và bây giờ đang ở đợt dịch thứ 4. Ban đầu chúng ta thực hiện nguyên tắc phát hiện, ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả.
Bây giờ chúng ta đã chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả, với nguyên tắc 5K+vaccine, thuốc, công nghệ và ý thức.
Theo nguyên tắc thích ứng linh hoạt, trước diễn biến tình hình chủng Omicron, việc thống kê số F0 là vẫn phải làm bình thường để phục vụ cho công tác dự báo, dự đoán, nghiên cứu, từ đó đưa ra các biện pháp phòng chống dịch cũng như các biện pháp phát triển kinh tế.
Thời gian cách ly F1: Điều chỉnh liên tục chứ không phải cố định, bất biến
Về quy định cách ly F1 5 ngày, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Mục tiêu của chúng ta là giảm sự gia tăng số ca F0.
Ban đầu, khi chưa có vaccine, Bộ Y tế đưa ra quy định cách ly 28 ngày, bởi vì khi đó là bệnh truyền nhiễm nhóm A mới nổi, chúng ta chưa hiểu biết về nó.
Sau quá trình nghiên cứu, hiểu được, tiếp cận nguồn vaccine, chúng ta đưa xuống cách ly 14 ngày, xét nghiệm 3 lần (ngày 1, 7, 14).
Sau khi độ bao phủ vaccine tăng lên, chúng tôi hướng dẫn cách ly 5-7 ngày; đối với người nhập cảnh, hướng dẫn về tự theo dõi sức khỏe tại nhà 3 ngày…
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, lãnh đạo Bộ đã nhận được phản ánh về vấn đề này. Bộ Y tế đã giao cho Cục Y tế dự phòng chủ trì nghiên cứu, với diễn biến tình hình như trên, với vaccine, thuốc chúng ta tiếp cận được, Cục Y tế dự phòng sẽ tham mưu cho Bộ Y tế điều chỉnh. Cái này là điều chỉnh liên tục chứ không phải cố định, bất biến.
Tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi: An toàn là trên hết
Về tiêm vaccine cho trẻ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Khi xây dựng kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xin ý kiến các bộ, ngành.
Sau khi tổng hợp các ý kiến, Bộ đã báo cáo Chính phủ. Chính phủ cũng đã có Nghị quyết đồng ý mua vaccine tiêm cho đối tượng từ 5-11 tuổi với số lượng 21 triệu liều tiêm cho khoảng 11,9 triệu trẻ với 2 mũi tiêm.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định cho phép Bộ Y tế mua vaccine phòng COVID-19 theo cơ chế đặc thù.
Đặc biệt, Bộ Y tế đã lấy ý kiến cộng đồng, nhất là phụ huynh học sinh từ 5-11 tuổi, trong đó tỷ lệ phụ huynh đồng ý cao tiêm cho trẻ khoảng 78%.
Cùng với khảo sát của Ban Tuyên giáo, Bộ Y tế nhận thấy, cơ bản người dân rất đồng tình với việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ ở nhóm tuổi này.
Bộ Y tế đã làm việc với hãng Pfizer để xây dựng dự toán và kế hoạch, để phấn đấu trong tháng 3 này, chúng ta đưa được 7 triệu liều vaccine Pfizer về tiêm cho trẻ. Trong quý IV, đưa số vaccine còn lại về Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian tiêm sẽ kéo dài sang năm sau, vì sau tiêm mũi 1 sẽ phải có thời gian để tiêm mũi 2.
Trả lời thêm về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh: Đây là vấn đề rất quan trọng và phải thận trọng từng bước. Bộ Y tế cũng đã rất thận trọng, phải tham khảo kinh nghiệm của nhiều quốc gia và phải đặt tính an toàn lên trên hết.